TTCT - Một năm ít phù hoa, hào nhoáng và ầm ĩ. Không có những lời lập ngôn ngạo nghễ, không trình diễn vẻ ngoài trau chuốt và điệu đà như một 9x. Tĩnh lặng và yên ắng. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để gặp đạo diễn sân khấu Việt Tú. Phóng toTTCT - Một năm ít phù hoa, hào nhoáng và ầm ĩ. Không có những lời lập ngôn ngạo nghễ, không trình diễn vẻ ngoài trau chuốt và điệu đà như một 9x. Tĩnh lặng và yên ắng. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để gặp đạo diễn sân khấu Việt Tú. Đầu năm 2008, khi đạo diễn chương trình Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak) tại VN, Việt Tú bắt duyên và xin làm con của Đức Phật, dưới dạng tu tại gia. Có thụ lễ, có chính danh hẳn hoi, pháp danh là Thích Quảng Minh, nhưng phật tử này không biết niệm kinh, chẳng đọc sách Phật cũng chẳng ăn chay vào ngày rằm và ngày lễ. Tự biện hộ cho thói “đời hóa” của mình, Việt Tú nhủ chẳng qua là mình làm nhiều việc, phải ăn thịt nhiều mới có năng lượng! Thôi thì sư phụ thông cảm. Chỉ cần con sống biết trước biết sau, có lòng thành, tâm tin vào Phật, biết luật nhân quả là được... Có lẽ nhờ vậy mà anh chàng đằm tính và bớt ngạo nghễ hơn trước, nhưng cái cổ áo thì lúc nào cũng dựng đứng như thách thức người đối diện... Cá tính chỉ huy Không ít phóng viên thất vọng khi gặp Việt Tú. Họ mong chờ anh trả lời những câu xóc mé trong cái giới rất ồn ã này, giới showbiz. Hoặc ít ra moi ở anh một vài câu trả lời “ngớ ngẩn”, “lố bịch” để tạo xìcăngđan... Nhưng ai ngờ, Tú quá khôn ngoan. Anh đưa ngay nguyên tắc cho người đối diện: thứ nhất, không được hỏi về quan điểm nhận xét cá nhân; thứ hai, đừng hỏi về chuyện riêng tư. Nhưng lạ là chẳng ai chối được cá tính của anh. Đúng là có cá tính thật. Rất riêng biệt, không bao giờ đụng chạm ai. Đó là cách mà anh điều hành êkip của mình. Phát huy cá tính mỗi thành viên một cách tối đa và tìm cách lắp ráp cho thành một tổng thể hoàn chỉnh. Anh không áp đặt cá tính của mình vào khối người cũng xù xì và gai góc khôn kém kia, vì biết làm thế sẽ thất bại, sản phẩm của mình sẽ dang dở. Tú còn quá trẻ so với khối lượng công việc mà anh từng làm. Anh chuyển việc và nhảy việc nhanh như con châu chấu. Muốn là làm, mà làm là phải làm được. Thời Tú mới vào nghề để tìm đất sống bên cạnh các đạo diễn đàn anh đã nổi tiếng, những đạo diễn trẻ như Việt Tú không có cách nào khác là phải khai hoang và lập thân ở mảnh đất cằn cỗi không ai thèm ngó ngàng tới. Giống một trò chơi chiến thuật nhưng cũng đầy bản năng và thách thức, Tú lập cho mình một con đường: xác định đối thủ của mình gồm những ai, họ cách xa mình bao nhiêu về mặt kỹ thuật, mình có những ưu điểm, nhược điểm gì... Nhược điểm thì chưa rõ, nhưng cái ưu lớn nhất của anh là tuổi trẻ và cách một người trẻ thuyết phục những người già và trẻ khác. Nghe Tú nói chuyện qua điện thoại là rõ ngay: “Tú tin X.. Việc đó Tú sẽ không hỏi đến nữa nhé. X. chắc chắn sẽ làm được”. Nếu là người khác, họ sẽ nói thế này: X., mày phải làm thế này. Mày làm thế kia là hỏng. Nếu có gì sai hoặc mày làm trật, mày sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm... Tin và biết cách trao niềm tin cho người khác là phẩm chất lãnh đạo mà không phải ai cũng có được. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi ngay từ lúc mới “lập thân”, Việt Tú đã mời được rất nhiều nhân vật sừng sỏ trong mọi giới cùng tham gia làm chương trình với mình, như họa sĩ Trương Tân, họa sĩ Đinh Công Đạt, họa sĩ Minh Thành, nhạc sĩ Quốc Trung... Tất cả đều là đàn anh và nổi tiếng hơn Tú ngàn lần. Dám Đại dương. Đại dương ám ảnh Enzo và Jack trong phim Le Grand bleu (Đại dương xanh) của đạo diễn nổi tiếng người Pháp Luc Besson tới mức họ chọn cái chết vì không muốn ngoi lên mặt nước. Việt Tú không bị ám ảnh tới mức vậy, nhưng anh cũng không sao thoát khỏi sự quyến rũ đến mê hoặc của mặt nước xanh thẫm đầy bí ẩn. Lần nào đến Nha Trang, Tú cũng phải lặn. Lặn mà không dùng bình thở. Lấy cái kẹp mũi và chui xuống dưới, bơi sâu xuống màn đêm của biển. Bơi mãi, bơi mãi. Khi áp suất nước ù ù khiến tai đau nhói và lồng ngực khó thở, Tú mới thả lỏng người trồi lên. Tú có những cú nhảy liều và ngu ngốc không thể tưởng tượng nổi. Vì một sự thách thức từ đám trẻ con dân chài, anh từng nhảy từ trên cầu xuống dưới sông. Lần khác nhảy từ cần cẩu xuống mà không biết rằng với độ cao như thế, mặt sông có thể biến thành... mặt sân ximăng. Nhảy nhưng không sợ. Nhảy vì sự hiếu thắng và tính “chiến đấu” của một hiệp sĩ thò lò mũi xanh. Sau này khi trưởng thành, nhờ tính ương bướng và hiếu thắng ấy, Tú chẳng sợ điều gì, ngay cả làm những dự án đầy thách thức mà như anh nói, chẳng khác gì bắt một học sinh tiểu học giải toán cao cấp của đại học. Có vẻ như câu hỏi có dám hay không lại càng kích thích Tú. Ca sĩ Hà Trần khi mời Việt Tú đạo diễn cho live show Nhật thực - live show được coi là ấn tượng và thành công nhất của Hà Trần cho tới tận bây giờ - cũng hỏi Tú câu đấy. Anh trả lời luôn: có gì mà không dám, trong khi kiến thức làm đạo diễn live show vào thời điểm đó của Tú là số 0. Vậy mà Tú làm được, ấn tượng, kỳ lạ và ma quái chẳng kém gì nhạc của Ngọc Đại và tiếng hát Hà Trần. Rồi từ đấy Tú dám nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như làm tổng đạo diễn Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 tại VN. Anh nhận việc mà tim nhảy tanh tách trong lồng ngực. Sung sướng (vì được giao trọng trách lớn) một mà lo lắng mười. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến lễ khai mạc biến thành một thảm họa. Nhưng Tú đã nhận lời. Anh thuyết phục bạn bè bỏ nhà bỏ cửa hàng tháng trời theo anh cùng đoàn phật tử đi khắp nơi chuẩn bị cho ngày đại lễ. Hôm khai mạc, anh mặc áo màu đỏ, đi giày màu đỏ và chắc là cũng khấn vái tứ phương lấy hên. Trời phật phù hộ, đại lễ diễn ra thành công. Tú thở phào nhẹ nhõm. Một cái ngưỡng nữa đã vượt qua. Anh lại leo thêm được một bậc thang mới. Cơn ác mộng Show diễn Cơn ác mộng của người thợ may năm 2006 được thai nghén từ cơn ác mộng thật sự của Việt Tú. Anh bị tê liệt cảm xúc, tê liệt ý tưởng và đề tài, trong khi phải đấu tranh với nhà sản xuất. Họ muốn anh viết một kịch bản để các nhà tạo mẫu thiết kế theo kịch bản đó. Nhưng thời gian thì gấp, mà ý tưởng lại trống rỗng. May thay, khi nhà thiết kế Sylvia Trần đưa ra bộ sưu tập Cơn ác mộng của người thợ may, Tú như vớ được phao trong lúc chết đuối. Mọi ý tưởng về vở kịch - thời trang đã được hình thành. Một sự kết hợp, một khái niệm mới chưa từng biết tới. Với vở kịch - thời trang này, thời trang và người tạo mẫu được tôn vinh như những diễn viên sân khấu thật sự. Mở màn, người thợ may treo ngược người từ phía trên rơi xuống. Anh ta rơi xuống hố đen của chính bộ não anh ta. Không sáng tạo thì người thợ may (hay người nghệ sĩ nói chung) sẽ trở thành tù nhân bộ não của chính mình. Cảnh cuối, người thợ may bay lên trong luồng ánh sáng. Anh ta đã sáng tạo và được giải thoát khỏi hố đen của mình. Cái hố đen của người thợ may cũng là hố đen mà Việt Tú đã rất nhiều lần trải qua. Tú từng trả lời phỏng vấn rằng Tú thích được khen và không ngủ được nếu bị chê. Không phải sợ thất bại mà sợ chính bản thân mình lặp lại. Sự lặp lại và cũ mòn tạo nên sự nhàm chán, đơn điệu giết chết sáng tạo. Một người làm việc tự do như Tú vô cùng cần sự sáng tạo. Anh nếm thử mọi thứ để có sự sáng tạo và sẵn sàng “chôm chỉa” nghệ thuật đương đại từ những người bạn họa sĩ và nhạc sĩ của anh, kể cả “đạo chích” kiến thức từ những người giàu văn hóa đọc (cái này anh thừa nhận mình không có). Nói cho vui, chứ đạo tặc mà thành thục được như Tú là khó chứ không dễ. Nghề đạo diễn sân khấu là nghề của công chúng. Không có công chúng là chết. Không có ánh đèn là sự nghiệp tiêu tan. Chỉ những con thiêu thân mới thích ánh đèn, thích sự phù phiếm và cạm bẫy từ nơi ánh sáng tỏa ra. Người nghệ sĩ là người tạo ra ánh đèn, nhưng cũng là con mồi. Họ là nô lệ của những ảo ảnh do người khác khoác lên. Họ cười nói, rực rỡ, hào nhoáng đến chói lọi. Nhưng khi trở về nhà, họ nằm ụp trong bóng tối của sự cô đơn, rối lạc trong sự nghi kỵ mọi thứ và nghi kỵ chính giá trị bản thân mình. Đó là bi kịch muôn thuở phía sau ánh đèn. Việt Tú tỉnh táo hơn. Có lẽ sự thực dụng là người bạn chí cốt nhất của anh. Thi thoảng, nó véo vào người anh, cho anh đau, kêu ối á. Người bạn này quát: hãy sống với thực tế đi! Và thế là anh thoát ra khỏi những ảo tưởng. Tú tuyên bố công việc và cuộc sống riêng tư của anh cần một khoảng rỗng để... thở. Đi nước ngoài nhiều, có người hỏi Tú: chắc là học được nhiều thứ lắm nhỉ? Anh cười cười, cái mình học được chính là sự cân bằng, cảm hứng sáng tạo đến nhiều nhất từ sự cân bằng. Thế nên 90% công việc của Tú là ở TP.HCM nhưng anh vẫn định cư ở Hà Nội. Hà Nội có những khoảng không gian chậm kỳ diệu mà TP.HCM sầm uất không thể nào có nổi.
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Hàng ngàn người dân xếp hàng xem triển lãm quốc phòng quốc tế HÀ QUÂN 21/12/2024 Sáng 21-12, tại sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội, hàng ngàn người dân xếp hàng từ sớm, có người phải đi từ 5h, 6h sáng để có chỗ xem tốt.
Trường đại học 'đua' đạt chuẩn tiến sĩ MINH GIẢNG 21/12/2024 Đưa ra chính sách thu hút tiến sĩ, buộc giảng viên làm nghiên cứu sinh... là các giải pháp mà nhiều trường đại học đang 'đua' để đạt chuẩn.
Lừa đảo đang nhắm người lớn tuổi có nhiều tiền ĐỨC THIỆN 21/12/2024 Những kẻ lừa đảo đang nhắm đến người lớn tuổi bằng những chiêu lừa khá đơn giản, thậm chí không hề mới.
Vụ chồng bị khởi tố vì ném hỏng điện thoại của vợ: Điện thoại là tài sản chung hay riêng? TUYẾT MAI 21/12/2024 Vụ việc ông Lê Văn Tuấn bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài sản khi ném hỏng chiếc điện thoại của vợ đang được nhiều người quan tâm.