Chổi lông gà

ĐẶNG TRUNG THÀNH 27/07/2014 02:07 GMT+7

TTCT - Ngày cuối tuần tôi dạo khắp Sài Gòn. Trên cầu Nguyễn Tri Phương, tôi bắt gặp một bà cụ chừng sáu mươi tuổi vất vả đẩy chiếc xe đầy chổi lông gà.

Minh họa: Salem

Người phụ nữ lưng còng, nhỏ thó dắt chiếc xe đạp cọc cạch, cồng kềnh những cây chổi lông gà lớn nhỏ, đầy màu sắc lê từng bước nặng nề. Tôi vội chạy lại dắt tiếp xe cụ lên cầu. Giúp cụ qua đoạn đường dốc, cụ tặng tôi cây chổi như quà cảm ơn.

Tôi không nhận nhưng cụ đưa mãi buộc tôi phải lấy. Tôi gửi lại cụ tiền, cụ không nhận. Cụ bảo đây là quà tặng cháu làm kỷ niệm, nhà có bụi bám tường lấy ra mà dùng.

Cụ vào Sài Gòn mưu sinh đã hơn 40 năm, tức là hồi cụ còn rất trẻ, đến nay tóc đã ngả màu. Tôi hỏi cụ có người thân ở đây không, cụ trả lời bâng quơ rồi giọng nghẹn lại như giấu một điều gì đó đượm buồn.

Theo chân cụ xuống dốc cầu, đi theo một đoạn hẻm nhỏ trong thành phố, cụ chào tạm biệt rồi khuất dần trong tiếng rao Quảng Nam vẫn còn đặc sệt: “Chổi lông gà đây! Ai mua chổi lông gà không?”.

Tôi ở trọ. Việc chuyển trọ như cơm bữa hằng ngày, có khi phòng chưa đủ bám bụi đã chuyển đi nơi khác, lấy đâu mà dùng đến chổi lông gà quét mạng nhện! Tôi vẫn giữ nó như một món quà kỷ niệm giữa Sài Gòn. Về những người không biết nhau trao nhau niềm tin cuộc sống.

TÙNG TIN

Nghỉ hè...

Nhà có hai phe tranh cãi quyết liệt xung quanh chuyện cho cu Bờm về quê nghỉ hè hay ở lại thành phố. Ba muốn cu Bờm về quê thăm ông bà để biết cái ao làng, cánh đồng lúa, ngô hay phân biệt được con nghé, con bê...

Nhưng mẹ Bờm không nghĩ vậy. Về quê lần nào là y rằng chân tay cu Bờm sần sùi, mẩn ngứa rồi chẳng khác nào ghẻ lở. Nào muỗi, dĩn, có khi cả ong vò vẽ cứ chầu chực đốt, hút máu thằng bé. Muỗi ở rừng đốt có khác nào chích người ta một cái rồi bay đi ngay, rồi ngứa, rồi sợ bị sốt xuất huyết... Chưa kể đến ở quê thiếu thốn, nhà nội chỉ có ba cái quạt cũ kỹ, nắng hạn lâu ngày thiếu nước, thiếu cả điện vào những giờ cao điểm...

Về quê chơi một, hai ngày thì được chứ cả nửa tháng e rằng thằng bé quên hết chữ nghĩa, có khi mang bệnh vào người.

Rồi ba mẹ Bờm cãi nhau. Mẹ Bờm trách ba Bờm chỉ muốn con về quê cho “rảnh nợ” để chiều chiều đi uống bia hơi, hoặc chơi cầu lông, bóng đá với đám bạn... Ba Bờm giận lắm, chốt lại một câu rất gọn: “Tùy, Bờm thích ở đâu thì ở...”.

Bờm không được về quê. Những ngày hè còn sót lại Bờm ở nhà: trông nhà, học bài, xem tivi, chơi điện tử.

ĐÔNG (Thanh Xuân, Hà Nội)

Chạm vào nỗi đau

Trời Sài Gòn buổi chiều mưa tầm tã khiến hành khách chờ ở trạm xe buýt nhốn nháo như dân tị nạn. Mặc dù có nhà chờ nhưng làm sao bảo bọc được hơn 20 người trong không gian nhỏ hẹp. Xe trờ đến, ai cũng mừng. Bước lên xe khó nhọc, tôi chưa yên vị thì chị nhân viên soát vé đã xuất hiện với gương mặt lạnh tanh: “Thu tiền vé, nhanh đi!”.

Vội vàng móc thẻ xe buýt ưu tiên dành cho người khuyết tật, tôi nhận ngay một gáo nước giội vào mặt: “Phải thẻ của anh không? Gương mặt trong thẻ và ở ngoài không giống nhau lắm”. Tôi ngập ngừng giây lát rồi trả lời trong nghẹn ngào: “Phải rồi! Vì hình trong thẻ lúc tôi chưa bị tai nạn”. “Vậy làm sao tôi chắc là anh để miễn phí vé?” - cô ta tiếp tục truy hỏi.

Quá uất ức, tôi giơ hẳn một cánh tay và bàn chân trái tật nguyền lên cho cô ta xem: “Như vậy có đủ được miễn phí đi xe buýt không, thưa cô? Hay tôi phải trình thêm chứng minh nhân dân để cô đọ với thẻ xe buýt miễn phí?”. Cô nhân viên ngoe nguẩy bỏ đi. Xung quanh, mọi người tỏ vẻ cảm thông.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được gáo nước mưa tê buốt như thế. Vì công việc phải làm nhiều nơi, lại tật nguyền nên tôi buộc lòng đi xe buýt. Nhiều nhân viên cảm thông, thậm chí họ còn không nhìn đến chiếc thẻ, khoát tay ra hiệu kêu tôi bỏ vào túi.

Nhưng cũng rất nhiều nhân viên không ưa những cái gì gọi là miễn phí, giảm giá (cũng như vé tập) nên rất khó chịu với sinh viên và người khuyết tật. Có rất nhiều lần tôi muốn ứa nước mắt khi bị họ truy hỏi, xoi mói, ngắm nghía, điều tra như kiểu tội phạm.

Người tật nguyền như chúng tôi đã quá đau đớn về thể xác rồi, chẳng ai muốn giữ chiếc thẻ miễn phí xe buýt dành cho người khuyết tật. Đó không phải niềm tự hào, mà là một nỗi đau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận