Câu trả lời cho giá vàng

LÊ NGUYÊN MINH 15/10/2011 21:10 GMT+7

TTCT - So với giá vàng thế giới đã quy đổi, giá vàng trong nước còn cao hơn 870.000 đồng/lượng (Tuổi Trẻ ngày 12-10). Đây là mức chênh lệch gần sát với kịch bản mà các chuyên gia đưa ra khi Nhà nước chính thức cho một số ngân hàng tái lập việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài (ngày 6-10) nhằm bình ổn thị trường vàng trong nước.

Còn sớm để nói đến chuyện thành công, nhưng so với mức chênh lệch giá thế giới có lúc lên đến 2-4 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước dần đi vào quỹ đạo quản lý mong muốn.

Phóng to
Lượng vàng lớn trong dân nếu biết cách khai thác sẽ đem lại nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế - Ảnh: T.Đạm

Một số chuyên gia trong ngành nhận xét rằng việc cho một số NH mở tài khoản vàng ở nước ngoài đồng thời với việc cho phép sử dụng nguồn vàng người dân gửi, dù mới là thí điểm, để bổ sung cho thị trường là một hướng đi đúng.

Bình thông nhau

Việc cho mở tài khoản vàng ở nước ngoài đã có từ những năm 2002-2004 trong điều kiện giá vàng trong nước và nước ngoài chênh lệch quá cao, giống như hai ba năm trở lại đây. Giai đoạn đó các NH huy động vàng của dân và theo quy định được bán 30% lượng huy động được để chuyển đổi qua tiền đồng, dùng tiền đồng đó đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nhưng câu chuyện thực tế xảy ra là huy động được, bán hết rồi khó mua lại. Không có chỗ mua, các NH thương mại xin phép NH Nhà nước cho đi mua ở nước ngoài để bù lại chỗ đã bán thông qua chế độ cấp phép nhập khẩu vàng. Nhưng từ việc xin phép cho đến lúc được nhập cần phải có một khoảng thời gian. Việc nhập khẩu vàng phải được cân đong đo đếm kỹ, cần bao nhiêu là vừa, cho ai nhập, sử dụng ngoại hối thế nào... Đương nhiên có rủi ro cho các NH nhập vàng về vì có khi giá tăng, bị lỗ.

Vì thế NH Nhà nước mới tìm cách xem có thể bán và mua trong cùng một ngày. Thậm chí trong vòng một giờ NH có thể bán vàng trong nước, đồng thời mua luôn ở nước ngoài. Một mặt vẫn duy trì cấp phép nhập khẩu vàng, một mặt vẫn tìm xem biện pháp kỹ thuật nào có thể cho phép làm như vậy theo nguyên tắc mua để bù lại cái đã bán. Một giải pháp kỹ thuật đã ra đời: mở tài khoản vàng ở nước ngoài.

Có thể hiểu đơn giản bằng ví dụ như sau: NH thương mại bán đi 100 lượng vàng trong nước với giá 43 triệu đồng/lượng, NH Nhà nước cho phép mở tài khoản để mua ở nước ngoài 100 lượng với giá 1.650 USD/ounce. Theo các chuyên gia tài chính, NH, giữa việc bán trong nước và mua ở nước ngoài có thể diễn ra đồng thời, giúp NH có một công cụ bảo hiểm rủi ro.

Cũng có thể xảy ra trường hợp khi mua vàng tài khoản ở nước ngoài, vàng trong nước giảm xuống, dân đem đến bán nhiều thì các NH vẫn có thể mua cho dân và dừng mua ở nước ngoài lại. Mở tài khoản vàng ở nước ngoài - một nghiệp vụ NH - được xem như việc tạo ra thế bình thông nhau cho vàng trong nước và vàng thế giới, giúp giá trong nước không chênh quá xa so với giá thế giới.

Khai thông nguồn lực trong dân

Bản chất vàng tài khoản là như vậy. Nhưng khoảng những năm 2007-2009 các sàn vàng nở rộ mới phát sinh những chuyện lộn xộn, ảnh hưởng xấu đến thị trường vàng. Một phần do quy định về vàng tài khoản lúc đó chưa có những hướng dẫn cụ thể nên nhiều sàn vàng mọc lên mà quản lý nó lại chưa có quy định chặt chẽ. Vì thế mới xảy ra chuyện người dân đến các sàn vàng vừa mua qua tài khoản, vừa mua vàng vật chất ngay sàn...

Một hình thức “đánh bạc” ngay trên các sàn vàng đã xảy ra. Nhà nước nhận ra hoạt động này nguy hiểm nên đến năm 2009 đã cho đóng lại các sàn vàng.

Rõ ràng việc đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế VN là không thể chấp nhận. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã và đang tính toán nhiều phương cách để can thiệp, điều chỉnh. Nhưng có lẽ ai cũng phải thừa nhận một điều là vàng đã gắn vào đời sống của người Việt, mà câu chuyện bà nội trợ chắt chiu để mua từng chỉ vàng là một ví dụ. Nhà nước cũng đã nhìn thấy rất rõ rằng vàng là một nguồn lực cần khai thác hiệu quả.

Vàng là một nguồn lực tài chính cho quốc gia và là nơi cất giữ tài sản của người dân. Hội đồng vàng thế giới đã thống kê rằng VN nằm trong số những nước có nhu cầu lớn đối với đầu tư vàng vật chất và vàng nữ trang. Tổ chức này cũng đưa ra nhận xét rằng người dân mua vàng vật chất và nữ trang với ý nghĩa bảo vệ giá trị tài sản của mình trước lạm phát và để tiết kiệm.

Chống đôla hóa, chống vàng hóa là chuyện phải làm nhưng không thể giáo điều bởi có thể làm hại đến người dân, cho nền kinh tế. Nhà nước đã nhìn ra vấn đề mà phát biểu của Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cách đây không lâu cho thấy rõ: Nhà nước có thể giữ vàng cho dân. Tìm cách giữ vàng cho dân, biến nguồn lực đó thành một lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và người dân là việc phải làm. Vấn đề là làm sao để khơi dậy nguồn lực vàng nằm chết trong kho của các NH để nó có ích nhất.

Công thức có thể là: hệ thống NH thương mại huy động vàng của dân, trả lãi cho họ, đem lượng vàng đó đi mua tín phiếu NH trung ương, hưởng lãi về trả cho dân. NH trung ương nắm được nguồn lực lớn này có thể đem đi hoán đổi, cầm cố, vay lại một lượng ngoại tệ theo thông lệ quốc tế kiếm vài chục tỉ USD cho đất nước.

Việc khởi đầu bằng bảy NH thương mại và một công ty kinh doanh vàng hợp lực làm sao để giá vàng trong nước và thế giới không chênh lệch quá lớn, giảm thiệt hại cho người dân đang chứng minh cho thấy một hướng đi tích cực trong việc sử dụng lượng vàng huy động trong dân bán ra ngay chứ không đợi vàng nhập khẩu về.

Việc tái lập tài khoản vàng cho thấy chúng ta nên có cách tiếp cận khác về quản lý thứ hàng hóa đặc biệt này. Chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc phải nhận thức được quy luật và tìm cách ứng dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Bán 8 tấn vàng trong ba ngày

* Trong ba ngày từ 6 đến 8-10 đã có 8 tấn vàng được bán ra cho người dân và nhà đầu tư, ngay sau khi NH Nhà nước cho phép năm NH (Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank, DongABank) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tham gia bán vàng can thiệp thị trường. Riêng ngày đầu tiên đã có hơn 5 tấn vàng được bán ra.

* Ngày 10-10, NH Nhà nước cấp phép thêm cho hai NH bán vàng can thiệp thị trường, nâng tổng số NH tham gia bán vàng bình ổn thị trường lên bảy NH.

* Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng kim ngạch nhập khẩu vàng trong chín tháng đầu năm 2011 là 1,5 tỉ USD, gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận