Chìa khóa kết thúc đại dịch

HỒNG VÂN 31/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Dù có quan điểm cho rằng trẻ em dưới 18 tuổi không cần tiêm vaccine COVID-19 vì tỉ lệ nhiễm rất thấp, nhiều hãng dược vẫn tham gia nghiên cứu vaccine cho đối tượng này, kể cả nhóm trẻ dưới 2 tuổi.

Một bé gái tham gia thử nghiệm tiêm vaccine COVID-19 của Hãng Moderna. Ảnh: Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ

 

Báo The New York Times vừa thăm dò 723 chuyên gia dịch tễ học về chuyện khi nào nước Mỹ có thể trở lại bình thường, và bằng cách nào. Câu trả lời chung là đại dịch sẽ không kết thúc trừ khi có thêm người được tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em.

“Trẻ em là chìa khóa để chấm dứt đại dịch” - David Celentano, chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, một trong những người tham gia khảo sát, khẳng định.

Mỹ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên

Ngày 10-5, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi.

Điều này có nghĩa là sẽ nhiều trẻ em hơn được tiêm vaccine và được bảo vệ khỏi virus corona. Trước đó, vaccine của Pfizer-BioNTech được dùng cho người từ 16 tuổi trở lên.

Đến ngày 25-5, Mỹ đã tiêm vaccine COVID-19 (loại dùng cho người lớn) với khoảng 600.000 trẻ em từ 12 - 15 tuổi. 

Dự kiến đến năm sau, cơ quan chức năng sẽ có đủ dữ liệu về tính an toàn để xem xét có cho tiêm vaccine cho trẻ nhỏ tuổi hơn nữa không trong bối cảnh các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với nhóm tuổi dưới 12 đang diễn ra.

Trẻ em nhiễm COVID-19 chiếm 14% tổng số ca nhiễm ở Mỹ. Theo số liệu tính đến ngày 13-5 của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, ít nhất 303 trong hơn 3,9 triệu trẻ em Mỹ mắc COVID-19 đã tử vong.

Khác với Mỹ, Anh vẫn chưa quyết định cho phép sử dụng vaccine COVID-19 với trẻ em nhưng lại hối thúc người lớn tiêm đầy đủ vaccine này. 

Tại Anh, chỉ những trẻ được xác định là có nguy cơ nhiễm rất cao và có thể có triệu chứng nặng, bị khuyết tật nặng tại các cơ sở chăm sóc mới nên tiêm vaccine.

Lee Savio Beers, chủ tịch Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, cho rằng: “Tôi mong đưa con mình và các bệnh nhân nhí đi tiêm vaccine. Tôi vô cùng phấn khởi khi giờ đây trẻ từ 12 tuổi trở lên được bảo vệ trước COVID-19. Tất cả các phụ huynh hãy tìm hiểu thông tin về các điểm tiêm chủng nơi mình ở để các con sớm được tiêm phòng”.

Giảm dần độ tuổi tiêm vaccine

Đây là lộ trình của các nghiên cứu lâm sàng về vaccine dành cho trẻ em. Độ tuổi của trẻ được tham gia thử nghiệm giảm dần, từ nhóm thanh thiếu niên (12 - 15 hoặc 12 - 17 tuổi) xuống nhóm trẻ em (6 - 11 tuổi), trẻ nhỏ (2 - 5 tuổi), nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi và cuối cùng là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. 

Một số công ty lại gộp các nhóm tuổi trên với nhau khi nghiên cứu.

Trong nghiên cứu của Pfizer, có 2.260 trẻ em từ 12 - 15 tuổi đăng ký tham gia. Có 18 em sau đó được xác định là dương tính với virus Corona nhưng đều thuộc nhóm được tiêm giả dược. 

Không có trẻ nào trong nhóm được tiêm vaccine dương tính. Các xét nghiệm sau đó cho thấy trẻ đạt khả năng miễn dịch mạnh một tháng sau khi tiêm liều thứ hai, hiệu quả đạt 100%. 

Vaccine có hiệu quả cao trong cả ngăn ngừa nhiễm bệnh và lây bệnh. Đến nay, ngoài Mỹ, nhiều nước trong đó có Canada, Singapore... đã phê duyệt cho sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech với trẻ từ 12 - 15 tuổi.

Phía CDC Hoa Kỳ và Pfizer cho rằng kết quả của thử nghiệm chứng minh chắc chắn một điều là vaccine cực kỳ an toàn đối với nhóm tuổi từ 12 - 15, tương tự hiệu quả đã thấy ở người lớn sau nhiều tháng triển khai tiêm.

Ngày 6-5, Công ty Moderna khẳng định vaccine COVID-19 của hãng này có hiệu quả 96% với thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi và an toàn, không có những vấn đề nào đáng lo ngại. 

Em Michael Binparuis, 15 tuổi, ở New York được giải thích trước khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech ngày 13-5. Ảnh: REUTERS

 

Thử nghiệm của công ty có 3.235 trẻ em tham gia, được chia làm hai nhóm ngẫu nhiên, một nhóm được tiêm vaccine và một nhóm được tiêm giả dược. 

Có 12 trẻ nhiễm COVID-19 trong nghiên cứu nhưng công ty không công bố thông tin tiết hơn. Moderna đến nay vẫn chưa công bố lộ trình xin phép sử dụng vaccine này với thanh thiếu niên.

Nhiều người vui mừng cho rằng vaccine cho trẻ em là cần thiết khi mùa hè đang đến gần, các hoạt động cắm trại thể thao của học sinh diễn ra sôi nổi. Những tháng hè cũng là thời điểm thuận lợi để nhà chức trách có thời gian tiêm cho trẻ em trước mùa tựu trường vào tháng 9 tới.

Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng số lượng hơn 2.000 trẻ vị thành niên tham gia thử nghiệm là quá ít, quy mô thử nghiệm quá nhỏ. 

Thử nghiệm cũng chưa chứng minh được: liệu có những yếu tố liên quan nào sẽ tác động lâu dài đến trẻ sau khi tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech và các vaccine COVID-19 khác hay không.

Từ tháng 3-2021, cả Moderna và Pfizer-BioNTech đều cho biết đang tiến hành nghiên cứu để sử dụng vaccine cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến 11 tuổi. Hãng Pfizer-BioNTech đã công bố lộ trình tham vọng là sẽ xin phép sử dụng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 2 - 11 tuổi vào tháng 9-2021 và trẻ dưới 2 tuổi vào quý 4 năm nay.

Tháng 4-2021, Hãng Johnson & Johnson cũng bắt đầu thử nghiệm loại vaccine COVID-19 một liều ở trẻ từ 12 - 17 tuổi. Thử nghiệm vaccine COVID-19 của Hãng AstraZeneca ở trẻ em bị tạm ngưng từ tháng 4-2021 liên quan đến biến chứng đông máu hiếm ở người lớn và chưa được triển khai lại.

Tại Ấn Độ, trong tháng 5-2021, Cơ quan Quản lý dược của Ấn Độ đã cho phép triển khai kết hợp thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 đối với vaccine Covaxin của Hãng Bharat Biotech cho trẻ từ 2 - 18 tuổi và tuyển khoảng 525 trẻ em ở nhiều nơi tham gia thử nghiệm.

Vì sao trẻ em là chìa khóa?

Trở lại khảo sát của The New York Times, các chuyên gia dịch tễ cho rằng chuyện tiêm ngừa COVID-19 không nên dừng lại cho đến khi toàn bộ trẻ em được bảo vệ với vaccine. 

Theo họ, đại dịch ở Mỹ sẽ chỉ thực sự kết thúc, nghĩa là có thể trở lại hầu hết các hoạt động mà không phải phòng trừ gì, nếu ít nhất 70 - 80% dân số được chích đủ 2 liều vaccine.

Mặc dù trẻ em ít có nguy cơ trở bệnh nặng như người lớn, các nhà khoa học cho rằng miễn dịch của trẻ là rất quan trọng, vì dù không phát bệnh chúng vẫn là “vật chủ” để truyền virus và là phương tiện để lan truyền hoặc phát triển các biến chủng mới.

“Trẻ em không nên bị bỏ ngoài cuộc khi ta mở cửa trở lại” - Corinne McDaniels-Davidson, giám đốc Viện sức khỏe cộng đồng Đại học San Diego nhấn mạnh.

Theo McDaniels-Davidson, phải tăng cường thông tin để xóa quan niệm rằng trẻ em miễn nhiễm trước COVID-19 hoặc sẽ không làm lây bệnh đang phổ biến với công chúng.

Nước Mỹ sẽ còn nhiều việc phải làm, khi tỉ lệ người Mỹ được tiêm đủ 2 liều vaccine chỉ mới là 36% (tính đến 15-5) theo The New York Times.

* Cập nhật: Ngày 26-5, CDC tuyên bố 50% người Mỹ trưởng thành đã tiêm đủ các liều vaccine ngừa COVID-19

Bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine COVID-19?

CDC của Mỹ cũng đang xem xét các báo cáo về việc có một số ít trường hợp thanh thiếu niên và thanh niên bị viêm cơ tim, sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Các ca bệnh chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên và thanh niên khoảng bốn ngày sau khi tiêm liều thứ hai với một trong hai loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA, là Moderna và Pfizer-BioNTech. Các trường hợp này cũng phổ biến ở nam hơn là nữ.

Bộ phận an toàn vaccine của CDC Mỹ cho biết: “Đa số các trường hợp là bệnh nhẹ và đang được theo dõi. CDC vẫn khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho người Mỹ từ 12 tuổi trở lên”.

Cơ quan này vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy vaccine có phải là thủ phạm gây ra tình trạng tim hay không. Số trường hợp bị nghi vấn “tương đối ít” và có thể hoàn toàn không liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19.

Tiến sĩ Celine Gounder, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Bellevue ở New York, nhận định một cách thận trọng: “Có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà một số người bị phát triển bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm chủng. Sự tình cờ là có khả năng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận