Chiếm đoạt biển Đông và dầu khí!

HỮU NGHỊ 21/07/2012 23:07 GMT+7

TTCT - Nói tới tham ô, người ta có thể tham ô vì thiếu thốn này nọ, song cũng có thể vì tham lam. Một khi vì cả nhu cầu lẫn tham lam thì đó là tai họa khôn lường! Những gì đang và sẽ diễn ra trên biển Đông cho thấy cả hai động cơ đó.

Nguồn: Rigzone

Với dân số 1,3 tỉ người và sẽ không dừng ở đó, với một nền kinh tế tăng trưởng ở ngưỡng 10% trong suốt thập niên trước, năm ngoái mới hạ nhiệt xuống còn 9,2% (1), Trung Quốc càng ngày càng thèm khát nhiên liệu.

Thật vậy, vào năm 1980 dân số Trung Quốc mới còn là 981,2 triệu người, đến 1985 đã vượt qua 1 tỉ (1,050 tỉ), đến 1990 lên đến 1,135 tỉ, năm 2000 những 1,262 tỉ, và cuối năm ngoái là 1,337 tỉ người, thì sức ép dân số (tăng 35% từ năm 1980 đến 2011) lên nhu cầu năng lượng là quá lớn, nhất là khi tăng trưởng cứ phải liên tục "nóng". 

Ngay cả việc đã có đến 500 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khó trong 30 năm qua vốn là một thành tựu phát triển song cũng là một nguồn tiêu thụ năng lượng gia tăng bên cạnh tiêu thụ năng lượng cho sản xuất, giao thông... 

Bài toán an ninh năng lượng

“Đường lưỡi bò” cùng các lực lượng hải quân, hải giám, ngư chính... của Trung Quốc chính là “Vạn lý trường thành trên biển Đông” mà Trung Quốc mới dựng nên vào thế kỷ 21 này.

Thành ra, nếu như tiêu thụ năng lượng còn "bình bình" chạy lấy đà trong giai đoạn 1980-1990, sang giai đoạn 1990-2000 đã "cất cánh", thì sang đến giai đoạn 2000-2010 bốc lên như tên lửa!

Điều đó giải thích tại sao từ vị trí nước xuất khẩu dầu hỏa cho đến đầu thập niên 1990, chỉ mười năm sau Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu nhiều thứ nhì thế giới (sau Mỹ) và chiếm đến hơn 1/3 lượng dầu tiêu thụ của thế giới (2).

Cũng may là Trung Quốc còn đủ than để khai thác và sử dụng, lượng than tiêu thụ (gần phân nửa lượng than tiêu thụ toàn thế giới) vẫn còn là nguồn năng lượng lớn nhất (71%), trong khi dầu hỏa mới 19% và thủy điện chỉ 6%.

Năm 2010, Trung Quốc sản xuất 4,3 triệu thùng dầu/ngày, nhưng tiêu thụ đến 9,2 triệu thùng/ngày (tăng khoảng 900.000 thùng/ngày so với năm trước), do đó phải nhập khoảng 4,8 triệu thùng/ngày.

EIA (Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ) dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tiêu thụ dầu trong các năm 2011 và 2012 vào khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, trong khi khả năng sản xuất chỉ thêm được có 290.000 thùng/ngày, đạt 4,5 hay 4,6 triệu thùng/ngày (3). Từ đó, có thể thấy sức ép nhập khẩu dầu càng tăng, có thể lên đến 800.000 thùng/ngày.

Theo Oil & Gas Journal(OGJ), Trung Quốc có nhiều mỏ dầu lớn ở khu vực đông bắc, các khảo sát cho thấy trữ lượng dầu "chắc có" ước tính khoảng 20,4 tỉ thùng dầu (vào tháng 1-2011), tăng 4 tỉ thùng so với hai năm trước. 

Theo kế hoạch năm năm lần thứ 10 (2000-2005), từ năm 2001 Trung Quốc quyết định thiết lập một chương trình dự trữ dầu hỏa chiến lược do chính phủ quản lý nhằm bảo vệ quốc gia khỏi nguy cơ bị cắt nguồn cung từ các nước xuất khẩu dầu mà Trung Quốc vẫn đang nhập.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn trông mong vào hai "vựa dầu" Đại Khánh của Tập đoàn CNPC, nằm ở đông bắc (năm 2010 sản xuất khoảng 797.000 thùng/ngày) và Thắng Lợi của Tập đoàn Sinopec ở vịnh Bột Hải (khoảng 547.000 thùng/ngày). Tuy nhiên, hai mỏ dầu này cùng các mỏ nhỏ khác, khai thác từ những năm 1960, nay cũng đang cạn, sản lượng sẽ giảm trong những năm tới.

Những thăm dò và khai thác mới đây trong đất liền tại các tỉnh phía tây như Tân Cương, Tứ Xuyên, Cam Túc, Nội Mông và ở ngoài khơi, trong vịnh Bột Hải (ở phía bắc, gần Bắc Kinh) và nhất là trong biển Nam Hải (4)của Trung Quốcđang rất được tập trung chú ý (xem bản đồ). 

Nhìn lên bản đồ sẽ thấy vị trí "tập trung chú ý" trên Nam Hải (biển Đông của Việt Nam) nằm sau lưng đảo Hải Nam và chếch một chút xuống phía nam, không xa khu vực đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm từ năm 1974.

Năm 2009, tổng lượng dầu mà Tập đoàn CNOOC khai thác được trong Nam Hải (quanh khu vực Châu Giang) chỉ là 191.000 thùng/ngày. Các thăm dò cho thấy vào năm đó trữ lượng "chắc có" của CNOOC trong Nam Hải vào khoảng 957 triệu thùng. 

CNOOC và Conoco Phillips đang khai thác mỏ Phiên Ngung, sản lượng cao nhất chỉ được 60.000 thùng/ngày. Đến năm 2010, CNOOC tìm ra được dầu ở khu vực Ân Bình, cũng trong Nam Hải, có thể khai thác được 30.000 thùng/ngày. Các số liệu trên cho thấy triển vọng khai thác dầu trong Nam Hải là rất thấp.

Nguồn: EIA Short-Term Energy Outlook

Lòng tham phát tác không kiềm chế

Tháng 5-2010, CNOOC gọi thầu 13 lô trong Nam Hải, song vẫn về phía Trung Quốc, như có thể thấy trên bản đồ. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm ngoái, phía Trung Quốc hai lần cắt cáp uy hiếp các hoạt động thăm dò của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đùng một cái, tháng 6 năm nay, CNOOC gọi thầu chín lô trong biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 9-5 năm nay, Trung Quốc kéo giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 đến khu vực cách Hong Kong 320km về phía đông nam, bắt đầu khai thác khí đốt trong một khu vực rộng 25km2 và ở độ sâu 2.335m, một kỹ sư địa chất Thi Hòa Sanh của CNOOC cho biết (5).

Thế nhưng, nếu như khu vực giàn khoan này khai thác đích thực ở vị trí đó, thì theo các kết quả thăm dò đã nêu, liệu việc đầu tư cả tỉ USD cho giàn khoan khổng lồ nước sâu này có hợp lý?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong phát biểu của chính kỹ sư địa chất Thi Hòa Sanh vừa nêu: "Về lâu về dài sẽ tìm thấy hơn 700 triệu tấn dầu cùng 1,2 ngàn tỉ m3 khí tự nhiên trong khu vực này". 

Nếu như viên kỹ sư này dừng lại ở khu vực bắc Nam Hải (tức trong vùng đặc quyền của Trung Quốc), thì cũng trong bài báo này lại công bố một viễn tượng khác cùng những con số khác lớn hơn gấp nhiều: "Ước tính Nam Hải có từ 23 đến 30 tỉ tấn dầu và 16 ngàn tỉ m3 khí tự nhiên... Khoảng 70% dự trữ dầu và khí ở Nam Hải nằm trong khu vực nước sâu có diện tích 1,54 triệu km2".

Hai số liệu khác nhau đến thế là do kỹ sư địa chất Thi Hòa Sanh chỉ tính trữ lượng trong sở hữu của Trung Quốc trong phần Nam Hải, còn số liệu khổng lồ kia là của toàn thể biển Đông? Tức nay khai thác ở đó, mai khai thác ở chỗ khác trên cùng khắp biển Đông trong "đường lưỡi bò", bất chấp chủ quyền của thiên hạ. 

Bởi thế chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm mới sảng khoái tuyên bố: "Các giàn khoan nước sâu là vũ khí chiến lược thúc đẩy sự phát triển công nghiệp dầu hỏa xa bờ và còn là biên cương di động của chúng ta".

Thôn tính tài nguyên dầu khí biển Đông như thế không khác gì thôn tính tài nguyên sông Mekong bằng cách đắp cả tá đập ở thượng nguồn, bất kể hạ nguồn có bị cạn kiệt ra sao. 

Thật ra, ngay cả khi khai thác thủy điện "vô tội vạ" như đã thấy (cho dù thủy điện chỉ cung cấp 6% năng lượng), người ta cũng đã cho thấy "thương thân" còn chưa màng đến, huống hồ thương thiên hạ!

__________

(1) www.chinadaily.com.cn/business/2012-01/.../content_14460323.htm(2), (3) http://www.eia.gov/countries/cab.cfm?fips=CH(4) Trong bài này, từ Nam Hải được sử dụng khi trích phát biểu phía Trung Quốc hoặc khu vực đó sát về phía Trung Quốc không chồng lấn với Việt Nam, còn từ biển Ðông được sử dụng khi nói chung.(5) China begins deep water drilling in South China Sea, Xinhua 9-5-2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận