"Chiếm lấy phố Wall" - Thực chất của cuộc đụng độ

DANH ĐỨC 03/11/2011 00:11 GMT+7

TTCT - Đạo luật Dodd-Frank cùng dự luật “công ăn việc làm” chính là “vật tranh chấp” giữa Tổng thống Barack Obama và thị trưởng New York là tỉ phú Bloomberg, đại diện cho giới tài chính Mỹ. Các đạo luật này là gì trong xã hội Mỹ mà nay đang chia phe biểu tình?

Tổng thống Bush ký đạo luật cứu Phố Wall ngày 26-9-2008 - Ảnh: AP

Hãy trở lại cuối trào tổng thống Bush. Hôm 26-9-2008, ông Bush ký đạo luật cầm cố tài chính 700 tỉ USD mà Hãng tin MSNBC chú thích là “nhằm cấp cứu Phố Wall”. 

Tờ Guardian 3-10-2008 nhận xét như sau: “Đạo luật này cho phép ngân khố Mỹ làm sạch các sổ sách ngân hàng bằng cách mua lại các cổ phiếu cầm cố đang lâm nguy”.

Nói nôm na, ngân khố Mỹ bỏ ra 700 tỉ USD mua lại cổ phiếu của các ngân hàng mất khả năng chi trả do đã cho vay thoải mái trước đó trong cơn sốt địa ốc được thổi phồng, để các ngân hàng này tiếp tục sống và sống khỏe đến ngày nay thay vì vỡ nợ! Đó là điều phong trào Chiếm lấy Phố Wall từ hơn một tháng qua khiếu nại bằng các cuộc cắm trại - biểu tình của mình.

Cải cách phố Wall hay áp bức phố Wall?

Đó cũng là điều cách đây một năm hơn, Tổng thống Obama đã tìm cách sửa sai bằng việc phê chuẩn đạo luật “Dodd-Frank cải cách Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng” (gọi tắt là Cải cách Phố Wall) ký duyệt hôm 21-7-2010. Đạo luật này là điều Phố Wall đang muốn xóa bỏ.

Website của Nhà Trắng giải thích đạo luật này như sau: “Hàng ngàn tỉ USD tài sản của các gia đình đã bị xóa sạch, hơn 8 triệu chỗ làm đã bị mất, phần lớn là do các thất bại trong hệ thống tài chính của chúng ta. Giờ đến lúc chấm dứt hệ thống luật lệ đã thất bại này. Chính quyền Obama đã đặt ưu tiên một vào việc cải cách Phố Wall ngay từ ngày đầu nhậm chức. 

Đạo luật Cải cách Phố Wall sẽ buộc Phố Wall có trách nhiệm giải trình hơn, sẽ bảo vệ và tăng sức mạnh cho người tiêu dùng Mỹ, sẽ làm các thương vụ tài chính công khai minh bạch hơn, nhất là sẽ chấm dứt hẳn việc tiền thuế của người dân bị đem đi giải chấp” (1). 

Cụ thể với đạo luật Dodd-Frank, ngân hàng từ nay sẽ không được rót tiền vào các quỹ đầu tư lãi suất cao tới trời, nhà nước sẽ không bỏ tiền ra để cứu nợ như dưới trào ông Bush.

Giới tài chính tung ra báo cáo “Bloomberg Government” để phản kích đạo luật Dodd-Frank. Báo cáo này vạch ra những o ép bất hợp lý, tỉ như việc sau: “Đạo luật Dodd-Frank trao cho Hội đồng theo dõi ổn định tài chính thẩm quyền đưa bất cứ cơ sở tài chính nào vào danh sách “các cơ sở không phải là ngân hàng” chỉ cần 2/3 số thành viên hội đồng và lá phiếu thuận của bộ trưởng ngân khố. Cơ sở nào bị “đóng dấu” một cách máy móc như thế sẽ bị tăng cường giám sát”. 

Hai "đầu mối" phẫn nộ ở Mỹ

Trong bối cảnh kình chống kịch liệt đó giữa hai bên, nay nổ ra vụ “Chiếm lấy Phố Wall”. Giáo sư xã hội học Rory McVeigh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các phong trào xã hội, Viện đại học Notre Dame (Mỹ), giải thích như sau trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs:

“Do nền kinh tế Mỹ chìm ngày càng sâu trong suy thoái, hàng triệu người Mỹ phải đối diện nạn thất nghiệp, các giá trị gia đình bị tan vỡ, mộng mơ ngày về hưu yên ấm nay bị dời lại thêm vài năm, những người phản kháng giận dữ đã tuần hành khắp nước. Những người đấu tranh thuộc cánh “bảo thủ” đã xuất hiện đầu tiên. 

Suốt mùa đông năm ngoái và mùa xuân năm nay, Đảng Trà (Tea Party Movement) đã ra sức trút những chê trách suy thoái lên chính quyền Obama và yêu cầu chính quyền giảm chi tiêu. 

Nay phong trào Chiếm lấy Phố Wall đang hé nụ có thể khởi động điều mà các nhà đấu tranh thuộc phe cấp tiến đang mong đợi. Đó là một cơ hội xác định lại cuộc khủng hoảng kinh tế và nhằm hậu thuẫn rộng rãi hơn cho chính sách kích thích kinh tế của chính phủ cùng các biện pháp hướng nhiều hơn đến công bằng xã hội”. 

Có một số chi tiết rất đáng lưu ý trong phân tích trên của giáo sư McVeigh: 

1/ Có hai nhóm đang thay nhau xuống đường ở Mỹ: Đảng Trà và Chiếm lấy Phố Wall; 

2/ Đảng Trà từ cuối năm ngoái đã sớm biểu tình trút hết mọi tội lỗi  (kinh tế suy thoái hiện nay) vào Tổng thống Obama; 3/ Nay phe cấp tiến phản pháo và hậu thuẫn Tổng thống Obama qua “Chiếm lấy Phố Wall”. 

Tổng thống Obama nói chuyện tại Trường Greenville County ở Virginia ngày 18-10, trong hành trình xe buýt vận động cho dự luật “công ăn việc làm“ - Ảnh: Reuters

Ai đang phò đảng cộng hòa?

Nếu như ông Bush giải cứu giới tài chính thì ông Obama nhắm đến giải cứu sản xuất công nghiệp. Ông đã vời 13 tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp đến bàn bạc về kế hoạch này (2), bỏ mặc giới tài chính. 

Ngay lập tức dấy lên những chỉ trích rằng gói giải cứu của ông Obama là lãng phí (3) và đòi ông phải “ba giảm”: chi tiêu công, nợ công và bội chi ngân sách. 

Chỉ trích tại quốc hội, trên mặt báo chưa đủ, họ còn xuống đường phản kháng. Và đó là công việc của Đảng Trà, xuất hiện từ tháng 2-2009 sau khi ông Obama nhậm chức và tung ra gói giải cứu trên 800 tỉ USD vào tháng 2 năm ấy. 

Trong số các nhân vật hàng đầu của Đảng Trà có các chính khách hàng đầu Đảng Cộng hòa như cựu thống đốc bang Alaska Sarah Palin, Dick Armey… và Ron Paul hiện đang ngấp nghé trở thành ứng viên tổng thống của đảng này vào năm tới. 

Đảng Trà từng biểu tình trước trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 14-9-2009 với cả triệu người tham gia, chụp cho ông Obama cái mũ “xã hội chủ nghĩa” (4). Trung tuần tháng 3 năm ngoái, đảng này lại xuống đường chống đạo luật bảo vệ y tế… Trong khi đó, chưa có vụ biểu tình nào ủng hộ ông Obama.

Ai đang phò tổng thống Obama?

Chịu trận các cuộc biểu tình tràn ngập của Đảng Trà liên tục như vậy, ông Obama cũng cảm thấy oải. Nay có “Chiếm lấy Phố Wall”, ông bèn phát biểu đồng cảm hôm 6-10: “Tôi nghĩ rằng cuộc phản kháng đó biểu thị sự thất vọng mà người dân Mỹ đang cảm nhận… Những người phản kháng đang cất tiếng nói thay cho một sự thất vọng lớn lao hơn nhiều về cách thức hoạt động của hệ thống tài chính của chúng ta…” (5). 

Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ (ít nhất từ chiến tranh Việt Nam đến nay) lại đồng cảm với một phe biểu tình nào! Tuyên bố trên, chỉ năm ngày sau khi lực lượng cảnh sát New York bắt giữ 800 người biểu tình, càng cho thấy tính đối kháng giữa ông Obama và giới tài chính đang có quyền lực trong tay qua đại diện là thị trưởng New York - tỉ phú Bloomberg. 

Chỉ mười ngày sau tuyên bố đồng cảm đó của Tổng thống Obama, 70 người biểu tình tiếp tục bị bắt ở New York. Thư ký báo chí Nhà Trắng Carney nhắc lại sự đồng cảm đó: “Tổng thống từng bày tỏ sự thông cảm với nỗi phẫn nộ mà những người biểu tình này thể hiện và đại diện. 

Đầu tiên là sự phẫn nộ của giai cấp trung lưu Mỹ trước tình trạng của nền kinh tế Mỹ, trước nhu cầu tăng trưởng để cải thiện kinh tế và trước nhu cầu tạo ra thêm công ăn việc làm nhằm cải thiện kinh tế. Kế đến là sự phẫn nộ trước việc Phố Wall bị khống chế bởi các thế lực thống trị để rồi chính phủ liên bang buộc phải chu cấp hỗ trợ nhằm tránh để lĩnh vực tài chính sụp đổ” (6). 

Không dừng ở những mệnh đề phẫn nộ cũ kỹ, thư ký báo chí Nhà Trắng Carney đưa ra một mệnh đề mới: “Nay có thêm sự phẫn nộ mới trước việc một số người đang ra sức thu hồi những biện pháp bảo vệ (an sinh) xã hội mà tổng thống đã phải cật lực đấu tranh để đưa ra đạo luật Cải cách Phố Wall. Tôi chẳng cần ám chỉ rằng đó là mục tiêu của Đảng Cộng hòa, chính họ đã nói ra điều đó”.

Các “biện pháp bảo vệ xã hội Đảng Cộng hòa đang muốn thu hồi” mà thư ký báo chí Carney đề cập chính là đạo luật bảo hiểm y tế toàn dân, là dự luật “công ăn việc làm” mà thượng viện mới bác bỏ và hiện Tổng thống Obama đang đi vận động bằng xe buýt qua một số bang.

__________

(1) http://www.whitehouse.gov/wallstreetreform

(2) Tech Industry CEOs Back Obama s Rescue Package, January 29, 2009

(3) Obama: Stimulus will be spent quickly, efficiently, Reuters, Feb 23, 2009 

(4) A million march to US Capitol to protest against 'Obama the socialist' http://www.dailymail.co.uk/news/article-1213056/Up-million-march-US-Capitol-protest-Obamas-spending-tea-party-demonstration.html

(5) October 06, 2011 News Conference by the President

(6) Press Gaggle by Press Secretary Jay Carney Aboard Air Force One en route Asheville, NC, October 17, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận