Con lạy bố!

HỒ ANH THÁI 15/04/2009 17:04 GMT+7

TTCT - Đã là giống người, ai không có tính xấu? Có tính xấu không thể giấu giếm, có tính xấu giấu giếm được, không tự nói ra thì không ai biết và mãi mãi lẩn sâu trong góc tâm tư trừu tượng và trữ tình.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Thực ra, cho đến lúc chớm tuổi “nhi lập”, hắn mới nhận ra đấy là một tính xấu của mình, bởi nhớ lại từ thuở còn thiếu niên hắn đã rất ham và luôn vui thích ngắm nhìn những thiếu nữ xinh đẹp mà hắn bắt gặp. Tất nhiên, lúc ấy họ đều hơn tuổi hắn, thậm chí còn hơn đến cả chục tuổi. Sau này, khi đã là một thanh niên, cái tính ấy càng phát triển, nhưng bắt đầu có ý thức giấu giếm và sự giấu giếm ấy có lúc trí trá đến gần như hoàn hảo.

Sau khi quan hệ với vài cô gái, hắn phát hiện ra cái con đường đi đến “Z” cũng không phải khó khăn, tế nhị gì ghê gớm như hắn vẫn tưởng, vì thế hắn đâm ra thực dụng một cách đổ đốn. Nghĩa là, như một gã đệ tử Lưu Linh, cứ trông thấy gạo là y như rằng đầu óc lại nghĩ ngay đến rượu, cái thứ nước kỳ lạ có men say ấy, cái miệng bắt đầu chóp chép và trên môi, lúc nào cũng ươn ướt, liền nở một nụ cười đờ đẫn, mơ hồ, nhưng thật ra rất thực tiễn khách quan và khá bạo liệt.

Chẳng phải hỏi ai, hắn thừa biết tất cả bọn đàn ông đều thế hết. Có điều kẻ ít người nhiều, kẻ lộ liễu, người kín đáo; kẻ hăm hở bỏ công ra để đạt được điều khiến mình ham hố, người lại lười biếng không chịu nhúc nhắc mồm miệng chân tay, thành thử không có sự gì đặc biệt xảy ra và vì thế chung thân trong sáng.

Mà cánh đàn ông cũng thật là đa sự! Lại cứ có cái thói hay đi bình phẩm, phê phán, khen chê đức hạnh của cánh phụ nữ. Họ bảo đức hạnh của phụ nữ cũng như thứ thủy tinh mỏng mảnh - ý hẳn là dễ vỡ. Ừ, thì dễ vỡ, nhưng sắt thép và thủy tinh thì thứ gì được gọi là long lanh? Thử hỏi không có những cô nàng lúng liếng đong đưa thì lấy đâu ra đối tác cho các quý ông phối kết hợp, giải trí vui vẻ?

Cánh đàn bà thì vẫn đa sự. Họ nhất trí với nhau rằng cái bọn đàn ông là chúa ham hố và đa mang. Nhưng thực tế, những quí ông kém ham hố lại luôn bị họ đánh giá thấp đến thê thảm. Nghĩ xem, nếu không có những anh chàng trăng hoa phong tình, không ngại tốn kém, không sợ mất công, không ngại khó khăn vất vả... thì lấy ai để các quí bà vui thích nhâm nhi, ngấm ngầm định lượng và tự hào về sức quyến tình của mình? Chỉ riêng những lời khen chơi quấy quá, cốt cho vui vẻ đời sống của các quí ông cũng đã chiếm đến quá nửa cái bảo tàng tinh thần đồ sộ của các quý bà rồi!

Quả là hắn đã trở nên thực dụng một cách đổ đốn. Và cái sự đổ đốn ấy, theo thời gian và theo quy luật tất yếu khách quan, ngày càng phát triển và hoàn thiện theo vòng xoắn ốc. Thậm chí cho đến bây giờ, tuy mới ngoài ba mươi tuổi, trực giác của hắn đã phát triển đến mức khi gặp một cô nàng nào đó, chỉ thoáng qua ánh mắt và một vài cử chỉ nhỏ, hắn cũng có thể đoán định được với đối tượng này mình sẽ đi được đến đâu.

Để quý vị không nghĩ người kể chuyện là hạng khoác lác, chỉ được cái “ný nuận” tinh vi và làm phách suông, xin kể một câu chuyện của hắn, do chính hắn kể lại và sau câu kết chuyện là một lời dặn dò không kém phần chí tình và chân tình: “Cậu nên chép lại để các anh chị em khác có thể tham khảo. Biết đâu gặp người sáng dạ, lại đúc rút được thành lý luận cũng nên”. Tôi cười, bảo: “Lý luận gì cái thứ phải gió ấy!”.

Câu chuyện này, tất nhiên là tầm phào, vô cùng tầm phào, vừa mới xảy ra tuần trước, trên một chuyến tàu đêm Bắc Ninh - Lạng Sơn.

***

Tàu chợ, chạy từ Hà Nội, dừng ở ga Bắc Ninh để đón khách. Hắn lững thững lên tàu. Nhìn toa nào cũng đã đông người nên đành lên đại một toa ở khúc cuối. Dò dẫm trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn trần không đủ điện áp, thấy ghế nào cũng đã có người. Đến cuối toa, hắn hoàn toàn thất vọng, đã toan trải tờ báo xuống sàn để ngồi thì có một giọng con gái léo nhéo: “Anh gì ơi, đây còn chỗ, lên đây mà ngồi”.

Hắn ngoái lại, nhận ra một cô gái đang ngồi sát phía cửa sổ, cạnh một cái vali to tướng để chềnh ềnh trên mặt ghế. Cô gật đầu mỉm cười và ra hiệu cho hắn. Hắn đắn đo, lấy tay trỏ vào cái vali: “Hình như chỗ này có người ngồi rồi”. Cô nhanh nhẹn bỏ chiếc vali xuống sàn toa xe: “Ngồi vào đi anh!”. Thế thì yên tâm rồi. Hắn khẽ cúi đầu chào hai cụ già ở ghế đối diện, nói lời cảm ơn cô gái, từ tốn ngồi xuống và kín đáo nhìn cô gái: còn trẻ, mái tóc dày mềm mại để thẳng, khuôn mặt sáng khá xinh xắn, thân hình mềm mại, đầy đặn; cái đầy đặn chết người của thứ gái một con và một chút nước hoa nhẹ thoang thoảng, đem đến cho hắn một cảm giác dễ chịu, nhất là trên một chuyến tàu chợ xô bồ như thế này. Bây giờ thiên hạ ăn mặc đẹp, nhiều kiểu, lắm sắc màu, nếu chỉ căn cứ vào trang phục thì khó mà đoán được điều gì về cô gái.

Kể lại câu chuyện của một kẻ khác, một anh chàng “Sở Khanh thời đại”, tác giả tận dụng được một cách nhìn từ ngoài cuộc, vừa trầm tĩnh vừa giễu cợt. Sao lại có cả sự trầm tĩnh ở đây? Dám suy đoán rằng tác giả không còn ở tuổi thanh niên, thậm chí đã vào tuổi hoàn tất sự nghiệp công chức. Dù sao thì thứ bài vở tán tỉnh hơi cổ điển này cũng không làm giảm nét tươi tắn của truyện. Một “mối tình tàu xe” như ta vẫn thường bắt gặp đâu đó.

Tôi nhận được bản thảo tập truyện ngắn Đây là nhà của tôi! của Nghiêm Lương Thành do tác giả gửi qua email và đọc một cách hào hứng. Một thứ văn nền nã, từng trải mà cũng thật hóm. Tập truyện sắp ra mắt và độc giả sẽ được biết thêm một giọng điệu khá mới mẻ của một cây bút (hình như xấp xỉ lục tuần) mới bước vào làng văn. Trong tập có một số truyện đặc sắc, nhưng chỉ có truyện này hợp với khuôn khổ tờ báo, tác giả đồng ý gửi đến độc giả của TTCT.

- Cô xuống ga nào? - hắn bắt chuyện.

- Em xuống thành phố Lạng Sơn - cô gái trả lời, khuôn mặt xoay ra phía cửa sổ - Còn anh?

- Cũng thế. Chắc em đi công việc?

- Vâng, đi làm kiểm toán cho một công ty liên doanh.

- Chết thật, sao em liều thế?

- Sao lại liều? - cô ngoảnh lại, không giấu được vẻ ngạc nhiên.

- Có gì đâu... - hắn làm bộ bối rối - Những cô gái xinh xắn không nên đi đâu một mình, nhất là đi xa như thế này.

- Vậy sao?

Trong ánh sáng lờ mờ, hắn dễ dàng nhận thấy khuôn mặt cô chợt thẫm lại và thoáng lộ một cử chỉ bẽn lẽn. Tất nhiên, cái bẽn lẽn đầy giới tính, và hơn nữa, mơ hồ gợi mở cho hắn một điều gì đó, nhẹ nhõm và vui vẻ.

Lúc sau, hai cụ già ngồi đối diện mắt đã hơi gà gà, người đã dựa hẳn vào lưng ghế, vai lắc lư theo nhịp rung đều đều của con tàu. Cánh đàn ông ngồi ở khoang đối diện qua lối đi vẫn còn thức, ngồi hút thuốc suông và nói những câu đứt quãng, những câu chuyện trên trời dưới đất, chẳng ăn nhập vào đâu và thỉnh thoảng lại đưa mắt sang phía hắn và cô gái, không giấu được vẻ tò mò. Cũng hơi khó chịu. Biết làm thế nào được, xã hội mà. Mà chính hắn cũng thỉnh thoảng đưa mắt sang nhìn họ đó thôi! Có điều hai kiểu đưa mắt đó lại hoàn toàn ở hai vị thế khác nhau.

- Anh ơi, em thấy rét - mấy ngón tay thon nhỏ của cô gái chạm nhẹ vào đùi hắn - Anh giúp em đóng cái cửa sổ lại đi.

Hắn đứng dậy, hào hiệp thực hiện yêu cầu của cô gái. Lúc ngồi xuống nhận thấy hai vai cô vẫn so lại, hắn bèn galăng cởi phăng chiếc áo khoác mỏng của mình, hồn nhiên nhẹ phủ lên đôi vai cô. Cô vẫn ngồi im, không có phản ứng gì ngoài cái nhìn nửa biết ơn nửa khen ngợi và thấp thoáng chút khích lệ. Thấy vậy hắn mới nửa đừa nửa thật:

- Chồng em cũng thật...

- Thật... thế nào?

- ... Đáng trách!

- Sao lại thế? - cô gái ngước lên nhìn hắn, đôi mắt mở to ngạc nhiên đến ngây thơ.

- Có kim cương trong nhà mà không biết nâng niu. Như anh ấy à... thà nghỉ phép đưa em đi chứ sao nỡ để em phải thui thủi một thân một mình, thân gái dặm trường thế này!

- Thật thế sao? Anh cứ đùa em.

Đôi má cô lại thẫm hơn, cặp mắt đưa đi đưa lại, long lanh tin cậy khiến hắn chẳng còn chút khí phách nam nhi nào nữa. Sau đó là im lặng. Tàu vẫn chạy, phát ra những tiếng cạch cạch đều đều. Cô gái hình như đã thiếp đi, đầu dần ngả và tựa hẳn vào vai hắn. Hơi ấm cùng với mùi hương từ cổ áo của cô gái tỏa ra khiến hắn ngất ngây, mụ mị. Hắn muốn có một cử chỉ gì đó. Hắn muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé kia mà bóp nhẹ, hắn muốn quàng tay, ấp cô vào lòng mà sưởi ấm cho cô...

Hai cụ già lúc ấy đã ngủ hẳn. Nhìn sang khoang ghế bên kia, hắn nhận ra có một cặp mắt đang nhìn mình và những người còn lại vẫn hút thuốc suông, nói những câu chuyện rời rạc. Hắn thấy vừa bừng bực, vừa thất vọng. Thiên hạ lạ lùng thật! Sao không ngủ một giấc cho béo, lấy sức để ngày hôm sau còn cày tiếp, đâu lại có cái thói cứ hay đi soi người khác, thô bạo phá hoại cái nết hồn nhiên trời cho của đồng loại!

Hoàn cảnh éo le, lực bất tòng tâm, hắn đành giả tựa đầu vào lưng ghế, nhắm mắt lại như người vô tình thiếp ngủ. Lát sau, cô gái mở mắt và hốt hoảng ngồi thẳng dậy, luống cuống vuốt lại mái tóc óng ả, thẹn thò: “Xin lỗi anh, tại em mệt quá...”. “Ồ, không! Em nghĩ thế làm gì cho nó phức tạp, khi ngủ ai cũng trong sáng như thiên thần ấy chứ”. Hắn vui vẻ nói lời vỗ về, và một lần nữa đôi má của cô thẫm lại. Bất giác, không hiểu sao, hắn lại đưa mắt sang khoang bên. Ôi trời! Cặp mắt đó vẫn đang nhìn sang phía hắn và cô gái. Thế này thì không phải là “soi” nữa mà phải gọi là “super soi”(1) mới chính xác! Đúng lúc ấy, mắt hắn dừng lại ở một tờ báo đang để trên mặt cái bàn con phía bên họ, và trong khoảnh khắc, trong đầu lóe lên một tia tinh quái, thứ tinh quái của những kẻ vốn tinh quái.

- Báo hôm nay hả anh? - hắn nhã nhặn hỏi người đàn ông đang nhìn mình.

- Vâng, cũng chả có gì đặc biệt - gã trả lời hắn, không mấy thiện chí.

- Có nói gì về mấy ông bà ca hát trốn thuế hay cánh bóng đá trong nước bán độ không? Thời buổi lộn xộn quá, mình thì xem họ chơi bằng tình cảm thể thao, còn họ lại lỡm mình.

- Thế mới đau chứ - một anh chàng khác chen vào - Cứ tưởng thể thao là thứ trong sạch nhất, thế mà... lại sinh ra cái trò bán độ. Thời buổi này liệu còn có cái gì không đem ra bán không?

- Tại sao ấy nhỉ? - anh chàng ngồi trong góc thở dài.

- Còn làm sao nữa? Thế mà cũng phải hỏi. Theo tôi, cứ đuổi cổ hết chúng nó đi - anh chàng vừa nãy soi hắn bức xúc.

Và sau đó các ý kiến bắt đầu cất cánh. Hắn thú vị, ngồi im nghe ngóng.

- Đuổi hết đi thì chất lượng bóng đá Việt Nam sẽ ra sao, liệu các ông có đủ kiên nhẫn để ngồi xem đến hết cả hai hiệp không?

- Đồng ý là như thế, nhưng buộc lòng phải làm lại thôi.

- Theo tôi, để dung hòa, từ thời điểm này trở về trước coi như xí xóa. Còn từ giờ trở đi anh nào vi phạm phải nghiêm trị theo pháp luật.

- Không được, như thế là dung túng cho tội ác. Có công thì thưởng, có tội thì phải trị ngay, không thì bóng đá của ta sẽ nát bét, các ngành khác cũng học theo thì bỏ bố!

- Thôi đi bố ạ, có mà nó học theo các ngành khác thì có! Mà đã bao giờ bố thấy lợi mà ngoảnh mặt đi chưa?

...

Quả là các ý kiến đã liên tiếp cất cánh, thi nhau cất cánh, có lúc còn chạm cánh, chéo cánh, thậm chí đè lên cánh của nhau. Một vài khuôn mặt đã bắt đầu ửng đỏ. Cung bậc âm thanh đã có phần cao hơn, ngữ điệu đã chuyển sang sắc thái hùng biện và lác đác đã thấy có cả dấu hiệu gia trưởng cực đoan. Cuộc “các ý kiến cất cánh” đã lan sang cả những khoang kề bên. Thật khí thế, thật sôi nổi, thật ồn ào náo nhiệt. Cái ồn ào đáng yêu của những chính kiến, của những suy nghĩ cá nhân tự do phát tác thoải mái, không cần phải e dè, bởi dường như ai cũng nghĩ trong thể thao không hề có trần ngôn luận, cái thứ trần vô hình, thường trực hăm dọa, cứ lơ lửng đâu đó. Có người đã thu cả hai chân lên ghế, có người chân trên ghế chân dưới sàn, có người đứng phắt dậy mà hoa chân múa tay, có người chỉ quay sang nói với người bên cạnh, ý tứ giảng giải, âm thanh ôn tồn đủ nghe... Ôi chao, cái sự ngôn luận mới tự do, mới thoải mái và đáng yêu làm sao! Và trong cái góc ao xôn xao chao chát ấy, hắn quay sang phía cô gái, mỉm cười:

- Em có thấy là họ rất đáng yêu không?

- Vâng!

Cô gái tinh quái và thẹn thò trả lời. Rồi vừa cười vừa ngả đầu vào vai hắn, tin cậy. Hắn, như một tiền đạo tài năng được trời phú bẩm, đoán được hướng bóng tất yếu của người đồng đội, không bỏ lỡ cơ hội, liền cầm lấy bàn tay nhỏ bé của nàng, thủ thỉ:

- Bàn tay em sao lại đẹp thế?

Nàng không nói gì, để yên tay nàng trong tay hắn và đôi mắt tối sẫm như nhung từ từ khép lại, đôi môi hồng hơi mỏng hé nở một nụ cười ngoan ngoãn, mơ hồ... Nhìn sang khoang bên, dỏng tai nghe ngóng, hắn vẫn thấy các điệu bộ đầy phấn khích, các ý kiến đầy thuyết phục vẫn thi nhau chao chát cất cánh, lấp lánh như những tia pháo hoa trong ngày hội lớn. Vậy là, trong bầu không khí náo nhiệt, thẳng thắn, hiền lành và “unsoiable”(2) ấy, hắn và cô gái đó, trong chừng mực hoàn cảnh cho phép, đã làm được tất cả những gì họ muốn một cách say sưa và mỹ mãn.

***

Trời đã sáng rõ. Chàng và nàng cùng xuống tàu. Lẫn trong đám hành khách đang đổ ra phía cửa ga ấy, tai hắn vẫn bập bõm nhận ra một vài giọng cố níu kéo, bày tỏ đến cùng những ý kiến... Hắn tủm tỉm cười, cái cười chỉ thấy ở những thằng đểu: Chà... một vài tia pháo hoa le lói ở phút chót tàn hội. Nàng nhận ra chàng đang tủm tỉm thì hỏi: “Anh cười gì vậy?”. Trả lời nàng thế nào đây? Hắn chỉ có thể cười, và đó cũng chính là lời đáp khôn ngoan nhất.

Cô gái của hắn đã có xe của liên doanh ra đón. Nàng dúi vội cho hắn mẩu giấy ghi số điện thoại cầm tay của mình và bịn rịn tạm biệt. Hắn đứng bên cửa nhà ga, tay trái đưa lên vẫy vẫy theo xe như người ta vẫn làm trong những trường hợp như thế, còn tay phải chậm rãi vò nhẹ mẩu giấy nàng vừa trao cho và kín đáo búng nhẹ vào một thùng rác công cộng cạnh đấy.

Bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai hắn. Ngoảnh lại, nhận ra đôi mắt trong góc khoang xe đối diện đêm trước, hắn bèn mỉm cười thân ái. Còn gã kia thì nghiêm mặt, lấy tư thế, đứng chụm chân, hai tay nắm vào nhau, hướng về phía hắn, khom người cung kính:

- Con lạy bố!

______________

(1) Mượn chữ của học sinh phổ thông. Trong cụm “super soi”, soi là tiếng Việt “siêu soi”
(2) Mượn chữ của học sinh phổ thông. Trong cụm “unsoiable”, soi là chữ Việt (không thể soi được).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận