Chẳng lẽ chỉ biết khắc phục, cứu trợ?

TRẦN QUANG THẮNG 27/11/2007 02:11 GMT+7

TTCT - “Tại sao lượng mưa trong mấy ngày xảy ra cơn lũ lớn vừa qua ít hơn cơn lũ lịch sử năm 1999, nhưng mực nước lại cao hơn đỉnh lũ năm 1999 gần 0,5m?“. Câu hỏi của Tuổi Trẻ Cuối Tuần làm nhức nhối lòng người. Và có lẽ ai cũng biết nguyên nhân vì đâu.

Những người có trách nhiệm cho biết việc lũ xuất hiện với tần suất dày và cường suất lũ lớn, lại chảy xiết dù lượng mưa đo được không nhiều, đã diễn ra ít nhất suốt tám năm trở lại đây.

Ảnh: thuvienhoasen.org

 

Đáng buồn là với sự xuất hiện ngày càng bất thường, dồn dập của thiên tai và lặp lại trong một thời gian dài, nhưng chúng ta lại không có một tiến bộ nào trong việc phòng chống ngoài phương án “xưa cũ” khắc phục và cứu trợ! 

Thực chất đó chỉ là công việc “giải quyết hậu quả”. Mà công việc này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Hằng năm, VN thường xuyên đón nhận 7-10 cơn bão, đi kèm là lũ lụt, lốc xoáy... Và thật ngạc nhiên, phương tiện chạy lũ của người dân hiện nay vẫn rất “truyền thống”: bè được kết bằng cây chuối hoặc “phá cách” bằng những tấm xốp thay chuối. Tính mạng người dân vùng lũ không mong manh mới là lạ!

Chịu trách nhiệm về thiên tai có khá nhiều cơ quan chung lo: Bộ Tài nguyên - môi trường, Ủy ban Phòng chống lụt bão, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Tuy đông nhưng các cơ quan này chỉ tập trung xử lý phần ngọn là cứu hộ, cứu nạn. Nếu có thì thêm việc phòng chống trước mắt mà mục đích cũng chỉ là hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Làm như thế không những hiệu quả phòng chống thiên tai đã thấp mà còn rất bị động.

Hậu quả của bão lũ thật thảm khốc. Hàng trăm người chết và bị thương. Hàng ngàn gia đình sống cảnh màn trời chiếu đất. Bao nhiêu công trình xây dựng bị sụp đổ, đường sá, cầu cống tan hoang. Rồi dịch bệnh sau lũ.

Và nguy nhất là bão lũ sẽ xua biết bao người dân vào cảnh trắng tay, đói nghèo. Uổng công trước đây Nhà nước đã đổ rất nhiều tiền của để giúp họ thoát nghèo. Và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của quốc gia.

Chiến lược là tầm nhìn xa, tính đến lâu dài. Nếu chỉ đơn thuần lo việc cứu hộ, cứu nạn và thả tiền, hàng cứu trợ trong từng trận bão lũ riêng lẻ thì đó không phải là chiến lược phòng chống thiên tai. 

Phải định được một kế sách để người dân có thể “sống chung” khi có bão lũ, để giảm thiệt hại cho họ đến mức thấp nhất có thể. Bởi nếu người dân thường xuyên bị tái nghèo vì thiên tai thì đất nước cũng khó lòng giàu lên được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận