Con đường tơ lụa của bóng đá

HUY ĐĂNG 29/05/2024 09:00 GMT+7

TTCT - Đứa trẻ đam mê bóng đá nào lại chẳng muốn một lần được tung tăng chơi bóng trên sân Bernabeu, Camp Nou, hay Old Trafford...

Đó là những sân bóng của các câu lạc bộ hùng mạnh nhất lịch sử bóng đá. Và chi phí cho việc biến giấc mơ thành sự thật là hơn... 3.000 euro.

Ảnh: Barca Academy

Ảnh: Barca Academy

Ngày nay, phụ huynh Việt Nam có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các trại hè bóng đá trên Google, rồi hiện thực hóa giấc mơ tiếp cận các CLB lớn của con cái họ.

Những trại hè bóng đá

"Trại hè Tây Ban Nha 2024 - Học viện Real Madrid" là tên chương trình du lịch khá phổ biến mà người hâm mộ toàn cầu đều có thể tìm được. 

Chuyến đi kéo dài 12 ngày, trong đó những cô cậu bé sẽ được trải nghiệm 5 buổi tập ở CLB Real Madrid, thậm chí thi đấu giao hữu với các đội bóng cùng trang lứa địa phương. 

Những ngày còn lại dành cho việc tham quan nhiều nơi, bao gồm cả CLB kình địch của Real Madrid là Barcelona. Ở Việt Nam, chi phí cho một chuyến đi như vậy được quảng cáo với giá 3.650 euro (gần 4.000 USD).

Tương tự, Barca cũng tung ra gói du lịch - trại hè bóng đá với chi phí 3.000 euro cho 10 ngày. Ở Anh, có hằng hà sa số những gói dịch vụ trại hè bóng đá như thế. Ví dụ trung bình là gói 7 ngày, với giá 2.100 USD của CLB Arsenal. Các cầu thủ nhí được đảm bảo 30 giờ tập luyện và thi đấu trong phạm vi những sân bóng của "Pháo thủ".

Những ai từng đi du lịch châu Âu sẽ thấy rằng mức giá này không phải quá cao, và hóa ra việc "chơi bóng ở Bernabeu" cũng không quá đắt đỏ nếu so sánh với mức sống của những thành phố này và độ hào nhoáng của các đội bóng. 

Cần biết rằng, một chiếc áo đấu chính hãng của Real Madrid đã có giá đến 150 euro. Hay vé xem đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha thi đấu giao hữu mùa hè này cũng không có giá thấp hơn 100 USD.

Việc bán những gói "trại hè du học" - kết hợp cùng các công ty du lịch như vậy mang lại lợi ích kinh tế gì cho những đội bóng hàng đầu châu Âu? Chắc chắn là có, nhưng không nhiều. Real Madrid, Barca hay các đội bóng hùng mạnh của Premier League nhìn chung có thể kiếm được nhiều tiền hơn thế bằng cách tổ chức các tour du đấu. 

Hồi mùa hè năm 2022, HLV Xavi từng tiết lộ rằng Barca nhận được 5 triệu euro khi chỉ đá duy nhất một trận giao hữu tại Sydney (Úc).

Mục tiêu chính của việc các đội bóng lớn tổ chức những chuyến "du học hè" này không hẳn là tiền bạc. Chuyên gia của Football Benchmark cho rằng đây là một trong những phương thức tiếp cận thị trường châu Á, nhằm gia tăng số lượng cổ động viên, thậm chí là những "CĐV tinh lọc". 

Hãy tưởng tượng một cậu bé vừa lên 10 tuổi được đặt chân đến Camp Nou, rồi xin chữ ký của các thần tượng, và được ra sân chơi bóng. Barca có thể sẽ trở thành đội bóng cả cuộc đời của cậu bé đó, mà gia đình cậu thì chắc chắn không hề nghèo khó. 

Thế là hằng năm, đội bóng xứ Catalonia có thêm một số CĐV cuồng nhiệt, luôn sẵn sàng dốc hầu bao hàng trăm euro cho những chiếc áo đấu, đồ lưu niệm, vé xem giao hữu...

Phòng truyền thống của Real Madrid. Ảnh: Wikimedia

Phòng truyền thống của Real Madrid. Ảnh: Wikimedia

Vô vàn cách khai thác

"Trại hè bóng đá" chỉ là một trong vô số cách để các CLB hàng đầu châu Âu tiếp cận thị trường châu Á. 

Để hình dung, trong khi dân số của châu Âu chỉ vào khoảng 750 triệu, dân số châu Á lại là hơn 4,5 tỉ người, bao gồm những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

"Đó còn là một thị trường nguyên sơ, khi nhiều người hâm mộ chưa gắn với những đội bóng rõ rệt", Football Benchmark nhận định. 

Ở châu Âu, hầu hết CĐV thường gắn bó với đội bóng địa phương hoặc đã có truyền thống theo một đội nào đó lâu dài. 

Dù có làm marketing tốt đến đâu, Man United cũng khó lòng lôi kéo được một người hâm mộ có truyền thống gia đình ủng hộ Arsenal. Nhưng ở châu Á, mọi thứ đều có thể.

Không chỉ kiếm tiền

Mở học viện bóng đá nhượng quyền là xu thế đang bùng nổ của các đội bóng châu Âu. Arsenal, một trong những CLB nổi tiếng về lò đào tạo trẻ, đã mở học viện nhượng quyền ở 17 quốc gia khác nhau.

Barca có mô hình tương tự ở 40 nước, gần một nửa là các nước châu Á. Nói cho công bằng, những học viện này đã góp phần tạo ra không ít ngôi sao bóng đá cho các nước tiếp nhận.

Điển hình như Takefusa Kubo, ngôi sao đắt giá nhất Nhật Bản hiện tại, từng tham gia trại hè của học viện bóng đá Barca tại Kawasaki vào năm 8 tuổi, rồi sau đó được trao cơ hội đến La Masia năm 10 tuổi.

Trong hơn 10 năm tiếp theo, Kubo trải qua tổng cộng 6 đội bóng ở La Liga, và vươn mình trở thành siêu sao đẳng cấp thế giới.

Từ thập niên 2000, các CLB châu Âu đã tìm cách lôi kéo CĐV châu Á qua việc ký hợp đồng với cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Đến đầu thập niên 2010, những chuyến du đấu ngày càng nở rộ. 

Vài năm gần đây, các đội bóng đại gia phương Tây tiến thêm một bước khi mở luôn văn phòng thương mại ở các nước lớn châu Á. Họ còn có thỏa thuận hợp tác với các nền tảng mua sắm trực tuyến để tăng năng lực phân phối và thâm nhập khắp lục địa này.

Chẳng hạn, Juventus và Bayern Munich đã ký thỏa thuận với Tmall, đối tác của Alibaba với hơn 500 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở châu Á. Borussia Dortmund thì ký với EZ Shop, còn Liverpool FC là với JD.com. 

Bayern Munich có lượng fan đông đảo ở Trung Quốc. Ảnh: Bayern Munich

Bayern Munich có lượng fan đông đảo ở Trung Quốc. Ảnh: Bayern Munich

Một cách khác để mở rộng thương hiệu là thông qua nhượng quyền thương mại. Ví dụ, Arsenal sẽ mở các quán bar và nhà hàng chủ đề tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Real Madrid mở công viên giải trí ở Trung Quốc, bao gồm bảo tàng, cửa hàng và một nhà hàng. Kình địch của họ Barca cũng chẳng vừa khi xây dựng "Công viên trải nghiệm Messi".

Đại dịch bùng nổ càng khiến Á và Âu xích lại gần nhau hơn. Chỉ trong năm 2020, hàng loạt đội bóng lớn của châu Âu như Real Madrid, Barca và Bayern Munich đã đạt được những thỏa thuận hợp tác với Douyin - nền tảng video lớn nhất Trung Quốc.

Trong khi đó, gói bản quyền truyền hình giai đoạn 2022-2025 của Premier League lập mốc lịch sử khi số tiền thu được từ nước ngoài lần đầu tiên vượt mặt nội địa. 

Cụ thể, giá trị gói phát sóng nước ngoài giai đoạn 2022-2025 của Premier League là 5,3 tỉ bảng Anh, cao hơn 0,2 tỉ bảng so với gói nội địa, và gấp 17 lần so với 20 năm trước. Thành tựu này có công không nhỏ của Son Heung Min, Kaoro Mitoma, hay xa hơn là Park Ji Sung, Sun Jihai.

Cứ như thế, khi thị trường nội địa đã bão hòa, các đội bóng hàng đầu châu Âu tìm cách mở "con đường tơ lụa" đến châu Á. Ngày nay, các trận cầu đinh vào ngày Chủ nhật (Super Sunday) của Premier League thường xuyên phải diễn ra giữa trưa, nhằm phục vụ khung giờ đẹp 18h-22h ở châu Á. 

Những ngôi sao lớn, đến cả như Messi, cũng phải xin lỗi chỉ vì... lỡ chấn thương trước thềm chuyến du đấu sang Trung Quốc. Và những cô bé, cậu bé dễ dàng đặt chân đến Bernabeu, Camp Nou để gặp gỡ các thần tượng, thậm chí chơi bóng trên sân tập của họ.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận