TTCT - Hầu như không thấy ai khóc. Hay là nước mắt mọi người cũng kịp dừng ở bờ mi như tôi thì không biết... Chúng tôi ra về trong điệu hành khúc ban đầu. Trong tiết điệu dập dồn ấy tôi tưởng như nghe thấy tiếng còi bim bim của con Ford đang bị nhốt trong ga ra vừa kịp phóng đến Sáng nay vừa ra sân thì tay hàng xóm người Li Băng hỏi:- Mày biết gì chưa?- Biết gì cơ?- Ông B. chết rồi.Tôi choáng người. Cách đây hai tháng, thấy thằng con trai lớn của ông ấy bấm chuông đưa mảnh giấy ghi số phone của nó, bảo: “Ngài có bất cứ vấn đề gì về nhà cửa, điện nước, lò sưởi thì gọi cho tôi”. Tôi lại tưởng ông bố đi nghỉ ở đâu, giao nhiệm vụ cho ông con. Điện nước, lò sưởi không hỏng nhưng hơn chục ngày sau tôi bỗng thấy sốt ruột. Hay là ông này bị nhiễm COVID nằm nhà, chứ đi nghỉ mát thì cũng chỉ một tuần, mươi ngày là cùng. Cớ sao mà lâu thế? Sẵn số phone, gọi thì nó bảo:- Cảm ơn ngài đã hỏi thăm. Bố tôi bị tai nạn nặng lắm, chắc không thể ra viện trong vài ba tháng tới được.Hồi con trai tôi học lớp hai, nó hay dẫn một đứa bạn người Đức về nhà chơi trò điện tử. Thằng bé gầy nhom tên là Stefan này hay cáu bẳn vô cớ và hò hét om xòm. Có lần con tôi bảo:- Từ mai con không cho thằng này đến nhà nữa. Cả lớp không ai chơi được với nó. Nó hét làm ù hết cả tai.- Nếu cả lớp còn mình con chơi với bạn mà bây giờ con lại thôi thì bạn không có ai chơi cùng nữa hở con. Bố thấy bạn ấy cũng hay mà!Dạo ấy tôi đang làm nghề đi đưa bánh pizza. Nhiều hôm gặp mẹ con Stefan đi bộ từ trường về mưa ướt, tôi dừng xe mời lên rồi đưa về tận nhà gần quán tôi làm. Một hôm tôi đang vứt thùng các tông cũ của quán vào các thùng chứa rác giấy của thành phố thì gặp bố Stefan cũng đang ra đó vứt giấy. Ngày đó ông ta mới ngoài bốn mươi, vóc dáng trẻ trung khỏe mạnh.- Tôi cảm ơn ngài vì đã cho Stefan con trai tôi đến nhà chơi, lại còn được ăn ở đó. Tôi biết con trai tôi, nó không được bình thường nên ít bạn.- Có gì đâu, nó đáng yêu mà! Có bạn đến nhà thì con trai tôi cũng vui.- Ngài ở căn hộ hay nhà riêng?- Tôi không đủ tiền thuê nhà riêng. Chúng tôi ở căn hộ thôi.- Căn hộ rộng không? Ngài thuê bao nhiêu tiền một tháng?- Chúng tôi trả gần 600 euro cho căn hộ khoảng 70 mét vuông.- Tôi có một ngôi nhà hai tầng người thuê vừa dọn ra. Diện tích ở 100 mét, có vườn trước vườn sau ở ngay gần đây. Nếu ngài muốn tôi sẽ cho ngài thuê đúng với giá ngài đang trả cho căn hộ ngài đang ở.Tôi mừng quá, vào xin phép chủ nghỉ ba mươi phút đến xem luôn. B. (tên ông chủ nhà) bảo:- Tôi chỉ có một đề nghị là nhà thì tôi cho thuê, chỉ xin giữ lại gara vì trong đó tôi có một chiếc xe Ford cổ 80 năm rồi. Đấy là thú vui của tôi.- Được thôi! Sân rộng thênh thang, tôi để xe ngoài cũng được mà. Chỉ có điều theo luật tôi phải báo trước ba tháng rồi mới trả căn hộ cho người ta được, để họ còn có thời gian tìm người thuê mới.- Không sao! Tôi cứ đưa cho ngài chìa khóa để ngài có thể chuyển đồ đạc dần. Bao giờ ngài đến ở thì lúc đó trả tiền.Đó là ngôi nhà mà chúng tôi ở cho đến nay vừa tròn hai mươi năm. Ngôi nhà này do bà mẹ qua đời để lại cho B. và người em trai. Ông trả cho em trai mình tiền, lấy cả ngôi nhà. Ông còn hai ngôi nhà nữa, một đang ở một cho thuê. Là chủ một hãng nhỏ chỉ vài ba thợ chuyên đi sửa chữa và lắp đặt máy giặt, vợ lo việc nhà và hai con trai nhỏ. Để có được cơ ngơi như vậy phương châm của ông là làm việc, làm việc và làm việc - không ngơi nghỉ. Dậy từ 5 giờ sáng ông phóng xe đi Lübeck - một thành phố lớn cách nơi chúng tôi ở gần 50 cây số rồi từ đó đi khắp những nơi đã có lịch hẹn làm việc cho đến 5 giờ chiều mới quay về. Cuối tuần thì ông làm vườn nhà mình xong rồi đến gara trong sân nhà tôi thay bộ quần áo bảo hộ liền người màu xanh, lau chùi ô tô. Xe đi làm của ông bao giờ cũng tốt vì cứ ba năm ông đổi một lần xe mới nên hầu như không bao giờ hỏng. Tuy nhiên, hằng tuần ông đều xem xét kiểm tra nước, dầu. Lại còn lấy nước nhúng giẻ lau chùi sáng bóng. Riêng con Ford sản xuất năm 1920 nhưng nom như mới tinh thì ông quý nó như vàng. Cũng đúng, vì giá nó khoảng 80 ngàn euro - bằng nửa giá trị ngôi nhà tôi đang ở. Ông bảo:- Tôi không bao giờ bán nó, dù có đắt gấp đôi chăng nữa. Để ít nữa về hưu có thời gian tôi sẽ rong ruổi cùng với hội chơi xe cổ.Ông là thành viên của hội này nhưng một năm ông chỉ tụ một lần vào một ngày duy nhất. Đó là ngày hội của ông. Ông hào hứng dặn tôi từ hôm trước:- Ngài nhớ đỗ xe dịch vào trong, đừng để đuôi xe thò chắn cửa gara nhé! Không có là bốn giờ sáng tôi lại phải bấm chuông cửa nhà ngài đấy!Là ông khoe khéo thế chứ sân rộng, có bao giờ tôi đỗ chắn cửa gara. Mà gara này cũng được ông thiết kế như ở xưởng sửa chữa xe hơi, nghĩa là phần dưới gầm xe được xây sâu xuống lòng đất, đủ cho người bên dưới đứng thẳng nhìn ngó và sửa chữa. Chung quanh tường là các giá để ngăn nắp cờ lê, kìm búa phụ tùng. Tuy nhiên ông chỉ giỏi lau chùi chứ hỏng cái gì là lập tức thay mới, kiểu như ông chữa máy giặt. Chính vì vậy ông thường tham khảo ý kiến tay hàng xóm người Li Băng. Tay này ngày còn ở quê nhà chắc là thợ nên mấy bố con ai cũng giỏi và cũng như người Việt Nam mình, chỉ khi không sửa được mới phải mua đồ thay thế. Mùa hè thì hầu như cả hai ngày cuối tuần ông quanh quẩn ở sân nhà tôi. Ông đến là biết ngay vì tiếng chào hỏi rộn rã của ông tới chung quanh hàng xóm. Sau đó ông mở cửa gara ngồi vào con Ford nổ binh binh giòn giã (xe này nom nhỏ nhưng công suất cực lớn) rồi thận trọng cho xe ra khỏi sân, phóng đi đâu chừng ba mươi phút. Ông bảo làm như vậy để bảo dưỡng xe chứ để lâu không chạy máy sẽ hỏng. Về đến nơi cho xe vào chuồng xong, lập tức ông lau chùi xe từ từng con ốc cho đến cả bốn chiếc lốp sạch bong. Máy bên trong thì không kể. Tôi và cả bạn bè đến chơi nhà tôi hầu như ai cũng đã từng chiêm ngưỡng và trầm trồ trước cái kỳ quan ấy mỗi khi ông mở nắp máy ra khoe. Nó đầy cả khoang máy, sáng choang, ngời ngời hãnh diện phô vẻ sang quý cùng ông chủ. Xong việc, ông đi tới đi lui, ngó trước ngó sau xem ngôi nhà có gì cần sang sửa. Từ cổng cho đến hàng rào gỗ đã cần quét lại dầu chưa? Rặng thông sau vườn đã cần thuê thợ đến xén thấp đi chưa?Có lẽ những người Đức thuê nhà không thích kiểu quan tâm như vậy nhưng tôi thì thích, trừ những lần mùa hè tôi quên tưới cây hay lâu không cắt cỏ thì ông ta bấm chuông hỏi khéo mượn vòi phun nước hay chìa khóa nhà vườn để lấy máy cắt cỏ. Bù lại, bất kể nhà tôi bị mất điện, cháy bóng đèn, hỏng bếp, tắc cống - nhất nhất mọi việc đều đến tay ông ấy vì hễ tôi đụng đến đâu lại càng hỏng thêm đến đó. Của đáng tội thông cống thì khó thật. Tôi đã mua một cây thép dẻo xoắn như lò xo để chọc từ bồn rửa bát xuống nhưng không ăn thua. Mỗi lần như vậy ông phải xuống tầng ngầm phòng kho tháo ống cống, bê ra ngoài sân thông rửa sạch sẽ rồi đem vào lắp lại. Lâu dần, chúng tôi nghiễm nhiên coi đó là việc của chủ nhà. Thấy xe tôi bẩn, tiện tay ông lau sạch bóng. Ông cũng chẳng nề hà khi nhúng tay không găng vào thứ nước gì xanh xanh lau đến đâu vành nhôm sáng choang đến đấy. Cửa xe tôi bị quệt có vết xước thì ông tìm đủ mọi cách lau, mài, đánh bóng cho đẹp như cũ dù tôi chả quan tâm. Có lần xe tôi bị thủng ống dẫn dầu phanh, thấy tôi cứ để vậy đi bộ, ông rủ tôi trèo lên ngồi để ông lái đến xưởng sửa xe mà chỉ dùng có phanh tay suốt dọc đường. Ông bảo vợ tôi:- Bà cần một người đàn ông thực thụ.Chắc vì thấy tôi vừa lười vừa vụng. Thế nhưng ông cũng bảo vợ chồng tôi không chỉ một lần:- Ông bà cứ ở đây. Tôi không bao giờ tăng tiền nhà cả.Ở bên Đức theo luật cứ sau vài năm người cho thuê có quyền tăng tiền nhà để bù vào trượt giá vì bản thân họ cũng phải đóng rất nhiều thứ thuế. Chưa kể cách đây mấy năm có lệnh tất cả các ngôi nhà đều phải lót một lớp cách nhiệt bên ngoài để tiết kiệm năng lượng cho lò sưởi. Mỗi lần như vậy chắc mất cả chục nghìn euro. Không chỉ vậy, có dạo do làm ăn thất bát quá, vợ chồng tôi quyết định dọn đi ở một căn hộ nhỏ, vì hai con trai đi ở riêng rồi, đỡ được tí nào hay tí nấy. Được báo tin, ông bảo:- Nếu chỉ vì thế thì tôi có thể bớt mỗi tháng 100 €, cho đến khi nào các ngài có khả năng thì lại trả như cũ.Sau khoảng hai năm, chúng tôi báo ông quay về mức tiền như trước.Còn ông, sau khi đứa con trai lớn lấy vợ ra ở riêng thì vợ chồng ông chia tay nhau. Tôi không biết ai bỏ ai nhưng thấy ông bảo:- Tôi sẽ không bao giờ lấy vợ nữa, quá đắt! Ngài xem tôi đi làm quanh năm suốt tháng như thế, vợ tôi chỉ ở nhà. Có hôm tôi dậy đi làm mà cô ấy còn chưa đi ngủ, cứ ngồi trước cái laptop chát chít hết Thomas lại đến Tony. Thế mà giờ tòa quyết định tôi phải chia cho vợ tôi một ngôi nhà và tám chục nghìn. Từ nay cho đến khi hoàn tất thủ tục phải trả tiền sinh sống cho cô ta mỗi tháng 1.500 euro nữa. Tôi và Stefan chỉ còn 800 euro mỗi tháng - Ông nhún vai - So ist das Leben (Cuộc sống là thế)!Tôi không muốn bảo ông rằng có khi do ông chăm quá, đơn giản quá, lành mạnh quá mà vợ ông sinh chán. Hai người không ở được với nhau chưa hẳn là phải có một người không tốt mà có khi chỉ vì ít điểm chung, ít điều chia sẻ quá.5 năm sau, khi con trai lấy vợ ra ở riêng thì ông có vợ mới. Vợ này điệu hơn, không vụng về và hơi lam lũ như vợ cũ. Có đôi lần ông còn rủ đến cho ngồi lên xe Ford dạo một vòng, điều mà vợ trước không bao giờ được thử. Có hôm đang làm, ông nhìn đồng hồ rồi bảo: Tôi phải về! Vợ tôi hẹn lát nữa đi ăn kem rồi. Vợ tôi hỏi:- Sao ngài bảo sẽ không bao giờ lấy vợ nữa?- Cô này khác, tốt lắm! - Ông cười rạng rỡ. Mà hầu như lúc nào ông cười cũng rạng rỡ. Dù chỉ một câu hỏi thăm sức khỏe hay lời chúc vui vẻ cuối tuần thôi nhưng mắt ông lúc nào cũng cười ấm áp, cũng chăm chú quan tâm. Dường như mọi câu hỏi trong cuộc sống ông đều đã có sẵn đúng một câu trả lời: “Có vấn đề ư? Vậy thì hãy làm việc - làm việc - làm việc”. Hai đứa con trai của ông đều học hết phổ thông là đi làm và chắc ông cũng thế.Vợ tôi kể:- Cứ như là có điềm í! Lần cuối em gặp ông ấy là hôm thứ bảy đi làm về. Thấy em đi qua, ông ấy đang ngồi trong gara lau cái gì ấy, ngẩng lên chào. Mặt ông ấy buồn lắm! Chưa bao giờ thấy thế, em hỏi:- Ngài có vấn đề gì không?Ông ấy bảo:- Làm nhiều quá! - Rồi khoe - Tôi mới sửa lại cái vườn rất đẹp. Sắp tới về hưu ngồi thảnh thơi uống cà phê ăn bánh ngọt. Hôm nào mời ông bà qua xem nhé!Lần cuối tôi gặp ông, hay nói cho đúng lần cuối tôi không gặp ông là khi tôi đang ở trên gác thì có tiếng chuông. Nghe tiếng chuông tôi biết là ông vì ông có kiểu bấm quyết đoán và nôn nóng dồn hai tiếng một. Tôi thầm nghĩ “Cái ông này vô duyên. Đang dịch COVID mà còn bấm chuông nhà người ta xin nước”. Số là vì ông hay dùng đến nước mỗi khi lau rửa xe nên đã để một thùng to bằng nhựa có nắp để hứng nước mưa từ mái nhà qua ống máng chảy xuống. Mùa hè thì thế, mùa đông sợ nước đóng băng vỡ thùng thì ông hoặc tôi (nếu nhớ ra) đổ hết nước rồi kéo thùng ra ngoài ống máng. Bây giờ đang mùa hè nhưng có thể do vợ tôi múc hết tưới cây hoặc cũng có thể do bên dưới nước cặn nhiều lá, nhiều rác không dùng được. Mùa nào thì tôi cũng sẵn lòng cho ông xô nước sạch lấy ra từ máy, nhưng bây giờ đang lúc cả nước có lệnh cách ly mà lại bấm chuông xin thì phiền quá! Là tôi nghĩ thế. Sáng hôm sau vợ đi làm, ở nhà tôi nối vòi ra bơm đầy thùng để ông có cái dùng. Nhưng từ hôm ấy không thấy ông đến nữa...- Vì sao ông ấy chết, mày biết không? - Tôi hỏi tay hàng xóm.- Cuối tuần ông ấy phóng xe đạp dạo trong rừng. Đang lao dốc, gặp con nhím bò qua. Ông ấy ngoặt tay lái gấp để tránh. Đầu đập vào cây, vỡ. Từ hôm đó cho đến khi đi hôm vừa rồi là hơn hai tháng nằm trong bệnh viện, nhưng không tỉnh lại lần nào nữa...Từ hôm nghe tin ông bị tai nạn tôi thường ra vườn tỉa cây, cắt cỏ. Tôi hình dung bị tai nạn nặng thế chắc ông sẽ thành người tàn phế. Một hôm nào đó đi xe lăn tới ông sẽ cười buồn mà nhìn khu vườn ông cho thuê chưa bao giờ đẹp thế. Ngờ đâu... Tôi tưởng như nhìn thấy vẻ thất vọng sau khi bấm chuông mà cửa không mở. Ông quay lưng cầm cái xô sải những bước dài trên sỏi, quay về nơi con Ford đang chờ ông lau rửa.Hôm nay vợ chồng tôi đi dự lễ tang ông. Từ mấy hôm trước, đứa con trai lớn của ông đưa giấy mời, tôi mở ra đọc thấy góc phải bên trên tờ thiệp mời có một câu của Victor Hugo: “Người không còn - nhưng người ở khắp mọi nơi cạnh chúng tôi”.Hai ngày trước trời u ám, mưa rả rích từ sáng đến đêm. Vậy mà sáng nay trời hửng nắng. Tầm gần một giờ trưa, khi mọi người dần lác đác đỗ xe bên ngoài nghĩa trang thì nắng vàng lên rực rỡ. Đúng một giờ, chúng tôi đi theo sau đoàn khoảng trên ba chục người đi vào một nhà thờ nhỏ ở trong đó. Ai nấy đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, nhà nước Đức đang có lệnh cách ly vừa được hai tuần. Trên đường đi thi thoảng lại bắt gặp một chiếc cột sắt treo mấy chiếc thùng tưới hoa, để cho những ai đi thăm mộ có cái dùng. Một suất đất ở khu nghĩa trang như công viên này giá 7.000 euro. Kể ra cả một đời lao động để cuối cùng được cho riêng mình ngần ấy cũng chẳng nhiều nhặn gì.Trong không khí trang nghiêm, tĩnh lặng nhưng không quá u buồn, chúng tôi đứng chờ đến lượt đánh dấu vào một danh sách tên người tham dự đã được in sẵn cùng một chiếc bút bi trên một chiếc bàn nhỏ bên ngoài. Bước qua cửa là phòng nghi lễ rộng chừng hai chục mét vuông. Giữa phòng bên trong những ngọn nến đặt dưới nền nhà là bức ảnh lồng khung đen to như một màn hình tivi khổ lớn. Ông chủ nhà chúng tôi áo pull đen cộc tay, cường tráng đầy sức sống đứng bên cạnh con Ford. Hai cánh tay đang tì lên thành cửa xe đang mở ra, gương mặt sáng ngời cười hãnh diện như đang nói “Chúng tôi là thế đấy!”.Vì trong phòng chỉ kê hai hàng ghế ngắn đủ cho hơn chục người nên mọi người lần lượt quay ra sân đứng cúi đầu, tay nọ nắm tay kia trước bụng. Tiếng nhạc từ trong phòng vọng ra đủ to. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy đó không phải là điệu nhạc trầm buồn tiễn biệt mà là tiết tấu và giai điệu của một hành khúc. Kiểu nhạc như đoàn người ngựa chạy đường trường hộ tống một chiếc xe trong phim cao bồi hoặc như một dàn xe ô tô cổ trong đó có ông đang ngồi trên chiếc Ford chạy qua hoang mạc. Cũng có thể thế lắm, vì qua tiếng guitar điện đu dây, tiếng trống, tiếng bass dập dồn, tôi nghe loáng thoáng giọng nam “Trời nóng 40 độ... hãy nhắm mắt...”.Sau lời phát biểu khoảng mười phút, âm nhạc trang trọng vang lên và tôi lại ngạc nhiên vì lần này là bài The Winner Takes It All của ABBA: Tôi đã ngửa hết bài/ Bạn cũng thế mà thôi/ Quân Át không còn nữa/ Còn gì để nói đâu/ Kẻ thắng lấy tất cả/ Người thua phải gục ngã/ Đời đơn giản thế thôi/ Phàn nàn làm gì nữa... Sau ba phút mặc niệm, bà quả phụ khoác tay hai đứa con trai của chồng đi ra. Một trong hai chàng trai đó là Stefan năm nào, mặt như còn chưa kịp tin bố mình không còn trên đời này - tay ôm lọ tro cũng in bức hình trên. Chúng tôi theo mọi người đi qua đám cỏ ra mộ. Từ xa tôi đã thấy bức ảnh ông chủ nhà đứng bên xe Ford. Sau khi lọ tro được hai người con trân trọng và nâng niu thả xuống huyệt bằng dây, từng người một lần lượt tiến đến đặt quanh mộ một bông hoa và xúc một xẻng nhỏ đất để sẵn trong chiếc chậu nhỏ để sẵn rắc xuống. Hầu như không thấy ai khóc. Hay là nước mắt mọi người cũng kịp dừng ở bờ mi như tôi thì không biết... Chúng tôi ra về trong điệu hành khúc ban đầu. Trong tiết điệu dập dồn ấy tôi tưởng như nghe thấy tiếng còi bim bim của con Ford đang bị nhốt trong ga ra vừa kịp phóng đến. Chào ông chủ! Thế nào rồi cũng sẽ có ngày chúng ta cùng nhau rong ruổi trên từng cây số.■Mai Lâm sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 1971, hiện định cư tại CHLB Đức. Anh là tác giả một số ca khúc và tản văn về Hà Nội: Từ xa Hà Nội, Chỉ còn tuyết trắng, Xa rồi ngày xanh, Tên một giấc mơ, Bồng bềnh như có thể. Truyện Chủ nhà tôi mất rồi các ông ạ! được viết trong những ngày giãn cách xã hội do dịch COVID-19 tại thành phố nơi tác giả đang sinh sống, rút trong tập tản văn Tay chơi, NXB Trẻ sắp phát hành. Tags: Ông chủ nhà tôiChủ nhà đã chếtMai Lâm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".