TTCT - Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này đang là đề tài nóng trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng, bởi chính sách của Tổng thống D. Trump suốt 4 năm qua đã làm sâu sắc thêm những khủng hoảng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh. Ảnh: EPA Sau chiến thắng mà Hoa Kỳ giành được trong Chiến tranh lạnh, thế giới trong vài thập kỷ qua đã sống trong ảnh hưởng của nước Mỹ, dù là những đảo quốc Thái Bình Dương xa xôi hay đồng minh châu Âu hùng mạnh như Anh, Đức, Pháp. Từ những chi phối văn hóa Hollywood hay các sô truyền hình Mỹ, đến mặt trận kinh tế, tính thanh khoản của đồng đôla, sức mạnh của các ngân hàng Mỹ, sự thống trị gần như là toàn diện. Rõ ràng với người Mỹ, đó là thời kỳ vàng son, và mong muốn nhiệt thành quay trở lại thời vàng son đó là động lực chính dẫn đến cuộc xung đột nội bộ giới tinh hoa ở Mỹ hiện nay. Theo sự phân chia truyền thống, đó là xung đột giữa bên ủng hộ toàn cầu hóa - tức phe Dân chủ, và những người chống đối - tức những ai có đầu óc quốc gia chủ nghĩa, những người ủng hộ D. Trump. Một thực tế là thế giới sẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa. Các tờ báo lớn không còn phủ nhận thực tế rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ nỗ lực để củng cố sự độc lập với Hoa Kỳ, bất kể kết quả bầu cử thế nào. “Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump thua, rất ít chính trị gia ở châu Âu mong đợi thế giới sẽ trở lại trạng thái như trước khi ông ấy bắt đầu phát biểu chống lại NATO và EU từ Phòng Bầu dục. Người châu Âu không tin rằng họ còn có thể phụ thuộc vào Hoa Kỳ như đã từng. Họ muốn sẵn sàng hành động, dù có hoặc không có Washington… Vì vậy, các nước châu Âu đang có kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự của họ. Họ đang nói [về việc] nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với an ninh ở Bắc Phi và Trung Đông, những khu vực gần họ hơn nhiều so với Mỹ và [nơi] họ còn duy trì quan hệ hậu thuộc địa. Những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 muốn giữ lại [thỏa thuận này]. Một số chính trị gia nói họ muốn thúc đẩy châu Âu như một cường quốc toàn cầu thứ ba cùng Hoa Kỳ và Trung Quốc, không đứng hoàn toàn về bên nào… Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu và đối ngoại Jean-Yves Le Drian gần đây đã nói với các đại sứ Pháp tại các quốc gia châu Âu: “Trong một thế giới ngày càng tàn bạo, châu Âu cuối cùng phải hoàn toàn thoát ra khỏi thời kỳ vô tội và ngây thơ để tạo ra số phận của chính mình. Bằng ngược lại, số phận của nó sẽ do người khác định đoạt””. Đó là nội dung mà tờ báo hàng đầu Hoa Kỳ The Washington Post đưa tin vào ngày cuối tháng 10, ba ngày trước cuộc bầu cử. Muốn hay không thì chính sách của Tổng thống Trump đã làm tăng bất bình trong các đồng minh châu Âu. Norbert Röttgen, chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức, nói với tờ Politico: “Chính quyền hiện tại của Mỹ được dẫn dắt bởi logic trừng phạt nếu những người khác không tuân theo… Không thể xây dựng quan hệ đối tác trên cơ sở này”. Những phản ứng như vậy đã quá quen ở Matxcơva hoặc Tehran, nhưng ít ai ngờ lại nghe được sự tức giận đó ở một trong ba ứng cử viên có khả năng nhất cho vị trí lãnh đạo Đảng CDU. Những tuyên bố gay gắt như vậy từ các chính trị gia Đức vốn có truyền thống kiềm chế là dấu hiệu cho thấy mọi thứ còn lâu mới suôn sẻ trong quan hệ Mỹ - EU. Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Politico, ông Röttgen bày tỏ hi vọng nếu ứng viên Dân chủ Joe Biden thắng cử, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có thể được tái lập. Tuy nhiên, nhà bình luận Nga Dmitry Belyayev viết trên TASS rằng việc Washington không quan tâm đến các vấn đề châu Âu không hẳn là đặc sản của Trump. Theo Belyayev, cử tri Mỹ ngày càng ít hài lòng với việc đất nước họ cứ mãi làm “sen đầm quốc tế”. Rất nhiều vấn đề nội bộ còn chưa được giải quyết và dân Mỹ đã mệt mỏi rồi. Thêm nữa, vấn đề then chốt trong chính sách đối ngoại chính của Mỹ vẫn là những gì xảy ra bên kia Thái Bình Dương, chứ không phải Đại Tây Dương. Các bất đồng Mỹ - Trung đã bắt đầu được gọi là cuộc Chiến tranh lạnh mới và giới chuyên gia dự đoán nó có thể kéo dài hàng thập kỷ. Trong điều kiện đó, Washington sẽ muốn hiện diện nhiều hơn ở châu Á. Tất cả cho thấy bất kể ai bước vào Nhà Trắng, EU sẽ (buộc phải) tiếp tục hành động tự chủ hơn.■ Tags: Châu ÂuTổng thống MỹDonald TrumpBầu cử Mỹ
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Truyền hình trực tiếp: Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Nga 09/05/2025 Matxcơva đang tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đánh dấu 80 năm chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II.
Dự kiến giảm biên chế gần 130.000 người, Thủ tướng chỉ đạo sớm bố trí đủ kinh phí chi trả NGỌC AN 09/05/2025 Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đông nghịt người Hà Nội lại xếp hàng từ 4h sáng để chờ làm thủ tục hành chính, vì sao? PHẠM TUẤN 09/05/2025 Tại Hà Nội, rất đông người dân xếp hàng dài từ cổng ra tận vỉa hè từ 4h sáng ở trung tâm phục vụ hành chính công để chờ lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính, lý do vì sao?
Sáng mai bắt đầu hồi sinh rạch Xuyên Tâm sau hàng chục năm LÊ PHAN 09/05/2025 Sáng mai 10-5, TP.HCM sẽ khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.