Châu Âu ở ngã ba đường

HỮU NGHỊ 09/06/2024 11:46 GMT+7

TTCT - Gần 450 triệu cử tri thuộc 27 quốc gia châu Âu hiệp nhất (EU) sẽ đi bầu đại diện của mình ở Nghị viện châu Âu (EP) vào cuối tuần này trong bối cảnh tiếng bom đạn từ cuộc chiến Ukraine đang vọng về.

Cử tri EU sẽ bầu ra 720 nghị sĩ châu Âu (MEP) cho nhiệm kỳ năm năm mới giữa những thách thức sinh tồn, từ an ninh quốc phòng tới kinh tế - xã hội, của khối kinh tế đa quốc gia hội nhập sâu lớn nhất thế giới với hơn 740 triệu người.

"Muốn sống ở châu Âu nào?"

Chưa bao giờ trong chín cuộc bầu cử EP trước, kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên vào năm 1979, thậm chí trong vụ Brexit (Anh ra khỏi EU), mà trang web chính thức của Ủy ban châu Âu (EC) lại đăng khẩu hiệu vận động bỏ phiếu: "Hãy sử dụng lá phiếu của mình, bằng không người khác sẽ quyết định thay quý vị".

Ảnh: EGU Blogs

Ảnh: EGU Blogs

Ngay cả ở đất nước vào hàng ít dân nhất EU là Malta, chỉ 535.000 người, tờ Times of Malta 29-4 cũng bình luận về khẩu hiệu bầu cử này: "Một đoạn video dài bốn phút có cảnh những người lớn tuổi kêu gọi thế hệ sau "đừng coi nhẹ dân chủ" đang được chiếu khắp EU... 

Chủ tịch EP Roberta Metsola phát biểu: "Phiếu bầu của mọi người đều quan trọng. Nó sẽ quyết định hướng đi của liên minh chúng ta trong năm năm tới. Nó sẽ quyết định chúng ta muốn sống ở châu Âu nào"".

Sở dĩ bà Metsola nói vậy là vì 27 nước EU đang sống cùng nhau trên cả lý thuyết và thực tế, qua những tổ chức như EP. 

"Cùng đại diện chính phủ các nước EU, MEP thiết kế và quyết định các bộ luật mới ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống khắp liên minh, từ hỗ trợ nền kinh tế và cuộc chiến chống đói nghèo đến biến đổi khí hậu và an ninh… Nghị viện phê duyệt ngân sách EU và xem xét kỹ lưỡng cách chi tiêu. Nghị viện cũng bầu chủ tịch EC, bổ nhiệm các cao ủy và giám sát họ", trang web của EU giải thích.

Một cuộc trưng cầu ý dân

Tuy là bầu cử MEP song do ứng viên hầu như đều thuộc đảng cầm quyền hoặc đối lập nên trong thực tế ở mỗi nước, đây là cuộc trưng cầu ý dân để lượng giá chính các đảng cầm quyền.

Ví dụ ở Estonia, cử tri có thể bỏ phiếu trực tuyến từ ngày 3-6 để bầu 7 MEP. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội và thống kê Norstat, Đảng Dân chủ xã hội Estonia (SDE) đang dẫn đầu, tiếp theo lần lượt là Đảng Isamaa (bảo thủ), Đảng Cải cách (ủng hộ thị trường tự do và thuế thấp), và Đảng Bảo thủ và nhân dân (cực hữu và dân túy). 

Trong tranh luận trên truyền hình tuần rồi, ông Urmas Paet của Đảng Cải cách khẳng định ý nghĩa của việc Estonia gia nhập EU vào năm 2004 sau khi rời Liên Xô năm 1991: "(Estonia) gắn bó với các đồng minh châu Âu là vấn đề cơ bản và sống còn".

Đây không chỉ là lời ca tụng thuần tính chính trị, mà có cơ sở là những đổi thay vừa qua, mà theo ông Paet: "Tôi tin rằng hầu hết người dân Estonia đều hài lòng với hiện trạng của chúng ta so với 30 năm trước" (tờ Eesti Rahvusringhääling - ERR ngày 29-5). 

Sau khi Estonia gia nhập EU năm 2004, trở thành thành viên OECD năm 2010, rồi khu vực đồng euro năm 2011, GDP đầu người đã tăng lên hơn 28.000 USD vào năm 2022, so với chỉ hơn 3.000 USD năm 1995 (WB).

Cuộc bầu cử ở Litva thì phủ bóng bởi mối đe dọa từ Nga, vấn đề chính trong các tranh luận trước bỏ phiếu. Ngoài ra, các đảng cánh tả tìm cách hướng cuộc thảo luận về điều kiện làm việc, mức lương tối thiểu và đòi hỏi tuần làm việc bốn ngày. 

Ở Latvia, quan hệ với Nga cũng là vấn đề nổi cộm với cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga đông đảo (25% dân số). Trước bỏ phiếu, phần lớn thảo luận tập trung vào cách đối xử với nhóm này và nhiều người thấy khó chịu với kế hoạch phiên dịch trực tiếp các cuộc tranh luận sang tiếng Nga. 

Tình hình chia rẽ tới mức tám đảng ở Latvia dự kiến giành được mỗi đảng một trong chín ghế MEP của nước này.

Ảnh: WWF EU

Ảnh: WWF EU

Các tâm trạng xa Nga, xích lại gần EU ở các nước Baltic không khó hiểu vì cuộc chiến Ukraine. Nhưng đấy lại không phải là tình hình ở Hungary, mà theo Politico, có vẻ như sẽ trải qua chiến dịch bầu cử "nhàm chán nhất" trong nhiều năm, do lẽ không có gì cản trở Thủ tướng đương nhiệm Viktor Orbán. 

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử năm nay cũng có thể trở thành phép thử quan trọng để xem liệu nhân vật đối lập mới đang lên Péter Magyar có thể thách thức ông Orbán không.

Với khẩu hiệu chống lại tham nhũng, tăng phúc lợi y tế và giáo dục, Đảng Tôn trọng và tự do của ông Magyar đã gây tiếng vang lớn, khiến Đảng Fidesz cầm quyền phải sử dụng mọi đòn tấn công khả dĩ. 

Giới phân tích cho rằng nếu giành được 20% số phiếu bầu trở lên, ông Magyar sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm túc với ông Orbán. Tuy nhiên, quan điểm của ông Magyar về EU vẫn còn mù mờ, theo Politico. 

Cũng là dễ hiểu: xã hội Hungary đã quen với cách cầm quyền của ông Orbán từ năm 2012, nên một nhân vật mới có thể cảm thấy chưa sẵn sàng thoát hẳn khỏi phong cách đó.

Ở Pháp, do luật quy định Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải rời chức vụ sau nhiệm kỳ thứ nhì này, nên có vẻ ứng viên cực hữu Jordan Bardella, với tài hùng biện, đã trở thành gương mặt mới của Đảng Tập hợp quốc gia, ngay trước mũi thủ lĩnh lâu nay là bà Marine Le Pen. 

Còn ở Đức, cuộc bầu cử mang dáng dấp cuộc trưng cầu ý dân về liên minh cầm quyền "đèn giao thông" bao gồm Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ tự do ủng hộ thị trường và Đảng Xanh vốn ưu tiên môi trường.

Mức độ hài lòng của cử tri Đức với liên minh cầm quyền hiện đang giảm mạnh. Trước bầu cử, vấn đề hàng đầu là vai trò của Đức trong cuộc chiến ở Ukraine - chủ đề làm nổi bật những rạn nứt trong chính phủ liên minh. Trong khi SPD tỏ ra đoàn kết với vị "thủ tướng hòa bình" thận trọng của họ, thì nhiều người trong liên minh đang lên án sự do dự của Đức trong hỗ trợ Ukraine.

Sự do dự này phản ánh qua thái độ rụt rè của EU với việc kết nạp Ukraine, điều mà nhà báo chuyên về các vấn đề EU Gabriele Rosana đã lên án trong bài đăng trên đặc san Nghị Viện của EP ngày 4-4: "Nỗi đau ngày càng tăng: Ukraine phải làm gì để gia nhập EU?". 

Bài báo ta thán: "Bất chấp việc Brussels đang tăng cường nỗ lực đẩy nhanh lộ trình gia nhập EU của Ukraine, con đường vẫn còn nhiều chông gai... Các quan chức EU miêu tả việc gia nhập là quá trình kỹ thuật, dựa trên thành tích và thường phải mất vài năm mới hoàn thành".

"Họ nhấn mạnh đòi hỏi về các cuộc đàm phán chuyên sâu để cải cách cơ cấu chính phủ và quan liêu của quốc gia ứng viên, điều chỉnh tiêu chuẩn và luật pháp của quốc gia đó cho phù hợp với nội dung các quy tắc của EU..., hoạt động thường được cấu trúc xung quanh 35 chuyên đề". 

Những nhiêu khê này ai cũng biết, ít nhất là các điều kiện như bội chi ngân sách không được vượt mấy phần trăm, bầu cử dân chủ (Ukraine đang gác bầu tổng thống), tôn trọng và bảo vệ các nhóm thiểu số… ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận