Chùa Cầu có nguy cơ sụp!

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 13/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thương cảng Hội An, nhưng nay Chùa Cầu (phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam) đang lộ thiên nhiều vết rạn nứt nghiêm trọng, đứng trước thách thức và áp lực lớn về thiên nhiên và con người.

Phóng to
Hằng ngày, Chùa Cầu ước tính đón tiếp khoảng 1.500 khách du lịch đến thăm - Ảnh: Dương Văn Út
Phóng to
Đứng dưới chân cầu, nhìn lên các trụ đỡ bêtông đã lộ thiên những vết nứt từ trụ đỡ, lớp bêtông bị tróc ra, rạn nứt vôi xây mố trụ móng ngay trên thành lan can - Ảnh: Dương Văn Út

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại phố cổ Hội An trong mùa mưa bão, được chứng kiến cảnh người dân phố Hội ứng phó và sống chung với lũ. Điểm đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm mỗi lần đến Hội An là Chùa Cầu. Đang mùa mưa bão nhưng lưu lượng khách tham quan không hề giảm sút mà đông nghẹt người. Dừng chân trên Chùa Cầu chừng 30 phút, chúng tôi ước tính có trên 150 người qua lại và dừng chân trên cầu.

Những đoàn khách du lịch lũ lượt nối nhau “bò” qua Chùa Cầu cũ nát, xập xệ. Ban đầu, chúng tôi nghe có âm thanh cút kít vang lên từ nền cầu gỗ, tiếp đó là cảm giác rùng mình vì tiếng rung của cây cầu, sau nữa là những thanh gỗ nhấp nhô hiện lên trên mặt cầu. Nếu có dịp đi ngang qua và nán lại vài phút thì chắc chắn ai nấy cũng đều có cảm nhận như chúng tôi.

Đính chính

Do sơ suất kỹ thuật, giá báo của Tuổi Trẻ Cuối Tuần (số 44, ra ngày 4-11-2011) bị đăng sai là 4.500 đồng.

Xin đính chính lại: giá báo đúng là 6.500 đồng.

Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi quý vị độc giả, các đại lý và khách hàng.

Có những thời điểm chúng tôi còn tận mắt chứng kiến khung cảnh có hai đoàn khách (khoảng 20 người) cùng đến tham quan Chùa Cầu và dừng lại để nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Như vậy, mỗi ngày Chùa Cầu phải đón tiếp xấp xỉ 1.500 khách tham quan.

So với tuổi thọ và trọng tải của một cây cầu gỗ như Chùa Cầu thì liệu có quá tải chăng? Đây quả là dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm vì sự tồn vong của Chùa Cầu, một biểu tượng, một linh hồn của quần thể di sản văn hóa thế giới Hội An.

Chưa hết, khi Hội An vào mùa lũ thì thân Chùa Cầu lại bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Hiện tại, đầu trụ đỡ dầm Chùa Cầu tại vị trí phía nam bị đội lên, làm nứt vôi xây mố trụ móng ngay trên thành lan can. Vị trí chính giữa của đường đi trên cầu, các thanh gỗ đã bị lung lay, nhấp nhô.

Trên các cột trính, kèo đã bị thấm nước gây hiện trạng mục và lam lỗ nhiều dấu hiệu tách rời, có thể mất vị trí chống đỡ cho nóc của chùa. Một số dầm gỗ gác lên mố cầu cũng bị mục đầu dầm. Các trụ làm bệ đỡ cho thân cầu bị rạn nứt, thanh đà gỗ bắc ngang qua làm điểm tựa chính cho cầu bị xệch xạc, lắc lư cùng bước đi của khách bộ hành khi đi trên cầu.

Vẫn biết đầu tư cho hoạt động du lịch là một cách thức vừa đem lại nguồn lợi kinh tế vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhưng đằng sau những nguồn lợi đó là áp lực và thách thức lớn đối với việc bảo tồn hay hủy hoại di tích. Vì vậy, thiết nghĩ chính quyền địa phương ngay từ bây giờ cần có những biện pháp hữu hiệu và bền vững nhằm khắc phục sự xuống cấp nghiêm trọng của Chùa Cầu trước mùa cao điểm đang cận kề.

Ban đầu, trong mùa mưa bão, có thể phân phối số lượng người qua cầu một cách hợp lý ở cùng thời điểm. Về sau, cần có những thông cáo nhằm hạn chế lượng hành khách nán lại Chùa Cầu quá lâu. Nhưng quan trọng nhất là cần điều tiết hoạt động kinh doanh du lịch và có chế độ bảo trì hợp lý để bảo tồn được Chùa Cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận