Chữ nhẫn của ông Park

NGUYỄN NGUYÊN 12/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ người hâm mộ Việt Nam thấy World Cup “gần” như thế, thế nhưng...

Cái nhưng của sự nghi ngờ khi bốn năm trước, Thái Lan cũng từng đến được vòng này để rồi thảm bại. Từ đó họ tuột luôn ở những sân chơi Đông Nam Á mà họ đã quen thống trị.

 
 Quang Hải và các đồng đội ăn mừng bàn thắng vào lưới Saudi Arabia. Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Sự chung của Đông Nam Á?

Sau thất bại của bóng đá Thái Lan ở vòng loại cuối World Cup 2018, những nhà điều hành bóng đá Đông Nam Á đều có chung nhận định: cơ hội dự World Cup của bóng đá Đông Nam Á còn rất xa.

4 năm sau người Thái, thầy trò HLV Park Hang Seo đã trở thành thế lực mới ở Đông Nam Á và là đại diện duy nhất của khu vực tại sân chơi dành cho 12 đội xuất sắc nhất châu Á. 

Quá trình ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 của Việt Nam có thể ví như giải Đông Nam Á mở rộng có khách mời Tây Á khi chúng ta ở cùng bảng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và UAE.

Vượt qua cửa đó đã là một kỳ tích, là lần đầu của bóng đá Việt Nam ở sân chơi thế giới. 

Không khó hiểu khi từ kỳ tích đó, nhiều người mơ đến một kỳ tích còn lớn hơn nữa, dù chính ông Park hẳn hiểu hơn ai hết giới hạn của các học trò mình, và của nền bóng đá Việt Nam nói chung khi ông đang dẫn dắt cả ĐTQG lẫn U23.

Công thức Park Hang Seo 

Phải thừa nhận từ khi bóng đá Việt Nam có ông Park, nhiều giấc mơ lâu năm đã thành hiện thực ở cả những giải đấu trước đấy thường là quá tầm, như vòng chung kết U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc năm 2018. 

Đó là một vòng chung kết mà quan chức đẩy đưa nhau làm trưởng đoàn, còn vé khứ hồi cả đội được book ngay sau vòng bảng! Vậy mà Việt Nam đã trở thành á quân giải đó một cách hào hùng. 

Tiếp nối là chức vô địch AFF Cup, rồi tấm HCV SEA Games 2019, lần đầu sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi. Ngay cả ở Asian Cup, thầy trò ông Park cũng tạo được tiếng vang và chỉ chịu dừng chân trước Nhật Bản, đội sau đó vào đến chung kết.

Thời có ông Park từ năm 2018 đến nay, bóng đá Việt Nam chỉ có đi lên và người hâm mộ thậm chí có thể mơ cả giấc mơ World Cup, giấc mơ đã khởi đầu nhiều chật vật sau 2 trận ra quân. 

Chưa có điểm nào, nhưng những gì các cầu thủ của chúng ta thể hiện vẫn rất đáng khen ngợi, dù đi kèm là không ít tiếc nuối liên quan đến VAR và những tình huống (có thể dẫn đến) 11 mét đầy tranh cãi. 

Trận thua 1-3 trước Saudi Arabia, Việt Nam dẫn bàn rất sớm và chỉ thúc thủ khi phải chơi kém người. Còn thất bại 0-1 trước Úc, tình huống được nhắc nhiều nhất là pha dứt điểm chạm tay hậu vệ đối phương nhưng không có penalty sau khi trọng tài đã kiểm tra VAR.

Nếu như nhìn nhận thực tế rằng ở sân chơi đẳng cấp này, điều quan trọng là phải vượt qua được chính mình thì đội tuyển đã làm được như thế. 

Khó có thể phủ nhận khoảng cách của bóng đá Việt Nam với các đội hàng đầu châu lục, nhưng ông Park đã tìm ra một đối sách hợp lý, tổ chức được đội bóng duy trì lâu dài một thế trận không thua, và cũng biết chắt chiu những cơ hội ít ỏi của mình. 

Bàn thắng của Quang Hải ở trận gặp Saudi và nhiều tình huống tạo ra trong trận gặp Úc là minh chứng.

Cá nhân tôi và chắc chắn là nhiều người thích cách đội tuyển bước lên chơi ngang ngửa với Úc, có những lúc khiến đối thủ rất mạnh này thực sự hoảng sợ. 

Đó là 15 phút cuối trận, khi ông Park mạnh dạn đưa nhiều nhân vật làm mới lối chơi với hy vọng tìm 1 điểm trên sân nhà. 

Thực sự thì điều đó không đến nhiều từ con người mà đến từ quyết định chơi như thế nào vào thời điểm cần bàn thắng. 

Lúc đó mới thấy những quả phát bóng từ tuyến dưới lên của Quế Ngọc Hải cho các tiền đạo lao vào khoảng trống như cách chúng ta ghi bàn vào lưới Malaysia ở lượt đi vòng loại thứ hai; hay Hồng Duy có nhiều cơ hội xuống sát biên; hoặc Văn Toàn bứt tốc khiến hàng thủ đối phương phải đối phó vất vả.

Ông Park đã rất thành công với bóng đá Việt Nam nhờ một chữ nhẫn trở thành thương hiệu trong lối chơi của các học trò, và ở sân chơi lớn này, cả các quan chức bóng đá lẫn người hâm mộ cũng phải biết nhẫn.

Làm mới con người, làm mới tư duy

Ngày 13-10-2015, khi Theerathon ghi bàn ấn định tỉ số 3-0 cho Thái Lan, còn HLV Kiatisak vung hai nắm đấm lên trời với nụ cười ngạo nghễ trên sân Mỹ Đình, rất nhiều quan chức và người hâm mộ Việt Nam sượng tím mặt. 

Đó là một thất bại cả về chuyên môn lẫn tinh thần. \Cao hứng sau chiến thắng đó, có lần Kiatisak lỡ miệng nói rằng bóng đá Việt Nam cả chục năm nữa mới theo kịp người Thái.

Chỉ ba năm sau, tại AFF Cup 2018, Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á. Đội hình khi ấy có không ít những con người cũ được làm mới như Quế Ngọc Hải hay Trọng Hoàng. Họ đều đã mang một hình hài khác của những chiến binh.

Thời ông Park, bóng đá Việt Nam còn mạnh dạn nghĩ đến việc bước ra khỏi sân chơi Đông Nam Á. Ông chăm chút cho Asian Cup, nơi quy tụ những đội mạnh nhất châu lục và gỡ bỏ cho các cầu thủ cũng như quan chức nỗi mặc cảm “ao làng”.

Thế hệ cầu thủ thời ông cứng cáp hơn khi lên tuyển và bản lĩnh hơn rất nhiều khi đá với “Tây”. 

Thời những người tiền nhiệm đá với Thái là “lạnh”, nhưng thời ông Park, đội tuyển có nhiều thời điểm đã chơi bằng vai phải lứa với cả những Nhật Bản, Hàn Quốc, Iraq, Saudi Arabia, Úc...

Không dễ để có những trải nghiệm như thế hệ cầu thủ hôm nay bước vào những trận cầu lớn, chơi với những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Tức là khi đến với bóng đá Việt Nam, ông Park đã làm mới cả con người lẫn tư duy. Mà bóng đá Việt bây giờ đang rất cần những cái mới như thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận