TTCT - Khi Thụy Sĩ tuyên bố sẽ neo đồng franc Thụy Sĩ vào đồng euro, người ta lại nói đến nguy cơ về một cuộc “chiến tranh tiền tệ”. Sau một thời gian bị bóng mây lạm phát toàn cầu, nợ công và hạ bậc tín nhiệm che lấp, câu chuyện về cuộc chiến này lại xuất hiện vì sự “tham chiến” của Thụy Sĩ. Những nỗ lực khó khăn của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cứu con thuyền kinh tế châu Âu đang xì hơi qua bút biếm của họa sĩ Petar Pismestrovic trên tờ Kleine Zeitung (Áo)Ý nghĩa của chiến tranh tiền tệ đang được nhắc đến ở đây là cuộc đua hạ giá đồng tiền của các nước nhằm giữ sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Nó không giống với cách hiểu về chiến tranh tiền tệ trong quyển sách bán chạy cùng tên của tác giả Song Hongbing từng nổi đình nổi đám trước đây.Khi dân Thụy Sĩ qua Đức mua sắmNgày 6-9, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Thụy Sĩ đã tuyên bố đặt một mức sàn cho tỉ giá EUR/CHF là 1,2 (nghĩa là 1 euro (EUR) đổi được 1,2 franc Thụy Sĩ - CHF) và sẵn sàng “mua ngoại tệ với mức không hạn chế” để giữ tỉ giá này không giảm xuống thấp hơn mức sàn 1,2 này. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 8, tỉ giá EUR/CHF liên tục tuột dốc từ 1,3 xuống gần 1 nên NHTƯ Thụy Sĩ đã không thể “chịu nổi” tình trạng như vậy nữa.Báo chí cho rằng đồng franc Thụy Sĩ lên giá nhanh là do những rắc rối ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (cả chuyện nợ công lẫn chuyện các số liệu vĩ mô cho thấy kinh tế khu vực này đang suy thoái) và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng lần thứ 3 (nghĩa là in tiền tiếp) khiến các nhà đầu tư phải đi tìm nơi “trú ẩn an toàn”.Ngoài vàng ra, đồng franc Thụy Sĩ và yen Nhật là những đồng tiền được lựa chọn để trú ẩn (bất chấp Nhật cũng có tỉ lệ nợ công/GDP cao ngất ngưởng). Tiền nước ngoài đổ vào mua đồng franc Thụy Sĩ nhiều thì đồng tiền này tất nhiên phải lên giá mạnh, và bên chịu thiệt hại trước tiên là các doanh nghiệp xuất khẩu của Thụy Sĩ. Những doanh nghiệp lớn như Nestlé đã lên tiếng kêu ca doanh số bị giảm trong sáu tháng đầu năm vì đồng franc Thụy Sĩ tăng giá mạnh, tạo ra những áp lực mà NHTƯ Thụy Sĩ không thể phớt lờ.Với tư cách là một nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu, Thụy Sĩ khó mà chấp nhận mức độ lên giá nhanh của đồng franc như thời gian qua, và càng không thể chấp nhận cảnh tượng dân họ cuối tuần chạy qua các nước láng giềng Đức hay Pháp mua sắm vì giá cả ở đó trở nên rẻ hơn đáng kể. Nước nào cũng giảm giá đồng tiền thì rốt cục không ai thật sự gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu cả, và không nước nào có thể thoát khỏi suy thoái bằng cuộc chạy đua hạ giá tiền như vậy.Sức ép lan rộngThụy Sĩ hiện không phải là nền kinh tế phát triển duy nhất phải tìm cách hạn chế những bất lợi của chuyện đồng tiền lên giá. Nhật Bản cũng vậy, đồng yen đang ở mức cao trong lịch sử và xu thế tăng giá vẫn tiếp diễn, khiến vào tháng 8 NHTƯ nước này đã phải bán ra 4,5 nghìn tỉ yen để can thiệp vào thị trường nhằm hạ đồng yen xuống.David Bloom, chuyên gia phân tích tiền tệ của Ngân hàng HSBC ở London, nhận xét hành động của Thụy Sĩ ngày 6-9 có thể là kết quả đáp trả lại việc NHTƯ Nhật đã can thiệp để hạ giá đồng yen trong tháng 8. Cho nên, người ta có lý do lo ngại chiến tranh tiền tệ lại sẽ trở nên căng thẳng với các bên tham chiến mới.Trước đây, tâm điểm của tranh luận về chiến tranh tiền tệ nằm ở xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong chuyện đồng nhân dân tệ định giá quá thấp, và chuyện các nước châu Á và Mỹ Latin phải vất vả hạn chế dòng vốn vào để ngăn đồng nội tệ lên giá quá nhanh.Hiện tại, khi chuyện đồng tiền Trung Quốc bị định giá thấp đang tạm lắng, Thụy Sĩ và Nhật lại nổi lên trong chuyện thi nhau hạ giá đồng tiền của mình.Nhiều dấu hiệu cho thấy tranh cãi về chuyện định giá thấp của đồng nhân dân tệ sẽ sớm trở lại mặt báo trong thời gian tới, khi mà số liệu kinh tế công bố cho thấy tốc độ xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 vào Mỹ đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tốc độ tăng này đã nhanh đáng kể so với mức 9,5% trong tháng 7.Trong bối cảnh kinh tế các nước đều gặp khó khăn, người ta có thể sẽ dễ dàng quay lại tìm Trung Quốc để “nói chuyện” với hi vọng nước này sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng giá của đồng nhân dân tệ.Vì vậy, toàn cảnh của cái gọi là chiến tranh tiền tệ hiện nay tuy khá lộn xộn nhưng ý tưởng chủ đạo lại không khó nhận ra: nhiều nước đang cố gắng làm hạ giá đồng tiền của mình hoặc ít ra không để nó tăng lên nữa. Mỹ và Anh thì vẫn đang hướng về bơm tiền, nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế, do đó đồng tiền của họ vẫn chịu sức ép giảm giá.Rắc rối ở Mỹ và châu Âu khiến yen Nhật và franc Thụy Sĩ lên giá nhanh, buộc NHTƯ các nước này phải mạnh tay can thiệp đẩy giá đồng nội tệ xuống. Trong khi đó, ở Brazil, NHTƯ phải đang kiểm soát vốn vào để tránh đồng tiền bị lên giá nhanh. Trung Quốc vẫn đang đứng trước sức ép phải làm tăng giá nhân dân tệ hơn nữa, nhưng họ lại không muốn điều đó.Bây giờ đã bắt đầu có người cảnh báo xu thế tranh nhau hạ giá đồng nội tệ này có nguy cơ sẽ chuyển thành một cuộc chiến tranh khác - chiến tranh thương mại. Chưa biết điều đó có trở thành sự thật hay không và gọi tình hình hiện nay là “chiến tranh tiền tệ” thì có phải hơi quá lời hay không? Cho đến nay, những người có quan điểm mạnh rằng chuyện tranh nhau hạ giá nội tệ căng thẳng tới mức gọi là “chiến tranh” chỉ có bộ trưởng tài chính Brazil và cựu giám đốc IMF - ông Dominique Strauss-Kahn (người bị dính vào xìcăngđan tình ái gần đây).Nhưng cho dù tình hình không xấu đến mức như vậy, xu thế nhiều nước cùng sẵn sàng bơm tiền để làm đồng tiền của mình rẻ hơn rõ ràng là không có lợi cho việc kiểm soát lạm phát toàn cầu vốn dĩ đang tăng cao, trong lúc đó lại có lợi cho giá vàng. Hơn nữa, nước nào cũng giảm giá đồng tiền thì rốt cục không ai thật sự gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu cả, và không nước nào có thể thoát khỏi suy thoái bằng cuộc chạy đua hạ giá tiền như vậy.Việt Nam đang ở đâu?Chính sách neo tỉ giá VND vào USD (với tuyên bố gần đây của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là tỉ giá không biến động quá 1% từ đây đến cuối năm) cho thấy quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không tham gia vào xu thế chạy đua để hạ giá đồng nội tệ này.Một nguyên nhân là vì VN chưa rơi vào tình trạng dòng vốn đầu tư chảy vào ào ạt như các thị trường mới nổi khác là Brazil hay Thái Lan vừa qua. Có chăng, vào giai đoạn 2007-2008 dòng vốn ngoại chảy vào VN làm VND lên giá nhưng chưa đáng kể. Dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán còn có xu thế chảy ra, nên áp lực lên giá của đồng nội tệ là không đáng kể.Ngược lại, việc người Việt có xu hướng chuyển đổi đồng nội tệ sang vàng và USD tạo sức ép mất giá VND nhiều hơn là tạo ra sức ép tăng giá nội tệ như ở những nền kinh tế đang phát triển khác. Hơn nữa, với tình hình lạm phát cao ở VN, ưu tiên chống lạm phát phải được đặt lên trước, do đó việc giữ để VND không mất giá nhanh hiện tại đã được NHNN đánh giá là quan trọng hơn, cho dù nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lưu ý là đồng tiền VN vẫn định giá cao theo tỉ giá thực.Dù vậy, khi neo đồng VND vào USD thì các doanh nghiệp xuất khẩu VN cũng có thể hưởng lợi nếu USD tiếp tục xu thế trượt giá so với những đồng tiền khác. Tuy vậy, một rủi ro khác lại đặt ra, đó là đối với các khoản nợ ngoại tệ của VN. Nhiều doanh nghiệp và dự án phát triển của VN vay vốn bằng ngoại tệ, như đồng yen chẳng hạn. Do đó khi đồng yen lên giá nhanh thì các khoản nợ này cũng tăng nhanh.Ngoài ra, một lượng không nhỏ nguyên liệu đầu vào của hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng của VN là phải nhập của nước ngoài. Với việc đồng tiền nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, đang tăng giá so với USD, thì chi phí đầu vào của doanh nghiệp xuất khẩu và giá cả hàng tiêu dùng nhập ngoại sẽ trong xu thế tăng.Vì vậy, nếu các nước này không thể kiềm chế được tốc độ tăng giá đồng tiền của họ so với USD, doanh nghiệp VN tuy có thể hưởng lợi về tính cạnh tranh của giá hàng xuất khẩu nhưng sẽ gặp rắc rối với chuyện kiểm soát nợ vay bằng ngoại tệ khác USD như đồng yen. Còn nếu các nước cứ thay nhau hạ giá đồng tiền đến mức khiến lạm phát toàn cầu bùng phát, thì vấn đề của VN sẽ nằm ở chỗ làm sao kiểm soát được giá trong nước không tăng quá nhanh theo giá thế giới.Nói tóm lại, có chiến tranh tiền tệ hay không, thách thức lớn đối với VN trong thời gian tới vẫn là vấn đề kiểm soát lạm phát.* Tác giả đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Manchester, Anh. Tags: Hồ sơLạm phátNợ côngChiến tranh tiền tệ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đội hình tuyển Việt Nam đấu Myanmar: Cột mốc lịch sử với Nguyễn Xuân Son HOÀNG TÙNG 21/12/2024 Trong đội hình tuyển Việt Nam đấu Myanmar (20h ngày 21-12) có tiền đạo Nguyễn Xuân Son. Điều này đánh dấu cột mốc lần đầu đội tuyển quốc gia sử dụng cầu thủ nhập tịch ở giải đấu chính thức.
Hàng trăm nghìn người Cuba biểu tình phản đối Mỹ cấm vận: Cuba cần giao thương với các quốc gia KHÁNH QUỲNH 21/12/2024 Ngày 20-12, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và cựu chủ tịch Raul Castro cùng hàng trăm nghìn người đã tham gia biểu tình tại Havana, nhằm phản đối lệnh cấm vận của Mỹ.
Đã đến lượt Việt Nam chưa? TRƯƠNG BẢO CHÂU 21/12/2024 Có lẽ chưa khi nào những concert được yêu thích của thị trường văn hóa giải trí Việt Nam lại được nhắc nhiều ở nghị trường như bây giờ.
Giang hồ cộm cán đem hung khí ra tận mỏ cát bắt chủ 'chia mỏ' VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG 21/12/2024 Giang hồ cộm cán ở Quảng Ngãi cho người ra bãi cát gây chuyện, đe dọa, tạo sức ép rồi ngang nhiên cho xe ra bãi cát doanh nghiệp trúng đấu giá xúc cát mang đi bán. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.