TTCT - Có lẽ một trong những hình ảnh người ta nhớ nhiều nhất về bộ phim Người đàm phán (tên nguyên tác: Bridge of spies) của đạo diễn Steven Spielberg là cảnh điệp viên Abel (Mark Rylance đóng) được cho ngồi vào ghế sau trên chiếc ôtô phía Liên Xô nhận ông về. Cái nhìn của luật sư Donovan băn khoăn cho số phận thân chủ Abel cũng thể hiện mối quan tâm của nhiều khán giả sau khi kết thúc bộ phim. Tom Hanks (phải) trong vai luật sư Donovan và diễn viên Anh Mark Rylance (giữa) trong vai điệp viên Abel trong "Người đàm phán" -orlandosentinel 1Những năm cuối thập niên 1950, cao điểm Chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua hạt nhân đến hồi gay cấn. Phương Tây lẫn Liên Xô đều tung điệp viên của mình vào lãnh thổ đối phương. Người đàm phán kể chuyện luật sư chuyên về bảo hiểm James Donovan (Tom Hanks đóng) được yêu cầu bảo vệ cho điệp viên Liên Xô Rudolf Abel bị bắt ở Brooklyn vì bị tình nghi thu thập thông tin tình báo. Một thủ tục đơn giản chỉ nhằm đối phó với công luận rằng Abel được xét xử công bằng. 2 Donovan miễn cưỡng nhận bào chữa cho “kẻ khốn nạn” Abel. Nhưng tiếp xúc với Abel, Donovan không khỏi ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh của người điệp viên kỳ cựu, tài hoa (Abel mê vẽ và vẽ chân dung khá đẹp), cách hành xử trọng danh dự, và đôi lúc cũng rất yếu đuối con người (qua cách ông xin được cho giấy, bút chì và... thuốc lá trong ngục). Donovan khẳng định việc thu thập bằng chứng chống lại Abel không hợp pháp và do đó, án tử cho Abel sẽ là một động thái chính trị yếu kém. Dù bị công luận gièm pha, nhà cửa bị tấn công, con cái bị đe dọa nhưng Donovan không lay chuyển. Ông thuyết phục thẩm phán đừng đưa Abel lên ghế điện: “Ông ta là một người lính, phục vụ trung thành cho đất nước mình và từ chối phản bội lý tưởng, chỉ kẻ hèn nhát mới từ bỏ phẩm giá trước khi từ bỏ chiến trường” và “nếu xử tử Abel thì ta sẽ theo đuổi lý tưởng (thượng tôn pháp luật) của mình ít hơn ông ta theo đuổi lý tưởng của ông ta sao?”. Dĩ nhiên, với cái nhìn của một luật sư bảo hiểm, Donovan đã chỉ ra lợi ích cho nước Mỹ khi giữ lại mạng sống của Abel: nuôi được một quân cờ đổi chác khi cần thiết. Những con cờ cần đổi chác ấy lần lượt xuất hiện: trung úy phi công Powers (Austin Stowell đóng) lái máy bay do thám U2 bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô, và cậu sinh viên Mỹ Pryor (Will Roges đóng) bị CHDC Đức bắt vào những ngày cuối lắp đặt bức tường Berlin. Bộ phim nhắc lại ký ức buồn thảm của Chiến tranh lạnh (những phân cảnh ở Đông và Tây Đức đổ nát sau thế chiến chỉ hai màu trắng đen u ám), những chiêu trò của các chính phủ. Bên cạnh Donovan, Abel xuất hiện không kém thuyết phục. Cả hai đều là những người cương trực phục vụ đất nước mình - những “người đàn ông bất khuất” (stoiki muzhik, như câu chuyện Abel kể cho Donovan về một người đàn ông trong làng không bao giờ chịu gục ngã khi bị binh lính đánh đập, khiến Abel ấn tượng đến suốt đời). Từ đó nảy sinh thiện cảm. Lòng cảm mến đã khiến luật sư Donovan băn khoăn liệu Abel có bị Liên Xô xử bắn sau khi được trao trả? Abel đã đáp: “Muốn biết, hãy nhìn xem khi trao trả tôi được ôm chầm hay phải ngồi ở ghế sau”. 3 Bộ phim hấp dẫn cả với những chi tiết nhỏ, ngậm ngùi. Vào ngày trao trả, không quân Mỹ đã gửi một đồng đội của trung úy Powers đến để nhận diện anh. Còn Abel? “Tôi đi từ khi còn trẻ, giờ chẳng biết có còn ai biết để nhận diện tôi” - Abel tâm sự với người luật sư ở bên kia chiến tuyến. Nhưng cũng có những điểm đạo diễn Steven Spielberg chưa thuyết phục khán giả. Trong khi nhân vật đáng ghét (với người Mỹ) Abel được thể hiện nhân văn và thiện cảm, thì hình ảnh người vợ của ông, một nhạc công đàn hạc, lại được mô tả khá cẩu thả, kệch cỡm. Hơn thế, những ai tìm hiểu thêm về Abel - do bộ phim được xây dựng từ những nhân vật và câu chuyện có thật - sẽ hiểu tuy phải “ngồi ở ghế sau”, nhưng khi về nước Abel không bị xử bắn như Donovan lo âu, cũng không bị ngược đãi. Ông đã được mời đứng lớp giảng cho các điệp viên hoạt động bí mật, tham gia làm phim. Nhưng dù sao, Steven Spielberg đã chọn cái kết điện ảnh như thế cho câu chuyện của mình. Những Donovan, Abel, Powers chỉ là những con người nhỏ bé trong trò chơi chính trị lớn: Abel chưa một phút đầu hàng, trở lại nước mình mà không biết điều gì sẽ đón đợi một điệp viên bị bại lộ. Trung úy Powers 25 tuổi đầy nhiệt huyết không biết nói với ai rằng mình đã không khai một chi tiết gì dù bị tra khảo. Nhưng “người khác nghĩ gì không quan trọng, quan trọng là mình biết mình đã làm gì” - lời Donovan khuyên giải Powers đã kéo bộ phim của Steven Spielberg từ đề tài to tát của hệ tư tưởng thời Chiến tranh lạnh xuống thành câu chuyện về những con người phẩm giá. ■ Tags: Điện ảnhCâu chuyện về những con người phẩm giáNgười đàm phánTom hanks
Lào Cai xác nhận có vụ sạt lở đất vùi 8 ngôi nhà, 18 người chết và mất tích CHÍ TUỆ 11/09/2024 Đến cuối ngày 11-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 7 thi thể nạn nhân vụ sạt lở đất, vẫn còn 11 người mất tích.
Úc hỗ trợ Việt Nam 3 triệu đô, hàng cứu trợ đã đến Hà Nội DUY LINH 11/09/2024 Tối 11-9, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông báo nước này sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD (đô la Úc). Một lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên cũng được chuyển đến trong ngày 11-9.
Giải cứu nhiều người mắc kẹt ở khu dân cư sát sông Hồng HỒNG QUANG 11/09/2024 Tổ 1 phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội) bị cô lập do nước sông Hồng dâng nhanh, ngập đường sâu 2-3m. Nhóm bạn trẻ chèo SUP đã hỗ trợ nhiều người ra vào từ chiều đến khuya 11-9.
1,4 triệu đồng gửi lúc tối của bác tài xế xe ba gác quê Nghệ An AN VI 11/09/2024 Nhiều doanh nghiệp đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ đóng góp cho bà con miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ.