“Chơi” lập trình như thể thao, tại sao không?

HOA KIM 25/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Nếu trò chơi điện tử có thể được thi đấu như một môn thể thao chuyên nghiệp với khái niệm esports (thể thao điện tử), có chăng một tương lai cho bộ môn lập trình máy tính trong bức tranh của ngành công nghiệp tỉ đô này?

 
 Hình ảnh này có thể gắn với một sự kiện thể thao điện tử lập trình được không?

Mới đây, Microsoft đã chứng minh một phần mềm văn phòng như trình soạn thảo bảng tính Excel của công ty này cũng có thể trở thành nội dung thi đấu esports với Cúp mô hình tài chính thế giới.

Diễn ra ngày 8-6, giải đấu lần đầu tiên tổ chức được quảng bá là một “trận chiến nhiều người chơi” trong đó các vận động viên phải xây dựng các mô hình tài chính và “sử dụng tối đa các khả năng của Excel để giải quyết những vấn đề phức tạp ngay lập tức”.

Cụ thể, họ có 40 phút để giải quyết một tình huống kinh doanh mà giám khảo đề ra bằng cách lập trình mô hình tài chính với Excel. Đại diện Michael Jarman của Canada đã xuất sắc vượt qua 7 thí sinh đến từ các nước khác để về nhất trong sự kiện được tổ chức trực tuyến. “(Đây là) lập mô hình tài chính dưới dạng một môn thể thao điện tử” - tài khoản Twitter của Microsoft Excel viết ngày 4-6.

Từ “pro gamer” đến “programmer”

Esports có một sức hút không thể chối cãi, minh chứng là sự thành công của những giải đấu quốc tế với tổng giải thưởng lên đến hàng chục triệu USD và thu hút hàng triệu tín đồ theo dõi trực tiếp và qua các kênh trực tuyến.

Khái niệm esports gắn liền trò chơi điện tử, cụ thể là những tựa game mang tính chiến thuật và đối kháng tập thể, còn các vận động viên esports không ai khác chính là những game thủ chuyên nghiệp (pro gamer).

Nếu như xã hội từng có cái nhìn nghi kỵ với esports khi cho rằng nó thần tượng hóa việc chơi game, ngày nay các vận động viên esports chuyên nghiệp có thể sống khỏe với thu nhập từ tiền thưởng khi tham gia các giải đấu lớn nhỏ được tổ chức quanh năm. Việc esports trở thành môn thi đấu tính huy chương lần đầu tiên tại SEA Games 30 và sẽ tiếp tục có mặt tại SEA Games 31 và Asiad 19 chính là sự thừa nhận chính thức đối với môn thể thao trí tuệ mới mẻ.

Dù cách sử dụng tên gọi “esports” cho giải đấu của Microsoft có phần khiên cưỡng và nhằm mục đích tạo ấn tượng là chính, ý tưởng xem lập trình đối kháng như một môn thể thao điện tử không hẳn là quá xa vời.

Các cuộc thi lập trình hay hackathon ngày nay đang tạo được chú ý không chỉ với giới chuyên môn mà cả với một bộ phận khán giả phổ thông. Trang CodinGame đặt câu hỏi: “Liệu esports có thể được nâng lên một tầm cao mới bằng sự kết hợp khéo léo giữa game với lập trình không? Việc thi thố lập trình trở nên phổ biến và giải trí như chơi game chuyên nghiệp là giấc mơ không tưởng hay một lời khẳng định mang tính dự báo?”.

Trước khi bàn đến tính khả thi, hãy thử nghĩ xem tại sao đây là một ý tưởng tốt. Một trong những lý do chính khiến khán giả thích xem esports hay một môn thể thao nói chung, bên cạnh nhu cầu giải trí đơn thuần, là để xem những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ phô diễn kỹ năng và truyền cảm hứng.

Không ít tài năng thể thao thế giới đã được gieo đam mê đối với bộ môn của họ từ khi còn nhỏ qua việc theo dõi các trận đấu có sự góp mặt của vận động viên yêu thích. Thần tượng một game thủ không có gì xấu, nhưng chẳng phải sẽ tuyệt vời hơn nếu trẻ em được tiếp cận với những trận đấu esports đỉnh cao nhưng không phải giữa các đội tuyển game mà là giữa các lập trình viên đẳng cấp thế giới như Gennady Korotkevich, Makoto Soejima hay Tiancheng Lou sao?

Nếu các cuộc thi hackathon cũng được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu khán giả khắp thế giới, tầm ảnh hưởng đến sự hứng thú tìm hiểu của khán giả nhỏ tuổi đối với bộ môn lập trình sẽ là rất tích cực.

Theo tạp chí Forbes, nhận thức của người dân về thể thao điện tử cũng đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, với gần 2 tỉ người có nghe nói đến esports và khoảng nửa tỉ là khán giả của esports trong năm 2020. Đây cũng là một thị trường làm ra tiền: theo eMarketer, doanh thu ngành quảng cáo liên quan thể thao điện tử đạt khoảng 214 triệu USD trong năm 2020. Tất cả các yếu tố này cho thấy esports có thể mở ra một hướng đi mới cho thể thao truyền thống trong thời đại số, và việc kết hợp với lập trình để tạo ra những bộ môn bổ ích sẽ là chìa khóa để cởi bỏ tâm lý “esports là game, không phải thể thao” đang khiến quá trình này chưa thể diễn ra nhanh hơn. 

Mơ về một “thế vận hội” lập trình

Rào cản lớn nhất trên con đường trở thành môn thể thao điện tử chuyên nghiệp của lập trình đối kháng chắc hẳn là khiến trải nghiệm này trở nên thú vị đối với cả những người không phải là lập trình viên. Thể thao không chỉ là màn phô diễn của những vận động viên quốc tế mà phải có sức sống của riêng nó trong xã hội.

Một cách tuyệt vời để thực hiện ý tưởng này là kết hợp lập trình với trí tuệ nhân tạo, nơi toàn bộ tiềm năng của bộ môn này có thể được khai thác. “Hãy tưởng tượng cảm giác của bạn khi chứng kiến chỉ với một trăm dòng code (người lập trình viên) có thể khiến một con bot AI hoạt động theo những cách tuyệt vời. Những thứ như thế sẽ cuốn hút khán giả và đánh thức sự tò mò trong họ” - theo CodeChef, một cộng đồng các lập trình viên thi đấu chuyên nghiệp.

Theo trang này, cộng đồng lập trình đối kháng cần mang tính tương tác cao hơn nếu họ muốn đạt đến sự phổ biến như thể thao điện tử. Các lập trình viên ưu tú cần phải hoạt động tích cực trên các diễn đàn để tương tác với khán giả, và sự tương tác sẽ khiến người hâm mộ cảm thấy thêm đam mê môn thể thao này và xem thành công của thần tượng là mục tiêu để theo đuổi.

Để giúp khán giả gần gũi hơn với những gì đang diễn ra trong một “trận đấu” lập trình, game hóa cũng là một hướng đi khả quan. Một số kênh YouTube và Twitch về lập trình đã bắt đầu thể nghiệm phương pháp này: thay vì ngồi gõ những dòng mã lệnh máy tính khô khan và cố gắng giải thích cho người xem hiểu chuyện gì đang xảy ra, các vlogger chọn cách dùng ngôn ngữ lập trình để tự động hóa việc “phá đảo” một trò chơi thay vì phải điều khiển mọi thứ bằng tay.

Bằng cách này, khán giả có thể thấy ngay kết quả của những dòng code trên giao diện trực quan và đồ họa đẹp mắt của trò chơi điện tử. Hãng phim Warner Bros, khi quảng bá cho bộ phim The Accountant năm 2016, đã tổ chức một cuộc thi lập trình trong đó người chơi sắm vai chàng kế toán kiêm điệp viên ngầm Christian Wolff. Thay vì điều khiển nhân vật trong game bằng chuột và bàn phím, người chơi phải dùng những câu lệnh máy tính. “Điện ảnh, trò chơi điện tử và lập trình - tất cả hội tụ trong một loại hình giải trí mới” - trang CodinGame nhận xét.

Trong những năm tới, sự phát triển của công nghệ được dự báo sẽ đưa esports phát triển theo hướng ngày càng đa dạng hóa loại hình thi đấu, thay vì chỉ tập trung vào trò chơi điện tử. Các vận động viên esports có thể thật sự... vận động thay vì ngồi dán mắt vào màn hình máy tính nhờ công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường, còn lập trình có thể góp phần xóa nhòa ranh giới giữa giải trí và thể thao bằng cách tạo ra những bộ môn “lai” thú vị.

Thử tưởng tượng một thế vận hội của những con robot được lập trình để thi đấu các môn thể thao như người, hay một giải cờ vua nhưng thế chỗ 2 đại kiện tướng là bộ đôi AI “đấu trí” xem bên nào thông minh hơn. Những khả năng mà lập trình mở ra cho tương lai esports thật sự là không giới hạn.■

 
 Sinh viên Đại học Texas tại một cuộc thi lập trình. Ảnh: The Daily Texan

Một trong những cuộc thi lập trình lâu đời và danh tiếng nhất thế giới là ICPC - được tổ chức lần đầu tại Đại học Texas A&M vào năm 1970 và vẫn còn duy trì đến ngày nay. Chiếc máy tính IBM được sử dụng trong cuộc thi đầu tiên khi đó nặng... vài tấn và có bộ nhớ chưa đến 1MB, còn các thí sinh phải làm bài thi bằng ngôn ngữ Fortran và giao tiếp với máy tính bằng những tấm thẻ bấm lỗ thay cho bàn phím và chuột. Ngày nay, cuộc thi đã phát triển thành một giải đấu tầm cỡ quốc tế, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn học sinh, sinh viên từ hàng chục quốc gia tham dự, và dĩ nhiên là sử dụng những chiếc máy tính hiện đại và nhỏ gọn hơn rất nhiều.

Google cũng có Hash Code, một cuộc thi lập trình dành cho sinh viên và các chuyên gia trên khắp thế giới. Người tham gia lập nhóm, chọn ngôn ngữ lập trình của mình và giải quyết một vấn đề kỹ thuật do Google đưa ra.

Nếu những cuộc thi như kể trên được truyền hình trực tiếp, có bình luận, phân tích, giao lưu với người dự thi như bất kỳ cuộc thi esports nào hiện tại, hẳn cũng sẽ không thiếu người xem.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận