TTCT - Xưa nay ai mà chẳng phải chết, từ vua chúa, khanh tướng, công hầu đến dân đinh. Nhưng đối diện với cái chết như thế nào là một chuyện đáng để suy ngẫm. Một bạn đọc ở Long An viết cho bác sĩ: “Ba tôi 60 tuổi, vừa được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư thận. Ba tôi rất sợ hãi, lo lắng... Ông trở nên cộc cằn, gây gổ với mọi người, có lúc lại im lặng đến đáng sợ. Hàng xóm nhà tôi có bác N.T.N., 65 tuổi, bị ung thư gan giai đoạn cuối. Sau thời gian ngắn bị khủng hoảng nặng, bác lo cưới vợ sớm cho đứa cháu đích tôn, sửa sang mồ mả cho cha mẹ và cùng bác gái đi du lịch. Bác ấy vừa ra đi rất nhẹ nhàng. Làm sao để ba tôi được như bác ấy...?”. Những ai giã từ cõi đời trong trạng thái tỉnh táo, nhẹ nhàng thì được xem là có phước đức. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị thì cái chết có thể sẽ nhẹ nhàng. Đối mặt với tử thần Chúng ta không thể lựa chọn thời điểm giã từ cuộc đời nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ để đối diện với cái chết. Con người ai cũng mưu cầu hạnh phúc nhưng đa số có khuynh hướng lựa chọn con đường đau khổ khi đối mặt với cái chết. Vì sao thế? Trong đời sống hằng ngày chúng ta để nỗi sợ dẫn dắt suy nghĩ và hành động của mình, nên khi biết cái chết sẽ đến trong một thời gian ngắn nữa chúng ta bị “nó” khống chế suy nghĩ và từ đó điều khiển luôn hành động. Chính sự hoảng loạn đã tước mất cơ hội để sống những ngày cuối cùng cho ra “sống”. Cho nên dễ hiểu và thông cảm khi chứng kiến những hành vi không bình thường của người bệnh, họ hành động, nói năng, phản ứng để che giấu nỗi sợ hãi đang ngập tràn trong lòng họ. Làm sao để không sợ? Sẽ không quá khó để giải thoát khỏi nỗi sợ cái chết. Có rất nhiều người đã vượt qua được cảm giác này như trường hợp bác N.T.N. mà bạn đọc nêu ra. Và tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều người thoát được nỗi sợ hãi này. Với những ai mà quỹ thời gian còn lại trên cõi đời rất ngắn, đầu tiên nếu bạn sợ thì xin hãy ghi nhận rằng bạn đang sợ chết. Nhận diện đơn thuần cảm giác sợ này là bạn đã làm chủ được tình hình. Đừng chối bỏ, đừng đè nén vì cảm giác như dòng sông, chúng ta ngăn dòng chảy của dòng sông chỉ làm chúng tràn bờ một cách hung hãn hơn mà thôi. Cảm giác đến rồi đi, cảm giác sợ rồi cũng sẽ đi, nhường chỗ cho cảm giác không sợ, đó là sự thật - thật như tất cả dòng sông đều chảy. Kế đến, khi đã làm chủ được tâm trí, hãy sống trọn vẹn và hết mình với giây phút hiện tại, quan sát những gì đang xảy ra trong và xung quanh bạn, đừng để lo lắng về tương lai chi phối. Sống trọn vẹn với hiện tại sẽ giúp bạn khám phá những điều mới mẻ, kỳ diệu mà thường ngày bạn không nhận ra. Bên ngoài cửa sổ căn phòng của bạn có biết bao điều mầu nhiệm mà trước kia vì những lo toan, dự tính nên bạn không cảm nhận được. Những người thân ở xung quanh bạn đang chăm sóc, yêu thương bạn một cách vô điều kiện nhưng có thể bạn không nhận ra. Đồng thời sống trọn vẹn trong từng phút giây sẽ giúp bạn minh triết hơn, có cách ứng xử với bản thân, người xung quanh, môi trường xung quanh sâu sắc hơn. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại sẽ làm nỗi sợ, ám ảnh về cái chết không chiếm ngự trong tâm trí bạn nữa. Khi đó bạn được giải thoát. Bạn có thấy cánh hoa phượng không? Chúng vô tư cống hiến sự tươi trẻ của mình cho mùa hè đến giây phút cuối cùng trước khi theo gió rơi xuống thành rác. Sao không bắt chước cánh hoa kia cháy hết mình, cánh phượng nhẹ nhàng rơi. (*) Sống trọn vẹn với hiện tại Những người mà quỹ thời gian sống còn dài cũng nên tập sống trọn vẹn với hiện tại ngay từ hôm nay. Bạn hãy sống chính cuộc sống của bạn, với địa vị hiện tại, công việc hiện tại. Sống hết mình với cuộc sống của bạn ngay từ bây giờ với những điều kiện của bạn, đừng để mệnh đề “Đợi đến khi... tôi sẽ...” xảy ra trong suy nghĩ và hành động của bạn. Đợi đến khi làm được nhà tôi sẽ đón cha mẹ lên chơi, đợi khi lên chức tôi sẽ làm đám cưới... sống trong chờ đợi như vậy không phải là sống. Sống trọn vẹn từng phút giây của hiện tại sẽ làm bạn ung dung tự tại dạo chơi trong cuộc đời này mà không bị bất kỳ nỗi sợ nào lôi kéo. Một triết gia đã nói: “Ai biết cách chết sẽ biết cách sống”. Cái chết rất cần cho sự sống. Trong cơ thể chúng ta một phút có biết bao tế bào chết để sự sống của cơ thể được vẹn toàn. Con người là một tế bào của vũ trụ nên trong một phút có nhiều người phải chết, điều này là tất nhiên cho sự sống trên vũ trụ này. Chết không phải là hết. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, suy nghĩ, thái độ và hành động của bạn dù nhỏ nhặt nhất đến to lớn nhất đều đang và đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người thân xung quanh bạn, cha mẹ, con cái và cháu chắt bạn. Hạnh phúc hay khổ đau? Tôi dám tin rằng con cháu nào cũng muốn cha mẹ, ông bà mình khi còn hiện diện thì vui, khỏe, còn khi phải về thế giới bên kia thì ra đi trong sự thanh thản. __________ (*) Trích lời bài hát Hà Nội và tôi của Lê Vinh.
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.