Chưa khai thác tốt các cơ hội từ WTO

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 06/06/2010 21:06 GMT+7

TTCT - Nhận diện được - mất và những cơ hội mới sau ba năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đại sứ Ngô Quang Xuân (nguyên trưởng Cơ quan đại diện thường trực của Việt Nam tại WTO, hiện là phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) - người tham gia hành trình nhiều năm đàm phán gia nhập WTO - trao đổi với TTCT.

Nhiều người vẫn còn lơ mơ

* Có một câu hỏi quen thuộc với ông trong giai đoạn Việt Nam đàm phán gia nhập WTO là “Việt Nam sẽ được gì, mất gì?”. Sau ba năm Việt Nam là thành viên WTO, ông trả lời câu hỏi này như thế nào?

- Sẽ có cái được, cái chưa được, nhưng nếu đặt tất cả lên bàn cân, tôi nghĩ quả cân sẽ nghiêng về phần được.

Ở đây, chỉ đơn cử chuyện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã gia tăng mạnh mẽ cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký. Trong ba năm từ 2007-2009, đã có trên 4.000 dự án với số vốn đăng ký 114,15 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 30 tỉ USD. Như vậy, cả hai loại vốn này đều vượt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2006-2010.

Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang có vấn đề. Đó là xu hướng di chuyển công nghệ thấp đến các nước đi sau, nhiều dự án FDI vào nước ta tập trung khai thác tài nguyên, gắn với công nghệ thấp là nguồn nhân lực chất lượng thấp, gắn với khai thác tài nguyên là ô nhiễm môi trường. Nhìn sâu vào câu chuyện đang bàn, chúng ta sẽ thấy “trong được có mất”.

Tham gia cuộc chơi này, quan trọng hơn là nhận diện và khai thác những cơ hội mà WTO mang lại. Lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn.

* Ông cho rằng chúng ta chưa khai thác hết cơ hội mà hội nhập mang lại?

- Chúng ta đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc cam kết gia nhập WTO, nhưng khai thác cơ hội thì chưa ổn. Có thể do chưa đánh giá hết tiềm năng mà hội nhập đem lại, hoặc do nhận thức chưa thấu đáo để nắm bắt các cơ hội.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất của hội nhập là giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng trong ba năm gia nhập WTO, khối lượng và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của nước ta như gỗ, giày dép, dây điện và cáp điện... vẫn chưa tăng tốc mạnh, thậm chí có xu hướng chững lại. Có nhiều nguyên nhân, dự thảo báo cáo của Bộ KH&ĐT về vấn đề này đã chỉ ra rằng yếu tố kìm hãm xuất khẩu nằm ngay trong nội tại nền kinh tế, đó là xuất khẩu phụ thuộc vào các mặt hàng thô, năng suất có hạn, thủ tục hành chính rườm rà...

Ngoài ra, dễ nhận thấy khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác thị trường xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế. Họ cũng chưa tận dụng triệt để lợi ích từ việc gia nhập WTO để khai thác hết tiềm năng của những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... Công tác xúc tiến thương mại chưa đạt yêu cầu.

Trong khi đó, đối với thị trường trong nước, ở một số trường hợp, chúng ta lại đi trước lịch trình cam kết. Kết quả là một số người sản xuất bị thua thiệt. Ví dụ, việc giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm thịt tươi, đông lạnh và chế biến trong hai năm 2007-2008 thấp hơn và nhanh hơn so với yêu cầu cam kết WTO đã tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước của các mặt hàng này.

Một vấn đề nữa là sau ba năm, nhiều người vẫn còn lơ mơ với những nội dung của hội nhập. Khi tiếp xúc cử tri, kể cả lãnh đạo địa phương, tôi thấy họ làm báo cáo sau ba năm gia nhập WTO chỉ như một văn bản tổng kết về kinh tế - xã hội đơn thuần, chứ không phải báo cáo về hội nhập.

Giữ nếp cũ thì sẽ tiếp tục tụt hậu

* Hiện nay, khi khả năng cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế, việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO đã, đang và sẽ có hiệu lực liệu có quá sức?

- Một câu chuyện mà tôi đã nhiều lần chia sẻ là lâu nay chỉ thấy các nước xin gia nhập WTO, chưa thấy nước nào xin ra khỏi WTO. Tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa sẽ tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong từng lĩnh vực và kéo cả nền kinh tế đi lên. Vấn đề là phải tái cấu trúc nền kinh tế, cả về cơ cấu sản xuất, sản phẩm, thị trường, tài chính tiền tệ, doanh nghiệp cũng như thể chế quản lý, hành chính. Trong đó có cơ cấu lại xuất khẩu, đưa ra giải pháp để từng bước thoát khỏi thân phận gia công cũng như hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, trong đó có cơ cấu lại FDI, tránh nhập khẩu công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nhưng hiệu quả sản xuất lại rất thấp.

* Có ý kiến cho rằng phản ứng chính sách của Chính phủ thời kỳ “hậu WTO” đã linh hoạt hơn nhưng vẫn còn có mặt lúng túng và chậm, ví dụ như phản ứng chính sách trong quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản điều hành giá một số mặt hàng như thời gian qua?

- Tôi chia sẻ đánh giá đó. Nhưng cũng cần hiểu rõ hơn thực tế là sau khi chúng ta gia nhập WTO thì xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, giai đoạn cuối năm 2008 và cả năm 2009 rất khó khăn. Do vậy những gì chúng ta đạt được là nhờ nỗ lực rất lớn của cả đất nước. Tất nhiên cũng có ý kiến cho rằng do chúng ta hội nhập chưa sâu, hệ thống tài chính tiền tệ của ta chưa gắn kết chặt chẽ với thế giới nên ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng có mức độ. Nói chung, tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa giành được thế chủ động, vẫn còn xử lý tình thế nhiều vì công tác dự báo chưa ổn. Tới đây, khi các nền kinh tế đi vào tái cấu trúc thời hậu khủng hoảng, nếu chúng ta vẫn giữ nếp cũ, không mạnh dạn cải cách sẽ rất khó khăn và nguy cơ tụt hậu sẽ vẫn tiếp diễn.

Nông dân chịu thiệt thòi

“Hầu hết nông dân tôi được tiếp xúc đều nói họ chưa thấy có tác động rõ ràng sau khi ta gia nhập WTO. Khi đàm phán vào WTO, chúng ta thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ cắt giảm hỗ trợ nông nghiệp. Thật ra lúc đó tôi cũng như nhiều thành viên đoàn đàm phán nghĩ rằng theo “kiểu WTO” thì chúng ta đã có hình thức hỗ trợ nông nghiệp nào đâu.

Bây giờ tôi vẫn đang nghĩ chúng ta đã đàm phán được tỉ lệ hỗ trợ nông nghiệp đạt mức 10% tổng giá trị xuất khẩu hàng nông sản, nhưng trên thực tế cách hiểu và cách làm của chúng ta còn khá mơ hồ, nhất là ở cấp cơ sở, cấp thực hiện. Tôi thấy đúng khi nghe nhiều nông dân than phiền về những thiệt thòi họ phải gánh chịu: bị ép giá nông sản, trong lúc giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu bị bóp méo quá đáng, nhiều khi bị lừa mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận