TTCT - “Nằm thẳng” thay vì vươn lên phấn đấu, đón nhận sự thiếu thốn thay vì khát khao các mục tiêu tiến thân là hai trào lưu văn hóa đang được nhiều người trẻ Trung Quốc theo đuổi. Ảnh: Getty ImagesTheo các chuyên gia kinh tế, thế hệ trẻ Trung Quốc đang đương đầu với bất bình đẳng kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp cao hơn các thời kỳ trước. Cùng với đó giá bất động sản tăng phi mã, khiến giấc mơ mua nhà bằng đồng lương hằng tháng của người trẻ nước này trở nên ngoài tầm với.Các trào lưu “cầu bại” như sắp kể dưới đây có thể hiểu là mong muốn rũ bỏ những kỳ vọng tăng trưởng lớn lao mà nền kinh tế cũng như chính quyền Bắc Kinh đang đặt nặng lên vai lớp trẻ.Từ “nằm thẳng” đến chán nảnBước chân vào một thị trường việc làm ngột ngạt, khốc liệt và ít có tương lai, giới trẻ Trung Quốc không còn mấy mặn mà với những lời hô hào cống hiến kiểu Jack Ma hay Elon Musk; họ đang lấy lời dạy của những “triết gia lười” như Diogenes hay Lão Tử làm kim chỉ nam.Tháng 4-2021, một bài đăng mô tả lối sống tằn tiện hết cỡ - hai bữa ăn chay một ngày, tiêu 200 tệ (700.000 đồng) một tháng, làm việc chỉ 1-2 tháng một năm - nổi lên trên mạng xã hội Trung Quốc, với hàng nghìn lượt chia sẻ, kẻ khen, người chê có đủ.Người viết bài gọi đây là lối sống tang ping hay “nằm thẳng”, và tự ví mình như Diogenes - triết gia quái tính thời Hy Lạp cổ đại, thích ăn no, uống say rồi ngủ luôn trong thùng rượu giữa ban ngày.Cộng đồng mạng xã hội, mà phần nhiều là người trẻ, cũng đang thi nhau bắt trend “tang ping” đăng hình bản thân sõng soài trên giường rồi gắn hashtag, tính đến nay đã thu hút tổng cộng 200 triệu lượt xem.Nghe thì giống như trò đùa, nhưng hỏi ra thì không hẳn. Theo một khảo sát gần đây của mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo, hơn 60% trong số 240.000 người được hỏi đang muốn theo đuổi một cuộc sống “nằm thẳng” như đã mô tả phía trên.Theo tạp chí The Economist, “tang ping” có thể được hiểu là một trào lưu văn hóa mạng, đại diện cho khao khát thoát khỏi vòng luẩn quẩn làm công ăn lương - mua nhà - đám cưới - nuôi con của một phần lớn thế hệ trẻ độ tuổi 20-30 ở Trung Quốc. Họ đang mất dần niềm tin vào cơ hội tiến thân trong sự nghiệp; với họ, làm việc chăm chỉ không còn là chìa khóa vạn năng dẫn đến thành công.Nhóm này mượn từ neijuan hay “xoáy trôn ốc” từ ngành nhân học để mô tả tình trạng xã hội Trung Quốc, khi phát triển kinh tế đã vượt quá mức cần thiết, thậm chí còn làm giảm chất lượng cuộc sống của con người.Bên cạnh “tang ping”, một trào lưu khác là “sang wenhua” (văn hóa chán nản) cũng xuất hiện trên không gian mạng Trung Quốc mấy năm gần đây, như biểu tượng của một sự buông xuôi mang tính thời đại.Khi cơ hội tiếp cận học vấn, tích lũy của cải và mua nhà ngày càng thu hẹp, thế hệ trẻ Trung Quốc đang dần từ bỏ cuộc chạy đua tiền tài danh vọng và chấp nhận thực tế phũ phàng của cuộc sống làm công ăn lương.“Sang wenhua” được người trẻ nước này coi như một liều thuốc tinh thần, giúp họ nhìn cuộc chạy đua kim tiền qua triết lý “vô vi” mang màu sắc Phật giáo và lăng kính châm biếm để trút bớt áp lực công việc đang thường trực trên vai, nhất là lịch làm việc công sở 996: từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, một chế độ vắt kiệt sức lao động mà người mới đi làm ở Trung Quốc khó tránh khỏi.Theo The Economist, thế hệ “sang wenhua” tự coi mình là những “phật tử trẻ”, không mưu cầu nên không biết thất vọng. Số khác ví bản thân với cây hẹ ngoài đồng, chỉ cần nằm thẳng ra là không công ty, không nhà nước nào thu hoạch được.“Sang wenhua đại diện cho một thiên đường tưởng tượng, nơi người trẻ có thể chạy trốn khỏi nỗi lo toan, mệt mỏi thường ngày” - tiến sĩ Hui Faye Xiao, giáo sư chuyên ngành văn học Trung Quốc hiện đại tại Đại học Kansas (Mỹ), nói với BBC.Không khó để nhận ra sự phổ biến của hai trào lưu này với giới trẻ không phải là điều mà chính quyền Bắc Kinh mong muốn. Dưới góc nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình, một người trẻ kiểu mẫu cần có khả năng đấu tranh. Trong một bài phát biểu năm 2019 tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc - nơi đào tạo các lãnh đạo tương lai của đất nước này - từ “đấu tranh” được ông lặp lại hơn 50 lần, theo thống kê của tạp chí Nikkei Asia. “Cộng đồng “nằm thẳng” rõ ràng không đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”, tờ Quang Minh nhật báo chỉ trích. Quan điểm này được tờ Nam Phương nhật báo củng cố: “Dù sao đi nữa, người trẻ phải giữ vững niềm tin vào tương lai... Cách duy nhất để có được cuộc sống hạnh phúc là làm việc chăm chỉ”.Biểu tượng của một phong tràoGương mặt của phong trào chán nản, buông xuôi của người trẻ Trung Quốc lại là một người ngoại quốc, vô tình “bước vào showbiz” ở quốc gia tỉ dân nhưng lại làm mọi cách để chạy trốn sự nổi tiếng.Khi mới đặt chân đến Trung Quốc năm 2010, chàng trai người Nga Vladislav Ivanov chỉ tập trung theo đuổi ngành thiết kế thời trang tại Đại học Thượng Hải, thờ ơ với cuộc sống showbiz dù có gương mặt ưa nhìn và chiều cao 1,81m. Ngoài giờ học, anh kiếm thêm thu nhập bằng nghề người mẫu hay bán hàng nhờ khả năng nói tiếng Hoa thuần thục, cùng ngoại hình “chuẩn Âu” vốn được các doanh nghiệp Trung Quốc săn lùng.Đầu năm nay, Ivanov bay đến đảo Hải Nam nhận công việc phiên dịch tiếng Hoa cho hai thí sinh người Nhật của Chuang 2021, chương trình tuyển chọn thần tượng tại Trung Quốc. Chẳng ngờ, ngoại hình sáng sân khấu của anh đã ngay lập tức lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất.Ivanov được đề nghị, và nhận lời tham gia Chuang 2021, sau đó nhanh chóng trở thành cái tên nóng nhất trong hơn 90 thí sinh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Ukraine. Tham gia với tên Lelush, anh lần lượt vượt qua các vòng loại trừ và tiến thẳng tới đêm chung kết, nơi 11 người được khán giả bình chọn sẽ lập nên một nhóm nhạc thần tượng nam đi lưu diễn toàn thế giới.Cơ hội “một bước thành sao” tưởng như trong mơ này lại chính là cơn ác mộng mà Lelush tìm mọi cách né tránh. Chuyện hay bắt đầu từ đây: trước đêm chung kết, Lelush lên TV dõng dạc cầu xin khán giả đừng bầu cho mình. Trớ trêu thay, càng thỉnh cầu, anh này càng được nhiều phiếu bầu từ người trẻ Trung Quốc, và có nguy cơ trở thành... người chiến thắng chung cuộc.Lelush chấp nhận lời mời vì muốn thử cải thiện tính hướng nội của bản thân, nhưng ngay lập tức thấy hối hận. Anh vô tư phát biểu trên truyền hình: “Tôi không có giấc mơ làm nam ca sĩ thần tượng, vì tôi không biết nhảy cũng chẳng biết hát. Các thí sinh khác thì mong điểm A, còn tôi mong ban giám khảo sớm cho tôi điểm F của tự do [freedom]”. Lelush và khuôn mặt chán chường khi tham gia chương trình tìm kiếm thần tượng. Ảnh: ViceTrong khi các thí sinh khác hừng hực khí thế tập luyện, chăm chút ngoại hình mong được chương trình ưu ái cho lên sóng, Lelush lại xuất hiện với ánh mắt bất mãn thường trực, mái tóc rối và xu hướng tảng lờ các câu hỏi của MC.Trái với mong muốn của khổ chủ, chiến thuật này có vẻ đã phản tác dụng. Giới trẻ Trung Quốc, phần vì thấy đồng cảm với một người bất mãn với công việc trên sóng truyền hình thực tế, phần vì thấy anh này mắc cười, bắt đầu quan tâm bàn tán, rồi cắt hình Lelush đem làm meme (ảnh chế) trên mạng. Tên tuổi Lelush bắt đầu nổi lên, tài khoản trên mạng xã hội Weibo tăng vọt lên gần 1 triệu người theo dõi.Tính đến vòng loại trừ áp chót vào cuối tháng 4, Lelush vượt lên hạng 10 với gần 4 triệu lượt bình chọn. Anh chàng người Nga rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu bỏ dở chương trình sẽ phải đền phí hợp đồng rất lớn, còn nếu đi tiếp và duy trì thứ hạng trong đêm chung kết, anh sẽ buộc phải cầm mic đi lưu diễn trong vòng vài năm tới.Hy vọng duy nhất của thí sinh người Nga lúc này là sự... ngừng bỏ phiếu từ phía khán giả, nhưng cộng đồng người hâm mộ anh thì đang sôi sục, thậm chí còn mua cả biển quảng cáo tại các trung tâm thương mại lớn để quảng bá cho thần tượng.“Bỏ phiếu cho anh ấy đi các chị em! Hãy để cậu ta làm việc 996” - một người hâm mộ bình luận trên video Lelush biểu diễn. May mắn thay cho Lelush, người hâm mộ đã không theo đuổi lời kêu gọi “bầu cho nó chết” đến cùng. Anh xếp hạng 17 trong đêm chung kết, đủ để không phải vào nhóm làm nghề thần tượng dài hạn.“Cuối cùng cũng tan làm rồi” - Lelush viết trong bài ăn mừng “chiến thắng” trên Weibo sau khi kết quả chung cuộc được công bố.Hành trình của Lelush tại Chuang 2021 ly kỳ không thua gì kịch bản phim Netflix (cụ thể là tập 15 Million Merits của phim Black Mirror) đã khiến nhiều người xem đặt câu hỏi về sự can thiệp, dàn dựng của đội ngũ sản xuất. Gọi là “truyền hình thực tế” nhưng không biết được bao nhiêu phần là thực?Dù vậy, có một điều chắc chắn: sức ảnh hưởng của hình tượng Lelush đến cộng đồng mạng Trung Quốc là có thật. Việc bất ngờ trở thành ngôi sao được hàng trăm ngàn người mến mộ lại luôn xuất hiện với gương mặt hết mực chán đời, chưa một lần tỏ vẻ ham muốn hào quang sân khấu đã biến chàng trai người Nga thành biểu tượng của phong trào sang wenhua.Theo tiến sĩ Hui, phong thái chểnh mảng, mặc kệ đời của Lelush trong cuộc thi Chuang 2021 chính là chìa khóa giúp anh giành được sự đồng cảm từ khán giả Trung Quốc, bởi chính họ cũng đang trải qua cảm giác bất lực tương tự trước những biến cố khó lường của đại dịch COVID-19.Giới trẻ Trung Quốc tôn vinh Lelush vì anh đại diện cho lý tưởng của họ: chối bỏ áp lực kim tiền cũng như khuôn thước công sở 996 hà khắc đang bóp nghẹt thế hệ trẻ tại đất nước tỉ dân này. Những người lao động trẻ đang kiệt sức vì công việc dường như tìm thấy sự đồng cảm với điệu bộ bất cần đời, sự thờ ơ trước danh vọng và khiếu hài hước mà Lelush thể hiện trước ống kính.Nhìn vào Lelush, họ không thấy một nam thần tượng bóng bẩy, tóc chải chuốt từng nếp, mà thấy được một người trẻ mất sạch niềm tin vào ánh hào quang ngành công nghiệp giải trí, chỉ cố làm vừa đủ để đồng đội không thấy phiền lòng. Nói cách khác, Lelush chính là hình ảnh của phần đông thanh niên Trung Quốc được phản chiếu trên màn ảnh nhỏ.■Trên Facebook hiện có trang “Hội người lười Việt Nam”, mới thành lập đầu năm 2020, thu hút hơn 422.000 lượt like. Nhìn vào đấy có thể thấy những áp lực danh vọng, tiền tài có vẻ cũng ít nhiều quá tầm chịu đựng của người trẻ Việt.Trang Facebook tập trung chủ yếu vào các nội dung châm biếm, phản pháo lại những kỳ vọng quá trớn của cha mẹ, đồng nghiệp, của “tư bản chủ nghĩa” bằng chữ “lười” xụi lơ. Tuy nhiên, cũng không thiếu những bài đăng nhẹ nhàng, an ủi những bạn trẻ thế hệ Z (sinh năm 1996 trở đi) đang vật lộn trong những năm đầu ở chốn công sở.“Hãy nhớ: Công việc đơn giản với người khác, nhưng bạn được quyền cảm thấy nó quá sức. Chúng ta được phép mệt!” - một bài viết khuyên nhủ.Có lẽ chính thế hệ Z là người hiểu hơn ai hết rằng có chối bỏ cuộc sống công sở đến mức nào, họ cũng khó lòng thoát khỏi nó, ít nhất là trong tương lai gần.Cho đến khi ngày đó xảy ra, có lẽ những người trẻ, dù là ở Việt Nam, Trung Quốc hay bất kỳ đâu khác, cũng sẽ phải học cách “sống chung với lũ”, chờ đến một ngày có thể vạch ra con đường riêng cho cuộc sống của mình, như cái cách Lelush đã sống sót sau cuộc thi đầy áp lực mà anh chưa từng muốn tham gia. Tags: Trung QuốcGiới trẻTrào lưuNằm thẳngGiới trẻ Trung Quốc
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác công nghệ cao, hạ tầng giao thông với Việt Nam DUY LINH 15/10/2024 Đây là bày tỏ của ông Chang Ho Jin, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh của tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
La Nina sắp xuất hiện, thời tiết ở Việt Nam sẽ ra sao? CHÍ TUỆ 15/10/2024 Dự báo từ tháng 11 năm nay, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% và mùa mưa ở Trung Bộ có thể kết thúc muộn, miền Bắc khả năng xuất hiện rét đậm rét hại kéo dài.
NÓNG: Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều TUỔI TRẺ ONLINE 15/10/2024 Nhà chức trách Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm ở biên giới liên Triều, trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.
Tập đoàn Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn 8-10 làn xe ĐỨC PHÚ 15/10/2024 Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài 78,2km từ 8-10 làn xe, thay vì chỉ 3-4 làn.