TTCT - LTS: Giáo dục giới tính là chuyện không mới, nhưng chưa thể là chuyện cũ khi vấn đề nạo phá thai tuổi vị thành niên và trẻ bị hiếp dâm vẫn đang thời sự. TTCT giới thiệu hai bài viết của hai tác giả trẻ liên quan tới việc họ cần gì trong giáo dục giới tính tuổi học đường... Phóng to Minh họa: Salem Năm nay tôi vừa bước vào lớp 12. Chuyện có người yêu ở độ tuổi chúng tôi là bình thường. Những nụ hôn, những lần hẹn hò làm sao tránh khỏi... Cả lớp, nam cũng như nữ, trừ tôi ra, ai cũng có người yêu, thậm chí có bạn đã trải qua vài mối tình. Luật bất thành văn, ai càng có nhiều mối tình thì càng có “đẳng cấp”, “số má” trong mắt bạn bè. Thỉnh thoảng con gái lớp tôi lại rủ nhau sang lớp khác... đánh ghen và ngược lại. Năm lớp 11, L. - bạn gái thân của tôi, có người yêu là một sinh viên đẹp trai, học đại học ngân hàng năm 3, ở trọ gần nhà L.. Thấy hai người khá thân thiết, tôi như linh tính điều gì đó. Đem nỗi băn khoăn nói với L., L. trấn an tôi: “Anh ấy đàng hoàng lắm. Tụi tao chỉ mới hôn thôi mà”. Ngày hôm sau, giờ ra chơi, L. gọi tôi và lấy trong túi ra một que thử thai. Hai vạch hồng. Nó hỏi: “Làm sao đây?”. Ánh mắt nó nhìn tôi cầu cứu, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt và cổ, hai tay run rẩy. Tôi chết lặng. Cứu bạn ư, tôi biết gì đâu mà cứu bạn khỏi tai họa này? L. chỉ ôm mặt khóc. *** Trường chúng tôi cũng có mời bác sĩ chuyên khoa sản đến nói chuyện nhưng bác sĩ cũng chỉ nói về các bệnh xã hội, HIV, đồng tính, còn về vấn đề phòng tránh thai thì không nói gì cả. Có bạn hỏi thì bác sĩ trả lời không nên quan hệ tình dục sớm vì như thế không tốt. Những phút ngồi chờ L. trong phòng khám của một bác sĩ sản khoa, tôi vừa thương L., vừa giận mẹ L.. Mẹ L. ly hôn với ba L. nhiều năm nay, ngoài giờ làm ở cơ quan, tối về bà rất bận với nhóm bạn trong câu lạc bộ khiêu vũ của bà, với những cuộc điện thoại kéo dài vài giờ mỗi tối. L. là con gái duy nhất nhưng hầu như hai mẹ con không có thời gian nói chuyện với nhau. “Tối nay mẹ không về ăn cơm” là tin nhắn mà L. nhận được thường xuyên từ mẹ. Từ những buổi vắng nhà thường xuyên của mẹ, L. đã dại dột rủ bạn trai tới, lúc đầu chỉ là dạy kèm toán lý, sau là uống ly cam vắt. Chuyện gì đến cũng đã đến. Biết L. có thai, bạn trai của L. dọn phòng trọ biến mất, thay sim điện thoại. L. chới với tìm đến tôi. Chúng tôi chạy khắp các con đường, tìm đến một phòng khám tư nào có vẻ khuất nhất. Nhìn L., tôi cũng ngẫm đến tôi. 18 tuổi, ba mẹ là người trí thức. Thế nhưng ba mẹ và tôi luôn có khoảng cách quá xa. Tôi nghĩ gì, làm gì cũng không muốn nói cho ba mẹ biết vì sợ nghe hàng tá những nghiêm cấm răn dạy. Nếu làm một điều tra nho nhỏ trong lớp, hình như những người như ba mẹ tôi rất phổ biến. Các phụ huynh chỉ quan tâm chúng tôi học có được 9 hay 10 điểm không, có đậu được vào trường chuyên, trường chuẩn quốc gia không. Ngồi trước cha mẹ, chúng tôi là những đứa trẻ còn bé nhỏ, không làm nên việc gì ra ngô ra khoai. Còn chuyện yêu đương nếu nói ra thì cha mẹ lại nhảy dựng lên: “Lo học đi, con nít biết gì”. Cha mẹ quên rằng thời của những đứa “con nít” này chỉ một cái nhấp chuột là mở ra cả thế giới, tha hồ làm quen, nhắn tin, online rồi offline. Chuyện yêu đương, hò hẹn, quan hệ tình dục, tránh thai... nghe cư dân mạng nói tràn lan và bình thường như chuyện ăn uống, hít thở. Nhưng giữa bão lũ thông tin, chẳng biết thế nào là đúng, là sai. Cơ thể và bản năng thế hệ chúng tôi phát triển rất sớm nhưng thật ra chúng tôi vẫn là những đứa trẻ mà sự trải nghiệm cuộc sống là con số 0. Muốn hỏi cha mẹ về chuyện thầm kín nam nữ chẳng khác nào chạm phải điều cấm kỵ. Ngoài cái nhìn nghi ngờ, chúng tôi nhận được từ cha mẹ những câu trả lời quanh co, mơ hồ khiến chúng tôi càng hoang mang và khó hiểu. *** Nhìn L. xanh rớt, bèo nhèo nằm trên giường sau ca nạo thai, tim tôi thắt lại. Tôi nắm bàn tay lạnh và đẫm mồ hôi của bạn, nhận rõ sự cô đơn của tuổi 18 chúng tôi, cô đơn trong những sai lầm và vấp ngã. Cô đơn trong sự sợ hãi và bất lực. Trong những tiết học về giáo dục giới tính ngắn ngủi, thầy cô thật ra cũng dạy chúng tôi về từng bộ phận trên cơ thể, làm thế nào một em bé được ra đời, con gái tuổi nào thì có thể có thai, con trai tuổi nào mọc râu và bể tiếng. Những tiết học về giáo dục giới tính ấy chưa nói đến thế nào là an toàn tình dục, cũng không một dòng nào về cách sử dụng bao cao su và những viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Những nỗi đau, sự vấp ngã, đổ vỡ niềm tin đôi khi có thể tránh được nếu nhà trường, thầy cô, cha mẹ thông hiểu và hành xử thực tế hơn với thế hệ chúng tôi. ___________ Năm 17 tuổi tôi có người yêu. Anh học trên tôi một lớp, dịu dàng, chỉn chu, yêu thương tôi hết mực. Mọi thứ đến rất tự nhiên, lời tỏ tình, những buổi hẹn hò, cái nắm tay đầu tiên, vòng ôm siết từ phía sau trên những vòng xe, nụ hôn đầu tiên... Đối với tâm trí tôi lúc ấy, nụ hôn giống như một chứng nhân cho tình yêu vậy. Tôi không biết là nụ hôn ấy có thể dẫn dắt mình đến những khám phá hoàn toàn mới mẻ, những trải nghiệm vượt khỏi tầm hiểu biết của tôi. Dần dần, sau những nụ hôn, những va chạm, chúng tôi đi rất gần đến quan hệ tình dục. Nhưng chưa phải là quan hệ tình dục (sau này tôi mới biết!) ngoài những khám phá cơ thể lẫn nhau. Cho đến một lần, tôi không có kinh gần ba tháng. Khi ấy tôi bắt đầu hoang mang. Mặc dù có một số kiến thức về tình dục nhờ tự tìm hiểu qua Internet, tôi vẫn có rất nhiều khúc mắc. Khúc mắc lớn nhất là liệu có phần trăm cơ hội nào tôi có thể mang thai vì những tiếp xúc như vậy không? Tôi không trả lời được, anh vẫn trấn an tôi là không sao cả, nhưng sau gần ba tháng không có kinh, tôi cảm thấy bất an vô cùng. Tôi muốn tìm đến một ai đó để hỏi, để tìm lời lý giải, nhưng không có nơi nào cho tôi tựa vào cả. Tôi không thể hỏi bố mẹ tôi (làm sao họ có thể chấp nhận được một chuyện tày trời như vậy, nhất là khi trước đó họ không thể trả lời những khúc mắc cơ bản về tình dục của tôi, và mỗi lần tôi hỏi đến lại bảo tôi chờ thêm... vài năm nữa). Tôi cũng không thể hỏi cô phụ trách y tế trong trường (làm sao có thể chia sẻ một chuyện riêng tư như vậy với một người không thân thiết, và cô sẽ nghĩ sao về tôi, sẽ đánh giá tôi thế nào?). Tôi đành quay sang người yêu tôi, nói với anh là tôi đã chậm kinh gần ba tháng rồi. Phản ứng khi đó của anh làm tôi hoàn toàn sững sờ. Từ một người chỉn chu, bình tĩnh, anh trở thành một người con trai yếu đuối, hoảng sợ. Mặt anh tái đi, anh chỉ có thể nói: “Anh mệt mỏi lắm rồi, em đừng nói nữa có được không?”. Lời anh nói như một gáo nước tạt thẳng vào mặt tôi. Đó là lúc tôi nhận ra dù có yêu thương nhau đến mấy thì cả tôi và anh đều hoàn toàn không sẵn sàng cho cái có thể là hậu họa trước mắt. Và dù anh có tử tế đến thế nào thì khi tình thế xoay chuyển, anh cũng không phải như chàng hoàng tử trong truyện cổ tích mà tôi có thể dựa vào. Sau mấy ngày đau khổ, hoang mang, tôi quyết định thú nhận bí mật của mình với người bạn thân nhất. Cô ấy cũng hoảng sợ y hệt tôi vậy. Chúng tôi quyết định đi mua que thử thai ở một nhà thuốc gần trường. Cảm giác bước vào nhà thuốc để mua que thử thai với tôi thật kinh khủng. Mặc dù cô bán thuốc không hề soi mói gì cả, tôi vẫn có cảm giác hàng trăm ánh mắt đang cắm vào mình. Và sẽ ra sao nếu que thử có hai vạch màu hồng trên đó? Tôi phải làm gì tiếp theo? Tôi đã đủ tuổi để đi phá thai một mình chưa? Tôi không biết. Có quá nhiều điều tôi không biết, có quá nhiều khúc mắc tôi không tìm được câu trả lời. Tôi khao khát có được một người lớn hiểu biết và sẵn lòng giải đáp cho mình, sẵn sàng chỉ bảo, hướng dẫn, đưa mình tới những nơi mình cần tới mà không phán xét. Nhưng không có ai ở đó với tôi ngoài cô bạn của tôi, một người cũng dại khờ, hoang mang và bất lực giống tôi. Hai đứa tôi dắt nhau vào nhà vệ sinh của trường, không nói được với nhau lời nào. Cái khoảnh khắc ngồi chờ cái que ấy lên màu dài như vô tận. Chưa có kết quả mà nước mắt tôi đã rơi lã chã. Tôi chưa bao giờ thấy mình bơ vơ và tủi thân đến như vậy. Sau vài phút, cái que cũng lên màu. Chỉ một vạch mà thôi. Hai đứa tôi nhìn nhau, rồi òa khóc vì mừng rỡ. Cả gánh nặng như trút khỏi người tôi. Duy cảm giác hoang mang và bơ vơ là còn mãi ở đó. Sau chuyện đó, tôi chia tay người yêu. Tôi quay trở lại làm cô nữ sinh bình thường, sáng sáng đến trường, chiều đi học thêm rồi về nhà học bài làm bài, chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp. Tôi cảm thấy mình không còn đủ sức để trải qua nỗi sợ hãi tột cùng đó một lần nữa, khi mà xung quanh tôi chẳng có một chỗ dựa nào. Người ta cho rằng đối với lứa tuổi của tôi, tình dục đến vì sự thiếu hiểu biết, vì tò mò, tôi thì không nghĩ như vậy. Khi đến với anh, tôi có trang bị cho mình những kiến thức sơ đẳng về tình dục, về nguy cơ mang thai, về sự cần thiết của bao cao su. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, tôi vẫn thấy thiếu thốn, thấy bơ vơ. Điều tôi cần là sự thấu hiểu, chấp nhận, là những bậc cha mẹ, thầy cô sẵn sàng lắng nghe, không chê trách, không phán xét, sẵn sàng giúp tôi tìm ra giải pháp, sẵn sàng ngồi đợi tôi trước cửa phòng vệ sinh, sẵn sàng đưa tôi đến bệnh viện nếu tôi buộc lòng phải đến đó. Tôi không thiếu kiến thức, nhưng tôi thiếu sự quan tâm và nhận thức. Nhưng tôi biết đó cũng chỉ là mong muốn của mình mà thôi, còn để tìm được một người lớn như vậy trong môi trường xã hội này quả thật là hi hữu. Tags: Giáo dục giới tínhCâu chuyện cuộc sốngPhá thaiCô đơnVị thành niên
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Ngoài bánh chưng, mì tôm, có thể cứu trợ thực phẩm gì cho bà con vùng bão lũ? DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Ngoài đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu, những loại thực phẩm nào nên được mang đến cho người dân lúc này?