Chất lượng đầu vào không đồng đều

LÊ MINH TIẾN 13/06/2008 20:06 GMT+7

TTCT - Đến trung tuần tháng 5-2008, các đại học đã tổng hợp xong số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường của mình, từ đó công bố tỉ lệ “chọi” chung của trường cũng như của từng ngành. Một câu hỏi đặt ra là tỉ lệ chọi giữa các ngành trong cùng một trường được phân phối như thế nào?

Nếu phân phối đồng đều thì có nghĩa chất lượng sinh viên của trường cũng đồng đều theo (đầu vào cùng điểm cao hoặc cùng điểm thấp); ngược lại, nếu tỉ lệ chọi được phân phối quá bất cân xứng thì điều đó có nghĩa trong cùng một trường, chất lượng sinh viên giữa các ngành là hoàn toàn khác biệt nhau, tức có ngành điểm đầu vào rất cao, có ngành rất thấp.

(Về cách tính: chúng tôi cộng tỉ lệ chọi của từng ngành và chia cho tổng số ngành để ra được tỉ lệ chọi trung bình của trường. Vì vậy kết quả khác với cách tính lấy tổng số đăng ký dự thi của trường chia cho chỉ tiêu của trường, dù khác biệt không lớn nhưng do hai phép tính khác nhau nên đương nhiên có khác biệt. Nguồn số liệu tính toán được lấy từ Tuổi Trẻ Online).

Nhìn vào bảng số liệu trên chúng ta có thể tiên đoán trong nhóm trường thuộc ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa năm nay sẽ tuyển được sinh viên có chất lượng đồng đều nhất (thấp đồng đều) trong số các trường do tỉ lệ chọi trung bình và độ lệch tiêu chuẩn đều thấp, nghĩa là không có khác biệt lớn trong chất lượng sinh viên đầu vào giữa các ngành thuộc trường này.

Trường có ngành có tỉ lệ chọi thấp “đội sổ” là Trường ĐH Quốc tế với chỉ 0,19 người dự thi lấy 1 và ĐH Bách khoa cũng có một ngành mà chỉ cần 0,8 người thi thì có một người đậu. Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại có ngành học có tỉ lệ chọi thấp như vậy và như thế thì ngành đó có nên tồn tại hay không? Nếu liên hệ phương châm “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”, có lẽ chúng ta sẽ thấy được câu trả lời. Ngược lại, Trường ĐH KH tự nhiên là trường sẽ có sinh viên đầu vào chênh lệch về chất lượng lớn nhất với độ lệch tiêu chuẩn là 9,74 (tức là có ngành điểm rất thấp và có ngành điểm rất cao), nhưng dù sao trường này cũng sẽ có chất lượng đầu vào tương đối bởi mỗi thí sinh phải “thắng” ít nhất 2,51 người mới có thể vào được trường này.

Về những trường nằm ngoài nhóm ĐHQG, ĐH Y dược là trường có tỉ lệ chọi cao nhất, và tỉ lệ chọi giữa các ngành của trường này cũng có sự chênh lệch lớn nhất với tỉ lệ chọi trung bình là 20,65 và độ lệch tiêu chuẩn là 13,15. Đây cũng là trường mà muốn vào, thí sinh phải chiến thắng ít nhất là 5,44 “đối thủ”. Vì vậy có thể yên tâm với chất lượng bác sĩ, dược sĩ trong tương lai (!?). ĐH GTVT là trường có tỉ lệ chọi thấp nhất với tỉ lệ chọi trung bình là 6,41, nhưng vẫn còn cao hơn tỉ lệ chọi trung bình của nhóm trường thuộc ĐHQG, và trường này cũng là trường có ngành có tỉ lệ chọi thấp kỷ lục với chỉ 0,17 người dự thi thì lấy một người vào học.

Nhìn chung các trường công ngoài nhóm ĐHQG có tỉ lệ chọi cao hơn, và các trường có chất lượng đầu vào đồng đều nhất nhiều khả năng sẽ là ĐH Bách khoa, ĐH KHXV&NV, ĐH Quốc tế và ĐH GTVT. Tuy nhiên, đó lại là sự đồng đều theo hướng thấp đồng đều chứ không phải là chất lượng cao đồng đều.

Tất nhiên không phải do trường kém, nhưng do tổng số thí sinh không tăng nhiều trong khi chỉ tiêu lại tăng, số trường và số ngành tăng nên đương nhiên tỉ lệ chọi sẽ giảm và do đó đầu vào hoặc sẽ giảm chất lượng (do hạ điểm chuẩn) hoặc sẽ không đủ chỉ tiêu nếu không hạ điểm chuẩn. Từ đây một câu hỏi đặt ra là liệu có nên mở thêm nhiều trường, nhiều ngành mới hay không?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận