TTCT - Những diễn tiến mới nhất trong vụ nghe lén của NSA đã khiến các chuyên gia đặt ra một vấn đề thời sự: chủ quyền trên không gian điều khiển, chủ quyền số. Phóng to Ông Igor Ashmanov Chuyên gia trí khôn nhân tạo người Nga Igor Ashmanov cảnh báo: những cuộc chiến tranh tương lai sẽ bắt đầu từ sự phá vỡ chủ quyền thông tin. TTCT trích dịch bài trả lời phỏng vấn của ông cho tờ Báo Nga (RG.ru). Chủ quyền số - yếu tố then chốt mới của chủ quyền * Ngày càng nhiều người nói về những cuộc chiến tranh thông tin, theo ông, chúng nguy hiểm thế nào? - Thứ nhất, những cuộc chiến tranh thông tin chính là công cụ then chốt phá vỡ chủ quyền. Một cuộc chiến tranh bình thường, nóng bỏng sẽ mang lại tổn thất vật chất và đi ngược công pháp quốc tế, lại bị cấm bởi luật pháp. Nó nguy hiểm cho người tấn công. Còn chiến tranh lạnh, cuộc chiến thông tin luôn xảy ra - ngay hiện nay - và không bị cấm bởi bất cứ đạo luật nào. Chúng tấn công tất cả. Chỉ là chúng ta không nhận ra. Thực tế hiện nay sự thống lĩnh trong lĩnh vực thông tin cũng tương tự sự thống lĩnh không gian những năm tháng trước. Nếu anh có sự vượt trội thông tin, anh có thể khởi sự chiến tranh thông tin. Và đôi khi chỉ sự vượt trội đó thôi cũng đủ để chiến thắng. Vì thế chủ quyền số hiện nay trở thành một trong những yếu tố then chốt mới của chủ quyền. Đó là quyền hạn và khả năng của chính phủ một nước xác định một cách độc lập những lợi ích địa chính trị trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đó cũng là khả năng tiến hành một chính sách thông tin đối ngoại và đối nội độc lập, sử dụng những nguồn lực thông tin riêng. * Vậy thì theo ông, khái niệm chủ quyền số được hình thành từ những nhân tố nào? - Trước nhất, đó là chủ quyền điện tử, tức sự vững chắc, khả năng tự vệ trong chiến tranh không gian điều khiển. Nó không chỉ là bảo vệ khỏi virút, bẻ khóa, rò rỉ, ăn cắp dữ liệu, spam, mà cả việc đánh sập cơ sở hạ tầng thông tin bởi các thế lực bên ngoài. Đáng tiếc là đa số các nước trên thế giới bảo vệ chủ quyền này không tốt. Công ty phần mềm bảo mật Nga Kaspersky Lab đã tìm ra bốn loại virút tấn công (mà thủ lĩnh Mỹ trên thị trường chống virút Simantec cũng khẳng định điều này). Nghiên cứu các virút này cho thấy chúng được tạo ra không phải từ một nhóm người để ăn cắp dữ liệu cá nhân hay tiền từ thẻ tín dụng. Đó là các virút được tạo ra ở cấp độ quốc gia. Trị giá việc thảo chương một hay hai virút này được Kaspersky đánh giá vào khoảng 100 triệu USD. Không nhóm hacker nào đủ sức làm được việc này. Những loại virút này có khả năng đục thủng tường thành điện tử của bất cứ quốc gia nào. Thứ hai, đó là chủ quyền thông tin, độ vững vàng trong chiến tranh thông tin. Một quốc gia độc lập về thông tin có khả năng kiểm soát trường thông tin của mình, tác động lên nó, phát hiện và vô hiệu hóa những cuộc tấn công thông tin. Lý tưởng mà nói, một quốc gia muốn giành chủ quyền thông tin phải có lá chắn điện tử: đó là những nền tảng về thiết bị di động, chương trình, máy móc riêng, các phương tiện truyền thông đại chúng riêng, truyền hình, Internet, những hệ thống riêng của các phương tiện tuyên truyền và tiến hành chiến tranh thông tin, một hệ tư tưởng phát triển và các đạo luật. * Khi nào có thể xảy ra cuộc tấn công trên không gian điều khiển? - Chính chúng ta đã trải qua và đã chứng kiến một số cuộc chiến thông tin đó rồi: sự sụp đổ của Liên Xô, các diễn biến ở Nam Tư, Iraq, Libya... Giám sát mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi phát hiện những cuộc tấn công thông tin và có thể nói chắc rằng cuộc chiến đó đã diễn ra từ lâu trên lãnh thổ chúng tôi, và hiện nay “sự thống lĩnh trên không gian” tạm nằm trong tay đối thủ tiềm năng của chúng tôi. Internet ngay từ đầu là do người Mỹ tạo nên, họ hiểu chúng tốt hơn và sâu sắc hơn chúng tôi. Cũng như vậy, các công nghệ, những ý tưởng khởi nguyên và các chuyên gia cũng như nguồn tiền để phát triển, ở họ cũng nhiều hơn. Các hệ điều hành, mạng xã hội và các thiết bị trên thế giới cũng như trong nước Nga - tới 90% là của Mỹ. Phóng to Theo hợp đồng, các “trực nhật viên” sẽ làm việc với các server đặt ở các nơi trên thế giới để tạo cảm tưởng họ là những người dùng bình thường sống ở các nước - Ảnh: Guardian Lá chắn điện tử, lá chắn thông tin * Vậy thì làm thế nào để khắc phục khoảng cách? Phải làm điều gì trước? - Từ quan điểm an ninh, chúng ta phải lấp các khoảng trống. Nếu bạn chưa có chủ quyền số thì cuối cùng bạn sẽ đánh mất. Những thứ ảo, tưởng như không cảm thấy được này cuối cùng sẽ là những vụ ném bom, những đám cháy, máu lửa, những bà góa và trẻ mồ côi. Có thể thấy điều đó qua cuộc chiến Serbia hay “Mùa xuân Ả Rập”. Ví dụ Trung Quốc hiện nay đang đi theo con đường giành lấy sự độc lập kỹ thuật số: họ chế tạo các bộ xử lý, hệ điều hành của mình. Họ lại có một thị trường khổng lồ nên những phí tổn này sẽ nhanh chóng hoàn vốn. Chúng ta cần một chuỗi công nghệ đầy đủ: từ bộ xử lý, bộ định tuyến cho tới các chương trình văn phòng. Cũng như chúng ta cần một hệ thống bảo vệ khỏi các cuộc chiến tranh thông tin: cần những đội quân thông tin do nhà nước thành lập hay đơn giản là những binh đoàn của các cá nhân. Nói cách khác, tức là những người hiểu tình hình địa chính trị, am tường công nghệ, đặc thù của môi trường Internet và truyền thông xã hội, sẵn sàng sử dụng kiến thức của mình vì lợi ích quốc gia. Chẳng hạn ở Mỹ, những đội quân “để ủng hộ giá trị Mỹ trên thế giới” đã được thành lập, điều mà Lầu Năm Góc tuyên bố từ mùa hè năm ngoái. Hệ thống tiến hành chiến tranh thông tin do Lầu Năm Góc sắm cho phép chỉ một chiến binh có thể điều khiển 50-100 tài khoản trên Twitter hay Facebook, các tài khoản này được vận hành rất tự nhiên và hoàn toàn khác nhau. Đó là hệ thống ném ra hàng loạt thông tin cần thiết vào truyền thông xã hội. Tôi đơn cử: để đưa một hiện tượng nào đó thành một xu hướng vào mạng Twitter của Nga, cần tải vào từ 4.000-5.000 post có tag (cách để nội dung bạn đưa lên mạng xuất hiện trên trang người khác) cho ai đó. Bằng cách đó, tag sẽ chuyển thành trend (mức độ quan tâm đến một vấn đề nào đó). Các phương tiện truyền thông sẽ viết về nó, hàng triệu công dân vào đọc và tin tức sẽ trở thành toàn quốc. Hiện mới người Mỹ có được một chủ quyền số trọn vẹn, điện tử cũng như thông tin. Bởi họ nghĩ ra Internet và đến nay kiểm soát nó. Cần nhắc là người Mỹ không chỉ chiếm lĩnh toàn bộ chuỗi các công nghệ và phương pháp cần thiết cho chủ quyền thông tin trọn vẹn, mà còn đang có những nỗ lực lớn để không cho các quốc gia khác sở hữu lá chắn này. Có vẻ như thế giới đang đi tới chỗ chẳng bao lâu trên toàn cõi sẽ chỉ có một chính phủ ngân hà, như trong Chiến tranh giữa các vì sao mà trung tâm sẽ là Washington. Trung Quốc hay Nga có thể tách khỏi nó và hồi phục chủ quyền thông tin của mình: họ có đủ sức và nguồn lực. Các nước khác chỉ có thể liên kết với một trong các cường quốc này. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào họ cũng cần bảo vệ khoảng không thông tin của mình. Bảo vệ như thế nào? - Sau khi tháp đôi ở Mỹ sụp đổ năm 2001, theo đạo luật ái quốc của Mỹ, các cơ quan an ninh có thể nghe và giám sát tuyệt đối mọi thứ. Trách nhiệm về nội dung ở Mỹ, Anh và Tây Âu khá khắc nghiệt, thậm chí bạn có thể bị bỏ tù vì những gì viết trên Twitter hay Facebook. Có vẻ như phương Tây thanh lọc kỹ không gian thông tin của họ, còn chúng ta, người Urkaine hay người Ả Rập và những nước khác thì họ lại kêu gọi phải “tự do ý kiến”. Đó cũng chính là công cụ mà nhờ nó, người ta không để chúng ta nhận được chủ quyền thông tin vì luật chơi hôm nay là do phương Tây ấn định. Ví dụ khi tất cả phương tiện truyền thông phương Tây nói cùng một giọng, như nhau, về những gì xảy ra ở Libya và Syria rằng cần phải vứt bỏ “nhà độc tài khát máu”, không ai bảo đó là vi phạm quyền tự do cả. “Luật chơi” hôm nay là thế. Dĩ nhiên, để thanh lọc hiệu quả trường thông tin, cần luật pháp ủng hộ tính trách nhiệm cho những nội dung bạn đưa lên mạng. Nhưng ở Nga, cứ có bất kỳ nỗ lực điều phối nào trên Internet thì ngay lập tức có một “dàn đồng ca” của những nhà dân chủ la toáng lên rằng đó là vi phạm tự do ý kiến! Và như thế, nếu lá chắn điện tử có thể xây dựng đơn giản từ các yếu tố an toàn thông tin thì lá chắn thông tin không thể xây dựng giản đơn như thế mà không có một hệ tư tưởng. Hai năm trước, Lầu Năm Góc đã thảo ra một chương trình để điều khiển các trang mạng xã hội. Theo Guardian, đó là việc tạo ra những nhân vật giả trên những trang mạng xã hội và điều khiển những nhân vật giả này để tác động vào quá trình thảo luận, đưa ra các loại thông tin khác nhau... có lợi cho Mỹ. Bản chất của hoạt động này: một người điều hành xử lý một số (tới 10) nhân vật online trên các trang mạng khác nhau ở các nước khác nhau. Mỗi nhân vật đó có một tiểu sử chính xác, có một lịch sử các câu chuyện trên mạng và không khác bất cứ người thường nào. Các nhà điều hành này không được phép “để các đối thủ giỏi về công nghệ phát hiện ra mình”, là một trong các điều khoản ghi trong hợp đồng. Tags: Nghe lénNSAIgor AshmanovChủ quyền thông tin
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Điện Kremlin: Tên lửa đạn đạo của Nga cảnh báo sự liều lĩnh của phương Tây THANH HIỀN 22/11/2024 Điện Kremlin tuyên bố việc tấn công Ukraine với tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới phát triển là thông điệp cho thấy Nga sẽ đáp trả các quyết định 'liều lĩnh' của phương Tây khi ủng hộ Kiev.