TTCT - Heinrich Böll là nhà văn và dịch giả Đức, giải Nobel văn chương 1972 Heinrich Böll (1917-1985, Nobel văn chương 1972) là một trong những cây bút Đức xuất sắc nhất sau Thế chiến II. Năm 1939 ông bị vào lính, năm 1945 bị bắt làm tù binh. Những trải nghiệm thời ấy được ông ghi lại trong hai tập thư gửi người thân. Böll nổi tiếng nhất với rất nhiều truyện ngắn mang chất Hemingway, tả cảnh tàn phá và đói khát của những người sống sót, cũng như sự vỡ mộng của những người hồi hương từ địa ngục.Một số tác phẩm đã ra mắt ở Việt Nam: Lạc lối về, Thợ cười, Cái mặt buồn của tôi, Danh dự đã mất của Katharina Blum, Đêm thánh vô cùng. Nhưng các tác phẩm này đều không được văn đàn Đức coi là tiêu biểu của Böll, mà là các tiểu thuyết như Billard um halb zehn (Ván bi-a lúc 9 rưỡi), Ansichten eines Clowns (Quan điểm của một gã hề), Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà)... Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu 3 truyện của ông, do Lê Quang dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Heinrich BöllVề tinh thần lao độngỞ bến cảng, một người đàn ông ăn vận tuềnh toàng nằm lim dim trên con thuyền đánh cá. Một du khách quần áo bảnh bao vừa lắp cuốn phim mới vào máy ảnh để chụp quang cảnh bình yên ấy: vòm trời thanh thiên, nước biển xanh lục với những đầu sóng hiền hòa trắng muốt, con thuyền sơn đen, người đánh cá đội mũ đỏ. "Xoạch!". Thêm bức nữa: "xoạch!". Quá tam ba bận: "xoạch!". Tiếng động khô khan, gần như chối tai đánh thức ông lão đánh cá đang gật gù. Ông ngái ngủ vươn mình, quờ quạng tìm bao thuốc. Nhưng chưa tìm được thì vị du khách sốt sắng đã gí một bao thuốc ngay trước mũi ông. Không hẳn cắm vào mồm ông một điếu, nhưng ít nhất cũng đặt vào tay, và tiếng "xoạch!" thứ tư phát ra từ bật lửa, kết thúc nghĩa cử lịch thiệp quá đỗi ân cần nọ.Chính sự lịch thiệp nhanh nhạy hầu như không thể đo đếm và cũng chẳng đáng bị gọi là quá trớn ấy tạo ra sự lúng túng khiên cưỡng mà vị du khách, vốn biết tiếng địa phương, cố tìm cách xoa dịu bằng cách bắt chuyện. "Hôm nay ông sẽ bắt được nhiều cá đây". Lão đánh cá lắc đầu. "Người ta nói với tôi rằng thời tiết thuận lợi mà". Lão đánh cá gật đầu. "Nghĩa là ông sẽ không ra khơi?". Cái gật đầu tiếp theo của người đánh cá khiến vị du khách càng bối rối tợn. Dĩ nhiên ông chỉ muốn mọi sự tốt lành cho người đàn ông nghèo và tiếc cho một dịp may bị bỏ lỡ. "Vậy ư? Chắc ông không được khoẻ?". Giờ thì rốt cục người đánh cá chuyển từ ngôn ngữ điệu bộ sang tiếng nói thực sự. "Tôi khỏe như voi - ông nói - Chưa bao giờ khỏe như hôm nay". Ông vươn vai nhỏm dậy, tựa như định khoe thân hình tráng kiện của mình. "Khỏe không tả nổi".Nét mặt của vị du khách ngày càng khổ sở hơn, ông không nén nổi câu hỏi đang đe dọa làm ông đứng tim nữa. "Vậy thì vì sao ông không ra khơi?". Câu trả lời đến ngay tức khắc và cộc lốc: "Vì tôi vừa ra khơi sớm nay rồi". "Và được mẻ lớn chứ ạ?". "Đủ lớn đến mức tôi không việc gì phải ra khơi lần nữa. Tôi gỡ được bốn con tôm hùm trong giỏ, chừng hai chục cá thu". Giờ thì người đánh cá đã tỉnh hẳn và cởi mở hơn. Lão vỗ vai vị khách và cảm nhận nét mặt băn khoăn của ông ta như một nỗi lo ngại đặt sai chỗ song rất chân tình. "Tôi thậm chí đã có đủ cho cả ngày mai và ngày kia nữa cơ!", lão nói như gỡ gánh nặng khỏi vai vị khách. "Ông hút một điếu của tôi nhé?". "Vâng, cảm ơn ông".Thuốc đưa lên miệng, một tiếng "xoạch!" thứ năm, rồi vị khách vừa ngồi xuống mạn thuyền vừa lắc đầu quầy quậy, đặt máy ảnh khỏi tay, vì lúc này ông cần cả hai tay để diễn tả cho hết ý mình. "Tôi đâu có định chọc mũi vào công chuyện riêng của ông - ông nói - Nhưng ông thử hình dung xem, giả sử hôm nay ông ra khơi lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí lần thứ tư nữa, và nhờ vậy ông bắt được bốn, năm chục, thậm chí một trăm con cá thu. Ông hãy tưởng tượng đi!". Người đánh cá gật đầu. Vị du khách tiếp: "Và không chỉ hôm nay, mà ngày mai, ngày kia, và nói chung cứ có thời tiết tốt là ông ra khơi hai, ba, thậm chí bốn lần - ông có biết kết quả là sao không?". Người đánh cá lắc đầu. "Chậm nhất sau một năm, ông sẽ mua được cái máy thủy, hai năm sau ông sẽ mua được cái thuyền nữa, ba hay bốn năm sau có thể ông sẽ có trong tay một tàu đánh cá nho nhỏ. Tất nhiên ông sẽ bắt được nhiều cá hơn với hai thuyền hay một tàu đánh cá. Và lúc đó…", niềm phấn khích trào dâng khiến du khách lạc giọng. "Và lúc đó ông phải xây một kho lạnh nhỏ, có thể một lò hong khói, sau này thêm một nhà máy đóng hộp. Ông sẽ có trực thăng riêng để thăm dò các luồng cá rồi truyền lệnh bằng điện đài xuống các tàu cá. Ông có thể mua quota đánh bắt cá hồi, mở một nhà hàng hải sản, xuất khẩu tôm hùm thẳng đến Paris mà không qua các mối trung gian. Rồi thì…" - lại lần nữa, vị khách lạc giọng vì hăng hái. Ông lắc đầu, sầu não ra mặt, gần như đánh vuột hết mọi niềm vui trong kỳ nghỉ khi nhìn thủy triều đang bình thản dâng lên và cả những con cá không bị bắt đang tung tăng rỡn sóng."Rồi thì", ông nói, để rồi lại lần nữa nghẹn lời vì quá xúc động. Người đánh cá vỗ vỗ lưng ông như dỗ một đứa nhỏ bị sặc. "Rồi thì sao?", lão khẽ hỏi. "Rồi sau đó", vị khách nén nỗi phấn chấn, "sau đó ông có thể thanh thản ngồi trên bến cảng, lim dim dưới nắng chiều và nhìn ra đại dương lộng lẫy". "Nhưng bây giờ tôi đã làm thế rồi mà", người đánh cá đáp, "tôi ngồi thanh thản trên bến cảng và lim dim, cho đến khi cái tiếng xoạch xoạch khỉ gió của ông quấy rầy tôi".Trên cầuNgười ta vá víu cho xong cặp giò của tôi và cho tôi một chỗ làm việc ngồi: Tôi đếm số người đi qua cây cầu mới. Họ khoái chứng minh năng lực của mình bằng số liệu, họ mê muội trong cái hư vô của một vài con số, và thế là từ sáng đến tối, đều đặn như một chiếc đồng hồ, cái miệng câm bặt của tôi hoạt động bằng cách nối con số này vào con số khác, đặng tối đến mang lại cho họ niềm hân hoan bằng số. Gương mặt họ sáng bừng khi nghe tôi báo kết quả ca làm việc, con số càng lớn thì mặt họ càng bừng sáng, và họ có lý do để thỏa mãn khi đi ngủ, bởi vì mỗi ngày có hàng nghìn người đi qua cây cầu mới của họ...Nhưng thống kê của họ không chính xác. Rất tiếc phải nói thế, nhưng nó không chính xác. Tôi là người không đáng tin cậy, mặc dù tôi biết cách tạo ra một vẻ ngoài chỉn chu. Đôi khi tôi lén bỏ qua một người, để rồi, khi cảm thấy thương hại, tôi lại tặng họ thêm vài người. Số phận của họ nằm trong tay tôi. Khi tôi bực bội, khi hết sạch thuốc lá, tôi báo con số trung bình cộng, đôi khi dưới cả mức trung bình, và khi tim tôi đập rộn ràng, khi tôi vui sướng, tôi thả sự hào phóng của mình ào ạt tuôn ra thành dữ liệu năm chữ số. Họ quả là may mắn! Lần nào họ cũng như vồ lấy kết quả từ tay tôi, mắt họ sáng lên và họ vỗ vai tôi. Vì họ có biết gì đâu! Rồi họ bắt đầu nhân, chia, tính phần trăm, tôi cũng chẳng biết họ tính toán kiểu gì nữa. Họ tính xem có bao nhiêu người đi qua cầu mỗi phút hôm nay và bao nhiêu người sẽ đi qua cầu trong mười năm nữa. Họ thích thì tương lai trong tương lai, thứ tương lai xa lắc xa lơ ấy là chuyên môn của họ - nhưng, rất tiếc, tôi phải nói là mọi thứ sai toét...Khi tình yêu bé nhỏ của tôi đi qua cầu - và mỗi ngày nàng đi qua hai lần - trái tim tôi đơn giản là ngừng đập. Nhịp tim không mệt mỏi của tôi đơn giản là tắt lịm cho đến khi nàng rẽ vào con phố lớn viền hai hàng cây và biến mất. Và tôi không báo cho họ biết số người đi qua trong thời gian này. Hai phút này thuộc về tôi, một mình tôi mà thôi, và không ai lấy được của tôi. Cả khi nàng trở về từ tiệm kem vào buổi tối trên vỉa hè đối diện, khi nàng đi ngang qua cái mồm câm lặng của tôi, cái mồm đang đếm, đang có nhiệm vụ phải đếm, thì tim tôi lại ngừng đập, và tôi chỉ bắt đầu đếm lại khi nàng không còn trong tầm mắt nữa. Và tất cả những người may mắn diễu hành trước đôi mắt như mù của tôi trong mấy phút ấy sẽ không bước vào cõi vĩnh hằng của bản thống kê: những người đàn ông hư ảo và những người đàn bà hư ảo, như những tạo vật vô nghĩa, tất cả họ sẽ không thuộc về đoàn diễu hành trong tương lai của tương lai của thống kê...Quá rõ rồi, tôi yêu nàng. Nhưng nàng không hề biết chuyện ấy và tôi cũng không muốn nàng biết. Hãy đừng để nàng mường tượng ra mình đang tung hê mọi tính toán một cách quái dị ra sao, hãy để nàng bước vào tiệm kem của mình với suối tóc nâu và đôi chân thon thả một cách ngây thơ và trong trắng, và hãy để nàng nhận được một khoản tiền boa hậu hĩnh. Quá rõ rồi, tôi yêu nàng.Mới đây tôi bị họ kiểm tra. Cậu bạn ngồi phía bên kia đường và có nhiệm vụ đếm ô tô đã cảnh báo sớm và tôi làm việc hết sức cẩn trọng. Tôi đếm đều như máy, máy đo cây số trên ô tô cũng không thể chính xác hơn. Bản thân ông phụ trách thống kê đứng bên kia đường và sau đó so sánh số liệu của một giờ đồng hồ với lịch làm việc của tôi. Tôi chỉ lệch có một người so với số liệu ông ấy. Tình yêu bé nhỏ của tôi đã đi ngang qua, và không đời nào tôi cho phép ai đẩy thiên thần xinh đẹp này vào thì tương lai của tương lai; tình yêu bé nhỏ của tôi không phải con số để bị nhân lên, chia ra và biến thành tỉ lệ phần trăm hư vô. Tim tôi rỉ máu khi phải tiếp tục đếm mà không được dõi mắt theo nàng, và tôi rất biết ơn cậu bạn ngồi phía bên kia đường đã giúp tôi đếm số ô tô. Tôi sống hay chết là nhờ vào đó.Ông phụ trách thống kê vỗ vai khen tôi làm việc tốt, đáng tin và trung thành. "Chỉ sai một người trong một tiếng - ông nói - Xí xóa được. Đằng nào chúng tôi cũng phải cộng thêm một tỉ lệ sai lệch nhất định. Tôi sẽ yêu cầu chuyển cậu sang đếm xe ngựa". Xe ngựa dĩ nhiên là ngon lành rồi, mấy ai được phân cho việc này đâu. Mỗi ngày có nhiều nhất là hai mươi lăm cỗ xe ngựa qua cầu và nửa giờ mới nhảy số một lần thì hên quá! Xe ngựa quả là tuyệt vời. Từ bốn đến tám giờ cấm xe ngựa qua cầu, và tôi có thể đi dạo hoặc tới tiệm kem, có thể ngắm nàng thật lâu hoặc tiễn nàng một đoạn về nhà, tình yêu bé nhỏ không được đếm của tôi...Anna mặt trắngMãi đến mùa xuân 1950 tôi mới từ chiến trường trở về, và tôi không gặp được người quen nào nữa. Tôi may mắn được cha mẹ để lại chút tiền. Tôi thuê một căn phòng ở thành phố. Tôi nằm trên giường, hút thuốc, chờ đợi mà không rõ đợi gì.Đi làm thì tôi không có hứng. Tôi đưa tiền cho bà chủ nhà để bà ấy mua mọi thứ và nấu ăn cho tôi. Mỗi lần đem cà phê hay thức ăn vào phòng, bà nán lại lâu hơn tôi muốn. Con trai bà hy sinh ở làng Kalinovka, và cứ vào phòng là bà đặt cái khay lên bàn và đi tới góc phòng âm u nơi tôi kê giường. Tôi nằm nghĩ vẩn vơ ở đó, dụi đọt thuốc lên tường, khiến bức tường cạnh giường đầy những vết bẩn. Bà chủ nhà hom hem và nhợt nhạt, và khi bà đứng đó trong ánh sáng nhập nhoạng, mặt bà phía trên mặt tôi, tôi thấy sợ bà. Thoạt tiên tôi tưởng bà bị điên, vì mắt bà rất sáng và to, và lúc nào bà cũng hỏi tôi về con trai bà. "Cậu có chắc là cậu không biết nó không? Cái làng ấy tên là Kalinovka - cậu chưa ở đó bao giờ ư?".Quả thực tôi chưa từng nghe tên làng Kalinovka, và lần nào tôi cũng quay mặt vào tường: "Không ạ, chắc chắn là không, cháu không biết".Bà chủ nhà tôi không điên, bà là một người rất chỉn chu, và câu hỏi của bà làm tôi rất đau lòng. Bà hỏi đi hỏi lại, mỗi ngày vài bận, và mỗi khi ra bếp thì tôi phải ngắm nghía bức hình con trai bà, một bức ảnh màu phía trên sofa. Hình một chàng trai tóc vàng tươi cười, mặc bộ quân phục ngày lễ."Ảnh chụp ở nơi đóng quân đấy - bà chủ nhà nói - Trước khi ra trận".Bức hình chụp từ ngực trở lên. Chàng trai đội mũ sắt, đứng trước một mô hình lâu đài đổ nát, có dây nho giả viền quanh."Nó làm nghề bán vé tàu điện - bà chủ nhà nói - Chăm chỉ lắm". Và lần nào bà cũng lôi ra một hộp bìa cứng đầy ảnh đặt giữa đống vải vụn và chỉ trên bàn máy khâu. Tôi buộc phải cầm lên rất nhiều ảnh con bà: ảnh chụp cả lớp hồi đi học, bao giờ ở hàng đầu cũng có một đứa ngồi giữa, dựng tấm bảng đen trên đùi có viết chữ VI, có ảnh viết chữ VII, sau cùng là một tấm với chữ VIII. Riêng một xấp chằng dây thun đỏ là ảnh Lễ Ban Thánh thể: một cậu bé mỉm cười trong bộ áo tế, tay cầm cây nến khổng lồ, đứng trước phông vải vẽ hình Chén Thánh vàng. Kế đó là ảnh chụp cậu học sinh học nghề cơ khí đứng trước cỗ máy tiện, tay nắm chặt cái giũa."Công việc vất vả quá - bà chủ nhà nói - không hợp với nó". Rồi bà cho tôi xem bức hình cuối cùng của cậu trước khi vào lính: trong bộ đồng phục nhân viên soát vé, cậu đứng cạnh toa xe của tuyến số 9 ở ga cuối, nơi tàu điện chạy một vòng tròn quay đầu, và tôi nhận ra chiếc xe buýt bán nước ngọt mà tôi thường đến mua thuốc lá hồi trước chiến tranh, tôi cũng nhận ra hàng cây dương hôm nay vẫn còn đó, cái biệt thự có đôi sư tử vàng trước cửa nay đã mất, rồi trong đầu tôi bật lên hình ảnh cô bé mà tôi hay nghĩ đến trong chiến tranh: một cô gái xinh đẹp, xanh xao, mắt bé, thường lên tàu ở cuối tuyến số 9.Lần nào tôi cũng ngắm nghía khá lâu bức hình con trai bà chủ nhà ở ga cuối tuyến số 9, và tôi nhớ ra nhiều chuyện: tôi nhớ cô gái và nhà máy xà phòng, nơi tôi từng làm việc, tôi nghe tiếng ken két của bánh tàu điện, tôi nhìn thấy món nước ngọt màu đỏ mà tôi hay uống mùa hè, mấy tấm quảng cáo thuốc lá, và lại nhớ đến cô gái."Có thể ngày xưa cậu biết con trai tôi đấy", bà chủ nhà nói. Tôi lắc đầu và đặt tấm ảnh trở lại hộp bìa cứng: nước ảnh sáng bóng, trông như mới, dù đã tám năm trôi qua. "Không, không ạ - tôi nói - Cháu cũng không biết cái làng Kalinovka".Tôi hay phải ra bếp, và bà hay phải vào phòng tôi, từ sáng đến tối tôi buộc phải nghĩ đến điều mà tôi chỉ muốn quên đi: chiến tranh! Và tôi gẩy tàn thuốc xuống mép giường, dụi tắt điếu thuốc lên tường.Thỉnh thoảng, khi nằm trên giường, tôi nghe bước chân một cô gái bên kia bức tường, nghe tiếng gã người Nam Tư ở phòng cạnh bếp văng tục khi tìm nút bật đèn trước khi về phòng mình.Chỉ khi đã ở đây được ba tuần, khi đã phải ngắm ảnh Karl dễ tới năm chục lần, tôi mới nhận ra toa tàu điện sau lưng cậu ta không hề trống. Lần đầu tiên tôi nhìn thật kỹ bức ảnh và nhận ra trong ảnh có cả một cô gái mỉm cười trong toa. Đó là cô gái xinh đẹp mà tôi thường nghĩ tới trong chiến tranh. Bà chủ nhà tiến lại, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: "Bây giờ cậu nhận ra nó rồi, đúng không?". Rồi bà vòng ra sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi đến bức ảnh, và từ tạp dề của bà phả ngược lên lưng tôi mùi đỗ tươi."Không ạ, nhưng cháu nhận ra cô gái này"."Con bé này á? Vợ chưa cưới của nó đấy. Nhưng có khi nó không nhìn thấy con bé ấy nữa thì hơn…"."Tại sao ạ?".Bà không đáp, lẳng lặng tránh tôi ra, ngồi xuống ghế cạnh cửa sổ và tiếp tục bóc vỏ đỗ. Bà nói, mắt không nhìn tôi: "Cậu biết con bé à?".Tôi nắm chặt bức ảnh, nhìn bà và kể về nhà máy xà phòng, bến cuối tuyến xe điện số 9 và cô gái xinh đẹp hay lên xe ở đó."Chỉ có thế thôi?"."Vâng", tôi nói, và bà thả nắm đỗ, mở máy nước, tôi chỉ thấy tấm lưng nhỏ thó của bà."Khi nào gặp lại nó, cậu sẽ biết vì sao con trai tôi không nhìn thấy nó nữa thì hơn…"."Gặp lại?", tôi hỏi.Bà lau tay vào tạp dề, tiến lại phía tôi và nhẹ nhàng lấy bức ảnh từ tay tôi. Khuôn mặt bà dường như quắt lại hơn, ánh mắt bà tránh tôi ra, nhưng bà đặt tay lên tay tôi: "Anna, con bé ấy ở cạnh phòng cậu. Bọn tôi cứ hay gọi là Anna mặt trắng, vì nó trắng lắm. Câu chưa thấy mặt nó thật à?"."Không ạ - tôi nói - Cháu chưa gặp cô ấy bao giờ, có lẽ chỉ nghe tiếng vài lần. Cô ấy có chuyện gì ạ?"."Lẽ ra tôi không nói ra, nhưng cậu nên biết thì hơn. Mặt nó bị hủy hoại hoàn toàn, sẹo chằng chịt - sau khi nó bị hơi bom ném vào một tấm kính. Cậu sẽ không nhận ra nó đâu".Tối hôm đó tôi đợi một lát lâu mới nghe tiếng chân ngoài hành lang, nhưng lần đầu thì nhầm: đó là gã người Nam Tư cao ngồng, sửng sốt thấy tôi lao bổ ra hành lang. Tôi ấp úng chào rồi trở về phòng mình.Tôi cố hình dung ra khuôn mặt đầy sẹo của cô gái, nhưng không thành, mà lần nào cũng chỉ thấy khuôn mặt xinh đẹp có sẹo. Tôi nghĩ đến nhà máy xà phòng, nghĩ đến cha mẹ và một cô gái khác mà tôi hay đưa đi phố. Cô ấy tên Elizabeth, nhưng thích được gọi là Mutz, và khi tôi hôn cô thì cô luôn cười. Hồi ở mặt trận tôi gửi nhiều bưu thiếp cho cô, và cô gửi cho tôi bánh quy tự làm lấy, nhận được thì đã vỡ vụn. Cô gửi cả thuốc lá và báo, trong một lá thư cô viết: "Các anh sẽ chiến thắng, và em tự hào biết anh góp tay".Tôi thì không hề thấy tự hào vì đã góp tay, và khi được nghỉ phép thì tôi không báo cho cô biết, mà đi với con gái một gã buôn thuốc lá ở cùng tòa nhà. Tôi cho cô này xà phòng được nhà máy tặng, còn cô cho tôi thuốc lá, và hai chúng tôi cùng đi xem phim, khiêu vũ. Có lần bố mẹ vắng nhà, cô đưa tôi lên nhà. Phòng tối mò khi tôi đẩy cô xuống sofa, nhưng khi tôi cúi xuống cô thì cô bật đèn, nở nụ cười rất ma mãnh với tôi, và trong ánh đèn chói chang tôi thấy ảnh Hitler treo trên tường, ảnh màu, trên nền giấy dán tường màu hồng, viền xung quanh là ảnh những người đàn ông vẻ mặt sắt đá ghép thành hình trái tim, bưu thiếp ghim trên tường, những người đàn ông đội mũ sắt cắt ra từ họa báo. Tôi để mặc cô ta nằm trên sofa, châm điếu thuốc và bỏ ra ngoài. Sau này cả hai cô đều gửi bưu thiếp cho tôi ngoài mặt trận, trách tôi xử sự tồi tệ, nhưng tôi không trả lời…Tôi đợi Anna rất lâu, hút thuốc liên tục trong màn đêm, nghĩ đủ mọi chuyện, nhưng khi có tiếng chìa khóa tra vào ổ thì tôi quá sợ hãi để đứng dậy và nhìn thấy mặt cô. Tôi nghe thấy cô mở khóa phòng, vừa hát líu lo vừa đi đi lại lại trong phòng. Lát sau tôi dậy và đợi ngoài hành lang. Chợt tiếng động tắt ngấm trong phòng, cô không đi lại nữa, cũng thôi hát, và tôi không dám gõ cửa. Tôi nghe tiếng gã Nam Tư cao ngồng lầu bầu đi lại trong phòng, nghe tiếng nước sôi lục bục trong bếp bà chủ nhà. Nhưng phòng Anna im ắng, và ánh sáng lọt qua cửa phòng tôi làm hiện rõ vô số vết bẩn do đọt thuốc lá dụi vào.Gã Nam Tư cao lớn đã lên giường, tôi không nghe tiếng chân gã nữa, chỉ có tiếng lầu bầu, và ấm nước trong bếp bà chủ nhà cũng hết sôi, và tôi nghe tiếng lạch cạch khi bà đậy nắp lên ấm cà phê. Phòng Anna vẫn im lặng. Sau này cô sẽ kể hết là đã nghĩ gì khi tôi đứng ngoài cửa phòng cô. Sau này cô sẽ kể hết.Tôi trân trối nhìn tấm hình treo cạnh khung cửa phòng cô: một hồ nước lấp lánh ánh bạc, với nàng tiên cá tóc vàng ướt rượt trồi lên, mỉm cười với cậu bé mục đồng nấp trong bụi cây xanh ngắt. Tôi có thể thấy nửa vú bên trái của nàng, cổ nàng trắng ngần, hơi cao quá.Tôi không nhớ vào lúc nào tôi đặt tay lên nắm đấm cửa, nhưng trước khi ấn xuống và khẽ đẩy cửa ra thì tôi biết đã chinh phục được Anna: khuôn mặt cô chằng chịt những vết sẹo lờ mờ xanh, mùi nấm xào trong chảo bay ra tận cửa, và tôi đẩy hẳn cửa ra, đặt tay lên vai Anna, gượng cười. Tags: Giải Nobel văn chươngHeinrich BöllNobelVăn học Đức
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương thống nhất sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% cấp xã TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 12/04/2025 Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương Đảng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố).
Mỹ thông báo miễn thuế đối ứng với smartphone, máy tính THANH BÌNH 12/04/2025 Mỹ vừa loại trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính khỏi các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tám người bị khởi tố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả là ai, vai trò thế nào? DANH TRỌNG 12/04/2025 Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.
Chính phủ lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn NGỌC AN 12/04/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 753 ngày 12-4 về việc thành lập đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.