Chinh phục đỉnh Adam 

TRẦN THÁI HOÃN 09/07/2016 19:07 GMT+7

TTCT - Phải nói ngay để tắt lửa lòng ai đó còn lơ tơ mơ (!), đây chẳng phải Adam của nàng Eva mà là tên một ngọn núi ở miền trung Sri Lanka, miền thánh địa quan trọng không chỉ của người dân nước này.

Khoảnh khắc bóng đỉnh Adam đổ thành tam giác huyền ảo trong sương mây, rất lạ rồi tan nhanh-trần thái hoãn
Khoảnh khắc bóng đỉnh Adam đổ thành tam giác huyền ảo trong sương mây, rất lạ rồi tan nhanh-trần thái hoãn


Dấu chân thần thánh

Từ Ampara đến chân Adam, tôi lên xuống 10 chuyến xe, thêm vài cây số lội bộ... Không chỉ vì xe cộ trắc trở mà do sức hấp dẫn của các di tích dọc cung đường. Thế nên tới Dalhousie tối mịt mờ, mệt đứ đừ, định nghỉ một đêm mai lại sức thảnh thơi viếng núi.

Nhưng khí hậu miền cao mát mẻ, không khí chộn rộn tấp nập í a í ới kêu gọi rủ rê của không chỉ đám trai trẻ mà nhiều cụ ông cụ bà lẫn lũ con nít làm tôi lung lay ý định nghỉ ngơi lấy sức.

Cộng thêm ý nghĩ nào là được ngắm bình minh nổi tiếng, leo núi đêm đỡ mệt, tiết kiệm một đêm khách sạn cho cái túi đã lép kẹp sau mấy tháng lang bạt...

Nhờ vả anh chủ quán gửi balô, tôi theo đoàn người rùng rùng lên đường. Suốt con đường vẫn rủa thầm tính sân si của mình!

Ở đất nước thường tự gọi “thuần Phật”, lạ thay đỉnh Adam không chỉ là thánh địa Phật giáo, còn được gọi Sri Pada, Điệp Sơn (Butterfly Mountain) và nhiều cái tên Ả Rập, Tamil... Núi thiêng cũng là nơi hành hương của đạo Bà La Môn (Hindu), đạo Hồi, Công giáo...

Một bảo tháp đặc trưng Sri Lanka thanh thoát, trên con đường lên đỉnh Adam-trần thái hoãn
Một bảo tháp đặc trưng Sri Lanka thanh thoát, trên con đường lên đỉnh Adam-trần thái hoãn

 

Một tảng đá hình dấu chân dài 1,8m chót vót đỉnh núi được người này cho là dấu chân Phật, người kia kêu là của thần Shiva, chàng Adam, thánh Thomas... Rồi chẳng tranh giành, ai theo đạo nào cứ thế mang lòng thành viếng núi, đã dằng dặc hơn thiên niên kỷ rồi.

Được sử thi Sri Lanka nói đến từ thế kỷ 4-5 Công nguyên, Marco Polo đề cập vào năm 1298, cùng nhiều nhà du hành khác... đã nhắc đến con đường đá lên đỉnh từ rất xưa. Việc đo đếm chi tiết 5.200 bậc cấp của con đường phần nhiều dốc đứng chắc chỉ ai đó thật chậm rãi đi và ghi.

Còn kẻ hồng hộc thở chân run tay bu níu lan can mỗi khi có thể thì chỉ tính đến việc làm sao qua hết con dốc này thì còn tâm trí nào mà đếm. Cũng may, ngày giêng xứ này nổi tiếng mưa nhiều nhưng đêm đó khô ráo dễ đi, trời trong veo mát lạnh bớt mệt.

Con đường không hừng hực đuốc như ai đó mơ mộng tả vì đã có những ngọn đèn vàng hắt hiu soi. Cũng không râm ran ồn ã như ở đoạn đầu vì lo cắm cúi bước, chỉ văng vẳng tiếng kinh kệ, bài tụng ca từ điện thoại làm đêm thêm thâm trầm.

Hoa người mộ đạo mang theo hay loài hoa rừng, hoa dại nào gửi hương cho gió đêm thơm lành đỡ bước chân đi. Miên man, lặng lẽ, một mình, cặm cụi, sau gần bốn tiếng, tôi chạm ngõ đỉnh thiêng Adam. Mệt nhoài hạnh phúc!

7. Đỉnh Adam nhìn từ con đường hành hương bên dưới - 1
7. Đỉnh Adam nhìn từ con đường hành hương bên dưới - 1

 

Kim tự tháp hay đỉnh Ngân Sơn?

Cao 2.243m, đứng thứ năm trong các ngọn núi cao nhất nước này, nhưng đỉnh Adam được nhiều người tặng hương danh là nơi đón bình minh sớm nhất Sri Lanka. Đơn giản là vì đường lên Adam đã sẵn, còn các ngọn kia vẫn mịt mù trong rừng xanh núi đỏ khó đến.

Còn tôi đêm đó đau đáu chờ bình minh lên sớm không chỉ do ngóng mong cái đẹp, mà còn vì đông cứng lạnh do chủ quan và lên sớm hơn dự kiến, hai giờ mòn mỏi trong giá buốt mong nắng ấm.

Và bình minh lên, trong veo, rực rỡ. Nhuốm hồng, rồi nhuộm vàng đất trời. Bình minh cũng là lúc chùa hành lễ, mở cửa cho khách dâng hương, cho những câu kinh kệ hòa vào tiếng chuông ngân nga, tiếng gió reo đùa cùng những hàng cờ phướn nhiều sắc phần phật...

Một góc đường hành hương giăng giăng tơ chỉ, một phong tục Phật giáo lạ của Sri Lanka-trần thái hoãn
Một góc đường hành hương giăng giăng tơ chỉ, một phong tục Phật giáo lạ của Sri Lanka-trần thái hoãn

 

Bình minh cũng là lúc nếu không may mắn sẽ lỡ mất thời khắc rất đặc biệt rất ngoạn mục chỉ diễn ra vài phút, khi núi thiêng tạo bóng hình tam giác thật cân đối đổ xuống lũ sương mây la đà còn chìm trong bóng đêm dùng dằng chưa đi bên kia sườn tây.

“Giống Kim tự tháp trong mây quá”, một bạn Tây trẻ trầm trồ. Nhưng tôi lại miên man nhớ về núi thiêng Ngân Sơn (Kailash, Tây Tạng) ngày nào may mắn những bước kora.

Không chỉ tương tự do dáng hình tam giác mà còn vì những hàng cờ phướn lung-ta, những bóng cà sa đỏ sậm khắc khổ hiền từ, những lời kinh, tiếng mõ êm êm..., mà còn qua những lòng thành mộ đạo thể hiện qua từng hành vi, nét mặt - y chang người quê Tây Tạng ngày nào.

11. Một nghi lễ chúc phúc của Bà La Môn giáo - 2 (1)
11. Một nghi lễ chúc phúc của Bà La Môn giáo - 2 (1)

 

Bóng lạ tan nhanh ngoài kia, nhưng còn quấn quíu mãi trong tôi. Con đường xuống núi đẹp rạng ngời bị màn đêm đêm qua giấu kỹ nay mới phơi bày ra trước mắt. Trên những bước đường lang bạt, còn xa lắm ngày về ở miền “giọt lệ Tích Lan” xanh tươi hiền hòa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận