TTCT - Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, căn bệnh chưa thực sự được đẩy lùi ở quốc gia nào, điều này đòi hỏi các y bác sĩ phải làm việc với áp lực cao, liên tục tăng ca tăng kíp. Lực lượng này ở nhiều nước nói rằng họ cần được đối xử tốt hơn. Một nhân viên y tế xuống đường đối đầu với người biểu tình phản đối lệnh ở nhà phòng dịch tại Arizona, Mỹ ngày 20-4-2020. Ảnh: CNN Đối xử với anh hùng ra sao? Theo báo The Guardian của Anh ngày 5-9, một cuộc khảo sát mới của Hiệp hội Bác sĩ Vương quốc Anh cho thấy hơn 1.000 bác sĩ dự định rời bỏ Hệ thống Y tế quốc gia vì bất bình với cách xử lý đại dịch COVID-19 của chính phủ và thất vọng về mức lương mà họ được hưởng. Các bác sĩ cho biết họ có ý định chuyển ra nước ngoài, tạm nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư nhân hoặc từ chức và chuyển về làm việc tại địa phương. Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Vương quốc Anh, bác sĩ Samantha Batt-Rawden, gọi đây là “một bản cáo trạng sốc” về việc Chính phủ Anh đã không coi trọng các bác sĩ và cho biết đội ngũ y bác sĩ - những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch đã bước ra khỏi cuộc chiến với trạng thái kiệt sức về thể chất và tinh thần. Một bác sĩ ở Anh chua chát: “Tôi cảm thấy chính phủ coi nhân viên thuộc Hệ thống Y tế quốc gia như bia đỡ đạn. Trả lương thấp, điều kiện làm việc kém, thiết bị bảo hộ cá nhân không đầy đủ, toàn những lời hứa lèo để đạt được lợi ích chính trị. Sau hơn 20 năm, tôi kiệt sức, đổ bệnh mà không được hỗ trợ”. Trước đó một tháng, hàng trăm y tá và nhân viên của Hệ thống Y tế quốc gia ở xứ Wales đã biểu tình vì không được tăng lương. Naomi Jenkins, 29 tuổi, một y tá, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc vất vả trong thời kỳ dịch bệnh cao điểm và hiện nay vẫn thế vì COVID-19 vẫn chưa biến mất. Mỗi ngày tôi về nhà và khóc hết nước mắt. Tôi luôn ám ảnh rằng mình có thể lây virus cho con gái. Chúng tôi không được gặp người thân trong nhiều tuần và chưa bao giờ vắng mặt ở cơ quan”. Amy Mainwaring, một y tá khác, cho biết: “Tôi đọc mục quảng cáo thấy việc nhặt rác ở London được trả lương cao hơn mức lương của tôi. Có những y tá phải nhận thực phẩm xã hội. Điều này thật đau lòng”. Tương tự, tại Tây Ban Nha, một trong những nước châu Âu bị dịch bệnh tấn công nặng nề, vào tháng 6-2020, hàng ngàn bác sĩ ở nhiều thành phố xuống đường với áo blouse trắng để phản đối điều kiện làm việc của họ. “Chúng tôi quá thiếu nguồn lực. Chúng tôi đã chịu đựng điều kiện làm việc bấp bênh trong nhiều thập niên và chúng tôi đã chịu quá đủ cảm giác bất lực trong đại dịch vừa qua khi không nhận được thông tin, tập huấn hay các thiết bị bảo vệ cần thiết để làm công việc của mình một cách an toàn”, họ tuyên bố. Là những anh hùng chống dịch nhưng có đến 70% nhân viên y tế ở Ý gặp những chấn thương tâm lý nặng nề vì làm việc quá tải, quá tải về cảm xúc khi chứng kiến nhiều ca tử vong trong thời gian dịch bệnh cao điểm. Paolo Miranda là một y tá ở phòng chăm sóc tích cực, tại vùng Lombardy, Ý, cho biết trên BBC: “Tôi dễ bị kích động hơn, dễ cáu gắt”. Trên toàn thế giới, các y bác sĩ tuyến đầu được ca ngợi như những người hùng vì đã nghĩ đến bệnh nhân đến quên mình. Trong một bài báo trên BBC, Monica Mariotti, điều dưỡng phòng chăm sóc tích cực, cho biết: “Chúng tôi đột nhiên trở thành anh hùng nhưng họ cũng lãng quên chúng tôi rất nhanh, xem chúng tôi là những người lau mông, lười biếng và vô dụng”. Y bác sĩ ở Ý cũng biểu tình để lên tiếng về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ và tố cáo những lời hứa tăng lương không biết khi nào mới thành hiện thực. Người biểu tình chống lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở bang Washington, Mỹ ngày 26-6. Ảnh: Vox.com Bớt lơ là các khuyến cáo Y bác sĩ dù có chuyên môn cứu người bệnh nhưng họ không miễn nhiễm trước COVID-19. Chưa có một nghiên cứu nào ghi nhận đầy đủ về số nhân viên y tế tử vong do căn bệnh này trên thế giới, thậm chí tại từng quốc gia. Tại Mỹ, theo một ghi nhận của báo The Guardian công bố ngày 23-7-2020 với phương pháp đơn giản là lấy số liệu tử vong của nhân viên y tế và xác minh từng trường hợp với gia đình, người thân của họ. Kết quả cho thấy có ít nhất 940 nhân viên y tế tử vong do COVID-19. Tại Ý, vào tháng 5-2020, BBC cho biết có ít nhất 163 bác sĩ và 40 y tá chết vì COVID-19, kể cả một số ít trường hợp tự sát. Tại Kenya, theo New York Times, bác sĩ ở nhiều bệnh viện công cho biết họ bị nợ lương đến 6 tháng và làm việc trong điều kiện tồi tệ do thiếu thiết bị bảo hộ. Hàng trăm nhân viên y tế đã nhiễm virus khi các bệnh viện quá tải bệnh nhân. Một phân tích của Tổ chức Ân xá quốc tế đăng ngày 3-9 cho rằng có ít nhất 7.000 nhân viên y tế trên toàn thế giới đã tử vong do nhiễm COVID-19. Trong đó, ít nhất 1.320 nhân viên y tế tử vong chỉ riêng ở Mexico, 1.077 ở Mỹ, 634 ở Brazil, 573 ở Ấn Độ, 240 ở Nam Phi... Tổ chức này cũng kêu gọi cần có một sự hợp tác toàn cầu nhằm đảm bảo các nhân viên y tế được cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ để họ làm công việc cao cả của mình mà không gặp rủi ro đến tính mạng. Các biện pháp quản lý hiệu quả của chính quyền và ý thức của mỗi người dân đều có thể góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan. Ngược lại, những chính sách vội vã hay hành động cá nhân ích kỷ đều có thể dẫn đến một sự bùng phát mới về dịch bệnh như đã và đang xảy ra ở Úc và hàng loạt các nước châu Âu như Albania, Bulgaria, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania... Đặc điểm của đợt bùng phát sau, mặc dù chưa xác định có phải là làn sóng dịch bệnh thứ hai không, nhưng số ca nhiễm đợt hai luôn cao hơn đợt một. Nguy cơ của làn sóng này là hiện diện bất cứ lúc nào nếu người dân lơ là, mất cảnh giác. Elisa Nanino, một bác sĩ làm việc ở nhà dưỡng lão tại Ý, cho biết: “Tôi bốc hỏa vì giận dữ khi liên tục nhìn thấy mọi người đi ăn uống mà không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách an toàn. Tôi muốn đến và hét vào mặt họ rằng các người đang khiến người khác gặp nguy hiểm. Hành động đó thật thiếu tôn trọng với tôi và đồng nghiệp”. Tháng 4-2020, tại Winchester, Virginia, Mỹ, các y bác sĩ đã phải xuống đường đối đầu với người biểu tình đòi mở cửa nền kinh tế. Bài viết trên trang ABC News đăng hình ảnh của vợ chồng bác sĩ phẫu thuật Erich Bruhn vừa về hưu đứng trước người biểu tình đòi mở cửa đất nước với khẩu hiệu: “Quý vị không có quyền đặt tất cả mọi người vào hiểm nguy. Hãy trở về nhà”. Trevor Bedford, một nhà nghiên cứu về virus học tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, ước lượng các cuộc biểu tình mỗi ngày có thể làm xuất hiện 1.500 - 3.000 ca nhiễm coronavirus mới trên cả nước Mỹ, với giả định khoảng 600.000 người Mỹ đi biểu tình trên toàn quốc mỗi ngày. Y bác sĩ nhiều nước, từ châu Âu đến Bắc Mỹ đều cho rằng việc tuân thủ các khuyến cáo về an toàn với COVID-19 là sự ủng hộ thiết thực nhất mà cộng đồng có thể giúp đỡ họ vượt qua đại dịch. Cụ thể, hãy làm theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới hoặc cơ quan y tế quốc gia là tránh xa nơi đông người, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang đúng cách, kể cả khi biểu tình... Vì lẽ đó, thật mâu thuẫn khi gọi các bác sĩ là anh hùng, tôn vinh sự hi sinh của họ nhưng cộng đồng lại sẵn sàng phớt lờ khuyến cáo của họ. Chính tại những nước đã từng là ổ dịch, tại nơi người ta ra ban công mỗi tối vỗ tay cổ vũ y bác sĩ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc... người dân lại rầm rộ xuống đường để phản đối đeo khẩu trang. Họ có hàng loạt lý do mà tờ Vox cẩn thận ghi nhận như: “Nếu tôi mắc COVID-19 và chết vì nó, đó là số phận. Khẩu trang làm tôi mất tự do và tôi không tin nó có hiệu quả. Người già vẫn chết mà không có COVID-19 đấy thôi” hoặc “không muốn phải vâng lời một cách mù quáng và tự tin với những “sự thật” của riêng mình”. Những áp lực từ xã hội này sẽ tiếp tục làm các bác sĩ, những người ở tuyến đầu phải vất vả hơn trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 mà không được nghỉ ngơi. Trong khi họ vất vả cứu chữa một tốp người nhiễm bệnh mới thì bên ngoài, hàng trăm người lại xuống đường biểu tình rồi sau đó nhập viện mà trách nhiệm và y đức buộc họ vẫn phải tận tình cứu chữa.■ Tags: Biểu tìnhBác sĩCOVID-19Chống dịch
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.