TTCT - "Tất cả những gì tôi viết bằng tiếng Việt đều là thư tình gởi cho quê hương tôi" - Giáo sư Cao Huy Thuần. Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024) nói vậy trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, và những độc giả dõi theo ông đều có thể nhận ra đó là một diễn ngôn chân thật của một người nhận thức sâu sắc về nghiệp viết của mình - trải lòng về những điều hệ trọng của quê hương, của văn hóa dân tộc. Ông đã luôn viết với tư cách trí thức không thể tách rời. Và may mắn cho độc giả yêu văn chương, người trí thức ấy còn là một văn tài hiếm có - dụng chữ, chuyển ý tài tình.Giáo sư Cao Huy Thuần với các nhà sư sau một buổi thuyết trình tại Thương Bạc, Huế, trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Ảnh: HOÀNG ĐỘHãy cùng đọc lại một áng văn của Cao Huy Thuần trong những giờ phút ông nhìn thấy nơi mình có cả "thiên thu Việt Nam": "Tôi nhìn đốm hương và nghe lời Đức Phật: con người không phải chỉ có cái thân; con người là thân, miệng, ý. Trong con người Việt Nam của tôi, máu của tiền nhân đã đổ xuống chảy vào máu tôi; tiếng Việt ngọt trên lưỡi tôi; thơ Nguyễn Du thơm trong từng da thịt tôi; vinh quang của Việt Nam nằm trong tâm khảm tôi từ nhỏ. Tiếng Việt không phải từ trên trời rơi xuống nơi lưỡi tôi, Nguyễn Du không phải từ dưới đất chui lên trong thịt da tôi, vinh quang không phải bỗng dưng mọc ra trong ý tôi; máu ấy, văn hóa ấy, ý thức cộng đồng ấy, tất cả những gì làm ra tôi ngày nay đã sống tự thiên thu và còn sống mãi tận thiên thu [...]. Như vậy đó, tôi nhìn và thấy tôi trên đốm hương: như là con người, như là con người gia tộc, như là con người Việt Nam, tôi hiện diện từ thiên thu. Nơi tôi có thiên thu Việt Nam". (Thấy Phật, Phương Nam và NXB Tri Thức)Càng đọc ông càng thấy tinh thần ái quốc là một tâm thế sống còn của bậc trí giả. Trí nhớ tuyệt vời của ông lưu giữ một kho tàng chuyện kể về sử Việt, văn nhân, kẻ sĩ Việt, văn hóa Việt... Chất trữ tình của ca dao Việt, thi ca Việt; chất uyên bác của Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Vĩnh... "nhập" vào văn ông một cách tự nhiên.Sống tại Pháp phần lớn cuộc đời, nhưng thường trực trong tim óc ông khi viết, khi đọc luôn là đất nước Việt Nam. Với Cao Huy Thuần, "Tổ quốc mênh mông như bầu trời", và ông không ở bên ngoài, ông ở ngay dưới bầu trời đó thôi, với một tình cảm vô biên dành cho dân tộc mà ông mong mỏi ngày càng lớn mạnh, khả ái, tự do.Trong những ước vọng cho quê hương, mong người Việt không phân biệt trong - ngoài, không còn thù hận thắng - thua, biết "viết lịch sử thông minh" để xóa nhòa các vết thương là một nỗi niềm đau đáu của ông: "Hỡi các chiến sĩ đã chết! Hãy linh thiêng xóa tan biên giới trong đầu người sống! Chỉ còn biên giới hải đảo đất nước mà thôi để bảo vệ, không phân biệt 1974, 1979 hay 1988. Đất nước ấy còn thì người chết cũng sống. Đất nước ấy mất thì người sống cũng thành chết". (Sợi tơ nhện, NXB Trẻ).Viết là cách để người trí thức như ông dấn thân tìm các giải pháp cho những ước vọng về quê hương. Ông buộc mình viết cả một cuốn sách chỉ từ một vấn đề trong một lần trả lời báo Tuổi Trẻ quanh việc suy thoái đạo đức trong xã hội: "Tại sao chúng ta, nghĩa là chính các thầy cô, không cùng nhau viết một sách giáo khoa dạy đạo đức làm người cho con trẻ từ 6 đến 12 tuổi?". Cuốn Nhật ký sen trắng - "một thứ luân lý ứa ra từ trái tim" - ra đời từ đó, với lời mở đầu ngân lên hai chữ Việt Nam: "Với tâm hồn Việt Nam, tác giả tin rằng bất cứ ai đọc cũng nghĩ rằng tác giả không nói gì khác hơn đạo đức Việt Nam".Ảnh: Linh ThoạiCao Huy Thuần thường luận về đạo đức như khí giới "cao hơn cái hàng rào của xã hội", giữ cho dân tộc trường tồn. Với những người nắm giữ vận mệnh đất nước, ông tin trong chính quyền có trí thức khi gửi gắm: "Đạo đức nào hiện nay cũng cấp bách, nhưng cấp thiết nhất là đạo đức giữa chính quyền và dân chúng; đạo đức ấy có thì đạo đức trong gia đình, đạo đức trong học đường, đạo đức trong xã hội sẽ tái lập... Không gì may mắn cho đất nước hơn là chính quyền tự đảm nhiệm chức năng trí thức cùng với trí thức. Nghĩa là chức năng nhìn lại mình và luôn luôn đặt lại vấn đề để thấy cái gì là cũ, là lạc hậu, phải vượt qua". (Đến với Phật cùng tôi, NXB Hồng Đức).Với người trẻ, vì văn hóa - sức mạnh mềm của đất nước, ông khẩn khoản trong quyết liệt: "Hãy là Nguyễn Trãi, các bạn trẻ của tôi!". "Tôi mong giới trẻ hãy đọc lại Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi ở Lam Sơn. Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Con người đẹp lạ lùng. Người trí thức tinh hoa của lịch sử, của văn hóa Việt Nam [...]. Giới trẻ hãy đọc mấy câu đầu của Bình ngô đại cáo để suy ngẫm: "Nước ta là một nước văn hiến"[...]. Nấc thang cao nhất để ta đứng trên đó mà cư xử ngang nhau với phương Bắc là nấc thang văn hóa. Cũng trên nấc thang đó, Nguyễn Trãi khẳng định: Văn hóa của ta khác văn hóa của ngươi. Cái rốn tư tưởng của ta ở bên này bờ cõi của ta: Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác. Đó là tuyên ngôn độc lập văn hóa mà xin giới trẻ đừng quên". (Chuyện trò, NXB Trẻ).Nhìn tác giả Cao Huy Thuần ở góc độ một "người sống với đạo Phật", có thể thấy ông nâng niu văn hóa Việt cũng còn vì văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa đã không chia tách với văn hóa Phật giáo - một suối nguồn mát lành nuôi dưỡng các phẩm chất từ ái, hòa hiếu và dũng khí của người Việt.Nền văn học sử của chúng ta thật vinh hạnh khi có sự góp mặt của một nhà văn kiêm một trí thức uyên thâm như ông - trân quý từng giá trị Việt, liên tục tự - suy - nghĩ, phản biện, góp tiếng nói trên nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, luân lý, triết học, chính trị...Nhiều độc giả được văn ông chiêu cảm không chỉ từ những câu chuyện lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ mà còn bởi ngôn ngữ thắm thiết đạo tình của một người thật sự tắm mình trong dòng chảy tiếng Việt mến yêu.Có người viết tiếng Việt nào đã viết về chữ quốc ngữ một cách say đắm, kính ngưỡng và nên thơ như nhà văn Cao Huy Thuần: "Chữ quốc ngữ của tôi là hoa sen cắm trên bàn thờ [...]Nó là cuộc đời tôi, là say mê của tôi, là vàng ngọc của tôi, là sự sống của tôi, là chữ nghĩa của tôi, là lồng ngực của tôi thở trên mỗi trang giấy viết, từ lớp tư cho đến bây giờ, cho đến khi gục chết trên chữ". (Sen thơm nắng hạ quê mình, Khai Tâm và NXB Tri Thức).Nuôi dưỡng tình cảm sâu nặng như thế gần 90 năm tại thế, xa xôi địa lý mà gần quê hương trong hơi thở, văn chương của Cao Huy Thuần đã làm giàu đẹp thêm cho tiếng Việt - hồn Việt rất nhiều. Chia tay ông, đọc lại những tình tự trong tùy bút Giao thừa (Sen thơm nắng hạ quê mình), thấy rung cảm theo từng hơi văn, thấy thương quý ông - đứa bé, chàng thiếu niên, người cha, người ông, người con nước Việt... vô cùng. Con người Việt Nam ấy, khối óc đã không ngừng tìm kiếm và trái tim luôn "nhảy lên" với từng cái đẹp của sự sống nhiệm mầu. Con người luôn xiển dương chân - thiện - mỹ ấy, bằng ngôn từ lắng dịu chất thơ, cũng đã vỗ yên những cơn sóng lòng khi chia biệt: "Tất cả đều xa vắng để trở thành nhớ nhung"...Cuốn sách cuối cùng của Giáo sư Cao Huy Thuần (Ảnh: Linh Thoại)■ Tags: Giáo sư Cao Huy ThuầnThấy PhậtTiếng ViệtSợi tơ nhệnNhật ký sen trắng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.