TTCT - Lại đến dịp Vu Lan - ngày lễ chính của Phật giáo hằng năm - để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung, cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước), khuyên con cái tỏ bày sự báo hiếu. Phương Tây có “Ngày của mẹ”: hoa, khăn lụa Hermes, bữa ăn thịnh soạn, nhẫn hạt xoàn, kính lão mới? Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, đong đếm bao giờ cho đủ? Rồi “Ngày của cha”: cà vạt, giày chạy, chai Whiskey, bàn cờ khảm trai, tẩu thuốc gỗ quý? Công cha như núi Thái Sơn cơ mà...Con cái phát sốt, làm đủ mọi thứ để cha mẹ có ngày vui. Và thế là tốt. Cha mẹ cũng chăm bẵm từ thìa bột đầu tiên đến mái ấm trên đầu. Cha mẹ có được mong đợi đền ơn không? Tất nhiên không!Hiếu đễ từ trong gen?Cho phép tôi lấy lùi ngược thời gian xa xa chút. Dạo ấy tôi vào năm thứ nhất ở một trường đại học nước ngoài. Cả ngày cắm đầu vào bài vở, nhưng tối đến thì tất cả sinh viên nước ngoài bâu kín trước cái máy vô tuyến duy nhất ở ký túc xá: một năm dự bị vừa đủ nghe giảng và ghi chép tối giản, phải vớt lại bằng tập nghe chương trình thời sự. Sau đó tự thưởng hai tiếng xem tiếp phim hoặc nhạc.Vốn mê phim từ nhỏ, tôi ngày nào cũng xem trước chương trình và - không khó ở thời chỉ có ba kênh đen trắng - lựa ra một phim hay. Ngày sét đánh ấy giới thiệu một tác phẩm sến kinh điển của Hollywood Đoán xem ai đến ăn tối (Guess who’s coming to dinner).Cũng phải nói thêm xem phim hồi đó rất vất vả vì vừa nghe vừa đoán, song vai chính hôm đó là Sidney Poitier, nam diễn viên Mỹ da màu đầu tiên giật giải Oscar, nên ai cũng háo hức. Chuyện một cô gái da trắng nhà giàu đính hôn với một bác sĩ đen thui tài cao học rộng - vốn đã bất thường hồi thập kỷ 1950, dĩ nhiên - và bi kịch ở chỗ chính bố mẹ anh bác sĩ cũng tự ti và khuyên con trai bỏ cuộc.Để thuyết phục anh con trai cứng cổ, cha anh nói: “Cha mẹ hi sinh tất cả để con ăn học thành tài, con phải biết ơn và nghe lời!”. Và tôi không quên ánh mắt của cậu bạn người Hi Lạp ngồi cạnh khi nghe bác sĩ John Prentice (do Poitier thủ vai) đáp: “Bố mẹ không hỏi con mà cứ sinh ra con thì phải có nghĩa vụ nuôi nấng, chứ con không việc gì phải cảm ơn!”.Hai đứa chúng tôi nhìn nhau và đọc trong mắt nhau sự đồng thuận cao độ: “Đồ khốn nạn, ở nước tao không thể có chuyện đó!”.Vâng, tôi không thạo văn hóa Hi Lạp nhưng biết ở đó cũng phổ biến cảnh “tam đại đồng đường” như ta, còn tôi từ nhỏ đã nghe mãi câu ca dao về núi Thái Sơn, dù không biết nó tận bên tỉnh Sơn Đông xứ Tàu xa lắc. Nhưng đạo làm con và đức tính hiếu thảo thì mặc định bẩm sinh rồi, chẳng cần chứng minh!Tây có khác Ta?Tuổi lớn hơn, tôi nghe khối chuyện mà không dám tin là thật. Ví dụ có bà mẹ dọa tự tử khi con bị trượt thi đại học, vì “tao mặt mũi đâu mà nhìn hàng xóm và cơ quan!”. Không rõ nếu thằng bé nghĩ quẩn mà uống thuốc trừ sâu tự sát - chuyện đã có thật nhiều lần ở xứ này - thì bà mẹ có dễ chịu hơn không?Chúng ta sống quá lâu với cái vòng kim cô nhân tạo, đến nỗi coi đức hiếu đễ là chuyện vô điều kiện vì thực tế cũng được cả xã hội mặc nhiên tôn vinh. Nhưng ít ai dám nhìn ngược lại: liệu bố mẹ có nhất thiết coi đó là nghĩa vụ của con cái không? Tại sao bắt chúng nó phải hoàn tất ước mơ bất thành của mình, mà không cho sống cuộc đời như chúng chọn?Tôi mới đọc mấy dòng của một cô nhà văn mà tưởng tượng cô vừa viết vừa khóc: “(...) đừng có mở mồm ra là: ta nợ đấng sinh thành cả một cuộc đời! Đó không phải là triết lý nhân sinh gì ráo trọi! Đó chỉ là lý lẽ ngụy biện của một đòn tâm lý ác hiểm, là thứ thuốc độc ngấm sâu hủy hoại gia đình, hủy hoại mối quan hệ tự nhiên, bình đẳng, đẹp đẽ giữa cha mẹ và con cái. Sức tàn phá ghê rợn của nó lên đời sống của một con người không phải ai cũng nhận ra. Người ta rắp tâm biến nó thành cái vòng kim cô trên đầu từng đứa trẻ, để chúng lớn lên trong mặc cảm tội lỗi và sự quy phục!Xin lỗi, tôi không chấp nhận mang cái vòng kim cô đó. Tôi không nợ ai cái gì cho sự có mặt trên cõi đời này vì tôi đâu lựa chọn để có mặt. Nói thế là ích kỷ? Không, những người đeo vòng kim cô lên đầu con cái họ mới là những kẻ ích kỷ! Họ sinh con ra để biến chúng thành tù nhân của họ, đòi hỏi chúng phải thỏa mãn điều kiện này, điều kiện khác mới bố thí cho chút tình thương lẽ ra là vô điều kiện! Tôi không cần thứ tình yêu có điều kiện đó, nghìn lần không”! (T.L.)Thực ra không cần thanh minhNhưng cũng cần tranh luận đôi chút và để bên phản biện lên tiếng một cách dân chủ. Liệu cuộc tìm kiếm lòng biết ơn có nằm trong bản đồ di truyền học của con người không hay cũng chìm nổi qua từng giai đoạn lịch sử phát triển loài người, nói cách khác là có thuộc tính thế hệ - kiểu “nước mắt chảy xuôi”?Không phải đợi lâu, từ khi nuôi con, chính tôi nhận thấy cha mẹ ở lứa tuổi tôi không coi đòi hỏi trả ơn của con cái như một đại lượng đáng kể nữa. Và tôi đoán lý do lớn nhất là thế hệ tôi có cha mẹ làm cho điên đầu vì những đòi hỏi tương tự. Phải đương đầu với chiến tranh và đói khổ, các bậc phụ huynh khả kính không có thì giờ than vãn hoặc nghe than vãn, song cũng vì thế mà họ muốn “phủ sóng” tối đa cuộc đời các con.Có những bạn tôi biết đã sinh hoạt cùng tổ hưu ở phường với mẹ, nhưng đi xem phim về gần nửa đêm mới thấy mẹ già tắt đèn yên tâm đi ngủ. Đa số phụ huynh thời nay tôi quen, với tối thiểu hai đứa nhèo nhẹo cắp nách, đã có tư duy khác.Họ thấy ít nhiều lạ lẫm khi được khen chăm con giỏi, vì họ vô thức thấm nhuần cái luận cứ của bác sĩ John Prentice (dù không nói toẹt ra lạnh lùng như thế). Phụ huynh hiện đại không đòi con cảm ơn. Lời cảm ơn lớn nhất là được con cho ngủ nướng sáng chủ nhật, thay vì bị chúng vứt con gửi ông bà cả cuối tuần để đi phượt!Tôi biết ơn cha mẹ, chẳng phải bàn, nhưng không bắt con tôi cảm ơn tôi. Chúng có xin tôi cho chúng ra đời đâu? Cho chúng ăn, mua quần áo cho chúng mặc, kiếm tiền cho chúng học hành đến nơi đến chốn - đó là nghĩa vụ, là cái giá phụ huynh phải trả cho mong ước đẻ ra con.Tôi mong một điều: tình yêu dành cho con tôi lớn lắm, không chỉ khi bế nó và nhìn nó hồng hào dần lên khi bác sĩ truyền cho nó mấy trăm cc máu vừa lấy từ tay tôi ra, nhưng tôi muốn yêu chúng mà không kèm điều kiện nào, tôi sẽ có mặt khi chúng cần, ngay cả khi những người bạn được cho là thân nhất và những người tình được coi là chung thủy nhất đã cao chạy xa bay...Đừng bắt chúng cảm ơn vì những gì mà chúng không được chọn, không mơ ước, không đòi hỏi. Hãy là bạn chúng, bạn tốt nhất, chung thủy nhất, không tính toán.Đừng bắt nợ nần trong tình cảmQuan hệ giữa cha mẹ và con cái dĩ nhiên bị ám bởi sự lệch pha giữa cho và nhận. Ta hãy chấp nhận nó, đừng dùng thành ngữ “nước mắt chảy xuôi” như một câu thở dài đạo đức giả và đừng thất vọng khi trẻ con lớn lên mà vẫn chẳng thay đổi mấy trong quan điểm về cán cân cho - nhận.Quan trọng hơn là tạo một sự bình đẳng tương đối và hợp lý giữa hai thế hệ. Không hiếm những đôi vợ chồng sống với nhau như trong địa ngục mà không dám chia tay vì sợ con “không có bố/mẹ”.Họ quên mất rằng cuộc chiến tranh nóng hay lạnh trong hôn nhân mới là sát thủ cho phát triển tình cảm của con cái. Và một “đức hi sinh” vượt mức thường tình đôi khi còn chăm tưới cho quả đắng: có bao nhiêu con cái không đồng tình cho các cụ đi bước nữa, hay đơn giản đi tìm một người đồng cảnh cho đỡ hiu quạnh tuổi già chỉ vì chúng đã quen thấy cha mẹ hi sinh chứ không biết họ cũng cần hạnh phúc theo định nghĩa khác chúng?Hãy ôm con cái chúng ta nhưng vừa phải thôi, cho chúng thở với. Và lo cho chúng tự lập vào đời càng sớm càng tốt, rồi có thời gian cho chính mình. Nếu khế ước thế hệ ấy được cả hai bên tuân thủ thì đó cũng là hạnh phúc cho cả hai. Nếu có chút gì mong đợi hơn, ngoài sự hàm ơn ép buộc, tôi muốn nghe con tôi nói: “Cha mẹ tôi đã làm mọi điều tốt cho tôi, tôi thật may mắn quá!” và cảm xúc đó là tự nguyện, chứ không phải bị dẫn dắt hay can thiệp từ bên ngoài.Nói cho cùng, mỗi người chỉ có thể cho đi cái mình có thể, nhiều khi hơi ít, đôi lúc quá nhiều. Có lẽ ta sẽ hài lòng hơn khi chấp nhận cái dài ngắn khác nhau giữa các ngón tay. Bởi vì đòi hỏi quá cao và mong đợi quá lãng mạn, như kinh nghiệm cho thấy, thường làm con người bất hạnh. Hiếu thảo và hàm ơn phải được hiểu là hai phạm trù khác nhau, đừng nhồi chúng vào chung một bộ luật có tính cưỡng chế. ■ Tags: Cha mẹ và con cáiChữ hiếuBổn phận
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính sau sắp xếp dự kiến không còn tổng cục NGỌC AN 11/12/2024 Chiều 11-12, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính, sắp xếp lại còn 35 đầu mối từ 56 đầu mối hiện hành.
Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore phối hợp làm rõ vụ người Việt bị sát hại TTXVN 11/12/2024 Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore cho biết đang phối hợp nhà chức trách sở tại để làm rõ vụ bà Đào Thị Hồng bị đồng nghiệp dùng dao sát hại.
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Trung Quốc sẵn sàng viện trợ lập báo cáo khả thi DUY LINH 11/12/2024 Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến có tổng mức đầu tư là 11,6 tỉ USD. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng cung cấp viện trợ để Việt Nam xây dựng báo cáo khả thi của dự án này.
Bộ trưởng Afghanistan thiệt mạng vì bom nổ, nghi bị IS sát hại NGỌC ĐỨC 11/12/2024 Bộ trưởng Afghanistan về người nhập cư tử vong do bom nổ ngay giữa lòng thủ đô Kabul, hiện chưa tổ chức hay cá nhân nào tuyên bố nhận trách nhiệm.