Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi: còn đó nhiều vướng mắc

DƯƠNG NGỌC HÀ 07/12/2023 05:37 GMT+7

TTCT - Quốc hội quyết định lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng nghĩa nhiều vướng mắc về chính sách đất đai chưa thể tháo gỡ.

Mắc kẹt với giá đất

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện có hàng chục chủ đầu tư dự án nhà ở chưa thể nộp hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy hồng) cho người dân vì chưa đóng tiền sử dụng đất. Trong đó, không ít dự án chưa được xác định giá đất.

Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết số lượng các dự án thông báo mời thầu xác định giá đất từ sở này nhưng không nhận được hồ sơ dự thầu ngày càng tăng. Vì không tìm được đơn vị thẩm định giá trình chứng thư nên việc xác định giá đất để đóng tiền sử dụng đất cho các dự án bế tắc.

Không có khung giá, đất trên đường Đồng Khởi (quận 1) không phải chỉ là 162 triệu đồng/m2 (theo bảng giá đất TP.HCM) như hiện nay.  Ảnh: TỰ TRUNG

Không có khung giá, đất trên đường Đồng Khởi (quận 1) không phải chỉ là 162 triệu đồng/m2 (theo bảng giá đất TP.HCM) như hiện nay. Ảnh: TỰ TRUNG

"Trong các vụ án liên quan đến đất đai, cơ quan chức năng thường chất vấn đơn vị thẩm định giá đất tại sao áp dụng phương pháp này mà không áp dụng phương pháp khác để xác định giá đất gây thất thoát tài sản công. Chính vì thế, các đơn vị thẩm định giá không muốn tham gia đấu thầu thẩm định giá đất cho Nhà nước", một chuyên gia của Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết.

Vị này cũng nói rằng các đơn vị thẩm định giá trông đợi Luật Đất đai mới sẽ có những quy định cụ thể hơn về phương pháp xác định giá đất. Như vậy, họ mới có thể tự tin tham gia đấu thầu xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất tại các dự án, và điều này mới giúp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy hồng cho người dân mua nhà.

Ông Lê Hữu Nghĩa, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hiện nay các doanh nghiệp có đất chuẩn bị triển khai dự án chưa biết sẽ phải đóng tiền sử dụng đất theo mức giá nào, phương pháp định giá đất ra sao.

Luật hiện hành có bốn phương án xác định giá đất, các đơn vị thẩm định giá có thể chọn một trong bốn phương pháp để xây dựng chứng thư thẩm định giá tư vấn cho cơ quan chức năng. Dự thảo Luật Đất đai thêm một phương án khác là quy định phương pháp xác định giá đất cho trường hợp cụ thể.

Có phương pháp xác định giá đất, doanh nghiệp mới ước lượng được số tiền sử dụng đất phải đóng cho dự án để còn lên kế hoạch kinh doanh", ông Nghĩa nói.

Bốn lần lùi thời gian trình sửa Luật Đất đai. Đồ họa: LÊ THÂN

Bốn lần lùi thời gian trình sửa Luật Đất đai. Đồ họa: LÊ THÂN

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ quy định khung giá đất trong luật hiện hành cũng là vấn đề lớn được cả người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý đất đai, thị trường bất động sản mong chờ.

Thời gian gần đây, nhiều hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân bị cơ quan thuế yêu cầu khai lại mức giá chuyển nhượng vì khai giá "chưa đầy đủ". Mặc dù không có căn cứ về "giá đầy đủ" là bao nhiêu, nhưng các chủ đất vẫn phải khai đi khai lại hồ sơ thuế cho đến khi cơ quan chức năng chấp nhận mới được giải quyết đóng thuế để hoàn tất thủ tục sang nhượng.

Chỉ khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, các địa phương mới có thể được xây dựng bảng giá đất sát thực tế làm căn cứ để thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế. Quan trọng hơn cả, lúc ấy người dân mới không phải làm hai, ba lần thủ tục cho một giao dịch chuyển nhượng như hiện nay.

Thương lượng bồi thường hay đấu giá đất

Từ nhiều năm nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng liên quan các vấn đề đất đai, bồi thường, thu hồi đất luôn chiếm tỉ lệ áp đảo. Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9-2022 về công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết số đơn khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tới 64,6%.

Tháng 11-2023, Ban Dân nguyện Quốc hội cũng khẳng định số lượt khiếu nại, tố cáo của công dân tăng so với năm trước, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu liên quan lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai...

Thực tế trên khiến người ta trông đợi việc xây dựng bảng giá đất theo thị trường có thể làm giảm số lượng vụ việc khiếu nại, khiếu kiện về đất đai liên quan đến bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Mặt bằng dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương) đoạn đi qua quận 3 chưa bồi thường xong vì người dân khiếu nại về giá bồi thường.  Ảnh: CHÂU TUẤN

Mặt bằng dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương) đoạn đi qua quận 3 chưa bồi thường xong vì người dân khiếu nại về giá bồi thường. Ảnh: CHÂU TUẤN

Bảng giá đất của hầu hết các tỉnh thành hiện quá thấp so với giá thị trường. Khi thu hồi đất, các tỉnh xác định giá bồi thường đất bằng cách ban hành hệ số k cho từng dự án nhưng người dân vẫn thấy giá bồi thường chưa xứng đáng với tài sản bị thu hồi.

Người dân không đồng ý giá bồi thường đất đai, khiếu nại và không bàn giao mặt bằng... khiến các dự án lớn phải kéo dài nhiều năm như dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) của TP.HCM.

dự án trọng điểm của TP.HCM, người dân khiếu nại giá bồi thường đất nông nghiệp thấp hơn giá bồi thường đất cùng loại với vị trí tương đương thuộc tỉnh Bình Dương và giá do đơn vị thẩm định giá độc lập xác định.

Một dự án ở Nhà Bè do Nhà nước thu hồi đất để đấu giá nhưng hơn 20 năm qua vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong cũng do người dân chưa đồng ý giá bồi thường.

Chờ những cánh đồng mẫu lớn

Không chỉ các nhà đầu tư ở đô thị chờ đợi Luật Đất đai mới được thông qua, những người đầu tư vào đất nông nghiệp cũng nóng ruột.

Theo quy định hiện hành, chỉ những cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, diện tích tối đa được chuyển nhượng cũng không quá 10 lần hạn mức đất được giao (từ 20-30ha) tùy địa phương.

Dự luật đã nâng hạn mức này lên (không quá) 15 lần - một mức nâng rất cẩn trọng. Đồng thời, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử đụng đất nông nghiệp để sử dụng đúng mục đích chính, đúng quy hoạch.

TS Nguyễn Đình Bồng, phó chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, cho biết đất sản xuất nông nghiệp hiện rất phân tán, chủ yếu là các hộ gia đình sử dụng quy mô nhỏ (bình quân 1,2577ha/hộ). Cả nước có khoảng 30.000 trang trại, sử dụng hơn 133.800ha đất nông nghiệp (tức cũng chỉ khoảng 4,5ha/trang trại).

Trong khi đó, các tổ chức kinh tế có khả năng đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại lại thiếu đất sản xuất và bị trói tay với các quy định ngặt nghèo về điều kiện chuyển nhượng. Điều này đã ngăn cản phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Đó là chưa kể việc thiếu hàng loạt quy định quan trọng, chẳng hạn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp, góp quyền sử dụng đất, dồn điền đổi thửa.... những nội dung mà lần sửa đổi này đã tính tới nhưng vì dự luật chưa được thông qua, tất cả sẽ phải tiếp tục chờ. ■

Luật Đất đai "đá" 22 luật khác

Theo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 8-2022, có 22 bộ luật và luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với nội dung của Luật Đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu ra 54 vấn đề của Luật Đất đai hiện hành cần sửa đổi, bổ sung và giải trình để tạo sự thống nhất giữa các luật.

Ví dụ, Luật Đầu tư quy định hai hình thức bảo đảm đầu tư thực hiện dự án là ký quỹ và bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ, nhưng Luật Đất đai chỉ quy định duy nhất một hình thức bảo đảm là ký quỹ.

Luật Đất đai quy định hai hình thức giao đất, cho thuê đất (gồm giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và không thông qua đấu giá quyền sử đụng đất), nhưng Luật Đấu thầu lại quy định việc đấu thầu dự án có sử dụng đất, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở quy định có ba trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất bao gồm đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận đầu tư.

Luật Đất đai quy định hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê… phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nhưng Luật Nhà ở quy định hợp đồng mua bán nhà ở phải được công chứng, chứng thực, thời điểm có hiệu lực là thời điểm công chứng, chứng thực.

Làm sao có "đất sạch?"

Với quy định hiện hành, các nhà đầu tư dự án thương mại phải tự thương lượng để mua đất làm dự án. Thực tế cho thấy đây là một việc khó, có khi kéo dài nhiều năm, nhiều trường hợp đã thương lượng được hơn 80% diện tích đất mà vẫn không triển khai được dự án.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra thêm phương án Nhà nước thu hồi đất để đưa ra đấu giá. Nhưng đây cũng là vấn đề còn có rất nhiều quan điểm khác nhau. Phía doanh nghiệp ủng hộ phương án Nhà nước thu hồi đất đưa ra đấu giá, để nhanh chóng có quỹ đất sạch (về mọi mặt) và rút ngắn thời gian đầu tư dự án.

"Một số doanh nghiệp bất động sản đã tạm dừng kế hoạch thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án mới chờ Luật Đất đai sửa đổi thông qua", phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hữu Nghĩa cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận