TTCT - Chất vấn không phải là việc bới lông tìm vết. Chất vấn là để nhận diện rõ thực trạng, tìm ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm để khắc phục Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch trong một phiên chất vấn ở Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng Chất vấn là một trong các hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội. Hoạt động chất vấn đã được thực hiện ngay từ Quốc hội khóa I (Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số bộ trưởng trả lời chất vấn rất thẳng thắn ở kỳ họp thứ 2, diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội). Nhưng hoạt động này đã bị gián đoạn trong mấy chục năm đất nước có chiến tranh và thời kỳ bao cấp. Năm 2004, lần đầu tiên một vị Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, nhận trách nhiệm và xin lỗi đồng bào (Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời chất vấn Quốc hội ngày 2-12-2004), hoạt động chất vấn đã trở thành nền nếp thường xuyên. Trao đổi với TTCT, “ông nghị” nổi tiếng Lê Như Tiến bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng một trong những đổi mới hoạt động của Quốc hội tạo được dấu ấn là chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn chính là làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, ngành của các cơ quan, bộ máy nhà nước. Chất vấn không phải chỉ để hỏi cho biết thông tin, cũng không phải để giải đáp thắc mắc. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để xác nhận trách nhiệm cá nhân và để thúc đẩy sự phát triển chứ không phải kìm hãm. Chất vấn không phải là việc bới lông tìm vết. Chất vấn là để nhận diện rõ thực trạng, tìm ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm để khắc phục”. “Chính vì vậy, tôi quan tâm nhiều nhất là... hậu chất vấn. Nếu chất vấn là quá trình nhận ra, nhận thấy, nhận thức, nhận biết thì hậu chất vấn phải là hành động và chuyển động. Hành động và chuyển động của các bộ, ngành, người đứng đầu các lĩnh vực và kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất. Chất vấn mà không đem lại những hành động và chuyển động sau đó thì sẽ không có ý nghĩa. Như vậy, kết quả của chất vấn chưa thể nhìn ra ngay thời điểm cuộc chất vấn đó diễn ra ở hội trường. Đối với đại biểu, qua hoạt động chất vấn cũng trưởng thành hơn, nhìn nhận vấn đề toàn diện, sâu sắc, khách quan hơn. Chất vấn không phải là đao to búa lớn, mà đôi khi là hỗ trợ nhau, tìm ra các giải pháp thúc đẩy vấn đề” - ông Tiến nói. Phải giám sát hậu chất vấn * Khoảng mười năm trở về trước rất hiếm khi chứng kiến một vị bộ trưởng, trưởng ngành nhận trách nhiệm và xin lỗi trước Quốc hội, nhưng dần dà lại thấy các bộ trưởng, trưởng ngành rất dễ nhận trách nhiệm và xin lỗi trước Quốc hội. Có ý kiến cho rằng “nhận trách nhiệm” như vậy là “cho nó xong”, bởi không ai bị xử lý gì cả... Chất vấn vẫn chưa thể hiện hết sức mạnh bởi Quốc hội chưa sử dụng chế tài? - Như trên tôi đã nói, một trong những mục đích của chất vấn là để làm rõ trách nhiệm cá nhân. Chất vấn là một trong các hình thức giám sát rất có hiệu quả và có “sức mạnh” của Quốc hội. Tôi nghĩ rằng sau mỗi cuộc chất vấn thì các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phải tiếp tục giám sát hậu chất vấn xem những vấn đề được đặt ra, những giải pháp được đề cập, những lời hứa có chuyển biến thật sự không. Nếu bộ trưởng, trưởng ngành nhận khuyết điểm mà không sửa chữa, hứa mà không làm thì Quốc hội phải xem xét trách nhiệm để xử lý. * Gần đây, sau các cuộc chất vấn thì Quốc hội thường ban hành nghị quyết, ông đánh giá gì về tác dụng của các nghị quyết này? - Các nghị quyết như vậy rất có tác dụng bởi nó là văn bản chính thức được Quốc hội biểu quyết thông qua, ban hành gửi đến Chính phủ, các thành viên Chính phủ thực hiện. Đồng thời nó cũng là cơ sở, căn cứ để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát kết quả thực hiện người có trách nhiệm, cơ quan có trách nhiệm. Nhưng quả thực, việc theo đến cùng kết quả chất vấn vẫn chưa thật triệt để. Có những vị bộ trưởng, trưởng ngành nhận trách nhiệm, hứa rất cụ thể nhưng sau đó lại không có chuyển biến bao nhiêu, thậm chí có những ngành còn để tình trạng tệ hơn, phức tạp hơn nhưng các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn chưa đeo bám đến cùng để truy vấn. Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Việt Dũng Có hỏi “mồi” không? * Trong dư luận có ý kiến cho rằng trong một số phiên chất vấn có những đại biểu hỏi “mồi”, tức là câu hỏi được “nhờ hỏi”. Ý kiến của ông thế nào? - Tôi nghĩ rằng đã là đại biểu Quốc hội thì phải độc lập trong suy nghĩ, phát biểu, quan hệ ứng xử tại nghị trường. Còn nếu đại biểu nào đó không độc lập trong phát biểu chính kiến thì họ chưa làm tròn trách nhiệm. Đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri để nói lên tâm tư, nguyện vọng của cử tri chứ không phải đến Quốc hội để nói thay tiếng nói của ai đó, nhóm lợi ích cục bộ nào đó. * Gần đây hoạt động giải trình tại các ủy ban của Quốc hội diễn ra khá đều đặn, liệu có trùng lặp với chất vấn ở Quốc hội không? - Các phiên giải trình, các nước gọi là hoạt động điều trần, được tổ chức rất có tác dụng. Giải trình, tương tự như chất vấn ở Quốc hội, để làm rõ vấn đề, nguyên nhân, giải pháp và rõ trách nhiệm cá nhân. Điều trần không phải để các bộ, ngành đến báo cáo công tác. Sau các phiên giải trình này thì các ủy ban có văn bản thông báo nội dung, kết quả phiên giải trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi tới Chính phủ, bộ, ngành. Các cơ quan báo chí đã đóng góp có hiệu quả vào hoạt động này, bởi chính họ góp phần làm lan tỏa rộng rãi đến với công chúng, cử tri trong cả nước. * Sau một phiên điều trần của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã rút đăng cai Asiad 18. Theo ông, tổ chức một cuộc điều trần có hiệu quả là thế nào? - Phiên điều trần đó có chủ đề rộng hơn việc tổ chức đăng cai Asiad 18, nhưng câu chuyện về đăng cai Asiad lại được dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên đó đã tập trung chất vấn, mổ xẻ, nêu quan điểm về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng trong các cuộc giải trình, nếu các ủy ban, đại biểu đi vào được những nội dung, điểm mấu chốt thì sẽ bật ra được, làm rõ được thực trạng, giải pháp cho vấn đề đó, đặc biệt đó là những vấn đề được dư luận quan tâm, bức xúc. Một lần nữa tôi cũng xin nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí. Rõ ràng trong sự kiện này, khi báo chí tham gia đưa tin, phỏng vấn, bình luận, được dư luận xã hội hưởng ứng, Chính phủ lắng nghe, đối mặt với vấn đề để giải quyết thì đạt được kết quả cuối cùng, được nhân dân ủng hộ. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Cử tri phải gây áp lực Có hay không chuyện đại biểu hỏi “mồi” trong các phiên chất vấn gần đây? Tôi nghĩ là có. Những câu hỏi kiểu này là để người trả lời trình bày thành tích của cá nhân, của ngành mình, thậm chí là câu giờ để lấy bớt thời gian cho những câu hỏi hóc búa. Ở nhiều nước người ta quy định thời gian hỏi và trả lời rất ngắn. Ví dụ ở Úc thì hỏi không quá một phút, trả lời không quá ba phút; ở Canada người ta quy định hỏi chỉ 30 giây và trả lời cũng chỉ 30 giây cho mỗi câu hỏi... Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này? Tôi nghĩ rằng tốt nhất vẫn là áp lực của cử tri. Cử tri cần phải lên tiếng thẳng thắn với những vị đại biểu có dấu hiệu như vậy. Cử tri là “sếp” của đại biểu nên có quyền phê bình, có thể là qua báo chí, tại cuộc tiếp xúc cử tri hoặc gửi thư đến thẳng đại biểu ấy. Bốn bộ trưởng trả lời chất vấn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã chốt danh sách bốn bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII là bộ trưởng các bộ Công thương, Nội vụ, Lao động - thương binh và xã hội, Giao thông vận tải. Sau khi các vị bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời về việc phát triển công nghiệp phụ trợ và biện pháp để sớm thực hiện có kết quả chủ trương này. Nội dung về giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu; hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này; thực trạng chương trình sản xuất và áp dụng nhiên liệu sinh học… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ làm rõ các vấn đề về thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; các giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức... Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn về thực trạng và giải pháp giải quyết việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam... Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng sẽ trả lời về giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay… (Nguồn: vietnamplus.vn) Tags: Đại biểu quốc hộiChất vấnPhiên điều trầnHiệu quả chất vấn
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.