Chân đất và chân giá trị

BAN CẦM 20/10/2016 22:10 GMT+7

TTCT - Khi Lương Xuân Trường tung ra cú cứa lòng tuyệt đẹp nâng tỉ số lên 4-2 trong trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên, một lần nữa triết lý “chân đất” của Học viện JMG lại được quảng cáo một cách thuyết phục.

Xuân Trường sút ghi bàn trong trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên-Nguyên Khôi
Xuân Trường sút ghi bàn trong trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên-Nguyên Khôi


Trước đó, Nguyễn Tuấn Anh đã gỡ hòa cho đội tuyển VN sau một pha đi bóng bằng gầm giày rồi đặt lòng rất khó vào góc xa. Bóng tưởng chừng đi chệch khung thành, lại bất ngờ xoáy lượn vào phía trong cột dọc rồi khiến lưới rung bắn lên.

Chân đất

Đấy là một loại kỹ thuật “rất JMG”, dù trông thật đơn giản, những cú đặt lòng như thế đã ám ảnh bóng đá VN trong rất nhiều năm.

Nó là tinh túy của lối chơi kỹ thuật đề cao những cú chạm bóng “bước một” (first touch): các cầu thủ phải có khả năng quan sát và đưa ra phương án tiếp bóng ở chạm đầu tiên thật tốt để có thể xử lý tình huống tốt và thăng hoa khi hội tụ đủ điều kiện cần thiết.

Cú đẩy bóng rất vừa tầm ngay sau khi cầu thủ Triều Tiên sai lầm (phá bóng đến đúng vị trí của Xuân Trường) đã tạo điều kiện cho tiền vệ tuyển thủ VN vẽ một đường cong rất đẹp vào lưới đối thủ. Đấy là một tình huống chạm bóng bước một tuyệt vời và cho thấy khả năng quan sát cũng như đưa ra phương án xử lý rất nhanh của Xuân Trường.

Anh đã chủ động biến ngay sai lầm của đối phương thành một pha hãm bóng vừa tầm để sút, điều mà không nhiều cầu thủ chuyên nghiệp VN làm được trong bối cảnh bóng đá hiện nay.

Năm 2003, giám đốc kỹ thuật đầu tiên trong lịch sử bóng đá VN, ông Rainer Wilfeld, từng nhận xét rằng chạm bóng bước một là khác biệt lớn nhất giữa hai đội tuyển bóng đá VN và Thái Lan. Xử lý bước một không tốt khiến cầu thủ VN hay rơi vào thế chới với khi cần sút, và thiếu phương án khi cần chuyền.

Hậu vệ cánh trứ danh một thời Đức Thắng từng thừa nhận những cầu thủ đá biên hàng đầu VN cũng không thành thạo một động tác khá cơ bản trên thế giới: vừa chạy vừa tung ra những quả tạt hoặc căng ngang đủ nguy hiểm. Các cầu thủ cũng thường xuyên phải nhìn xuống chân khi giữ bóng, thay vì ngẩng đầu lên quan sát cục diện như các đồng nghiệp ở đỉnh cao thật sự.

Triết lý “chân đất” của JMG, học viện được đặt theo tên của người sáng lập là cựu tuyển thủ Pháp Jean-Marc Guillou, xuất phát từ ý tưởng rằng các cầu thủ hàng đầu Nam Mỹ đã phát triển kỹ thuật chỉ nhờ bóng đá đường phố, không cần giày, với gạch xếp làm khung thành và bóng quấn từ vải vụn.

Bóng đá đường phố thăng hoa tạo ra nhiều ngôi sao đỉnh cao không chỉ là chuyện kể, nó hoàn toàn khoa học: khi những cầu thủ trẻ chơi bóng không giày, 100% cảm giác khi chân tiếp xúc với bóng sẽ truyền tải trọn vẹn lên não bộ. Từ đó, các cầu thủ tập tâng bóng 30 phút chân trần mỗi ngày để tăng cường sự liên lạc với quả bóng.

Khi đã nhuần nhuyễn và trải qua quá trình khổ luyện, một cầu thủ lớn lên với triết lý “chân đất” sẽ chơi bóng với bản năng hợp nhất cả kỹ thuật và tư duy, một kiểu kết hợp cả “khí tông” - tức nội lực trong cảm nhận chiến thuật, lẫn “kiếm tông” - tức các kỹ năng đòi hỏi sự khổ luyện, đã tạo nên những nhà vô địch thế giới như Đức hay Tây Ban Nha.

Ở tuyển VN, sự kết hợp đấy còn có thêm một ý nghĩa quan trọng: lối chơi được xây dựng trên nền tảng đồng đội, như một ông thầy ở JMG, đồng thời là cựu HLV đội U-19 VN, Guillaume Graechen, từng giải thích: “Điều cốt lõi của các cầu thủ giỏi nhất là việc họ lớn lên cùng nhau, họ sẽ chẳng cần phải nói chuyện để hiểu nhau... Họ chỉ cần liếc nhìn nhau trên sân là đủ rồi”.

Và chân giá trị

Mô hình JMG, với người sáng lập Guillou và các học viện trẻ ở 9 nước (Bờ Biển Ngà, Madagascar, Thái Lan, Mali, Algeria, Ai Cập, Ghana, Bỉ, và Pleiku - VN), theo đuổi một triết lý bóng đá có lẽ là phù hợp với tính chất và bối cảnh của bóng đá VN.

Nhại theo học giả Pháp thế kỷ 16 François Rabelais: “Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ là sự mục ruỗng của tâm hồn”, tại Học viện JMG ở Bờ Biển Ngà, nơi anh em nhà Toure (Kolo và Yaya) đã trưởng thành và trở thành các ngôi sao lớn ở Premier League, câu slogan treo ở sân trung tâm là: “Chiến thắng không có đạo đức là sự mục ruỗng của thể thao”.

JMG kể ra những giới hạn mà học viên không được phép vượt qua: không được nói dối, không được ăn gian, không được ăn cắp. Giáo dục phải đi kèm với tài năng. Không được trốn học và cư xử sai trái.

Về chuyên môn, việc tập luyện không có thủ môn buộc các cầu thủ áp sát nhanh hơn, và việc để cho các học viên tự đưa ra những quyết định trên sân giúp họ tự chủ và sáng tạo hơn. JMG muốn các học viên tự giải quyết các vấn đề của mình, và luôn khiêm nhường.

Khi Xuân Trường nói rằng “tôi chưa đủ tầm nhận xét HLV Hữu Thắng và HLV Miura”, còn Công Phượng bảo “tôi không phải là ngôi sao”, họ đang cụ thể hóa một tuyên ngôn khác được viết trên tường của Học viện JMG Bờ Biển Ngà: “Bạn sẽ trở nên vĩ đại, nếu hiểu cách trân trọng những điều nhỏ bé”.

Ba năm trước, trong một bài báo về Học viện HAGL Arsenal-JMG, AFP có phỏng vấn một cổ động viên VN, ông nói thẳng: “Tôi đã ngừng xem bóng đá VN được 10 năm rồi. Tôi thậm chí không quan tâm khi đội tuyển quốc gia thi đấu”.

Lý do? “Họ đã hủy hoại tình yêu của tôi bằng những vụ bê bối liên tiếp - cổ động viên 55 tuổi này nói - Vào cuối những năm 1980, các cầu thủ chơi bóng thật sự tận tâm. Các cầu thủ của đội tuyển quốc gia được coi như những người hùng có thể kéo người hâm mộ đến nêm kín sân”.

Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn... từng tạo ra một cơn sốt ngay khi còn chơi ở đội U-19, có lẽ vì họ mang đến một chút hi vọng hoàn toàn mới mẻ khi mà tưởng như người hâm mộ đã mất hết niềm tin. Những cầu thủ khéo léo, còn trẻ nhưng cầu tiến và có nhận thức rất tốt cho thấy nếu được phát triển bài bản và chuyên nghiệp, bóng đá VN không phải là không có tương lai.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận