Cày đi cày lại phim cũ: Yêu thật nhiều, xem thật nhiều

PHAN BẢO 19/10/2024 06:32 GMT+7

TTCT - Xem đi xem lại một bộ phim hay loạt phim dài tập không những chẳng thấy chán mà còn thích thú hơn và khỏe hẳn ra.

Cày đi cày lại phim cũ: Yêu thật nhiều, xem thật nhiều - Ảnh 1.

Ảnh: Business Insider

Xem đi xem lại một bộ phim hay loạt phim dài tập tưởng chừng sẽ làm mất đi sự hấp dẫn mà chỉ lần đầu mới cảm nhận được, nhưng khoa học thần kinh chứng minh điều ngược lại. Người xem không những chẳng thấy chán mà còn thích thú hơn và khỏe hẳn ra.

Thời trước, mỗi độ hè về, các đài truyền hình trong nước lại thi nhau phát sóng Tây du ký. Bên Tây cũng y hệt - mỗi mùa đông sang, hàng loạt phiên bản của bộ phim Hồn ma đêm Giáng sinh (A Christmas Carol) phủ sóng khắp các kênh.

Thời ấy có thể đổ cho nhà đài (phát gì xem nấy), còn thời nay với bao la lựa chọn trong tay mỗi cá nhân nhờ streaming, quyết định xem đi xem lại một bộ phim, nếu có, là vì chính người xem muốn vậy.

Theo tờ The Atlantic, lý do trước nhất khiến một người xem lại một bộ phim đơn giản là vì... họ thực sự thích bộ phim đó. Khi càng xem một bộ phim nhiều lần, càng tiếp xúc nhiều lần với nó sự yêu thích đó càng tăng. 

Các nhà tâm lý học đã phát hiện rằng sự lặp lại tạo ra cảm giác yêu thích. Họ lý giải rằng những nội dung quen thuộc yêu cầu ít năng lượng tinh thần để xử lý và tâm lý con người dễ tiếp nhận chúng. Thuật ngữ khoa học cho hiện tượng này là "hiệu ứng yêu chỉ vì quen" (mere exposure effect), nghĩa là thích một thứ đơn thuần vì thấy thân thuộc.

Mặt khác, có quá nhiều phim để xem đồng nghĩa với việc mất thời gian và tốn công suy nghĩ chọn lựa. Nghiên cứu của giáo sư Sheena Iyengar đến từ Đại học Columbia (Mỹ) chỉ ra rằng có nhiều lựa chọn làm con người tăng sự do dự, theo tạp chí Harper's Bazaar India. Vì vậy, dễ hiểu vì sao nhiều người chọn xem lại các bộ phim quen thuộc sau một ngày mệt mỏi thay vì khám phá phim mới.

Xem phim đã xem, thậm chí thuộc lòng, là trào lưu dễ bắt gặp trong đại dịch Covid. Theo công ty phân tích tỉ suất người xem Nielsen, bộ phim được xem trực tuyến nhiều nhất tại Mỹ năm 2020 là phiên bản Mỹ của The Office, bất chấp bộ phim này đã từng chiếu bảy năm trước trên sóng truyền hình. 

Một khảo sát của tạp chí Radio Times cũng cho thấy 64% số người được hỏi cho biết họ đã xem lại một bộ phim truyền hình trong thời gian phong tỏa, 43% trong số đó 'luyện' lại các phim "khi xưa ta bé ta xem".

Đi sâu vào khía cạnh khoa học thần kinh, trong bài viết cho trang The Conversation hồi cuối tháng 9, Anjum Naweed, giáo sư ngành yếu tố con người (human factor) Đại học Central Queensland Australia, cho biết xem phim cũ mang lại cảm giác hoài niệm vì những gì người xem xem trên TV ở hiện tại khớp với cảm xúc và trải nghiệm trong quá khứ.

Sự trùng khớp này kích hoạt giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh của hệ thống tưởng thưởng liên quan đến cảm xúc và động lực. Có được cảm giác hoài niệm giống như nhấn nút tự động tải và phát lại trong tâm trí những trải nghiệm tích cực của quá khứ, bởi hoài niệm là những trải nghiệm được mã hóa trong trí nhớ, phản ánh các giá trị, sở thích và giai đoạn cuộc sống mà con người đã trải qua.

Giữa cảnh cũ, nhân vật quen, cộng thêm kết thúc đã biết trước, não bộ được nghỉ ngơi vì không phải hồi hộp đoán từng diễn biến, người xem có thể kiểm soát cảm xúc và thoải mái tận hưởng. 

Chia sẻ với Harper's Bazaar India, tiến sĩ Nisha Khanna, nhà tâm lý học kiêm chuyên viên khai vấn trí tuệ cảm xúc, cho rằng việc này mang lại cảm giác an toàn và giúp phục hồi cảm giác tự chủ, giảm stress, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, căng thẳng của cuộc sống.

Đồng tình với nhận định trên, bác sĩ tâm thần Jalpa Bhuta đến từ Bệnh viện Global (Ấn Độ) ví việc xem lại các bộ phim yêu thích như đắp một chiếc chăn ấm áp, mang lại cảm giác bình yên, trật tự trong cuộc sống khôn lường.

Bên cạnh đó, Naweed cũng chỉ ra mối liên hệ cảm xúc đặc biệt mà người xem hình thành với các nhân vật trong phim yêu thích của mình. Người xem cảm giác gắn bó, cảm thấy âu sầu hay vui buồn lẫn lộn cùng nhân vật. Dù chỉ là một chiều nhưng mối liên hệ này có thể mang lại cảm giác rất thực.

Tiến sĩ Khanna cũng đồng tình rằng xem lại phim cũ là cách giữ lại những kỷ niệm quý giá của cuộc sống, không chỉ với cảm xúc trong quá khứ, với nhân vật trong phim mà còn với những người thân từng cùng ta thưởng thức bộ phim đó.

Tuy nhiên, trang Well+Good cũng lưu ý rằng bên cạnh cảm giác tích cực liên quan đến quá khứ, nghiên cứu cho thấy hoài niệm cũng có thể đi kèm với cảm giác thất vọng trong hiện tại. 

Hãy tưởng tượng việc từng xem một bộ phim cùng với cha mẹ hoặc anh chị em, và giờ đây họ đang sống xa ta hàng ngàn cây số hoặc tệ hơn là đã mất. Khi đó xem lại bộ phim trên một mình sẽ khiến ta nhớ lại khoảng thời gian bên họ, vừa vui vừa buồn.

Một nghiên cứu được công bố năm 2019 trên Journal of Personality and Social Psychology cũng cho thấy sinh viên cảm thấy hoài niệm hơn, hay nhớ lại chuyện xưa nhiều hơn khi căng thẳng và cô đơn.

Song nếu chỉ dựa vào những điều quen thuộc, con người có thể bỏ lỡ trải nghiệm mới. Daniel Lieberman, bác sĩ và giáo sư lâm sàng về tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường Y khoa và khoa học sức khỏe của Đại học George Washington (Mỹ), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa điều mới và những thứ quen thuộc để tránh rơi vào trạng thái trì trệ.

Ông cảnh báo: "Những gì não cần là sự pha trộn và mỗi cá nhân khác nhau cần sự pha trộn khác nhau giữa cái mới và cái quen thuộc. Mắc kẹt trong một lối mòn rất nguy hiểm. Khi đó, những thứ quen thuộc không những không giúp ích cho sức khỏe tinh thần mà còn làm giảm sức khỏe".

Do đó, mặc dù việc 'luyện' lại các bộ phim yêu thích mang đến niềm vui, mọi người cũng cần tìm kiếm những trải nghiệm mới để phát triển cá nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận