Chuyển trời, ôi đau!

HỒNG VÂN 25/02/2023 06:17 GMT+7

TTCT - Nhức đầu, đau lưng, đau cơ, cứng khớp hoặc đơn giản là cảm thấy đau toàn thân là những lời phàn nàn phổ biến khi nhiệt độ, thời tiết bên ngoài thay đổi.

Nhức đầu, đau lưng, đau cơ, cứng khớp hoặc đơn giản là cảm thấy đau toàn thân là những lời phàn nàn phổ biến khi nhiệt độ, thời tiết bên ngoài thay đổi. Có một số bằng chứng cho thấy điều này là có cơ sở, dù chưa có kết luận chính thức về mối liên hệ giữa tiết trời và cơ khớp của con người.

Chuyển trời, ôi đau! - Ảnh 1.

"Tôi bị bệnh viêm khớp dạng thấp nên có đủ kinh nghiệm cá nhân để nói là căn bệnh này chắc chắn bị ảnh hưởng bởi các kiểu thời tiết khác nhau. Từ những ngày lạnh đến những ngày siêu nóng, các triệu chứng khác nhau sẽ tăng đột biến. Đáng sợ nhất là khi trời lạnh, cơ, gân của tôi co lại, cơn đau khớp nặng hơn" - diễn viên, nhà văn Mỹ Eileen Davidson, 64 tuổi, nói trên trang theweathernetwork.com.

Giống với hoàn cảnh Davidson nhưng khác bệnh tình, nhiều người cho biết họ cảm thấy vết thương cũ đã lành từ lâu nhưng đau nhức trở lại. Các bệnh mãn tính của họ cũng xấu đi khi trời lạnh hoặc chuyển mưa.

Nghiên cứu "chỏi" nhau

Giáo sư, bác sĩ Jennifer Moriatis Wolf về phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng tại Đại học Y Chicago (Mỹ) và nhiều chuyên gia y tế xác nhận bệnh nhân của họ thường xuyên phàn nàn rằng thay đổi thời tiết khiến họ đau đớn khó chịu. Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi áp suất trong không khí (áp suất không khí thấp gây mưa lớn, gió mạnh) và nếu đi kèm độ ẩm tương đối cao, có thể kích ứng các dây thần kinh nhạy cảm của cơ thể, khiến các mô trong cơ thể sưng lên, gây đau cơ, khớp.

Ngoài ra, lối sống và tâm trạng cũng có thể ảnh hưởng đến cách mỗi người cảm nhận cơn đau của mình. Davidson lo lắng và bị trầm cảm. Bà cho rằng các triệu chứng viêm khớp của mình có xu hướng trở nên xấu hơn trong những tháng lạnh vì tình trạng tâm lý của bà. "Trong mùa đông, tôi ít tiếp xúc với ánh nắng, ít vận động và ít tổng hợp được vitamin D hơn, vì vậy, các triệu chứng lo lắng, trầm cảm của tôi tăng lên. Tâm trạng là yếu tố thực sự lớn với mức độ đau đớn của tôi" - Davidson nói.

Các chuyên gia cho rằng những lời kể của bệnh nhân về việc họ bị đau cơ, đau khớp, vết thương cũ cũng đau khi trở trời là có cơ sở - Ảnh: Health.harvard.edu

Các chuyên gia cho rằng những lời kể của bệnh nhân về việc họ bị đau cơ, đau khớp, vết thương cũ cũng đau khi trở trời là có cơ sở - Ảnh: Health.harvard.edu

Theo The New York Times, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu về đau khớp và thời tiết trong nhiều năm, nhưng cho đến nay, không ai có thể nói chắc chắn mối liên hệ này là gì. Một phần của vấn đề là do các nghiên cứu thực hiện với quy mô nhỏ, do đó không đủ tin cậy để kết luận về mối quan hệ của hai vấn đề.

Chẳng hạn, trong nghiên cứu về mối liên hệ giữa thời tiết và cơn đau do gãy xương công bố năm 2016, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 2.369 lượt khám do gãy xương của bệnh nhân. Trong các cuộc hẹn tái khám, họ yêu cầu các bệnh nhân tự đánh giá mức độ đau đớn của mình, đồng thời đối chiếu với dữ liệu thời tiết địa phương của ngày hôm đó, gồm nhiệt độ, áp suất khí quyển và độ ẩm.

Sau một năm, các bệnh nhân cho biết nhìn chung họ bị đau nhiều hơn nếu áp suất khí quyển thấp và độ ẩm tương đối trên 70%. Nhưng các tình nguyện viên trong nghiên cứu không bị đau hơn khi trời lạnh mà ngược lại, trời nóng, trên 35 độ C làm họ thấy đau nhiều hơn. Nghiên cứu kết luận việc bệnh nhân phàn nàn rằng thời tiết ảnh hưởng đến cơn đau sau chấn thương là có cơ sở. Đau trong giai đoạn ngay sau phẫu thuật có thể do vết mổ hoặc vết thương mô mềm, nhưng theo thời gian, áp suất không khí, nhiệt độ và độ ẩm có thể ảnh hưởng đến mức độ đau đớn của bệnh nhân.

Trong nghiên cứu năm 2019 có tựa đề rất kêu là "Mây có thể gây đau", các nhà nghiên cứu khảo sát mức độ đau đớn bệnh nhân tự báo cáo qua smartphone hằng ngày trong 15 tháng với 2.658 người bị đau mãn tính. Thông tin về các cơn đau được đối chiếu với các điều kiện thời tiết của địa phương nơi các tình nguyện viên sinh sống. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các cơn đau khó chịu hơn trùng với khi độ ẩm không khí tăng cao và áp suất khí quyển giảm. Tuy nhiên, nghiên cứu không thấy sự liên hệ giữa cơn đau và nhiệt độ.

Xa hơn, một nghiên cứu năm 2007 lại kết luận ngược lại khi cho rằng đau liên quan đến viêm khớp gối tăng thêm mỗi khi nhiệt độ giảm 10 độ C, nhưng bớt đau khi áp suất không khí giảm. Một nghiên cứu khác không tìm ra bất cứ liên hệ nào giữa sự thay đổi nhiệt độ và cơn đau do viêm khớp hông.

Đúng là chúng ta không biết nên tin kết quả nào trong số các nghiên cứu này. Bác sĩ William G. Dixon, chuyên gia thấp khớp và dịch tễ học tại Đại học Manchester (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu năm 2019 thực hiện qua điện thoại đề cập ở trên, cho rằng kết quả các nghiên cứu đối lập nhau vì đều là các nghiên cứu quy mô nhỏ, được "thực hiện theo những phương pháp khác nhau".

Cụ thể, các tình nguyện viên bị các vấn đề sức khỏe khác nhau, cơn đau được đánh giá theo những tiêu chí khác nhau và các biến số liên quan thời tiết được lựa chọn khác nhau. Vì vậy không có gì lạ khi các kết luận cuối cùng khác nhau.

Thời tiết cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Năm 2015, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã thu thập thông tin về doanh số hằng ngày của một loại thuốc đau đầu phổ biến. Họ nhận thấy số thuốc bán ra cao đáng kể khi áp suất không khí giảm - điều thường xảy ra ngay trước khi mưa bão ập đến. Họ lý giải rằng khi áp suất không khí giảm xuống, áp suất không khí bên ngoài và trong xoang của chúng ta bị chênh lệch (cảm giác ù tai trên máy bay là do nguyên nhân này). Các xoang của ta chứa đầy không khí nên bất kỳ sự thay đổi nào về áp suất không khí đều có thể ảnh hưởng hoặc gây ra đau đầu.

Nhưng cơn đau là thật

Dù các nghiên cứu trên người mâu thuẫn nhau, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy dường như thay đổi thời tiết có ảnh hưởng đến các cơn đau. Một nghiên cứu phát hiện rằng những con chuột bị viêm khớp biểu hiện nhiều hành vi liên quan đến đau hơn trong môi trường áp suất thấp và nhiệt độ thấp.

Cũng có giải thích rằng các cơn đau tăng lên là do cách các dây thần kinh phản ứng với môi trường. Một nghiên cứu cho rằng các dây thần kinh truyền cảm giác đau đến não ở chuột hoạt động tích cực hơn khi áp suất không khí thấp hơn. Theo bác sĩ Wolf: "Sự thay đổi áp suất không khí khiến các dây thần kinh dễ bị kích thích và nhạy cảm hơn. Điều tương tự có thể cũng xảy ra ở người".

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy áp suất không khí giảm có liên quan đến tình trạng sưng ở mô, có thể gây đau. Một nghiên cứu năm 2014 phát hiện khi áp suất không khí giảm, các mô liên kết quanh khớp ở người bị viêm khớp dạng thấp to ra, gây đau.

Bác sĩ Timothy E. McAlindon, trưởng khoa thấp khớp tại Trung tâm Y tế Tufts ở Mỹ, cho biết mặc dù mối liên hệ giữa trời lạnh và tăng các cơn đau chưa được chứng minh, nó có vẻ hợp lý. Chẳng thế mà chúng ta được khuyên nên khởi động kỹ trước khi tập thể dục, có nhiều lợi ích của việc này và một trong số đó là vì cơ thể nóng lên giúp thư giãn các cơ và các mô liên kết.

Dù thiếu bằng chứng thuyết phục, các chuyên gia tin là có sự liên hệ giữa thời tiết và cơn đau, còn với bệnh nhân thì không còn nghi ngờ gì, vì chính họ thấy xương khớp của mình kêu gào cùng thời tiết.■

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với Mẹ thiên nhiên, ngay cả trong những ngày tồi tệ nhất của bà, điều đó không có nghĩa chúng ta không thể sống vui, sống khỏe cả khi trái gió trở trời.

Có những mẹo để làm giảm hoặc đỡ đau do thời tiết, bớt trầm cảm trong mùa đông. Bác sĩ chỉnh hình Andrew Bang và các chuyên gia khuyên chúng ta nên:

Vận động: Khi không vận động, cơ, gân và dây chằng chúng ta sẽ có xu hướng co lại. Đó là lý do sau khi ngồi lâu, chúng ta vặn mình thì cơ thể kêu răng rắc. Vận động làm tăng sức mạnh của cơ, xương, cải thiện tuần hoàn và được chứng minh là giúp giảm căng thẳng. Khi trời lạnh, chúng ta có xu hướng không vận động nhiều và ngồi nhiều hơn, do đó dường như các khớp và cơ của chúng ta sẽ cứng hơn một chút. Vận động làm chúng linh hoạt trở lại, ít bị đau.

Giữ ấm. Hãy mặc đồ phù hợp với thời tiết bên ngoài hoặc nhiệt độ trong phòng. Lạnh làm cơ bắp chúng ta cứng lại nên điều quan trọng là phải ăn mặc phù hợp với thời tiết.

Tắm nước nóng hoặc dùng miếng dán ấm cơ thể nếu bạn cảm thấy những cơn đau liên quan đến thời tiết đang đến. Khi làm ấm những nơi bị đau, chúng ta sẽ tăng lưu lượng máu và có thể nới lỏng dây chằng, gân và mô liên kết ở đó.

Ăn lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy các loại thực phẩm như trà xanh, quả mọng, bông cải xanh và ngũ cốc nguyên cám làm giảm viêm. Vì vậy, ăn những thực phẩm có lợi này có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Hãy ăn nhiều trái cây và rau, uống đủ nước, bổ sung vitamin D.

Nếu bị đau đột ngột và dữ dội hoặc nếu cơn đau kéo dài hơn ba tháng - bạn nên đi khám.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận