TTCN - Ngoài hội chọi trâu Đồ Sơn, có một hội chọi trâu khác qui mô nhỏ hơn song có lịch sử cổ xưa hơn là hội chọi trâu Hải Lựu (thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Và ở đây có kiểu "vỗ", "luyện" trâu bằng hình thức "cổ phần hóa", cả làng đều làm "cổ đông". Phóng to Cặp trâu chọi ở vòng chung kết 2004, bên phải là con trâu đoạt giải nhìTTCN - Ngoài hội chọi trâu Đồ Sơn, có một hội chọi trâu khác qui mô nhỏ hơn song có lịch sử cổ xưa hơn là hội chọi trâu Hải Lựu (thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Và ở đây có kiểu "vỗ", "luyện" trâu bằng hình thức "cổ phần hóa", cả làng đều làm "cổ đông". Lúc tôi tới, vợ chồng anh Khánh đang hì hục đánh bóng bộ sừng trâu trên hiên nhà. Chị Lâm Thị Lan, vợ anh, khoe cặp sừng to bè, nhọn hoắt và cân xứng này của con trâu vừa đoạt giải nhì. Bộ sừng của con giải nhất năm ngoái sau khi cắt ra được một cán bộ của Bộ VH-TT trả 700.000 đồng nhưng họ không bán, hiện treo tại nhà anh trưởng thôn làm kỷ niệm. Gò Dùng là một trong 19 thôn của xã Hải Lựu nằm sát sông Lô và là một trong 10 thôn chơi trâu “cổ phần” sớm nhất. Có lẽ cách chơi trâu ở Hải Lựu không giống bất cứ thú chơi ở bất kể nơi nào. Theo qui định, mỗi thôn có ít nhất một “ông trâu” vào sới, mà ai cũng muốn có chân nơi con trâu ấy. Thôn nghĩ ra cách chơi trâu “cổ phần”, tức là mỗi hộ dù nghèo cũng góp một ít vốn (khoảng 50.000 - 150.000 đồng, tỉ lệ bao nhiêu tùy thích) để nhà nhà đều là “cổ đông”. Trước ngày lên đường tìm trâu, cả thôn gọi nhau “hội nghị”: “hội đồng cổ đông” quyết định năm nay phải chơi con trâu cỡ 10,5 triệu đồng mới có hi vọng “cướp giải”, ai biểu quyết thì giơ tay. Không có ai rụt tay lại vì dân Hải Lựu ai cũng máu chơi trâu chọi như chính con trâu hăng máu khi bước vào sới. Sau đó “hội đồng cổ đông” quyết định cử ra ba người: anh Khánh (chủ trâu), anh Đỗ Duy Hoa (trưởng thôn Gò Dùng) và ông Nguyễn Văn Cúc (cố vấn, người có học thức nuôi trâu nhất làng) tay gậy tay nải lên đường. “Có năm chỉ đi một tháng, có năm phải lang thang hai, ba tháng mới tìm được con trâu chọi chuẩn”- anh Hoa bộc bạch. Ba người ra đi lãnh theo một sứ mệnh lớn mà thôn giao phó: phải tìm được con trâu tốt, đẹp nhất, có thể vào sâu trong giải nhất và quan trọng là được cả “hội đồng cổ đông” gật đầu. Tiêu chuẩn trâu chọi Hải Lựu cũng không khác mấy Đồ Sơn: trâu cà, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhỏ trán dô, móng khép, chân to, đuôi chấm khoeo... Chấm điểm cả trăm con trâu cuối cùng họ mới duyệt lấy một con. Con trâu chọi năm 2003 họ mua tại huyện vùng cao Yên Lập (Phú Thọ), còn con năm 2004 mua tận Sơn Dương (Tuyên Quang). Khi dắt trâu về đến làng, họ mời tất cả “cổ đông” tới lập ra “hội đồng thẩm định” kiểm tra, đo đạc con trâu, xem tướng rồi bàn phương án luyện, vỗ tác đấu, giao cho vợ chồng anh Khánh trách nhiệm chăm sóc tại nhà riêng từ lúc đưa trâu về chuồng tới khi mãn hội. Cứ hai tuần “hội đồng thẩm định” lại đến kiểm tra một lần để báo cáo tới “cổ đông”. Phóng to "Hội đồng thẩm định" kiểm tra con trâu vừa được mua vềTrước khi dắt trâu của làng về nhà, vợ chồng anh Khánh phải làm mâm cỗ bày trên sân khấn thần linh để “thánh hóa” con trâu, và kể từ đây mọi thành viên trong gia đình, trong thôn phải gọi con trâu là “ông cầu” hoặc “ông trâu” như tục lệ. Giao trâu cho ai chăm nuôi, huấn luyện có khi được cả “hội đồng cổ đông” đưa ra bàn cãi suốt tháng trời. Bởi đấy là việc hệ trọng liên quan đến danh dự, vị thế của cả làng. Thời cổ, mỗi năm mỗi nhà đến đinh được giao nuôi trâu một lần, nhưng nay có khác: cả ba năm qua vợ chồng anh Khánh đều được bà con tín nhiệm. Số “cổ đông” thôn Gò Dùng mỗi năm một tăng khi những con trâu giao cho vợ chồng anh Khánh chăm nuôi liên tục giật giải: năm đầu tiên giật giải nhì, năm vừa rồi giật giải nhất và mới đây lại giải nhì. Không chỉ Gò Dùng mà nhiều thôn khác cũng nuôi trâu kiểu “cổ phần”, chỉ khác nhau ở số lượng “cổ đông”. Có thôn góp hội hai trâu, nhưng mỗi trâu chỉ có 5-10 hộ chung vốn. Tuy nhiên ông Đào Tiến Trụ, chủ tịch UBND xã Hải Lựu, cho biết xã rất khuyến khích những thôn có cách chơi trâu “cổ phần”, dù đoạt giải hay không đều được thưởng thêm 100.000 đồng. Hiện thôn Gò Dùng đã kéo được 50 “cổ đông” (hộ) nhưng thôn Dừa Lẽ còn có số lượng “cổ đông” gấp đôi khi mới đây con trâu của anh Nguyễn Tiến Chỉ được thôn giao nuôi giật giải nhất. Trưởng thôn Gò Dùng tâm sự: “Để khuyến khích chủ nuôi trâu chúng tôi có chính sách riêng. Nếu trâu đoạt giải thì được “hội đồng cổ đông” thưởng thêm 5% tiền xã thưởng”. Hội chọi trâu 2004 vừa rồi con trâu của thôn Gò Dùng chỉ đoạt giải nhì, được xã thưởng 6 triệu đồng, theo đó vợ chồng anh Khánh được thôn trích riêng 300.000 đồng sau khi trừ phần chi phí chăm nuôi, huấn luyện trâu suốt mấy tháng trời và tỉ lệ vốn góp cổ phần của họ. Anh Chỉ, chủ trâu thôn Dừa Lẽ, giật giải nhất được xã thưởng 8 triệu đồng và được “hội đồng cổ đông” của thôn trích tới 12% (gần 1 triệu đồng) tặng lại. Còn các thôn như Đồng Chăm, Đồng Trổ, Làng Len, Đồng Sòi... từ trước khi tham dự hội, “hội đồng cổ đông” đã treo bảng thưởng tới 15, 20, 25% nhưng thật tiếc không chủ trâu nào giật giải. Thuở xưa, Hải Lựu gọi là Bạch Lưu, nằm sát bờ trái sông Lô, núi non hiểm trở. Theo truyền thuyết, một buổi sáng trên bến sông Lô có hai con trâu trắng đánh nhau rồi cùng nhảy xuống sông biến mất. Và làng được gọi là Bạch Ngưu (trâu trắng), nhưng sau để kiêng tên thành hoàng làng người ta gọi chệch đi là Bạch Lưu. Phóng to Cặp sừng trâu đoạt giải nhì năm 2004Theo một số thư tịch cổ, hội chọi trâu Hải Lựu đã có lịch sử 2.000 năm, tồn tại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên khi nhà Hán tấn công nước Nam Việt của Triệu Đà, một thừa tướng tài ba của triều đình tên là Lữ Gia rút khỏi kinh đô Phiên Ngung (Quảng Đông, Trung Quốc) về trụ tại núi Long Động (huyện Lập Thạch) chống lại nhà Hán. Để khao dân và quân sĩ, ông cho mổ trâu và tổ chức trò “đấu ngưu” mua vui. Khi mất, ông được dân làng tôn thờ làm thành hoàng làng tại đình Bạch Lưu Hạ và trò “đấu ngưu” được lưu truyền thành hội chọi trâu để tưởng nhớ ông cho đến năm 1947. Theo phong tục cũ, hội được tổ chức trong hai ngày 28 tháng chạp (sáu con trâu chọi thắng hay thua đều bị giết để lấy thịt cho dân ăn tết) và 17 tháng giêng (âm lịch). Sau nửa thế kỷ vang bóng, hội chọi trâu Hải Lựu chỉ sống lại từ năm 2002. Người đầu tiên có công khôi phục lễ hội độc đáo này là ông Lê Quý Hùng, bí thư Huyện ủy Lập Thạch. Khi xuống cơ sở được nghe các cụ kể rằng lịch sử hội chọi trâu Hải Lựu còn dài gấp mấy lần ở Đồ Sơn, ông Hùng khuyên chính quyền xã nên mở lại lễ hội này để bảo tồn di sản cổ và làm du lịch. Năm đầu tiên chỉ có 10 trâu của 10 thôn vào sới. Năm sau tăng lên 17 “ông trâu”. Đến hội chọi trâu 2004: 24 trâu và cả 19 thôn đều có trâu tham dự, trong đó có 16 thôn nuôi trâu dưới hình thức “cổ phần”. Có những thôn góp hai trâu như Lũng Lợi, Dân Chủ, Thắng Lợi, Đồng Trổ, Dừa Lẽ... Hội chọi trâu Hải Lựu cơ bản vẫn giữ được những nét xưa như tất cả trâu chọi xong đều bị mổ thịt tế thành hoàng làng nhưng cũng biến thái ít nhiều. Hội năm nay chỉ giết 21 con (trong tổng số 24 con). Ba con vào giải nhất, nhì, ba không giết, một để cày kéo, hai con vừa sang tay cho một “đại gia” trâu chọi ở Đồ Sơn (Hải Phòng) với giá 12 triệu đồng/con đầu tuần trước. Theo cách chị Lan tính toán, một trâu tốt mua tại rừng chỉ 9,5-11 triệu đồng, sau lễ hội nếu có xẻ thịt bán cũng thu được 13-15 triệu đồng (2 tạ thịt). Chưa kể được giải, dù giải bét nhất (giải ba) cũng được thưởng 4 triệu đồng là đã lãi to, “cổ đông” vui như trúng số độc đắc vì vừa có lời lại có thú chơi, có “huy chương”, “danh hiệu”. Mùa lễ hội 2005 sắp tới, số trâu dự tính tham gia sẽ tăng lên 32 con. Năm đầu tiên khai hội khán giả chỉ có vài nghìn người quanh quẩn trong vùng, vậy mà đến hội vừa qua sới Hải Lựu đã ken chặt 2,5 vạn du khách. Từng dòng người tận Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng... nườm nượp đổ về. Một bãi chợ, hai sân trường được mượn làm bãi đỗ cho 6.000 ôtô, xe máy song vẫn thiếu. Chính quyền xã phải ra lệnh cắm hàng trăm quán phở thịt trâu quanh sới để “nuôi” du khách trong hai ngày hội. Vừa rồi, ông Hoàng Trường Kỳ, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, về xem trâu chọi thấy sân, khán đài quá hẻo đã gợi ý xã làm tờ trình và chỉ sau một tháng (đầu tháng 3-2004) chủ tịch tỉnh ký công văn cho phép UBND xã làm chủ đầu tư, tổ chức khảo sát lập dự án xây sới chọi trâu mang tên Hải Lựu với tổng vốn ban đầu khoảng 1 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, để công trình sớm “cắt băng khánh thành” vào đúng hội chọi trâu sắp tới.
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Bên trong xưởng sản xuất 3.500 tấn giá đỗ 'ngậm' hóa chất DOÃN HÒA 19/04/2025 Thông tin về đường dây sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất rồi bán ra thị trường vừa bị Công an tỉnh Nghệ An triệt phá khiến người dân lo lắng.
Người dân có phải làm lại sổ đỏ, căn cước khi sáp nhập tỉnh, xã? THÀNH CHUNG 19/04/2025 Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ, căn cước đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn QUỐC MINH 19/04/2025 Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, rất nhiều cuộc đoàn viên cảm động và cũng không ít éo le do hoàn cảnh đất nước hàng chục năm phải phân chia chiến tuyến: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn.
Lời khai của Bùi Đình Khánh về khoảnh khắc bắn thiếu tá công an hy sinh TIẾN NGUYỄN 19/04/2025 Bùi Đình Khánh - tay buôn ma túy đã dùng súng AK bắn 4 phát về phía lực lượng chức năng làm thiếu tá Nguyễn Đăng Khải trúng đạn và hy sinh - đã bị di lý về Quảng Ninh.