​Chuyện bác xe ôm 

HOÀNG MY 13/01/2015 23:01 GMT+7

Hỉ hả, có lần bác kể thêm nghề xe ôm cũng có “chuẩn mực” của nó đấy nhé. Ai lạc đường cứ hỏi xe ôm. Đi trước trả tiền sau, xe ôm chính là số dzách. Thậm chí đi xe thiếu nợ để mai trả mình cũng có khi không từ chối. Gặp chuyện cấp cứu, xe ôm cũng “chuyên nghiệp” luôn, dù có khi sẽ phải nán lại làm nhân chứng bất đắc dĩ. Ai thương quý kêu bác, kêu anh. Ai bỗ bã kêu ông, kêu thằng, chẳng sao cả. Văn hóa xe ôm muôn đời vẫn thế, cảnh vẻ gì!

Minh họa: Salem

1

Bác xe ôm đậu bên gốc cây bàng gãy ngọn, kế nhà xe trung chuyển. Nhà xe thường đổ khách hai lần vào sáng sớm và chiều muộn, sau một hành trình đằng đẵng non ba trăm cây số. Bơ phờ, bải hoải. Khi những ông xe ôm “ruột” của nhà xe đã bắt hết khách “ngon”, chỉ sót lại có khi là một kẻ ki bo cò kè bớt một thêm hai hoặc không có đồng bạc dính túi nào đấy mới tới lượt bác. Làm ăn không hiệp hội bến bãi kể ra cũng khổ, nhưng được cái tự do, không bị bó buộc, cũng chẳng phải tranh giành với ai. Bác nói với khách, cũng như một cách tự an ủi chính mình...

Khách của bác đa số là những ông ở quê lên, sợ bị “xe ôm dù” của nhà xe “chặt chém”, cẩn thận bằng cách lắc đầu từ chối những cú chỉ trỏ tranh giành, lững thững rảo bước ra phía bóng cây bàng gãy ngọn tìm một cuốc xe khác khả dĩ có giá mềm hơn chút đỉnh. Là bà già đã ở tuổi nghỉ hưu lâu lắm, lọm cọm bảo tui lên đây giữ cháu cho con nó đi làm, chứ chừng tuổi này rồi có ai muốn lên phố mà chi. Là đứa con gái có khi chưa đến hai chục tuổi nhưng thoạt nhìn cứ tưởng ba mươi, đen nhẻm, cháy nắng, tóc tai bù xù, tướng tá “hoành tráng” nhưng rụt rè hỏi nhỏ chở đến nơi rồi con mượn tiền trả bác được không? Thường những lúc đó bác xe ôm hay càm ràm vài câu lấy lệ rồi lục cục gạt chống, gỡ mũ bảo hiểm ra đưa cho khách...

 

2

Mối của bác đa số là mấy cô cậu công nhân của nhà máy trong hẻm gần đấy, vài cô gái nông dân không nghề nghiệp gì đáng kể, bỏ xứ lên đây kiếm cái việc còm. Có bữa gặp bà mẹ trẻ dắt theo đứa con gái nhỏ, kêu chở lòng vòng mấy lượt rồi bỗng đòi xuống xe ở dưới chân cầu, đi bộ. Bác lừng khừng rồi quyết định chạy theo, rổn rảng kêu rằng bây lên xe tao chở về, trẻ con nó chẳng tội tình gì, đừng nghĩ quẩn mà khổ cả mẹ lẫn con. Chị phụ nữ quay lại cười lớn, bộ bác tưởng tui tính... tự vận hay sao mà nói tầm phào vậy? Mẹ con tui qua phía bên kia là nhà bà con rồi mà! Ờ thì lo xa vậy thôi, đời giờ nhiều cảnh ngộ, lỡ gì... Bà mẹ trẻ nguýt dài rồi ngoe nguẩy dắt con đi mất dạng.

Đứa con gái nhỏ lên thành phố lần đầu, xin bác xe ôm số điện thoại trước khi đến nhà chủ làm giúp việc cho người ta. Có gì bác đến đón con về nhà xe với nhá. Bác xe ôm bỗng muốn khuyên vài câu sách vở, kiểu như đi làm thì cần sống ngay thẳng lương thiện, cứ hết lòng với nhà chủ tất sẽ được người ta thương, đừng vội vàng tính toán thiệt hơn này nọ. Thế nhưng, cuối cùng bác lại bảo một câu lãng xẹt rằng chưa làm đã tính chuyện đi về, là sao? Về rồi tiền đưa trước cho “cò” việc làm, cho nhà xe ai trả, hở?!

Thế nhưng, lại có lần bác khuyên cô công nhân kia về quê đi, đừng ráng bám lấy thành phố nữa. Đó là lần cô gái ấy khoác lên người chiếc váy ngắn trên gối, bắt xe ôm của bác đi đến trước một quán nhạc trẻ xin việc. Bác bỏ cuốc xe đã hẹn trước chỉ để ngồi chờ chở cô gái về. Làm công nhân cực quá mà chỉ đủ tiền nhà trọ, ăn uống, tắm giặt. Tháng tháng gửi về nhà được nhiêu đâu nên tính đổi nghề xem có khá...

Đôi khi khách quen chê bác bao đồng, hay lo toan chuyện thiên hạ chi vậy không biết nữa. Chỉ thiệt thòi cho mình chứ được gì. Nhưng bác bảo cái nghề của tui chẳng cần bao vốn liếng, chữ nghĩa cũng không, nên giúp được ai thì mình ráng. Người ta mong kiếm chút tiền đặng gửi về quê đỡ đần cha mẹ, chồng con, lỡ sa vào lừa lọc càng thêm khổ. Làm nghề xe ôm vậy mà hay lắm, nhìn thoáng qua là biết rõ ngay gian, chẳng lẽ thấy chuyện bất bình mà mình im lặng, coi sao được?

3

Bác kể có khi bị quỵt hoặc chẳng có tiền xe là chuyện thường. Chở khách đến tận nơi, nhà chủ chê, không nhận, lại chở qua chỗ khác. Lòng vòng mấy chỗ, cuối cùng vẫn không kiếm được việc làm. Bác đành đưa cô kia quay lại nhà xe để ngủ lại, chờ hôm sau tính tiếp. Dặn dò như thể người thân rằng đừng có nghe theo mấy người “cò” việc làm mà khổ đời, không có tiền chuộc ra đâu. Rồi bác kỳ công gọi cho vài ba gia đình từng nhờ bác dẫn người qua làm ôsin, với hi vọng họ giúp bác gửi gắm một người vốn chẳng phải thân quen ruột rà gì.

Hỉ hả, có lần bác kể thêm nghề xe ôm cũng có “chuẩn mực” của nó đấy nhé. Ai lạc đường cứ hỏi xe ôm. Đi trước trả tiền sau, xe ôm chính là số dzách. Thậm chí đi xe thiếu nợ để mai trả mình cũng có khi không từ chối. Gặp chuyện cấp cứu, xe ôm cũng “chuyên nghiệp” luôn, dù có khi sẽ phải nán lại làm nhân chứng bất đắc dĩ. Ai thương quý kêu bác, kêu anh. Ai bỗ bã kêu ông, kêu thằng, chẳng sao cả. Văn hóa xe ôm muôn đời vẫn thế, cảnh vẻ gì!

Có người nhân tiện đường xa bắt chuyện cho đỡ chán, mới hay bác xe ôm ở nhà thuê gần chỗ cây bàng gãy ngọn xưa kia cũng có vợ con đề huề. Giờ sống một mình, hằng ngày xách xe ra đậu kiếm ít tiền cơm nước. Những được mất hồi xưa giờ nhẹ tênh. Con gái bác nếu còn sống chắc cũng cỡ tuổi mấy đứa công nhân này. Tội nghiệp, tụi nó làm gì có nhiều tiền mà đi xe ôm kia chứ...       

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận