Chiến sự Ukraine: Sự trở lại của xe tăng

HỮU NGHỊ 07/03/2023 05:05 GMT+7

TTCT - Trong một cuộc chiến tranh mà hai phe giao chiến bằng những vũ khí gần như giống nhau, và một bên thất thế hơn về nhiều mặt, thì mong ngóng nhận được xe tăng mẫu hoàn toàn khác từ đồng minh là dễ hiểu.

Nếu như vào đầu cuộc chiến Ukraine, những chiếc xe tăng chóc nóc là hình ảnh quen thuộc tới mức làm rộ lên bình luận về sự lỗi thời của loại vũ khí chiến trường chủ lực của thế kỷ 20, thì hiện giờ, xe tăng lại đang trở thành chủ đề thời thượng, thậm chí được kỳ vọng sẽ làm thay đổi chiến cuộc.

Xe tăng T-90 của Nga. Ảnh: Getty Images

Xe tăng T-90 của Nga. Ảnh: Getty Images

"Liên minh xe tăng quốc tế"

13h18 phút trưa thứ sáu 24-2, bản tin của ukrinform.net loan báo: "Ba Lan đã bàn giao những chiếc xe tăng Leopard 2 đầu tiên cho Ukraine, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki dự kiến sẽ công bố thông tin này trong chuyến thăm Kiev vào thứ sáu 24-2". 

17h40 phút cùng ngày, lại là ukrinform: "Thụy Điển đã tham gia "liên minh xe tăng quốc tế", khi thông báo ý định gửi 10 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine". 23h22 là một tin nữa: Canada sẽ cung cấp thêm 4 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, qua đó tăng gấp đôi đóng góp của nước này cho "liên minh xe tăng quốc tế".

Cụm từ "liên minh xe tăng quốc tế" được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sử dụng lần đầu hôm thứ tư 24-1. Hôm 25-1, The Hill, tờ báo gần gũi Quốc hội Mỹ, loan tin: "Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ tư vừa rồi đã ca ngợi việc thành lập "liên minh xe tăng" sau khi Tổng thống [Mỹ Joe] Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố các kế hoạch viện trợ xe tăng". 

Theo The Hill, ông Biden đã thông báo kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Còn Đức cho biết sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2, và với tư cách nhà sản xuất mẫu xe tăng này, chấp thuận để các nước khác, như Ba Lan, cũng cung cấp Leopard 2 cho Ukraine.

Cuộc chiến nhìn từ tháp pháo

Tại sao Ukraine lại mong đợi xe tăng từ Đức và Mỹ? Đơn giản và cơ bản là vì họ đang sử dụng cùng những xe tăng do Liên Xô cũ và Nga sản xuất song lại không phải những loại mạnh và tối tân nhất, chưa kể số lượng cũng ít hơn của Nga rất nhiều. Mà vào những tháng tới, khi mùa đông kết thúc, các chiến dịch trên bộ quy mô lớn nhiều khả năng sẽ được cả hai bên mở lại, trong đó xe tăng được dự báo đóng một vai trò quyết định.

Trước chiến tranh, cụ thể là năm 2021, Ukraine có tổng cộng 578 xe tăng T-64A và T-64N, 500 chiếc T-72/T-72A, nhưng số xe tăng này hầu hết nằm… trong kho, chưa có kế hoạch sửa chữa nâng cấp. Cao cấp hơn nữa là dòng T-80, mà Ukraine có chừng 130 - 150 chiếc, rồi T-84 có 10 chiếc, song khi chiến tranh nổ ra, chỉ 5 chiếc có thể đưa vào chiến đấu lập tức; trong khi dòng hiện đại nhất, T-90, thì chỉ có Nga sở hữu.

Sau khi chiến tranh nổ ra, Ba Lan đã chuyển hơn 260 xe tăng T-72 "tặng" Ukraine, theo trang web của Bộ Quốc phòng Ukraine mil.in.ua 17-1. Ba Lan còn cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không vác vai Piorun và đại bác tự hành Krab do họ sản xuất. Tiếp theo là một đại đội xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất như đã nói ở trên. Chương trình tài trợ vũ khí hạng nặng của Ba Lan cho Ukraine như vậy đã kéo dài gần bằng cuộc chiến, bắt đầu từ tháng 3-2022.

Nhưng ngay cả nếu "liên minh xe tăng" có vận hành hết công suất thì số lượng xe tăng của Ukraine vẫn không bõ bèn so với của Nga, với 3.300 chiếc sẵn sàng chiến đấu và từ 8.000 - 10.000 chiếc nữa trong kho, theo số liệu trước chiến tranh. Tình hình chiến sự cho tới giờ cho thấy rõ ràng binh chủng tăng thiết giáp Nga đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc chiến.

Sự chuẩn bị này có thể thấy qua bản tin Bộ Quốc phòng Liên bang Nga

11-4-2021: "Để chuẩn bị cho giai đoạn toàn quân của cuộc thi Tank Biathlon Games 2021, binh sĩ của đội cận vệ xe tăng mang dải huân chương đỏ thuộc Quân khu miền Tây đã tiến hành bắn đạn thật với xe tăng T-72B3 trong điều kiện thời tiết bất lợi".

Chi tiết hơn, các kíp lái đã tiến hành bắn nhanh từ pháo xe tăng 125mm vào các mục tiêu mô phỏng xe bọc thép và nhân lực của kẻ thù giả định ở khoảng cách 1.600 - 1.800m, và bắn từ súng máy đồng xạ ở khoảng cách 600 - 800m trong điều kiện tuyết rơi dày và gió lớn. Kết quả được thông báo rất khả quan: tiêu diệt toàn bộ máy bay địch giả bằng súng máy cỡ nòng lớn Kord ở khoảng cách 800 - 1.200m.

Đơn vị tập luyện và dự thi này thuộc sư đoàn số 2 vệ binh súng trường cơ giới Tamanskaya, là đơn vị xe tăng có bề dày lịch sử từ tận năm 1940, đại diện Quân khu miền Tây ở giai đoạn toàn quân cuộc thi Tank Biathlon.

Không chỉ là một binh chủng

Cần nói kỹ về lực lượng xe tăng Nga, vì như trang web Global Security, đây là lực lượng có vị thế đặc biệt trong quân đội Nga: "[Trong quân đội Nga], giới tướng lĩnh xe tăng điều hành mọi thứ. Nhìn chung, các tướng xe tăng luôn thống trị lực lượng vũ trang của Hồng quân… Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga là tướng xe tăng. Tất cả các tỉnh [về mặt quân sự] đều do tướng xe tăng đứng đầu. Ngay cả Tổng tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ Nga [Sergey] Surovikin cũng là tướng xe tăng".

Cụ thể hơn, sư đoàn 2 Tamanskaya đã luôn có mặt trong những sự kiện lịch sử của nước Nga, như vụ âm mưu đảo chánh ông Mikhail Gorbachev tháng 8-1991, rồi vụ chính biến tháng 8-1993 "quay xe" ủng hộ ông Boris Yeltsin; hay năm 1999, họ qua Chechnya chống khủng bố. Trung đoàn 1 của sư đoàn này được ưu ái là một trong những đơn vị đầu tiên trong quân đội Nga được trang bị xe tăng T-90 (đơn vị kia là sư đoàn xe tăng "Don" cận vệ số 5, đóng tại Kyakhta, thuộc Quân khu Siberia).

Global Security đã đối chiếu nhiều báo cáo quân số của Nga và Mỹ về lực lượng tăng, thiết giáp của Nga, và tính toán rằng trên lý thuyết, một trung đoàn xe tăng như của sư đoàn 2 Tamanskaya có hơn 40 chiếc T-90, còn một sư đoàn xe tăng, như sư đoàn 5 "Don", có khoảng 320 - 330 chiếc. Tính ra, tổng cộng có khoảng 370 chiếc T-90 đang được sử dụng. Các đơn vị tăng còn lại đa số vẫn sử dụng T-72, tổng cộng khoảng 880 chiếc, tối đa 1.000 chiếc (kể cả niêm cất trong kho). Còn lại nữa là T-55 và T-62 vốn đã được giảm biên và đằng nào thì cũng được đánh giá là "không có hy vọng sống sót trong chiến tranh hiện đại".

Câu hỏi đặt ra là tại sao lực lượng tăng Nga lại không được đầu tư nhiều hơn? Đây là một câu chuyên khác, cần lần về cuộc cải tổ quân đội Nga năm 2008 dưới thời bộ trưởng quốc phòng Nga lúc đó Anatoliy Serdyukov, sau cuộc chiến tranh với Gruzia. Có thể nêu biên khảo "Serdyukov thúc đẩy cải cách quân sự có hệ thống của Nga" của Dale Herspring (giáo sư Đại học Kansas và thành viên Hội đồng Đối ngoại Mỹ) và Roger McDermott (giáo sư Đại học Kent, thành viên Quỹ Jamestown). Hai tác giả đánh giá chiến lược mới của quân đội Nga là chuyển đổi từ hệ thống đơn vị chiến đấu dựa trên cấp sư đoàn sang cấu trúc lữ đoàn, nhưng đây sẽ là một quá trình khó khăn, bởi tình trạng "cắt giảm ngân sách, sản xuất không hiệu quả, bảo trì kém và làm việc bất cẩn".

Một thí dụ về "sản xuất không hiệu quả" là các xe tăng Nga thường hay nổ tung văng tháp pháo, do cả trúng tên lửa Javelin, nhưng cũng có khi chỉ bởi một trái lựu đạn thẩy vô lọt. Hai tháng sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, CNN 28-4-2022 nhắc lại khuyết điểm chung của xe tăng Nga: "Các xe tăng này đã được quân đội phương Tây chú ý trong các cuộc chiến vùng Vịnh với Iraq năm 1991 và 2003, khi một số lượng lớn xe tăng T-72 của quân đội Iraq do Nga sản xuất chịu chung số phận - tháp pháo nổ tung do các cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng… Nga đã không học được bài học từ Iraq, và do đó, nhiều xe tăng của họ ở Ukraine có lỗi thiết kế tương tự".

Xe tăng phương Tây cũng bố trí tháp pháo nằm phía trên, song không thông thành một khối với tổ lái và tất cả đạn dược nằm bên trong tháp pháo đó. Giữa tháp pháo và khoang lái có một cánh cửa - thành viên tổ lái có thể mở đóng giữa mỗi lần bắn, nghĩa là nếu xe tăng bị bắn trúng, chỉ một quả đạn có khả năng lộ ra trong tháp pháo, giúp tổ lái bên dưới an toàn hơn. Khoan nói chuyện xe tăng M1-Abrams của Mỹ có hay hơn xe tăng Nga không, hoặc tên lửa chống tăng vác vai Javelin tài tình thế nào, chuyện an toàn hơn trong tác xạ đã có thể đủ là lý do để Ukraine trông đợi nơi Mỹ và đồng minh phương Tây.■

Tâm trạng mong ngóng xe tăng Mỹ của Ukraine ít nhiều thể hiện qua rất nhiều tin đồn thất thiệt thời gian qua liên quan tới vấn đề này. Ví dụ hôm 21-2, tờ USA Today của Mỹ loan tin: "Kiểm tra nhanh: tin xe tăng Mỹ M1-Abrams đã tới Ukraine là tin vịt". Theo đó, các xe tăng M1-Abrams mà ông Biden hứa sẽ gửi qua cho Ukraine, tổng cộng 31 chiếc, vẫn chưa tới nơi: "Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, sẽ mất vài tháng nữa để mua sắm và giao hàng". Tức trong tương lai gần, sẽ chưa có giao tranh giữa M1-Abrams với T-90.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận