TTCT - Bà muốn biến hoạt động tình nguyện thành một phần của văn hóa dân tộc và giúp Costa Rica nhận ra những cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn có thể được khai mở, nếu tất cả mọi người dành ra ba giờ một tuần để làm tình nguyện cho một “lý do” mà họ lựa chọn. Trẻ được nghe nhạc thay vì tiếng súng -HẰNG MAI Trong lần đến Costa Rica, chúng tôi gặp bà Maris Estela Fernandez - sáng lập viên và chủ tịch Trung tâm hội nhập xã hội SIFAIS nằm ngay giữa La Carpio. Rất ít du khách từng nghe nói về La Carpio. Đây là khu ổ chuột tồi tệ nhất Costa Rica và không ai muốn khuyên bạn tới đó. Là một quận ở phía tây của San José, La Carpio nằm giữa hai con sông bị ô nhiễm và bên cạnh bãi rác khổng lồ của thành phố. Khoảng 35.000 cư dân đang sinh sống nơi đây, bị nén chặt trong những ngôi nhà làm bằng tôn thiếc. Hầu hết họ là người tị nạn từ cuộc nội chiến Nicaragua những năm 1980 và 1990. Con cái họ, những trẻ em sinh ra ở Costa Rica, được công nhận là công dân Costa Rica, lớn lên trong một môi trường như vậy. Đây là một trong những nơi nghèo nhất Costa Rica, có tỉ lệ thất nghiệp cao. Đây cũng là một trong những nơi nguy hiểm nhất với tỉ lệ tội phạm cao, kể cả tội phạm ma túy. Ngôi nhà an toàn Giữa bối cảnh ấy, SIFAIS đã hình thành. Đây là một dự án phi lợi nhuận tư nhân nhằm thúc đẩy tiến bộ và hòa nhập xã hội thông qua việc giảng dạy và học tập các môn nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống. Đây cũng đồng thời là ngôi nhà an toàn cho trẻ em khu vực này tránh khỏi sự bạo lực gia đình cũng như đường phố. Tất cả mọi thứ ở đây đều miễn phí. Các môn học do tình nguyện viên giảng dạy. Bất cứ ai muốn giảng dạy, chia sẻ những gì họ biết và những người sẵn sàng học hỏi luôn được chào đón. Các tình nguyện viên tùy ý lựa chọn môn học, giờ dạy, dụng cụ, nhạc cụ... và chính họ sẽ quyên góp hay cung cấp những món này cho học viên. Điều duy nhất mà SIFAIS đòi hỏi là sự cam kết và sẵn sàng tuân thủ các hướng dẫn cơ bản để chương trình đạt hiệu quả. Âm nhạc, nghệ thuật hay thể thao tại SIFAIS là những phương tiện hướng tới mục tiêu hòa nhập xã hội. Bà Maris không chủ trương đào tạo ra những nghệ sĩ giỏi nhất, nhưng bà không khỏi tự hào khi khoe với chúng tôi tháng trước bọn trẻ đã được biểu diễn ở nhà hát quốc gia và có em được nhận vào dàn nhạc quốc gia. Khi được hỏi cuộc đời em đã thay đổi như thế nào với SIFAIS, câu trả lời ấn tượng nhất mà bà Maris nhận được là “em được nghe nhạc thay vì nghe tiếng súng”. Bà muốn biến hoạt động tình nguyện thành một phần của văn hóa dân tộc và giúp Costa Rica nhận ra những cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn có thể được khai mở, nếu tất cả mọi người dành ra ba giờ một tuần để làm tình nguyện cho một “lý do” mà họ lựa chọn. Chỉ ba giờ mỗi tuần thôi, nhưng nó giúp thay đổi cuộc đời của chính các tình nguyện viên và cả cuộc đời của những người khác nữa. Lòng tin “SIFAIS là nơi xảy ra những biến đổi xã hội, là con đường hai chiều có thể biến đổi sự thờ ơ thành hi vọng và hi vọng thành những cơ hội thực tế lẫn hữu hình cho cả người cho và người nhận. Người cho ở đây là các tình nguyện viên và người nhận là những trẻ em ở khu La Carpio” - bà Maris Estela Fernandez nói. Mọi chuyện bắt đầu từ khi một phụ nữ sống tại La Carpio từng xin bà tài trợ đồng phục cho bọn trẻ chơi thể thao đặt câu hỏi: “Bà có thể giúp lập một ban nhạc cho bọn trẻ được không?”. Lời gợi ý này đã được bà chia sẻ lại với một nhạc sĩ. Vậy là họ cùng nhau thử thành lập một ban nhạc tại khu ổ chuột này. Dự án được ra đời năm 2011 và biến SIFAIS thành ngôi nhà của 600 đứa trẻ đến từ những gia đình bất hạnh và nghèo khổ. Ban đầu chỉ là căn nhà nhỏ với vài lớp học. Sau đó bọn trẻ đến đông hơn, trung tâm quyên góp mua đất. Người chủ đất thấy dự án hiệu quả đã tặng luôn miếng đất đó. Những người làm dự án sau đó tới gặp bộ trưởng an sinh xã hội để cho ông thấy điều mà họ làm được, hai tháng sau họ đã có giấy phép sử dụng và xây dựng trên miếng đất đó trong 15 năm. Sau 18 tháng, một tòa nhà bằng gỗ xinh đẹp vượt lên giữa khu ổ chuột là minh chứng cho lời của bà Maris: “Cứ làm từng bước, xây dựng lòng tin. Khi mọi người tin tưởng, họ sẽ chung tay. Mọi thứ bắt đầu với lòng tin”. Từ khi bắt đầu, SIFAIS đã cho thấy hiệu quả của nó như là một công cụ hội nhập xã hội hai chiều vì đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ, được giúp đỡ, được công nhận và thăng tiến của các nhóm bên lề xã hội cũng như nhu cầu cho đi, chia sẻ, phụng sự và trải nghiệm ở các nhóm có cơ hội kinh tế - xã hội tốt hơn. Các tình nguyện viên trải nghiệm sự thay đổi trong cách họ nhìn nhận cuộc sống của mình. Họ nhận ra các năng lực cá nhân, các cơ hội mà họ đang có, nhận ra những nhu cầu của người khác cũng như tiềm năng “chuyển hóa” nằm trong mỗi người. Bà Maris luôn nhấn mạnh “cứ phải bắt tay vào làm” và rằng “chỉ với ba giờ tình nguyện mỗi tuần, La Carpio đã được chuyển hóa. Vậy thì chúng ta có thể chuyển hóa mọi thứ”.■ Tags: Costa Rica
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra phòng chống lụt bão tại Tuyên Quang THÀNH CHUNG 12/09/2024 Chiều 12-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân, các lực lượng khắc phục hậu quả lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang.
Thủ tướng tới Làng Nủ - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương NGỌC AN 12/09/2024 Thủ tướng đã vào tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương khiến gần 100 người tử vong và mất tích.
Lào Cai tìm thấy 70 người dân nghi mất tích do sạt lở đất THÀNH CHUNG 12/09/2024 17 hộ dân tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu đã được chính quyền địa phương tìm thấy khi đang dựng lán trại trên đồi để ở, tránh lũ lụt và sạt lở đất.
Katinat xin lỗi sau thông báo trích 1.000 đồng/ly nước ủng hộ đồng bào miền Bắc gây tranh cãi NGỌC HIỂN 12/09/2024 Cách đây ít phút, chuỗi thức uống Katinat đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng khi việc quyên góp 1.000 đồng đối với mỗi ly nước mà chuỗi này bán ra để ủng hộ đồng bào miền Bắc gặp những ý kiến trái chiều.