TTCT - Một đêm trong chợ Long Biên có thể khiến người ta hiểu thêm về Hà Nội, một tác giả người Mỹ đã nhận xét như thế. Bất kể góc nhìn nào cũng khó phủ nhận rằng cái chợ 30 năm tuổi này giờ đã trở thành một nét rất riêng của thủ đô. Chợ Long Biên là một thiên đường cho các lao động tự do tìm một việc làm ở Hà Nội. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường 9giờ tối, ngày làm việc của tổ bốc vác chợ Long Biên bắt đầu. Những chuyến xe hoa quả đầu tiên đi từ biên giới và các tỉnh đổ về. Tổ bốc vác của anh Trường có 12 người, bao thầu một đoạn đường từ cổng chợ kéo dài đến gầm cầu Long Biên, dưới quyền một “cai đầu dài” ít nói. Nhiệm vụ của họ chỉ là dỡ hàng trên những thùng xe tải xuống đất, sẽ có một lực lượng khác - những người gánh hàng - chịu trách nhiệm đưa hàng hóa vào và ra chợ. Chợ đầy những người phụ nữ trung niên với đôi quang gánh trên vai. Lực lượng nữ cửu vạn là một đặc trưng của chợ Long Biên. Những phụ nữ tuổi từ 30-60, gánh một lúc mấy yến trái cây từ đường bao phía ngoài vào những gian hàng trong chợ. Mỗi ngày làm việc, một cửu vạn có thể kiếm 200.000-300.000 đồng. Những xe hàng từ khắp các tỉnh đổ về, họ không có cả thời gian để dừng lại trò chuyện. Hàng nghìn tấn trái cây, rau củ đi qua chợ Long Biên mỗi đêm. Nó trở thành một thiên đường cho những lao động tự do muốn tìm một cơ hội ở Hà Nội. Thanh niên thì bốc vác hoặc làm việc trong quầy. Phụ nữ, ai chưa có tiền thì khởi nghiệp bằng việc thuê một đôi quang gánh, tự tìm mối gánh hàng thuê. Ai có “điều kiện” thì đầu tư một chiếc xe đẩy hàng giá vài triệu đồng và trở thành chủ. Hải, cậu trai trẻ ở cùng nhà trọ với anh Trường, nuôi trong mình một giấc mơ xe đẩy như thế: “Em chỉ làm bốc vác một thời gian ngắn thôi, xong sẽ mua xe tự kinh doanh”. Xe đẩy hàng là một “đơn vị kinh tế” ở đẳng cấp khác so với đôi vai trần hay quang gánh: mỗi chuyến xe, ngất ngưởng một hai mét thùng trái cây, có thể kiếm được hơn trăm nghìn đồng. Phía cuối xe nào cũng có một cái túi dứa chật ních trái cây, vì thỉnh thoảng có quả rơi ra từ thùng hàng, người cửu vạn nhanh tay nhặt bỏ vào túi dứa thành của mình. Trong ánh sáng rực rỡ của hàng nghìn chiếc đèn, những đôi chân thoăn thoắt không nghỉ. Thu nhập trung bình của những cửu vạn chợ Long Biên có thể lên đến 7 hay 10 triệu đồng một tháng. Anh Trường lưu lạc từ Đắk Nông lên Hà Nội. Anh từng có hơn 1ha trồng tiêu, nhưng rồi chuyện gia đình khiến anh chán đời bỏ đi lưu lạc. Khởi đầu ở làng nhựa tái chế Triều Khúc, rồi dạt đến đội bốc vác chợ Đồng Xuân, anh dừng lại ở chợ Long Biên này với một sự yên tâm nhất định. Rất thường xuyên, Trường và Hải to tiếng với nhau trong phòng trọ: Hải còn trẻ, mơ mộng và thích tính toán những “hoài bão” với cái xe đẩy và công việc nhiều tiền hơn, còn anh Trường thì tuyên bố rằng bốc vác ở cổng chợ là một công việc rất tốt, rất ổn định, mày cần phải nghe anh tu chí. Từ bên chân cầu Long Biên nhìn sang, chợ lấp lánh đằng sau bức tường bao của đê Yên Phụ, sáng rực một khoảng trời đêm Hà Nội. Bước qua cổng là muôn màu của rau củ quả ngồn ngộn trong những sạp hàng, lọt thỏm một bà chủ đang nằm ngủ giữa những núi trái cây. Thỉnh thoảng, như mọi cái chợ khác, người ta nghe từ đấy những câu chuyện pháp luật. Nhưng nhìn chung, chợ Long Biên hiền lành, đêm nào cũng tấp nập những khách du lịch hay thanh niên trong phố với máy ảnh trước ngực, len lỏi trong chợ. Đã từ lâu, nó mang dáng dấp của một địa điểm du lịch. Thậm chí chợ trở thành một chủ đề bắt buộc của nhiều khóa học nhiếp ảnh tại Hà Nội. Cái chợ lúp xúp linh loạn màu sắc nằm dưới gầm cây cầu sắt cũ trở thành một khung cảnh đầy tính đại diện cho vùng Kẻ Chợ này. Phía sau chợ là những dãy nhà trọ rẻ tiền. Với 10.000 đồng một đêm, người ta có thể thuê được một mảnh chiếu đặt lưng. Ở khu vực ngoài đê Yên Phụ, suốt một dọc đường Hồng Hà, mọi không gian đều có thể trở thành nơi đặt lưng với giá cả tính ổn định theo mét vuông như thế. Anh Trường từng sống trong một “phòng trọ” đặc biệt: đó là một cái chiếu nghỉ cầu thang của một ngôi nhà tầng cách chợ vài trăm mét. Ông chủ cho anh thuê với giá 300.000 đồng/tháng, tức tương đương giá ngủ theo đêm của những cửu vạn khác ngoài chợ. Dãy tường bao quanh chợ cũng trở thành chỗ ngủ thường xuyên, giữa những ca làm việc, những người bốc vác ngả lưng chợp mắt. “Chỉ dám trải chiếu ra, không dám mang chăn anh ạ” - anh Trường cười. Không dám mang chăn vì sợ ấm quá ngủ quên không dậy được. Khắp một vùng sông Hồng, nhiều lưu dân quy hoạch cuộc đời quanh cái chợ Long Biên. Trong phòng trọ, ngày nào Trường và Hải cũng tranh luận quanh các cơ hội nghề nghiệp trong chợ: làm ở quầy tốt hơn hay bốc vác ngoài cổng thì nhiều tiền hơn. Dưới bãi giữa sông Hồng, những phụ huynh mắng con cái phải biết tu chí, lên chợ kiếm tiền. Trong số các nữ cửu vạn, người ta lưu truyền cả những tấm gương đã nuôi mấy người con học đại học từ đôi quang gánh ban đầu đi thuê. Tags: Chợ Long BIênKẻ ChợXóa chợ Long BIên
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.