Cô gái đọc tạp chí Ngọn Cờ

PAVEL SELUKOV 07/04/2024 05:44 GMT+7

TTCT - Truyện ngắn của Pavel Selukov.

Tượng Cô gái trên băng ghế - June Louis

Tượng Cô gái trên băng ghế - June Louis

Đã ba năm nay tôi rời khỏi nhà vào 7 giờ 30 sáng. Rời là rời, chẳng có gì đặc biệt. Tôi căm thù nhà máy. Ghét sự đúc khuôn. Phát ói vì xà beng và xẻng. Lưng tôi luôn đau. Tôi cố hết sức không uống. Xem đi xem lại "Ngày chuột chũi" (1) . Không thấy triển vọng nào. Xót thương mình. Dần dần tôi nảy sinh thù hận thế giới này. Đêm nào tôi cũng nghĩ đến việc quay lại phạm tội. Tôi giữ cân bằng ở ngay rìa. Trong đời tôi chẳng có gì xảy ra. Thời trì trệ len vào cổ áo. "Thiên đường trên mây" (2) không lên đường đến Viễn Đông. Cơn buồn ngủ tâm thần phân liệt.

Tháng sáu năm 2011 tôi bước ra đường và bắt gặp một cô gái trên băng ghế. Tóc nâu. Gầy. Tiều tụy. Hoặc là con nghiện, hoặc là kẻ lang thang, hoặc tất cả cùng lúc. Tuổi chừng hai lăm. Tôi sẽ không chú ý đến cô ta nếu không có cuốn tạp chí cô ta đang đọc. Cô ta đọc tạp chí Ngọn Cờ năm 1996. Chuyện đó thật lạ và đẹp. Bình minh. Những tia sáng chiếu cô từ phía sau. Xung quanh là khu vực nhà máy, cô đang đọc một cuốn tạp chí văn học dày trong thời đại Internet. Sự tương phản hoang dã. Mỗi lần đi ngang cô, tôi đều chậm bước, hy vọng bắt gặp ánh mắt cô. Tức lần đầu tiên tôi đơn giản đi ngang cô, để đánh mất ấn tượng ban sáng trong cái ồn ào nhà máy.

Quả thật, khi rời nhà hôm sau và lần nữa thấy cô trên băng ghế, tôi rất vui. Tôi thậm chí không biết tại sao. Dòng người chảy ngang qua, hối hả đi làm, còn cô đọc tạp chí và chẳng thuộc về ai. Tôi không phải thủy thủ, nhưng có lẽ những thủy thủ phản ứng như thế khi cập bến do chỉ nhìn thấy biển suốt một thời gian dài. Mà có thể, tôi đang phóng đại, bởi mọi người luôn phóng đại như thế khi nghĩ về quá khứ.

Sang ngày thứ năm tôi thức dậy hồi hộp. Tôi nghĩ hôm nay cô ấy sẽ không có trên băng ghế, và nếu có, tôi sẽ đến gặp cô và nói gì đó. Sẽ nói "chào" hay "công việc thế nào?". Hoặc đơn giản là ngồi cạnh và hút thuốc với vẻ độc lập. Tôi lo lắng đánh răng và bỏ bữa trưa vào túi xách. Vợ nói:

- Hôm nay anh có vẻ bồn chồn. Chuyện gì vậy?

- Không có gì.

- Anh có yêu em không?

Và cái nhìn tò mò. Gần đây cô ấy thường hỏi vậy. Và tôi thường trả lời máy móc:

- Dĩ nhiên, yêu.

Rồi sau cố tin vào điều đó. Chính xác hơn là cố hiểu - mà tôi yêu cô ấy ra sao? Mười năm hôn nhân. Một bãi rác buồn đau ở sau lưng. Chúng tôi cưới nhau khi cô mười tám và tôi hăm ba. Tôi yêu cô ấy như con gái? Hay như một đề án sư phạm của mình? Như một người họ hàng? Như tình nhân? Như vợ? Từ đâu giữa chúng tôi mọc lên Vạn Lý Trường Thành ghẻ lạnh, nếu mỗi ngày chúng tôi đều thú nhận tình yêu với nhau? Chúng tôi được liên kết bởi một cảm xúc sống động hay một lối sống chết chóc? Hay đơn giản là chúng tôi tỏ lòng tôn kính chủ nghĩa bảo thủ? Tôi không biết. Một phút trước đối với tôi có vẻ như thế này, phút tiếp theo lại khác. Còn với cô ấy, có Chúa mới biết. Chúng tôi sợ nói về chúng tôi. Chúng tôi giữ im lặng và mỉm cười. Lần này tôi không cười. Và cũng không nói về tình yêu. Tôi làm điều đó trong vô thức. Đơn giản là tôi nghĩ về cô gái với cuốn tạp chí. Vợ phản ứng:

- Gleb, sao anh im lặng?

- Hả? Anh trễ rồi. Anh yêu, dĩ nhiên. Tạm biệt.

Tôi chộp túi xách và đi ra hành lang. Mang giày thể thao. Xuống tầng một. Tới cửa tôi đứng sững. Tôi sợ mở nó ra. Nếu đột nhiên trên băng ghế không có ai? Nếu bỗng nhiên cô ấy biến mất, và tôi không thấy cô ấy nữa? Khi đó thì sao? Tiếp tục sống? "Sống tiếp!". Tôi có thể nói gì đó khó chịu với chính mình. Tôi nghiến răng và bước ra hàng hiên. Cô gái đang đọc tạp chí. Tôi tiến đến gần. Cô bỏ cuốn tạp chí xuống và nhìn thẳng. Những đường nét cân đối. Cái cằm ương ngạnh. Đôi môi mím lại. Mắt xanh.

- Xin chào.

- Xin chào.

- Công việc thế nào?

- Tốt, còn anh?

Tôi luống cuống. Tôi có một nhu cầu không thể kiểm soát được là nói ra sự thật, toàn bộ sự thật và không gì khác ngoài sự thật. Tôi không biết tại sao.

- Tôi ngồi nhé?

- Ngồi đi.

Tôi ngồi xuống.

- Cô có hút thuốc không?

- Có.

- Hút đi.

Tôi lấy ra gói thuốc. Chúng tôi bắt đầu hút .

- Cô đọc Ngọn Cờ?

- Ở đây có những bài thơ cuối cùng của Brodsky. Và "Chapaev và sự trống rỗng".

- Tại sao mỗi sáng cô lại ngồi đây đọc tạp chí?

- Vậy sao anh không ngồi?

Tôi cười.

- Bây giờ tôi đang ngồi đây.

- Không, anh sẽ tới nhà máy.

- Tôi sẽ không đi.

- Được rồi. Tôi đọc cho anh nghe gì nhé?

- Đọc đi.

- Đặt đầu nằm lên đùi tôi đi.

- Để làm gì?

- Tôi thấy vậy trong phim. Tôi muốn vậy.

Tôi nằm xuống băng ghế và đặt đầu lên gối cô. Trong tôi có một lớp mô nào đó đang rách. Những người quen đi ngang qua. Tất cả họ đều có ánh mắt nai tơ. Bề ngoài tôi thoải mái và tự do nhưng bên trong tôi đang đếm từng phút. Hai mươi phút nữa vợ tôi sẽ ra khỏi cổng để lên xe điện. Điều ấy khiến tôi không thể tận hưởng khoảnh khắc này. Cô gái lật cuốn tạp chí và đọc "Cornelius Dolabella" (3). Giọng ngân vang trôi trên đầu tôi, giống như... Giống như một câu chuyện tình lãng mạn của người digan ở Detroit.

- Đẹp.

- Lạnh lẽo.

- Cô đang nói về cái gì?

- Quá cẩm thạch.

- Cô không thích cẩm thạch à?

- Thích. Nhưng anh đã thử ép tim mình vào nó chưa? Đây hãy nghe "Thị trấn nhỏ". Chúng ấm áp hơn.

- Đợi đã. Hãy rời khỏi đây.

- Tại sao?

- Bởi vì trong hai mươi phút nữa vợ tôi sẽ ra khỏi cổng.

- Tôi tưởng anh lớn hơn.

Tôi nổi nóng. Cô ấy gọi tôi là con người nhỏ bé.

- Được. Chúng ta sẽ không đi đâu cả.

- Vợ anh sẽ tấn công tôi à?

- Không, tôi không biết cô ấy sẽ làm gì.

- Anh nằm trên lửa à?

- Đọc đi. Cô tên gì?

- Dasha.

- Gleb.

- Cái tên ngốc nghếch.

- Tại sao?

- Nghe như một tiếng vang. Giống như ném hòn đá xuống sông. Gleb-gleb-gleb. Anh có biết cách "thả ếch" không? Kiểu lia những viên đá phẳng khiến chúng nhảy trên mặt nước ấy?

- Biết.

- Anh dạy tôi nhé?

- Tôi sẽ dạy.

- Cảm ơn. Chúng ta đợi vợ anh rồi ra sông Kama nhé?

- Được. Có lẽ vậy.

Dasha bắt đầu đọc "Chapaev và sự trống rỗng" khi vợ tôi bước khỏi cổng. Cô dừng lại bên chiếc ghế dài. Nghĩa đen là đóng băng. Đầu tôi tựa vào lòng Dasha và mắt tôi nhìn vợ tôi. Người vợ nói:

- Tôi trễ xe rồi. Chúng ta sẽ nói chuyện vào buổi tối.

Và cô ấy rời đi. Tôi cũng rời đi. Tôi dạy Dasha "thả ếch". Đốt lửa. Đi bộ trên sà lan. Ngồi trong một căn phòng nồi hơi cũ trên bờ. Uống rượu. Hôn nhau, nhưng không tiến xa hơn. "Sao, cô muốn gì?" - Tôi nói với cô. "Không có gì. Tất cả chúng ta đều chẳng là gì cả. Cái tuyệt mỹ chính là ở đó".

Buổi tối tôi trở về nhà. Vợ tôi tấn công tôi bằng những câu hỏi. Tôi im lặng, nói gì với cô ấy bây giờ. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Buổi sáng, đúng 7 giờ 30, tôi ra cổng. Không thấy Dasha đâu cả. Tạp chí Ngọn Cờ nằm trên băng ghế. Tôi lật nó trên tay. Xem qua các trang. Ở trang cuối cùng tôi tìm thấy một khổ thơ bốn câu viết bằng bút xanh:

Ta vĩnh viễn chia tay nhau, bạn nhỏ

Buổi chia ly hãy vẽ một vòng tròn nhỏ

Đó sẽ là tôi, cõi lòng trống rỗng

Hãy ngắm kỹ nó đi, rồi hãy xóa

Tôi kẹp cuốn tạp chí dưới cánh tay, châm một điếu thuốc rồi đi đến nhà máy. Tôi đã dàn hòa với vợ. Phải giết chết những Dasha này. Kẻ phá hoại gia cang chết tiệt. Tay phóng đãng. Cô ta đã cho tôi rơi thật đẹp, bạn biết đấy. Tôi đã lỡ ca làm việc vì cô ta. Suýt chút nữa tôi phải cầu xin quản đốc Savelich đừng tước tiền thưởng của tôi. Chúng tôi đã ra sông Kama... Thật là ngu ngốc. Thôi miên! Đó là điều tôi đã nói với vợ tôi - thôi miên. Liệu tôi có thực sự nằm trên một chiếc ghế dài trên đùi ai nếu không có thuật thôi miên? Cô ta không thích Gleb. Cô ta nói nó như một tiếng động. Bản thân cô ta mới là tiếng động. Một con nghiện ma túy toàn tập. Tất cả mọi người đang làm việc còn cô ta đọc tạp chí trong các cửa hàng. Những kẻ như vậy cần phải cách ly khỏi xã hội. Sống bám không phải là tự do. Còn tờ tạp chí đó… Tôi đã giấu kỹ nó suốt bảy năm. Dưới các thiết bị. Ở tủ sau. Tôi không thể vứt nó đi. Tôi không biết tại sao. Con khốn.

Đó là những gì tôi nghĩ lúc đầu. Sau đó tôi bắt đầu phân tích. So sánh. Phỏng đoán. Và bạn biết không? Chuyện này không thể xảy ra. Không phải trong thực tế này. Quá kỳ lạ. Dasha, nằm trên đùi, Cornelius Dolabella, sông Kama, rượu, những nụ hôn... Đúng ở lối vào nhà tôi. Đúng lúc tôi rơi vào bế tắc. Như cố tình. Hoặc có thể, là cố ý. Một tháng sau tôi đã bị thuyết phục về điều ấy. Dasha, nàng không chỉ đến với tôi. Ở Hemingway có hình tượng của nàng. Ở nhà thơ Nga Mariengof. Lev Tolstoy đã nhìn thấy nàng trước khi chết. Makar Stakhov trong cuốn sách Những ngôi sao và những rãnh nước mô tả sự tái lâm thứ hai của Đức Mẹ đồng trinh Maria, khi người tập hợp các tông đồ mới. Đấy Dasha giống như đúc Đức Mẹ Maria. Trong vở opera "Juno và Avos", Mẹ Thiên Chúa Kazan cũng chính là nàng. Cuối cùng tôi đã giác ngộ ở Bảo tàng Pushkin. Năm bức tranh của Raphael đã được mang đến đó. Có dịp đi ngang Matxcơva, tôi đã đến xem. Bốn bức tranh không để lại nhiều ấn tượng với tôi, nhưng trước bức thứ năm tôi gần như ngất đi. Nó thậm chí còn không phải là một bức tranh, chỉ là phác họa nghiêng một cô gái bằng than. Đơn giản đó là phác thảo Dasha của tôi. Tôi nhận ra mình là người được chọn. Được chọn bởi ai? Được chọn để làm gì? Tôi không biết. Tôi chỉ biết mình cần đọc Ulysses và tập xà đơn. Tôi sống cuộc sống cũ của mình. Kiên nhẫn đợi chờ. Đá sỏi vào lề đường. Nếu nó bật sang phải, mọi thứ sẽ thành sự thật. Nếu sang trái thì không. Trong tháng qua, nó đã bật sang phải 47 lần và sang trái 23 lần. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt. Tôi ghi nó vào một cuốn sổ. Tôi theo dõi.■

Phan Xuân Loan (dịch từ tuyển tập Kiếm Tarkovsky)

1) Groundhog Day - phim hài giả tưởng ra mắt năm 1993 của đạo diễn Harold Ramis (Mỹ), kể về một biên tập viên thời tiết được phân công đến xứ Punxsutawney (Pennsylvania) giá lạnh ghi hình cho sự kiện "Ngày chuột chũi". Mọi thứ đều bình thường cho đến khi nhân vật phát hiện ra anh ta sẽ phải sống đi sống lại mãi ngày 2/2 đó đến vô tận.
2) Tên một phim hài Liên Xô ra mắt tháng 10-1990 (đạo diễn Nikolai Dostal, Andrei Zhigalov đóng vai chính) kể về một nhân vật ở một tỉnh lẻ buồn chán, đơn điệu, vì muốn thu hút chú ý đã bịa ra chuyện thăm bạn ở Viễn Đông, khiến anh ta trở thành người hùng địa phương.
3) Nhà lãnh đạo quân sự La Mã và chính trị gia thuộc gia đình quý tộc Cornelian (năm 69-43 trước Công nguyên), con rể của Cicero, tham gia các cuộc nội chiến vào cuối nền Cộng hòa (49-45) bên phía Caesar.
Pavel Selukov

Pavel Selukov

Pavel Selukov sinh năm 1986 tại ngoại ô thành phố Perm (Nga), bắt đầu viết văn xuôi ở tuổi 30. Halulaets - tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản vào tháng 3-2019. Năm 2019, tuyển tập Kiếm Tarkovsky. Những câu chuyện không trí tuệ đã lọt vào vòng chung kết của hai giải thưởng văn học danh giá Sách lớn và Sách bán chạy nhất quốc gia. Cuốn sách thứ ba, Tôi đã là Anna như thế nào, xuất bản năm 2021 cũng giành được sự chú ý với truyện ngắn "Người di cư từ Bednoland" đoạt giải thưởng văn học Katayev.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận