Cao su rụng lá

TTCT - ..... Cứ thế Kép bám vô rừng hết nguyên sinh đến người sinh mà qua hết các thì. Nhờ cành cao su mà bầy con Kép học hành đến đầu đến đũa chứ không chơi...

Minh họa: Mặc Tuân
Minh họa: Mặc Tuân


Bông đùa như một diễn viên đang tấu hài mua vui cho bà con cô bác, Năm Kép trả lời câu hỏi vì sao lớn nhứt nhà mà lại năm chứ không là hai như bao gia đình khác ở xứ này:

- Biết sao không? Tại trước tao còn có ba bà chị. Bà hai bà ba bà tư rời khỏi trần gian ô trọc này khi vừa mới ra đời. Vậy nên tao thứ năm. Còn Kép là bà nội tao đặt chứ ông bà già không có tí quyền gì trong chuyện đặt tên con cái trong nhà. Bà nội tao là một Lý Phi Nương thứ thiệt, má tao kể vậy...

- Lý Phi Nương là ai?

- Là bà má chồng ác nghiệt trong tuồng cải lương Lâm Sanh Xuân Nương...

Từ cái thuở xa xưa nào đó bà nội góa chồng của Kép hứa hẹn sẽ sui gia với một bà bạn cũng góa chồng khi cha Kép còn cởi truồng tắm mưa. Lớn lên cha Kép lại phải lòng một nhan sắc tầm chim sa cá lặn là bà Loan - người Kép gọi bằng má:

- Tụi mày thấy tao năm mươi rồi mà còn đẹp trai không? - Kép hỏi bạn nhậu.

- Quá đẹp luôn. Mày mà ăn học đến nơi đến chốn không chừng bây giờ là dziễn dziên.

- Tao đẹp dzầy, em tao đẹp cỡ đó thì má tao nhứt sóc nên ông già tao mê là quá xá đúng. Kẹt cái bà nội Lý Phi Nương không ưa bà già tao. Đó là lý do tại sao tao ra đời ở trong rừng.

Những tưởng đẻ xong là má chồng sẽ đổi thái độ với một đứa con dâu không cưới hỏi. Ngờ đâu ra đời được một ngày là thiên thần về trời không rõ nguyên nhân. Ba năm liền ba đứa.

Bà má chồng mê tín thuộc loại trời thần đất lở cho rằng con trai đã lấy nhầm một loại chúa của hồ ly nên đẻ ra con ranh con lộn. Nhưng không sao, ông bà có câu chồng ghét thì ra mụ gia ghét thì vào. Chồng thương vợ quá nên rất dịu dàng nói với mẹ rằng:

- Bà mà khó quá là tui ra ở riêng à.

Khì khì khì - Năm Kép tiếp tục - Ông già tao là bất hiếu loại chúa. Ông bà nội tao cho đi học bây biết ổng học ở đâu không? Ở ngoài sông cái chớ đâu. Ông nội tao ra sông thì ổng dông tuốt vô rừng. Về sau ông nội tao bắt theo xe bò vô rừng kéo be luôn. Để ở nhà thiên hạ đến mắng vốn ngày cũng mười tám giác.

Biết tính con trai nói là làm nên bà già không thèm mè nheo mà im như người câm. Trong nhà con dâu hỏi mà mẹ chồng không ư hử thì có mà chết cho rồi. Vậy nên bà Loan xin chồng theo vào rừng cho vui. Chồng hiểu nên ô kê cái rụp liền.

Nói về sự ra đời của mình, Năm Kép rành như anh ta đích thân cắt rún cho mình vậy. Đang kéo một lóng cây cả một kíp rưỡi thì bà Loan đau bụng. Rất bình tĩnh vì vụ đỡ đẻ cha Kép rành không thua bất kỳ ai làm nghiệp này.

Chả là bà nội của Năm Kép là bà mụ chính danh, trang lứa Năm Kép ai cũng được bà móc miếng vỗ mông. Ba bà chị vắn số cha Kép phụ mẹ nên rất rành:

- Nói thiệt với tụi bây, tao sanh non nên như dzầy chớ đủ ngày đủ tháng không chừng giờ tao là ông này bà nọ.

- Mày sanh thiếu tháng hả?

- Không. Thiếu ngày... Thiếu mười ngày.

Cả bọn đang khề khà chén rượu lăn ra cười vì cái hài hước của Kép. Đã nói Kép rất có duyên chọc cười thiên hạ bởi cái giọng tưng tửng và bộ mặt tỉnh khô.

- Sư cha mày. Sao biết thiếu mười ngày? Mẹ... thiên hạ sanh thiếu hai ba tháng là thường thôi ông con.

Ông cha cắt rốn cho Kép bằng lạt giang, quấn lại bằng cái áo hôi rình mùi mồ hôi của dân cật lực với rừng. Lóng be được tháo xuống và sản phụ nằm ôm con trên cái sạp bằng cây rừng ung dung về nhà. Bà má chồng thấy dâu đẻ cháu trai mừng đến sa nước mắt.

Bà thắp một bó nhang to đùng cầu xin với đất trời thiên địa, có bao nhiêu ông thánh bà thần trên đời bà dập đầu xin đừng có ăn cắp cháu của bà đi nữa. Lời cầu xin ứng nghiệm. Kép mạnh khù, nhanh như con sóc rừng và vô cùng hiếu động. Sau đó bà má đẻ tiếp.

- Biết sao tao tên Kép mà thằng em tao tên Nhứt không?

- Sao?

- Là bà nội tao mê lắm cái cải lương tuồng. Tao chưa thấy ai thuộc cải lương và nước mắt ròng ròng khi nghe tuồng chứ đừng nói coi. Bả chửi bà Tào Thị với bà Lý Phi Nương thiếu điều tắt bếp. Vậy mà bả cũng không thua.

Tên anh em tao bả đặt hết. Đã kép thì phải nhứt. Kế là con Đào, cuối cùng là thằng Nhì. Kép Nhứt Đào Nhì tụi mày thấy vần không? May mà ông già tao chết sớm, bằng không anh em tao cả trung đội chứ không ít.

- Sư mày... cha chết mà may. Ông già mày sao chết?

- Ông già tao là bộ đội địa phương. Xứ mình năm đó cộng hòa phối hợp với lính Mỹ đi càn dữ lắm. Bên càn bên tập kích ông già tao bị một phát ép tay (M16) vậy là lên bàn thờ ngồi.

Sau thống nhất đất nước, nhà Kép cũng liệt sĩ như ai, kẹt cái lúc đó cán bộ đương chức đương thời còn hẻo. Cái năm bo bo độn mì, ai ngủ thức dậy cũng bị hai cục ghèn nặng cả ký ngồi gỡ thiếu điều sứt hết lông mi, riêng anh em nhà Kép no như cưỡng.

Chả là Kép là sư thúc tổ kiếm lộc từ rừng. Thiên hạ khai thác lâm sản bị hốt cả người lẫn dụng cụ, riêng anh em Kép thì không, chả phải nhờ cái uy liệt sĩ chi ráo. Kép là tổ sư trèo cây hái trái. Đảm bảo nguyên cả vùng miền Đông Nam bộ không ai sành rừng cho bằng Kép.

Nhìn cái lá Kép biết ngay cây gì. Đã nói dân ra đời trong rừng chứ đâu phải giỡn chơi. Thiên hạ muốn có trái cây rừng đem bán thì hì hụi hạ cây. Kép nhoáng một cái là đã lên đến ngọn. Nào chôm chôm rừng, bù lộp, vú heo, xay, gùi, vò viên... ngày nào con em gái tên Đào cũng có thức đem bán ở chợ.

Trái cây rừng một thời gian dài nuôi hai đứa Đào và Nhì ăn học. Riêng Kép và Nhứt thì chưa tốt nghiệp lớp bốn là nghỉ luôn. Không có cái bỏ vô miệng ở đó mà học với hành.

Nhưng rừng miền Đông bị tàn phá cấp kỳ. Các nơi đổ xô vào ra tay tàn phá kiếm nương rẫy cho qua thì đói rách. Kế là ông Nhà nước đưa dân đi lập kinh tế mới. Cuối cùng là cả vạn hecta rừng ra đi nhường chỗ cho những nông trường cao su.

Vùng rừng Kép nương nhờ nhanh chóng biến khỏi trần ai. Nhưng không sao. Không còn rừng nguyên sinh thì ta có rừng con người sinh. Kép bò vô rừng cao su cổ thụ từ thời Pháp còn xâm lược xứ ta kiếm ăn.

Cao su ở những vùng này có cây lớn hơn một vòng ôm người lớn. Cành khô trên loại này rất nhiều. Dân lấy củi khô chủ yếu bằng câu liêm. Kép thì không. Anh ta trèo lên cây rồi dùng rựa chơi luôn cho nó nhanh. Cao su là tài sản quốc gia, vàng trắng chứ không đùa. Ai vào phá phách là tù như chơi, nhất là ăn trộm mủ. Kép không trộm, không phá.

Vả lại cành khô là kẻ thù của dân cạo mủ, đang cạo hoặc trút mủ mà một cành nổi ưng nhè cái đầu rơi xuống là mệt lắm. Có đội mũ bảo hộ thì cái đầu cũng vênh vang. Nên chi dân kiếm củi được vào. Nhưng trèo lên dùng rựa thì chỉ một Kép. Chả là thằng Nhứt qua thì khốn khó xin vô làm bảo vệ nông trường cao su. Con liệt sĩ thì bảo vệ là hết sức có lý.

Thiên hạ một quan là cả họ nhờ. Đằng này Kép nhờ thằng em bảo vệ có cành củi khô cũng chả gì là không có lý.

Thuở mà dầu hỏa chỉ sử dụng cho đèn hột vịt, mới tám giờ nhà nào cũng phủi chân lên giường chuyện trò trong bóng tối thì củi đuốc lên ngôi.

Dân thất nghiệp ở phố mua củi về nhà chẻ ra và bó lại bằng dây thun đi bán khắp hang cùng ngõ hẹp thì ba cái lò bún lò phở ở xứ ruộng chịu lắm cái anh củi cao su. Dân ruộng năm làm một vụ nên nông nhàn cũng vào lô kiếm thêm. Cành trên cây cao su đâu có mà khô hoài.

Thiếu đói khiến con người ta sử dụng thủ đoạn sao cho mình có cái ăn thì thôi. Một trong những chiêu trò là chặt rễ cao su. Bộ rễ mất, một cây gió ào qua là cao su ngã cái oành, kéo thêm vài cây khác ngã theo lúc ấy ta tha hồ mót.

Chiêu này rất mau bị phá sản. Bảo vệ thấy ra mùi phá hoại, giương súng lên và a lê hấp biến ngay. Rừng cao su là tài sản quốc gia. Đã cấm mà còn dám vào thì què chân ráng chịu.

Chỉ duy một Kép là được vào với tư cách trèo lên lấy cành như làm vệ sinh cho cây vậy. Thậm chí bảo vệ lô còn đến tận nhà rằng Kép ơi ở lô 2 có mấy cây cành khô dữ lắm, mày vô tỉa giùm cái. Vậy nên ngày nào Kép cũng có một xe đạp củi đầy ặp, đừng nói kiếm cơm, Kép kiếm cả vàng để cưới vợ nhờ vô vụ này luôn đó.

Nhưng quan trọng là, thiên hạ tự hỏi: Ở đâu mà ngày nào nó cũng có cành khô vậy kìa? Lại cành to nữa mới là kỳ quái. Hỏi. Kép nói tụi bây vô mà hỏi cây cao su chứ sao hỏi tao, còn chuyện tao được vào mà tụi mày không là bởi tao không chặt rễ phá hoại.

Và nhờ thằng Nhứt là bảo vệ nên ưu tiên tao. Với lại tao có cái bằng liệt sĩ thì tụi bây tị nạnh chi cho mệt người. Khà khà khà...

Cứ thế Kép bám vô rừng hết nguyên sinh đến người sinh mà qua hết các thì. Nhờ cành cao su mà bầy con Kép học hành đến đầu đến đũa chứ không chơi.

Nói cho công bằng là nhờ bà xã Kép phần hơn. Kép lấy trúng một em đẹp thì chớ còn tháo vát bậc nhất. Nghĩa là tháo xong rồi vác đi chứ không để đó như thiên hạ. Tiền củi đưa về bà xã nhân lên bằng cách ra chợ ngồi.

Thời mà kẻ nào buôn bán, cả buôn thúng bán bưng đều bị liệt hàng tư sản mại bản. Cà chớn là quý ông du kích tịch thu tất. Lúc này cái liệt sĩ mới phát huy chức năng. Bà má liệt sĩ tên Loan mắng vô mặt quý anh du kích con con rằng:

- Bà nội cha tụi bây. Cha bây không nhờ tao là cộng hòa nó cho lên bàn thờ ngồi rồi chớ bây nghĩa gì mà láu cá. Biết thằng Thâm chủ tịch huyện này không? Trước là lính của cha thằng Kép đó.

Vậy là bà xã Kép tha hồ bán với buôn.

Thời xăng dầu không còn quý như máu và thiên hạ bớt coi xe như con. Điện đóm tuy tràn khắp chợ thì quê nhưng mấy cái lò phở lò bún vẫn xài củi. Thời mủ cao su có giá dân đi mót một đêm kiếm vài ba trăm ngàn thì Kép vẫn cứ củi mà tới. Kép không đụng vô mủ vì đó là ăn cắp chứ mót con khỉ chi?

Công nhân cao su đang lên cao thiệt cao bởi giá cao su ngút ngút tận trời xanh, cả dân mót còn nghe ngọt như mật ong rừng. Giá mủ ba mươi nghìn một ký. Mót khơi khơi một đêm chục ký là thường.

Dân cạo chính thống sắm chiếc tay ga dễ hơn cán bộ thời bao cấp mua chiếc xe đạp Phụng hoàng. Ngon lành vậy bỗng nhiên giá tuột dốc thảm hại. Thảm chưa từng có bởi nghe đâu bên đối tác không thèm thu nữa mới là chết ông bà cố nội luôn. Bên trên bắt đầu thanh lý hàng loạt hàng loạt để xây dựng nhà máy với công ty.

Ai chết kệ ai, Kép vẫn tồn tại với cành khô cao su.

***

Bây giờ cả dân cạo cũng muốn rửa tay gác thùng gác dao nói chi dân mót. Có cho họ cũng không thèm bởi chả còn ai dính dấp vô mua bán mủ lậu nữa. Bên chén rượu, Kép trả lời câu hỏi vì sao cành cao su khô luôn có cho Kép lấy:

- Nói thiệt với tụi bây. Tao giờ cũng có tuổi rồi, giấu làm cái khỉ khô chi nữa, nói ra bây cũng không thể bắt chước mà làm được, có được chăng nữa cũng hết cơ hội rồi. Cao su xứ mình đang bị triệt để cho nước ngoài thuê mướn làm công ty. Sở dĩ cánh cao su bị khô là do tao.

- Mày trèo lên gọt vỏ thân cây hả?

- Ừ... Cứ cành nào tương đối lớn tao cạo quanh cho sạch cả lớp lụa thì cành đó phải chết thôi. Nhờ vậy nên tao có củi bán hoài.

- Tụi bảo vệ không biết à?

- Mày còn đoán trúng phóc nói chi bảo vệ lô. Nhưng tao là thằng biết sống biết chơi, biết cả mánh khóe kiếm ăn của bọn nó và giúp tụi nó kiếm ăn ngon nên nương nhau mà tiến tới. Hiểu không?

- Không. Hiểu chết tức khắc. Mày giúp cho tụi nó cái đếch gì?

- Khì khì khì... tụi mày biết lúc cao su có giá dân mót một đêm bị bảo vệ lô bắt cả tấn mủ chứ đâu có ít. Họ chỉ giao nộp cho nông trường một nửa thôi. Còn một nửa quăng cho mấy thằng buôn mủ lậu kiếm chác để nâng cao đời sống. Nương vô cái lương ba cọc ba đồng lấy đâu đi hát karaokê ôm. Tao nói tụi mày nghe kịp không?

- Kịp, nhưng giúp cái gì mà tụi nó để yên cho mày cạo vỏ cành cao su?

- Tao dẫn bọn mua mủ lậu vô cân mủ bị bắt. Chỉ đường cho tụi nó tránh bảo vệ nông trường.

- Là sao?

- Là bảo vệ lô bán mủ. Bảo vệ nông trường canh me bắt chớ sao. Khì khì khì... sau đó tao lại kêu lái khác vô mua lại mủ mà bảo vệ nông trường bắt. Bảo nào tao cũng chơi, vệ nào tao cũng biết. Anh em có qua có lại. Môi tao mà hở ra là răng tụi nó lạnh liền.

Để yên cho tao cạo vỏ cành cây cũng đâu có chết chóc chi ai. Tao nói tụi mày hiểu không?

Đến nước này mà không hiểu thì cái đầu toàn bã đậu chắc luôn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận