TTCT - Cách tốt nhất để trình bày về lịch sử thương mại thế giới là thông qua những câu chuyện và ý tưởng được chọn lọc kỹ càng. Đó là tâm nguyện của William J. Bernstein (sinh năm 1948), nhà lý thuyết tài chính đồng thời là nhà thần kinh học người Mỹ. Mong mỏi lớn nhất của ông khi viết A splendid exchange: How trade shaped the world(*) là những câu chuyện và khái niệm sẽ cung cấp thông tin và thách thức các nhận định trong vấn đề tự do thương mại. Cấu trúc cuốn sách tuân theo trình tự thời gian và sự kiện, được đan xen bằng những câu chuyện mê hoặc hấp dẫn. Chẳng hạn câu chuyện buôn bán hương liệu của Nam Ả Rập và thuần hóa lạc đà, cả hai đều diễn ra trong vài nghìn năm, hay thương mại đường dài thời Trung cổ xoay quanh ba câu chuyện: mua bán gia vị, mua bán nô lệ và cuộc chiến giành quyền làm chủ kéo dài ở Bosphorus và Dardanelles. Ta có thể lang thang cùng hàng trăm câu chuyện lôi cuốn tương tự trong sách. Rất nhiều trong số đó, giải thích sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tâm lý con người để thương mại có đất phát triển. Chẳng hạn, câu chuyện ở cuối thế kỷ 5, bộ lạc Quraish do tộc trưởng Qussay dẫn đầu từ phương bắc tới chiếm Mecca, sau đó chống lại những cuộc xâm lấn của cả người Byzantine và Abyssinia. Tiếp đến, Qussay thuyết phục Quraish và các bộ lạc lân cận rằng nếu tiến hành giao thương và bảo vệ những đoàn lữ hành thì sẽ thu được nhiều lợi hơn là tấn công họ. Đánh thuế các nhà buôn và bán cho họ sự bảo đảm an toàn hóa ra lại thu được nhiều tiền hơn là cướp đoạt từ cuộc hành trình còm cõi và đáng sợ. Quraish tiếp tục bình định Mecca với dân số ngày càng tăng, tạo ra của cải và dần thoát khỏi di sản du mục, công xã dữ dội của mình. Cuộc sống của họ từ đó về sau gắn liền với thương mại, chứ không phải sự tồn tại nhất thời của những ốc đảo và lều trại trên sa mạc. Bernstein cũng phát hiện văn bản thiêng liêng nhất của Hồi giáo gắn với tầm quan trọng của thương mại, như trong đoạn trích nổi tiếng này của kinh Koran: “Hỡi những kẻ có đức tin! Đừng gian dối cấu xé tài sản của nhau, trừ phi nó được trao đổi bằng sự đồng thuận giữa hai bên”. Giá trị đạo đức của thương mại cũng thể hiện sinh động trong lời nói của Cordell Hull, ngoại trưởng lâu nhất trong lịch sử Mỹ - gần 12 năm - người đã xoay chuyển tình thế để cứu vãn sự sụp đổ thương mại quốc tế vào năm 1933. Ông nói rằng không thể trông đợi các quốc gia khác mua sản phẩm của chúng ta nếu họ không thu được tiền nhờ bán hàng cho chúng ta... Bản năng giao dịch và trao đổi thuộc về thiên tính con người, bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn bản năng ấy cũng sẽ dẫn đến những kết cục tai hại trong tương lai. Từ khi những con người đầu tiên thách thức biển cả và sa mạc bằng thuyền và lạc đà, họ đã mang theo hàng hóa để có thể giao dịch. Vào đầu Công nguyên, những nơi xa xôi nhất của nền văn minh châu Âu và châu Á đã biết tới và thèm khát những sản phẩm xa xỉ của nhau. Tới cuối thế kỷ 19, hầu hết những tính năng mà chúng ta coi là đặc quyền của thương mại toàn cầu hiện đại - liên lạc tức thời, giao dịch đường dài hàng hóa khối lượng lớn và hàng dễ hư hỏng, vòng tròn sản xuất liên lục địa - đã được thiết lập xong xuôi. Các cuộc tranh cãi ngày nay về toàn cầu hóa trong một số trường hợp đã lặp lại hầu như trọn vẹn những ngôn từ của các kỷ nguyên trước đó. Thương mại đi đến đâu thì lòng oán giận, chế độ bảo hộ, và những người bạn trung thành của nó - buôn lậu, bất tuân quyền lực, và đôi khi cả chiến tranh - sẽ theo chân tới đó. William J. Bernstein đúc kết: Thương mại quốc tế không chỉ tạo ra rất nhiều hàng hóa vật chất, mà còn cả nguồn vốn trí tuệ và văn hóa, sự hiểu biết về các nước láng giềng và mong muốn bán hàng cho họ hơn là hủy diệt họ. Một thiểu số đáng kể các công dân không thể tránh khỏi bị thiệt hại trong quá trình này. Khi con người, hàng hóa và tài sản tài chính lao vèo vèo khắp thế giới dễ dàng hơn bao giờ hết, thì những chệch hướng thường thấy do thương mại tự do gây ra sẽ tăng lên cùng với những phúc lành này. Một số ít có thể lý luận rằng nhân loại không nên thực hiện hành trình thương mại từ Sumer tới Seattle. Nếu quay ngược lại, có thể sẽ gặp lại rủi ro là phải xem loạt phim tăm tối nhất của thế kỷ 20. Bằng cách nhớ về những eo biển đã đi qua trên hành trình, chúng ta có thể tránh được các bãi cạn ngầm ở phía trước. Arthur Laffer, nhà sáng lập và chủ tịch Laffer Associates, nhận xét về cuốn sách: “... được lấp đầy bằng các quan sát khôn ngoan về sự tiến triển của thương mại từ thế giới cổ đại đến ngày nay. Bernstein dựa trên một bối cảnh lịch sử rộng lớn để cho thấy sự phát triển của thương mại là một phần tiến trình thịnh vượng tự nhiên của xã hội và chính sách thương mại là chất xúc tác cho sự phát triển của các quốc gia đầy tham vọng. Chỉ khi biết cách mà thương mại đã định hình quá khứ, chúng ta mới biết vai trò quan trọng của nó - tốt hơn và tệ hơn - khi tiến vào tương lai”.■ (*): Lịch sử giao thương, William J. Bernstein, Ngọc Mai dịch, Võ Minh Tuấn hiệu đính, Alpha Books và Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2017. Sách gồm 14 chương, tường thuật toàn diện về lịch sử thương mại thế giới - từ Mesopotamia vào năm 3.000 trước Công nguyên tới cơn bão toàn cầu hóa ngày nay. Chương 1 và 2 bàn về nguồn gốc của thương mại thế giới, bắt đầu với những bằng chứng rời rạc đầu tiên về buôn bán đường dài thời kỳ đồ đá. Chương 3 đến chương 6 trình bày con đường hình thành thương mại ở Ấn Độ Dương. Chương 7 đến chương 10 trình bày chi tiết làm thế nào hệ thống thương mại đa văn hóa rộng lớn này lại bị tan nát khi Vasco da Gama giành được lợi thế trước “sự phong tỏa” của Hồi giáo, trước đó đã ngăn cản các nhà buôn châu Âu trước cánh cổng phía tây của Ấn Độ Dương. Chương 11 đến chương 14 nghiên cứu thương mại toàn cầu ngày nay dựa trên các học thuyết kinh tế hiện đại cơ bản. Tags: Con đường giao thươngLịch sử giao thương
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.