Chuyện miễn dịch cộng đồng và nguồn vaccine

LAN ANH 28/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Cho tới ngày 18-5, Việt Nam nằm trong số các nước có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp: khoảng 1% dân số. Vấn đề đáng lo nhất là nguồn vaccine hạn chế.

Nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen. Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Chạy đua tìm vaccine

Đến ngày 17-5, gần 1 triệu người Việt (khoảng 1% dân số) đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Phần lớn là mới tiêm 1 mũi, số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là 23.000 người. Loại vaccine đang sử dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện nay là AstraZeneca, với tỉ lệ gặp phản ứng phụ loại nhẹ sau tiêm khoảng 30%. Đây là một tỉ lệ tiêm vaccine ở mức rất thấp trên thế giới.

Trong các cuộc họp gần đây, Bộ Y tế liên tục trấn an rằng đã tìm các nguồn để có vaccine nhưng chuyện này không dễ dàng. “Câu hỏi hóc búa là từ nay đến cuối năm có bao nhiêu vaccine? AstraZeneca đến nay có thể bán cho Việt Nam 30 triệu liều, đã về lô 117.200 liều, còn lại về trong quý cuối năm.

Vaccine do Liên minh COVAX điều phối là hơn 38 triệu liều. Nguồn từ Pfizer (Mỹ) đang đàm phán mua 31 triệu liều mặc dù đang có những vướng mắc do vaccine phải bảo quản -75 độ C, nhưng Chính phủ rất quyết tâm mua”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong cuộc giao ban với báo chí vào tuần trước. 

Tổng cộng ba nguồn kể trên, Việt Nam có khoảng 100 triệu liều. Xét theo nhu cầu cần khoảng 150 triệu liều trong năm nay để tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên thì số lượng nói trên mới đáp ứng khoảng 2/3. Tuy nhiên, đây vẫn là dự kiến và khó nói được chính xác bao giờ vaccine về. 

Tháng 3 vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cảnh báo vaccine sẽ về chậm hơn so với dự kiến. 

Theo kế hoạch ban đầu, tháng 4 và 5 sẽ có khoảng 5 triệu liều vaccine về Việt Nam nhưng thực tế chỉ hơn 2,5 triệu liều, thời gian giao cũng chậm hơn dự kiến.

Từ tháng 2-2021 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 3 lô vaccine, tổng số khoảng 2,6 triệu liều. Trong tình huống hiện nay, thời điểm vaccine tiếp tục về Việt Nam và số lượng vaccine sẽ luôn thay đổi, do nhu cầu vaccine trên thế giới đang tăng cao, phải tranh nhau để mua vaccine.

“Đáng lẽ vaccine đến Việt Nam trước, nhưng dịch COVID-19 nóng ở Campuchia nên vaccine được COVAX chuyển sang Campuchia. Ở đâu dịch nóng thì vaccine được ưu tiên chuyển tới nơi đó, nhằm tăng hiệu quả của vaccine đối với nơi đang cần”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích.

Để phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước, Bộ Y tế đã đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ở Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh... Nhưng nhà sản xuất vaccine Nga và Trung Quốc đều không cam kết số lượng. 

Các nguồn khác có cam kết số lượng nhưng đặt ra nhiều yêu cầu: không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng, Chính phủ phải đứng ra đàm phán… và vaccine thường về chậm.

Nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen - Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Hi vọng vào vaccine trong nước

Theo nghị quyết 21 của Chính phủ, 20% dân số cả nước thuộc nhóm nguy cơ cao, tuyến đầu chống dịch, người nghèo, cận nghèo sẽ được đảm bảo nguồn và chi phí tiêm chủng. 80% dân số còn lại thuộc đối tượng tiêm chủng, khả năng cao sẽ xã hội hóa việc tìm nguồn vaccine.

Nguồn này có thể từ các nhà tài trợ, đóng góp từ các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tiêm chủng cho cán bộ, công nhân viên của công ty mình.

Hiện nay, ngoài các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh thông báo sẽ tiêm chủng miễn phí toàn bộ công dân có chỉ định tiêm chủng trong địa phương mình thì TP.HCM thông báo mua thêm 5 triệu liều vaccine.

 Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội là một trong số ít các địa phương (cùng Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…) công bố sẽ dành ngân sách mua vaccine tiêm cho tất cả những người dân có chỉ định tiêm.

Theo ông Hạnh, ngoài ngân sách của thành phố, Hà Nội dự định sẽ kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc. Hà Nội đã đăng ký với Bộ Y tế nhờ hỗ trợ tìm nguồn mua, tuy nhiên tìm nguồn mua vaccine cực kỳ quan trọng.

Hiện đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 của Chính phủ khoảng trên 19 triệu người nhưng đến nay mới tiêm được gần 1 triệu, chưa có nguồn để tiêm rộng rãi.

Trong khi nguồn cung vaccine nhập khẩu đang khó khăn, hi vọng đang đặt vào nguồn vaccine nội địa. Dự kiến cuối tháng 5 này, vaccine nội bắt đầu bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Nếu việc thử nghiệm suôn sẻ thì cuối tháng 7 sẽ xong, sau đó là đánh giá cuối kỳ và chuẩn bị hồ sơ đăng ký lưu hành. 

Công suất vaccine nội chỉ riêng Công ty Nanogen (đơn vị thử nghiệm giai đoạn 3 đợt này) là 6 triệu liều/tháng, đủ nhu cầu sử dụng trong nước. ■

Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt cho nhập khẩu vaccine AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga), đang xem xét hồ sơ vaccine Moderna (Mỹ) và một số vaccine khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận