Có thể làm gì hơn cho người nghèo?

DU LONG 09/06/2012 00:06 GMT+7

TTCT - Ba báo cáo công phu: một của Ngân hàng Thế giới (WB), một do Oxfam Việt Nam và ActionAid công bố gần như đồng thời trong tuần trước cùng báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về phát triển con người 2011 một lần nữa đưa ra những bình luận và khuyến nghị đáng lưu tâm cho Việt Nam trên bình diện xóa đói giảm nghèo.

Phóng to
Bữa cơm trưa với độc một món canh mồng tơi của gia đình bà Bùi Thị Mậu xã Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình - Ảnh: Thuận Thắng

Mỗi năm đến đầu mùa hè, các nước và tổ chức tài trợ cho Việt Nam lại nhóm họp tại một tỉnh vừa tương đối “khá lên” của Việt Nam để làm công việc tư vấn cho các cơ quan chính quyền Việt Nam. Năm nay, một lần nữa, các nhà tài trợ lại nhấn mạnh đến công việc xóa đói giảm nghèo, nhất là khi Việt Nam đang bước vào một giai đoạn khó khăn mới.

Những tư vấn đáng giá

Cái tên gọi “Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam” quá dài và gồm nhiều thành tố, nhiều khi khiến cho người quen đi họp chỉ tập trung vào hai chữ “tài trợ”, nôm na là “tiền” mà quên đi khía cạnh quan trọng hơn rất nhiều là “tư vấn”. Như mẩu tin sau của một trang báo điện tử ngày thứ hai 4-6-2012: “Các nước bàn chuyện tài trợ cho Việt Nam: là kỳ họp giữa năm, hội nghị diễn ra trong hai ngày (4 và 5-6) tại Quảng Trị nhiều khả năng sẽ không làm thay đổi nguồn ODA - vốn được cam kết ở mức 7,4 tỉ USD cho Việt Nam trong năm nay”.

Không thừa khi nhắc lại một lần nữa, cái tên rút ngắn của hội nghị “CG” chính là cho cụm từ consultative group (nhóm tư vấn).

Năm nay, các báo cáo nhắc nhiều hơn, cụ thể hơn đến chuyện giảm nghèo. Báo cáo của Oxfam và ActionAid Việt Nam công bố cuối tuần qua về chuyện giảm nghèo tại nông thôn trong năm năm (từ 2007-2011) là một trong những đóng góp đó. Những cuộc điều tra chi tiết lặp lại hằng năm tại 600 hộ gia đình ở chín địa điểm nông thôn và ba địa điểm đô thị ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam đã cho phép đưa ra những nhận xét đáng quan tâm.

Khen cũng có như “Đã có những thay đổi tích cực trong số 600 hộ gia đình điều tra, với 55% cảm nhận rằng đời sống của họ “tốt hơn” trong năm năm qua”, nhưng cảnh báo cũng không thiếu. Trong đó có nhận xét tổng quan sau: “Những thách thức vẫn còn phía trước dù Chính phủ đã có một số cải cách từ năm 2007 nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và giúp các hộ gia đình còn lại thoát nghèo. Vẫn còn gần hai trong số năm người được hỏi tại các điểm quan sát không thấy hoặc không chắc là cuộc sống họ có sự thay đổi, và có tới 9% còn cho rằng cuộc sống của họ “kém đi” trong năm năm vừa qua”.

Sự sung túc nhìn thấy, sờ thấy hoặc sống trong đó hằng ngày ở thành thị đã ít nhiều che khuất thực tế nghèo đói mà nghiên cứu mô tả như sau: “Là nước đứng đầu trong việc xuất khẩu một số nông sản nhưng nhiều nhóm dân số vẫn chưa đủ ăn. Năm 2007, có 23% hộ gia đình được phỏng vấn tại các điểm quan sát thiếu lương thực. Mặc dù tỉ lệ này giảm đi gần 1/3 vào năm 2011, số tháng thiếu lương thực thường xuyên của hộ gia đình lại tăng thêm sáu tuần mỗi năm. Tại mỗi địa bàn vẫn còn một bộ phận người dân thuộc diện “nghèo lõi” thường xuyên thiếu ăn”.

Có một thực tế mà khi đề ra và thực hiện những chính sách nông thôn không thể không lưu ý: “Việc làm phi nông nghiệp mang lại thu nhập cao hơn cho người lao động, mặc dù thường phải đi làm ăn xa”. Cho nên trước vấn nạn di dân ngày càng tăng, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là làm gì để nâng cao thu nhập cho người ở lại.

Nghiên cứu gợi ý giúp nông dân “sản xuất theo hướng đa dạng hóa, thâm canh và phát triển chăn nuôi. Đa dạng hóa giúp người dân chống đỡ với rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng lao động và hiệu quả sử dụng đất”. Đồng thời nhắc nhở: “Mức sinh lời từ chăn nuôi gia súc vẫn thấp (trâu bò mỗi năm chỉ đẻ một lứa, mỗi lứa một con) và lệ thuộc vào rủi ro về thời tiết và dịch bệnh”. Nhất định còn rất nhiều việc để làm cho mọi ban ngành trung ương và địa phương.

Còn đối với những người phải tha phương cầu thực thì theo nghiên cứu “trong những năm vừa qua tiền để dành và gửi về quê giảm do chi phí sinh hoạt đô thị tăng và thu nhập của họ tăng không tương ứng”. Làm sao để người “di cư” ra các thành phố có thể giữ vững được thu nhập so với vật giá ngày càng tăng trong giai đoạn khủng hoảng này, mà không phải bằng cách làm thêm quá nhiều giờ phụ trội, là câu hỏi thứ nhì cần đặt ra.

Gần đây, Quốc hội đã tỏ ra vô cùng hữu lý khi đề nghị tăng lương song không tăng giờ làm thêm. Đây là một kinh nghiệm đã được chứng thực ở Pháp, khi chủ trương “Làm nhiều hơn để lãnh lương nhiều hơn” của cựu tổng thống Sarkozy bị các nghiệp đoàn cánh tả, cánh hữu nhất loạt tẩy chay cho là “tiếp tay cho giới chủ giảm bớt chi phí khi không tạo thêm chỗ làm mới và bóc lột sức lao động...”.

Phóng to

Đừng để “giàu ba họ, khó ba đời”

Trong mọi chính sách, chủ trương xóa đói giảm nghèo cũng như kinh tế - xã hội, cụm từ “phát triển bền vững” thường được lặp đi lặp lại, nhiều khi như một “khẩu hiệu” không thể thiếu. Sâu xa mà nói, tính từ “bền vững” này, nếu các chính sách không tập hợp các chú giải chính xác và thực hiện tốt, sẽ mang một ý nghĩa bi thảm: cái nghèo sẽ “bền vững”, nếu phát triển không bền vững.

Đây chính là điều mà báo cáo “Phát triển con người “của UNDP đã cảnh cáo: tính “bền vững” trong nghèo khó qua góc độ địa lý như là một “tiền định” mà nếu không khéo sẽ không giúp người nghèo thoát ra được. Ngay cả nơi cư trú cũng “có vai trò trong việc làm giảm hoặc tăng khả năng bỏ học ở trẻ em từ 11-18 tuổi”, liên quan chặt chẽ với bất bình đẳng thu nhập, với sự chênh lệch giữa các vùng và các tỉnh rất lớn và rõ rệt.

Sau nhiều thập niên, ở Việt Nam nghèo đói và thiếu thốn vẫn cứ tập trung ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa và khu vực nông thôn, đặc biệt là miền núi và trung du Bắc bộ, duyên hải Bắc Trung bộ và Tây nguyên.

Chuyện cũ chưa giải quyết dứt điểm, thì chính WB, trong báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam đưa ra tại kỳ CG này lại thẳng thắn nhận định tiếp: “Tốc độ giảm nghèo đã chậm lại và những rủi ro mới nổi lên”, trong đó “Nghèo đói ngày càng tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chỉ chiếm 15% tổng dân số nhưng chiếm đến gần một nửa số người nghèo và hai phần ba số người nghèo cùng cực.

Và trong những năm gần đây, các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình tăng trưởng so với những nhóm còn lại, hệ quả là làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập” (trang 19).

Xóa đói giảm nghèo là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hiệp Quốc đề ra. Đó là một chính sách vị nhân sinh chứ không vị thành tích, đồng thời cũng là một đảm bảo cho sự ổn định được bền vững. Vì vậy những lời nhắc, cả chuyện cũ lẫn chuyện mới kể trên mới chính là phía đòn gánh trĩu xuống chứ không phải chỉ là sức nặng của những cam kết tài trợ tăng liên tục qua các năm (5 tỉ USD năm 2008, 5,9 tỉ USD năm 2009, 8 tỉ USD năm 2010, 7,9 tỉ USD năm 2011 và 7,4 tỉ USD năm 2012). Cuộc chiến chống đói nghèo, vì vậy sẽ ngày càng khó khăn hơn.

5 năm giảm nghèo chật vật

Năm năm (2007-2011) là giai đoạn đầy khó khăn với công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.

Lạm phát tăng cao là một vấn đề nóng của Việt Nam kể từ năm 2007 đến nay... Tại những xã có điều kiện sản xuất hàng hóa lớn, giá bán bình quân trong năm 2011 của sản phẩm lúa và ngô tăng khoảng 25-30%, cà phê tăng khoảng 50%, trong khi giá các vật tư đầu vào chính tăng khoảng 25-30% so với năm 2010. Tại một số địa bàn khác, mức tăng của giá bán các nông sản chính lại thấp hơn mức tăng của giá vật tư, hình thành “giá cánh kéo” gây bất lợi cho nông dân.

Phương án phổ biến của người nghèo là tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là mua thịt cá và chuyển sang thực phẩm rẻ hơn như trứng, đậu hay cá khô hoặc đồ ăn tự đánh bắt, giảm tiêu thụ điện. Các loại chi phí xã hội cho lễ đám trong năm cũng được người nghèo cắt giảm tối đa. Tại các xã vùng núi dân tộc thiểu số, khi giá lương thực tăng, người nghèo thường dựa vào thiên nhiên như đi hái rau, măng hoặc nhặt củi, câu cá để cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập.

Theo Oxfam/ActionAid Việt Nam, cơ chế xác định đối tượng trong các chính sách an sinh xã của Việt Nam không đầy đủ, không xác định được các nhóm nghèo khác nhau và sử dụng các tiêu chí và định nghĩa trùng lặp. Hỗ trợ xã hội (theo nghị định 67) mức thấp nhất được điều chỉnh từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/tháng, vẫn quá thấp so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ hiện nay. Oxfam và ActionAid khẳng định: cứ mười gia đình nghèo thì chỉ có một hộ nhận được hỗ trợ xã hội từ nghị định này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận