Có nên điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân?

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 01/06/2008 21:06 GMT+7

TTCT - Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy năm tháng đầu năm 2008 lạm phát đã đạt mức 15,96% so với tháng 12-2007.

Phóng to
Ảnh biếm học trong tuần

Tình hình lạm phát đang khiến người dân phải đối mặt với những khó khăn lớn và đó là lý do để nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét điều chỉnh lại pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đang áp dụng và điều chỉnh biểu thuế, mức giảm trừ gia cảnh của Luật thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) trước khi luật này có hiệu lực từ 1-1-2009.

TTCT trao đổi với bà NGUYỄN THỊ CÚC - nguyên tổng cục phó Tổng cục Thuế, chủ tịch Hội Tư vấn thuế.

* Quan điểm của bà thế nào về việc điều chỉnh lại pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đang được áp dụng với khoảng 300.000 người nộp thuế khi mà tình hình trượt giá tăng cao?

- Theo qui định của pháp lệnh, trong trường hợp giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các mức bằng tiền trong biểu thuế thuế thu nhập cho phù hợp. Tuy nhiên, muốn điều chỉnh pháp lệnh thì phải đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, nhưng tôi được biết chương trình năm nay không có nội dung này và pháp lệnh chỉ còn hiệu lực đến hết năm nay khi chúng ta áp dụng Luật TTNCN.

* Vậy có nên xem xét điều chỉnh Luật TTNCN trước khi luật có hiệu lực?

- Nếu là thuế thu nhập cao thì khi tình hình kinh tế biến động sẽ phải xem xét điều chỉnh, còn TTNCN thì tôi cho rằng không cần có sự điều chỉnh.

* Vì sao vậy, thưa bà?

- Theo qui định của Luật TTNCN, biểu thuế có thuế suất khởi điểm 5% áp dụng đối với thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng là thuế suất thông dụng được nhiều quốc gia áp dụng hiện nay, còn thuế suất cao nhất với mức 35% áp dụng đối với thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng cũng là mức thuế suất trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Như vậy biểu thuế theo Luật TTNCN của VN là hợp lý, không cao.

Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC KIÊN:

Không điều chỉnh

Tôi được biết trước tình hình lạm phát Chính phủ có bàn đến việc xem xét lại pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao nhưng sẽ theo hướng không điều chỉnh, vì từ ngày 1-1-2009 chúng ta sẽ áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân thay cho pháp lệnh này.

Thời gian pháp lệnh còn hiệu lực chỉ còn mấy tháng và số người có thu nhập cao phải nộp thuế theo pháp lệnh cũng không nhiều. Tôi cho rằng chúng ta tiếp tục thực hiện theo pháp lệnh cho đến khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực. Những người đang nộp thuế thu nhập cao đương nhiên là những người có thu nhập cao nên nếu bị gọi là thiệt thì cũng coi như đó là đóng góp thêm cho đất nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay và số tiền đó để ủng hộ người nghèo.

* Nhưng có ý kiến cho rằng trước khi tính thuế, mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng là thấp so với bối cảnh giá cả tăng vọt hiện nay?

- Mức giảm trừ gia cảnh qui định trong luật của chúng ta cao gấp 6,6 lần GDP, thuộc mức giảm trừ gia cảnh cao nhất trong khu vực. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mức giảm trừ đó không có nghĩa đấy là số tiền để đảm bảo đủ mức sống của người nộp thuế, người phụ thuộc, mà mức đó chỉ là mức được trừ đi trước khi tính thuế để có tính đến hoàn cảnh cụ thể của người nộp thuế. Vì vậy, do là TTNCN nên dù giá cả thay đổi chúng ta cũng không cần thiết điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh.

Lấy ví dụ, một người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng và phải nuôi hai con thì bản thân người đó được trừ 4 triệu đồng, hai con được trừ 3,2 triệu (1,6 triệu đồng/người phụ thuộc), tức là được giảm trừ tổng cộng 7,2 triệu đồng. Thu nhập còn lại để tính thuế sẽ là 2,8 triệu. Với số tiền này thì mức thuế phải nộp là 5%, tương đương 140.000 đồng.

Như vậy, nếu một người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng và nuôi hai con nhỏ thì chỉ phải nộp thuế 140.000 đồng nên họ sẽ còn 9.860.000 đồng chứ không phải họ chỉ sống vào 4 triệu và 3,2 triệu đồng được giảm trừ. Số tiền phải đóng thuế này thấp hơn rất nhiều so với áp dụng theo pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao như hiện nay, vì nếu theo pháp lệnh thì một người thu nhập 10 triệu đồng/tháng dù sống độc thân hay nuôi hai con cũng vẫn phải đóng thuế 500.000 đồng.

Tôi phân tích vậy để thấy biểu thuế và mức giảm trừ gia cảnh qui định trong Luật TTNCN là hợp lý, không cần điều chỉnh khi lạm phát tăng.

* Thưa bà, phải chăng cơ quan thuế không muốn xem xét điều chỉnh luật vì sợ ảnh hưởng giảm thu ngân sách?

- Khi ban hành Luật TTNCN, mục tiêu được đặt ra là trong thời gian đầu có thể không tăng về thuế hoặc chỉ tăng do mở rộng các loại thu nhập về đầu tư, thu nhập về chuyển nhượng vốn... Nếu mình sợ thất thu thì đã không điều chỉnh từ pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thành Luật TTNCN.

Khi xây dựng luật chúng ta đã tính dự báo đến năm 2009. Tất nhiên thời điểm đó chỉ số trượt giá không cao như bây giờ. Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo cũng đã giải trình số tiền giảm trừ gia cảnh của ta cao hơn rất nhiều so với các nước. Nhưng tâm lý của người dân lại coi mức giảm trừ gia cảnh là mức để đủ sống nên bây giờ lạm phát thì muốn tăng mức giảm trừ gia cảnh lên. Chúng ta nên hiểu đúng mức giảm trừ chỉ là số tiền được trừ đi trước khi tính thuế thì sẽ không còn băn khoăn nhiều nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận