TTCT - Susan Moore, cây bút chuyên về thị trường của tạp chí nghệ thuật danh giá Apollo, nhận định bức tranh Salvator Muldi là biểu tượng cho một thế giới “tập trung vào lợi nhuận hơn mọi thứ khác và để làm ăn với giới siêu giàu toàn cầu mới nổi và không được thông tin tốt cho lắm”. Năm 2005, một bức họa khác thường xuất hiện trên trang web của New Orleans Auction Gallery, một hãng đấu giá nhỏ ở New Orleans, Mỹ.Dài 66cm, rộng 47cm, bức tranh mô tả Chúa Jesus mặc áo choàng kiểu Phục hưng, một tay giơ lên cầu phúc. “Sau Leonardo da Vinci (Ý, 1452-1519) - mô tả bức họa viết - Christ Salvator Mundi. Sơn dầu trên gỗ”.Trong số những người đã nhấn vào danh sách rao bán của lô 664 đó có tay đầu cơ nghệ thuật chuyên nghiệp Alexander Parish, người đã dành cả đời trong thế giới này, đầu tiên là trợ lý, rồi cố vấn cho một gallery lớn ở châu Âu, và giờ là dân đầu cơ tự do, kẻ chuyên tìm báu vật ở những nhà đấu giá nhỏ và bán lại cho các thân chủ giàu có. “Một phần lớn những gì tôi làm - Parish nói với tôi - là cờ bạc có giáo dục”.Những bước dò dẫm ban đầuParish có linh cảm tốt về lô 664. Anh ta nghĩ đó có thể là tác phẩm của một học trò Leonardo - có thể là họa sĩ người Milan Bernardino Luini. Chiều hôm đó, anh ta gửi đường dẫn cuộc đấu giá cho bạn mình Robert Simon, chủ một gallery chuyên hội họa cổ điển thuộc khu Upper East Side, New York, người có bằng tiến sĩ lịch sử hội họa ở Đại học Columbia, chuyên ngành nghệ thuật Phục hưng.Simon biết rõ bức Salvator Mundi nguyên bản, được Leonardo vẽ khoảng năm 1500, có thể là cho vua Pháp Louis XII, là một trong những bức được sao chép nhiều nhất của da Vinci - hàng chục bản sao được treo ở các bảo tàng trên toàn thế giới, nhưng bản gốc đã thất lạc từ lâu.Simon và Parish nhất trí bỏ tiền đầu tư cho bức tranh, với mức tối đa dự tính của họ là 10.000 USD. Cuối cùng, họ đã thắng đấu giá với chỉ 1/10 số tiền đó.Nhưng lô 664 đó giờ giá trị vượt xa ban đầu: Kể từ đấy, bức tranh đã được bán một lần với giá 127,5 triệu USD, rồi một lần nữa, trong phiên đấu giá xác lập kỷ lục của nhà Christie’s, với giá gần nửa tỉ đôla. Nó lần lượt thuộc sở hữu một đại gia người Thụy Sĩ, một nhà tài phiệt Nga, cuối cùng là hoàng gia Saudi Arabia.Trên hành trình, nó là minh họa cho việc các tay thương lái nghệ thuật, các nhà bảo tàng, công ty đấu giá, người phục dựng tranh và giới nhà giàu quay cuồng ra sao với hội họa.Nhưng vào ngày nó được chuyển tới nhà Parish ở New York, nó chỉ là một bức tranh không rõ nguồn gốc trong tình trạng đáng ngờ. Giá trị của nó sẽ phụ thuộc vào khả năng phục chế và kết nối nó với Leonardo của những người mua.Tình trạng ban đầu của bức Salvator Mundi.Nếu đó là một họa phẩm của Luini hay một học trò khác của Leonardo, họ có thể thu về vài trăm nghìn đôla. Năm 1999, một bản sao thuộc thời kỳ này từ xưởng của Leonardo đã được bán với giá 332.500 USD ở Sotheby’s.Ngày 27-4-2005, Simon đưa bức Salvator Mundi tới nhà Dianne Dwyer Modestini - giáo sư ĐH New York, một chuyên gia phục chế tranh bậc thầy. Bà không thấy ấn tượng với bức tranh. Khuôn mặt Chúa, mà sau này bà biết là được vẽ lại vào thế kỷ 20, nhìn như “mặt nạ một anh hề”. Bà đánh giá tình trạng bức tranh là “rất tệ, ngay cả tính tới tuổi của nó”.Modestini dùng một lọ acetone, xăng trắng không mùi và tăm bông để lau sơ bộ bức tranh. Hai điều trở nên rõ ràng: miếng gỗ đã bị nứt, khiến có những đường nét không đồng đều gần mặt nhân vật trong tranh. Một người phục chế trước đó, theo Modestini, đã cố xử lý bằng cách nhét thêm một hỗn hợp thạch cao và keo xuống vết nứt.Điều thứ hai là bàn tay của Chúa. Có những vệt mờ nhạt đằng sau bàn tay đó. Sau vài cú quét tăm bông, Modestini thấy điều mà bà cho là tình trạng tranh được vẽ trùm lên một tranh khác. Trái với ngón tay cong trong tác phẩm hoàn thiện, và với mọi bản sao Salvator Mundi vào thời Phục hưng khác mà Simon từng biết, ngón tay ở phần tranh bị vẽ trùm thẳng đứng.Phần ngón tay bị vẽ trùm ở bức Salvator Mundi cho thấy bức tranh không phải là bản sao chép.“Vẽ trùm - Modestini nói với tôi - nói chung là chỉ dấu cho thấy bức tranh không phải bản sao chép”. Nói cách khác, ta chỉ sao chép những gì ta thấy, còn phần bị vẽ trùm thì không thể chép được. Tới giờ, họ vẫn chưa kết luận gì. Modestini im lặng vì bà không phải chuyên gia về lịch sử bức Salvator Mundi, Simon thì vì khôn ngoan thận trọng.So với những người cùng thời, Leonardo còn là một nhà phát minh và nhà khoa học, ngoài một họa sĩ. Thật ra, hiện giờ chỉ có không tới 20 bức tranh được cho là do ông vẽ; bức gần nhất được phát hiện có tên gọi Benois Madonna, từ một bộ sưu tập tư nhân ở St. Petersburg vào năm 1914.Tới năm 2005, còn lại hai bức chưa được tìm thấy: Leda và thiên nga, một tranh phúng dụ thần thoại khổ lớn, và Salvator Mundi. Nếu Parish và Simon quả thực đã tìm thấy Salvator Mundi, đó sẽ là một cuộc chơi hoàn toàn khác với họ.Nhiều năm trời phục dựngModestini nói bức tranh có triển vọng và sẽ giúp họ phục dựng, nhưng trước hết cần một chuyên gia về phần gỗ nền của bức tranh. Bà đề xuất Monica Griesbach, một học trò cũ hiện sống ở Madrid.Griesbach nhớ lại phản ứng ban đầu khi bức tranh được chuyển tới cho cô bằng máy bay: “Phần bị hư hại rất đáng kể”. Lật bức tranh lại, Griesbach thấy tấm gỗ nguyên gốc được hỗ trợ bởi một giá đỡ và một miếng gỗ phụ dày, dán bồi vào miếng gỗ óc chó là nền tranh chính - một phương pháp đã lỗi thời. Khi cô gỡ miếng gỗ phụ ra, cả bức tranh vỡ nát.“Tổng cộng nó vỡ thành bảy mảnh khác nhau” - cô nói. Mối mọt đã ăn xuyên qua gỗ. Griesbach vật lộn với bức tranh sáu tháng trời, chắp ghép nó lại bằng keo và những mảnh gỗ nhỏ xíu chuyên dụng cho việc trám vết nứt. “Và bức tranh quả được gắn lại đẹp đẽ” - cô kể.Tháng 11-2006, khi Modestini nhận lại Salvator Mundi, bà đã thấy rõ hơn là bà đang nhìn thứ gì. “Có những mảng được giữ lại tốt khác thường - bà nói, ý chỉ bàn tay và lọn tóc bên trái của nhân vật - Nhưng cũng có những mảng hư hại nghiêm trọng”. Cũng là dễ hiểu, bức tranh đã được 500 năm.Phục dựng tranh là một khoa học mang tính chủ quan. 200 năm trước, người ta thậm chí vẽ chồng lên rất nhiều đến mức bức tranh ban đầu gần như biến mất; một số trường phái phục dựng, nhất là ở châu Âu, ngày nay đề xuất ngược lại: chỉnh sửa tối thiểu và cho phép người xem phân biệt giữa tác phẩm gốc và những gì được chỉnh sửa.Trong một bài viết đăng năm 2015, Modestini đã tỉ mỉ tả lại quá trình phục dựng gương mặt nhân vật trong bức Salvator Mundi, điều khiến bà đã phải vật lộn ngày đêm và suy nghĩ nát óc.“Sự nhập nhằng vì những vết trầy và điểm nhấn cọ khiến việc phục dựng cực kỳ khó khăn, và tôi phải làm đi làm lại vô số lần” - bà viết. Phần nền nhạt nhòa cũng là một vấn đề lớn mà để sửa chữa, bà đã “bổ sung một lượng lớn màu nâu ấm”, rồi thêm các lớp sơn. Khoảng một năm sau khi bắt đầu phục dựng, Modestini tới chỗ đôi môi nhân vật, mà bà mô tả là “Hoàn hảo. Đúng như cách nó phải được vẽ - không họa sĩ nào [ngoài da Vinci] có thể vẽ được thế”.Trong lúc Modestini làm công việc phục dựng, Simon nghiên cứu lai lịch của nó. Anh tới một thư viện ở London để xem ảnh trong Bộ sưu tập Cook, một kho dữ liệu nghệ thuật khổng lồ được Sir Francis Cook, một thương gia Anh giàu có, tập hợp những năm 1800.Simon biết rằng Cook có một bức Salvator Mundi, được cho là do Boltraffio, một học trò của Leonardo, vẽ. Bức này được nhà Sotheby’s bán năm 1958 với giá 45 bảng cho một người mua chỉ có tên đơn giản là “Kunz”. Bức ảnh trắng đen bức tranh này, mà Simon xem được ở thư viện, giống hệt bức của anh. Nhưng trước năm 1900, lịch sử bức tranh rất mờ nhạt. Một bức được cho là Salvator Mundi được nhắc trong ghi chú của một học trò Leonardo vào năm 1525. Sau đó nó biến mất rồi xuất hiện một thế kỷ sau, có vẻ là thuộc về vua Charles I của Anh. Ông này bị chặt đầu năm 1649, bộ sưu tập của ông bị bán để trả nợ cho hoàng gia.Một lập luận quan trọng của Simon trong quá trình giải thích cho bức Salvator Mundi dựa trên lịch sử: “Nhiều họa sĩ Ý thời kỳ đó thích gỗ cây dương. Leonardo thích gỗ óc chó”.Độc đắcSimon muốn bức tranh được bán cho một nhà bảo tàng, tốt hơn là ở Mỹ. Nhưng anh và Parish giờ không thể tặng lại bức tranh nữa, họ đã đầu tư quá nhiều tiền bạc và công sức vào đó. Cơ hội trúng độc đắc cũng rất hấp dẫn. Năm 1989, hai phác họa của Leonardo được bán với giá gần 6 triệu USD mỗi bức; năm 2001, một tờ giấy mỏng manh nhỏ bé tương tự mang về 11,5 triệu USD ở nhà Christie’s. Trước đó nữa, bức Madonna được Sa hoàng mua lại năm 1914 với số tiền tương đương hàng trăm triệu USD ngày nay.Thêm vào đó, thị trường hội họa và nghệ thuật hiện đại đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Những bức tranh hiếm cũng khẳng định vị thế người sở hữu tốt hơn nhiều so với một chiếc xe thể thao Bugatti hay một hòn đảo ở Caribe. Và khó có siêu phẩm nào sánh được với một bức của Leonardo.Sự hấp dẫn của Da Vinci, theo lời Simon, “là rộng khắp, vượt xa giới sưu tập hay nhà bảo tàng. Ông ấy được tất cả mọi người coi trọng, là một đẳng cấp hoàn toàn khác”. Giá rao bán của họ là 100 triệu USD, nhưng trước hết, nó cần được thế giới nghệ thuật chấp nhận đã.Năm 2007, Simon bí mật cho một nhóm nhỏ các học giả có chọn lọc xem bức Salvator Mundi. Cũng trong năm đó là một buổi đánh giá đầy đủ hơn ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Met), New York. Không lâu sau đấy, Keith Christiansen, bấy giờ là giám tuyển phụ trách khu vực châu Âu của Met, xác định bức tranh là của Leonardo.Trước đó, từ năm 2006, Bảo tàng Quốc gia Anh ở London đã có ý tổ chức một triển lãm lớn về Leonardo gắn với việc phục dựng một tác phẩm lớn của da Vinci trong nhà bảo tàng, The Virgin of the Rocks. Sir Nicholas Penny, giám đốc nhà bảo tàng lúc đó, biết tới bức Salvator Mundi, ông đã xem nó ở gallery của Simon trong một chuyến đi New York.Penny đề nghị Simon mang bức tranh tới London để đặt cạnh bức The Virgin of the Rocks. Vẫn còn những chuyên gia nghi ngờ bức tranh chỉ là một sản phẩm của lò tranh da Vinci, chứ không phải do đích thân Leonardo vẽ, ít ra thì không phải là toàn bộ bức tranh.Tháng 5-2008, Simon bay tới London cùng bức Salvator Mundi để Bảo tàng London thẩm định. Những nghi ngờ vẫn dai dẳng sau đó.“Khó mà tin được Leonardo lại vẽ một thứ đáng chán như thế” - chuyên gia về hội họa Phục hưng Charles Hope nhận xét. David Nolta, một sử gia nghệ thuật ở Trường Nghệ thuật và thiết kế Massachusetts, thì nói tình trạng ban đầu của bức tranh khiến người ta khó nói chắc được điều gì.“Quan điểm của tôi là Leonardo vẽ phần phác thảo; ông và các trợ tá mở rộng bản phác thảo ra và để học trò hoàn tất” - Matthew Landrus (ĐH Oxford) cung cấp một góc nhìn khác. Landrus tin rằng tác giả bức tranh này là Luini. Tuy nhiên, tin tốt tới với Simon và Parish vào năm 2010: bức tranh của họ được xác nhận sẽ tham gia triển lãm.Năm 2011, Simon đưa Salvator Mundi trở lại London. Lúc đó, triển lãm “Leonardo da Vinci: Họa sĩ của triều đình Milan” khai mạc tháng 11-2011, Bảo tàng Quốc gia Anh đã bán hết vé. Tới tháng 1-2012, bảo tàng phải lùi giờ đóng cửa tới 10h tối vì khách thăm quá đông. Salvator Mundi, từ chỗ đầy ngờ vực và vô danh, giờ đã được xác minh chính thức.Bức tranh Salvator Mundi.Nhưng đó là một việc không dễ dàng. Báo chí nhảy vào cuộc. Laura Cumming chê bai nó trên tờ Observer, Richard Dorment của Telegraph thì viết bức tranh “Tôi có thể nói là nếu Leonardo vẽ bức này, thì tôi sẽ cược năm bảng là ông cũng là kẻ chơi khăm đứng đằng sau trò đùa tấm vải liệm Turin”.Nhưng đã quá muộn để nghi ngờ. Năm 2008 và 2009, Bảo tàng Nghệ thuật Boston và Met đã xem bức tranh nhưng không hỏi mua. Họ thừa nhận bức tranh quả là vào thời Leonardo, nhưng bởi sự can thiệp quá nhiều của việc phục dựng và cái giá 100 triệu USD, họ không mặn mà. Tháng 3-2012, bảo tàng nghệ thuật ở Dallas nhảy vào cuộc, nhưng rồi cũng không đi đến đâu.Thật ra, đối tượng mua một bức tranh như thế trên thế giới này là hạn chế, thậm chí là đếm trên đầu ngón tay. Một người mua tiềm tàng, nhà tài phiệt Nga Dmitry Rybolovlev, bắt đầu đánh tiếng vào đầu năm 2013. Ông muốn bức Salvator Mundi để bổ sung cho bộ sưu tập gồm bốn bức Picasso và một bức tượng Modigliani trị giá 60 triệu USD của ông.Một đại gia người Thụy Sĩ, Yves Bouvier, biết trước ý định đó, ra tay trước, mua lại bức tranh với giá 80 triệu USD và “sang tay” lập tức cho Rybolovlev với giá 127,5 triệu USD. Tháng 11-2017, Rybolovlev bán lại bức tranh lần nữa qua nhà Christie’s, để rồi nó về tay hoàng gia Saudi Arabia với giá 450 triệu USD.Màn quảng cáo trước vụ bán lại cũng là một nghệ thuật thật sự: những chi tiết của việc phục dựng không được đề cập, ngoại trừ một bức ảnh nhỏ mờ nhạt trong cuốn catalogue về bức tranh dày 174 trang. Bức tranh được ca tụng là “phát hiện từ hành tinh khác” và “sánh ngang với Mona Lisa”.Như một ngôi sao nhạc rock, Salvator Mundi lưu diễn khắp hành tinh để chào mời những người mua giàu có: Hong Kong, San Francisco, London. “Ta có thể mua nó và xây cả một viện bảo tàng xoay quanh nó” - giám đốc Hãng Christie’s, François de Poortere, quảng cáo.Susan Moore, cây bút chuyên về thị trường của tạp chí nghệ thuật danh giá Apollo, lại nghĩ khác: “Từ trước tới giờ không có thứ gì sánh được với thiên tài sáng tạo trong chiến thuật bán bức Salvator Mundi”. (Chiêu Văn chuyển ngữ từ The Vulture)Các cột mốc của Salvator Mundi1500: Có thể được vẽ cho vua Pháp Louis XII.1625: Về tay vua Anh Charles I qua hôn nhân.1651: Bán cho một thợ nề tên là John Stone.1666: Quay về với hoàng gia Anh dưới thời vua Charles II.1666-1900: Không rõ.1900: Sir Francis Cook có bức Salvator Mundi, không biết có phải cũng là bức gốc hay không.1958: Cook bán cho một người tên là “Kuntz”.2005: Parish và Simon mua lại ở một trang đấu giá tranh trên mạng tại Mỹ.2013: Yves Bovier mua bức tranh với giá 80 triệu USD, bán lại ngay cho Rybolovlev với giá 127,5 triệu USD.2017: Rybolovlev bán lại cho hoàng gia Saudi Arabia với giá 450 triệu USD. Tags: Leonardo da VinciĐấu giá tranhBảo tàng mỹ thuậtSalvator MundiPhục dựng tranhBộ sưu tập nghệ thuật
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.