TTCT - Những cải tiến về cả mặt sản xuất lẫn phân phối nệm đã mang lại giấc ngủ ngon cho người tiêu dùng, nhưng lại tạo thành cơn ác mộng cho ngành xử lý rác thải và tái chế. Ảnh: Getty ImagesBang Massachusetts (Mỹ) vừa ban hành lệnh cấm tiêu hủy nệm và hàng dệt may kể từ ngày 1-11, với mục tiêu giảm 30% lượng nệm bị vứt đi trên toàn bang. Con số hiện tại là 600.000 tấm nệm và lò xo bị vứt bỏ mỗi năm, theo Đài CBS.Với quy định mới, người dân phải tự tìm cách giải quyết những tấm nệm không dùng đến nữa thông qua một số kênh được chính quyền hướng dẫn liên hệ, thay vì đem vứt chúng trực tiếp ra bãi rác hoặc chờ xe rác đến thu gom.Không thích thì trảTheo báo The Guardian, ước tính trung bình cứ sau 8-10 năm, người tiêu dùng Mỹ lại thay nệm mới, và tổng số nệm bị vứt bỏ mỗi năm lên tới 18,2 triệu tấm trên toàn quốc. Ở Anh, số liệu 2017 cho biết có khoảng 7 triệu tấm nệm bị thải loại/năm.Sự phát triển của ngành bán lẻ trực tuyến mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn nệm hơn bao giờ hết, và cũng hình thành thói quen thay thế chúng thường xuyên hơn. Hiện có ít nhất 175 công ty giao nệm tận nhà trên toàn nước Mỹ. Hầu hết các công ty khởi nghiệp này cho phép khách hàng thoải mái trải nghiệm nệm trong 100 ngày, sau đó người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm và được hoàn lại toàn bộ tiền vì bất kỳ lý do gì, ngoại trừ trầy xước.Một số còn ‘chịu chơi’ hơn, như Công ty Nectar của Mỹ cho phép thời hạn bảo hành lên đến 365 ngày. Về mặt lý thuyết, người tiêu dùng có thể lợi dụng chính sách trên, chuyển hết nhà cung cấp này đến nhà cung cấp khác để mua nệm chất lượng cao mà không mất phí. Một cây bút của tờ Wall Street Journal gần đây thử tính toán và nhận ra rằng nếu tận dụng tất cả các ưu đãi có sẵn, cô sẽ có thể dùng toàn nệm mới miễn phí trong 8 năm.Thêm vào đó, công nghệ cuộn ép hút chân không có khả năng biến tấm nệm to tướng thành những món hàng nhỏ gọn, dễ vận chuyển càng tạo điều kiện để nhiều công ty khởi nghiệp nhảy vào thị trường trị giá 30 tỉ USD này.Mọi thứ quá đỗi êm ái với người tiêu dùng, nhưng lại đầy chông gai với môi trường. Không khó để người tiêu dùng nhận ra họ có thể tận/lợi dụng sự hào phóng của các nhà bán nệm. Một số công ty ghi nhận tỉ lệ trả hàng lên đến 20%, cao hơn 15% so với mức chấp nhận được.Cara (tên của nhân vật đã được thay đổi), một nhân viên văn phòng 26 tuổi sống ở bang Florida, thừa nhận với The Guardian rằng bản thân cô cũng có thói quen sắm nệm online và không thích thì trả. Tuy nhiên, mãi đến gần đây cô mới hối hận nhận ra tấm nệm cô trả về sẽ không có tương lai nào khác ngoài bị vứt đi. "Biết vậy có thể từ đầu tôi sẽ chần chừ không mua" - Cara ăn năn.Một tấm nệm đang chờ được xử lý ở Pittsfield, Massachusetts. Ảnh: AMANDA BURKE/THE BERKSHIRE EAGLEKhông dễ tái chếTheo The Guardian, một số công ty thu gom những tấm nệm đã qua sử dụng không đáng kể như trường hợp của Cara, bọc chúng lại và mang chúng đến các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện để tái sử dụng. Những công ty khác mang chúng đi tái chế. Hiện trên toàn nước Mỹ chỉ có 56 cơ sở có thể tái chế nệm cũ. Nhưng phần đông vẫn thẳng tay vứt chúng ra bãi rác.Mặc dù theo cơ quan bảo vệ môi trường của bang Massachusetts, hơn 75% thành phần của một tấm nệm có thể tái chế cho nhiều mục đích khác nhau, như làm mùn hoặc đệm lót giường cho động vật, trên thực tế, mọi thứ lại không đơn giản vậy.Khi đã đến tay người tiêu dùng, những tấm nệm chắc chắn bung phồng trở lại kích thước ban đầu như trước khi được ép chân không. Tuy nhiên, tháo chúng ra thì dễ, thu gọn lại mới khó. Không những chiếm nhiều diện tích và tất nhiên tốn kém chi phí vận chuyển, chúng còn có thể làm hỏng thiết bị xử lý của lò đốt rác.Ấy là chỉ xét những tấm nệm chỉ mới qua sử dụng ‘sương sương’ chứ chưa kể đến hằng hà sa số những trường hợp - từ lổm ngổm chấy rận đến "như đã có người chết trên đó" - mà Mike Scollick và Richard Allsopp, hai nhân viên của Công ty tái chế Circom ở Anh, chỉ nghĩ tới thôi là đã thấy hãi hùng.Nệm cũ được đưa về cơ sở của Circom (Anh) để tái chế. Ảnh: Twitter CircomScollick và Allsopp cho biết nhà máy của họ tái chế khoảng 60% nguyên liệu trong nệm. Tham vọng của công ty là sẽ nâng con số đó lên 100%. Hiện tại, 40% nguyên liệu không được tái chế được xử lý để sử dụng làm nhiên liệu.Trong một dịp tham quan nhà máy Circom đặt tại thành phố Coventry miền trung nước Anh, phóng viên của The Guardian tận mắt chứng kiến một chiếc máy nghiền khổng lồ ngoạm lấy các tấm nệm rồi nhả chúng ra qua một đường máng dưới dạng sợi và mút riêng biệt, hệt như cách vận hành của một cái máy hút bụi. Các lưỡi thép của máy nghiền phải được thay thế vài tuần một lần vì chúng bị mài mòn nhanh chóng, và cần hẳn một nhân viên phụ trách hàn bảo trì các lưỡi thép này.Tuy nhiên, theo chuyên gia về kinh tế tuần hoàn David Fitzsimons, những vật liệu đầu ra sau khi đưa nệm qua máy nghiền không có nhiều giá trị - cùng lắm là vài cân lò xo kim loại, còn mút và sợi thì hiếm có người cần đến. Vì vậy, những công ty như Circom phần lớn tự gánh trên vai chi phí và sự phiền toái của việc xử lý nệm.■Trong khi chờ đợi giải pháp căn cơ, lâu dài, các nhà sản xuất giường của Anh đang được khuyến khích thiết kế các loại nệm có tuổi thọ cao hơn, dễ sửa chữa và có thể tái chế, theo Đài BBC.Ở Mỹ, Liên đoàn quốc gia về sản phẩm giường ngủ cũng đang khuyến khích các nhà sản xuất sáng tạo nên những thiết kế thân thiện với môi trường, và cho người tiêu dùng thuê nệm có thể tái sử dụng trong một thời gian, rồi gửi trả để làm mới, theo The Guardian.Allsopp và Scollick cũng kể cho The Guardian về các đường dây giả danh các công ty tái chế nệm để gom hàng, rồi "mông má" chúng lại và bán sản phẩm đội lốt thương hiệu uy tín. Những kẻ lừa đảo sẽ chọn những tấm còn tốt, thay vỏ bên ngoài, rồi bọc vào những chiếc vỏ mới, được in logo của những nhà sản xuất có tên tuổi. ("Nếu bạn lột lớp polycotton bên ngoài đó ra, bên dưới đó là cả một nỗi kinh hoàng", Scollick cảnh báo).Sau đó, trên một chiếc xe van có in tên công ty nệm có uy tín, chúng sẽ đến các khu dân cư, rồi đi từng nhà kể lể rằng đang định giao nệm cho một khách sạn, nhưng xảy ra trục trặc khiến việc giao hàng không thành công. Giờ thì có hàng tá tấm nệm chất lượng cao, mang về kho thì không có chỗ chứa, thôi đành bán rẻ cho dân ở đây. Chỉ đơn giản như vậy nhưng không ít người "cắn câu".Bên trong những nhà kho của xưởng "mông má" nệm nồng nặc mùi keo dùng để dán vỏ mới vào nệm cũ. Ngoài môi trường làm việc bất hợp pháp và không an toàn, những nhà kho này cũng có thể sử dụng lao động bị buôn bán từ nước khác, bởi theo Scollick, rất nhiều nhân viên ở đó không nói được tiếng Anh.Khi không bán được nệm, các công ty lừa đảo này đem chúng đổ trộm ở những công ty như Circom hoặc ở các trang trại. Tháng 7-2019, 100 container toàn nệm đóng kiện của Anh được tìm thấy tại cảng Colombo, Sri Lanka. Chúng được gửi đến đó bất hợp pháp, dưới chiêu bài tái chế kim loại, và còn nguyên trong lớp bọc màu xanh mà các nhà bán lẻ của Anh sử dụng để thu lại nệm từ người tiêu dùng theo chương trình hoàn trả.Theo The Guardian, các nhà chức trách Anh nhận thức rõ tính tội phạm trong ngành tái chế nệm, nhưng không có đủ nguồn lực và sức mạnh chính trị để đối phó với vấn nạn này. Tags: Môi trườngRác thảiXử lý rác thải và tái chế.NệmNệm cũTái chế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Hạ Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á ĐỨC KHUÊ 21/11/2024 Tối 21-11, tuyển futsal nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan trong trận chung kết Giải futsal nữ Đông Nam Á để giành chức vô địch.
TP.HCM đề xuất miễn phí đi metro số 1 cho 5 nhóm đối tượng THẢO LÊ 21/11/2024 TP.HCM kiến nghị miễn phí vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người đi các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 và người đi metro trong 30 ngày.