TTCT - “Vui sướng nhất thế giới hiện giờ là các lãnh đạo Trung Quốc…” - Phải chăng phát biểu của Tổng thống Donald Trump phản ánh quan hệ giữa ông và Bắc Kinh vào cuối trào? Phải chăng cơn lốc trừng phạt Trung Quốc vừa rồi của ông chỉ là những nước đi cuối trước khi dẹp bàn cờ? Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Donald Trump ở hội nghị G20 Osaka, Nhật Bản 2019. Ảnh: ReutersSong, có lẽ chính ông Trump cũng là một trong những nhà lãnh đạo “sung sướng” nhất hiện nay. Thứ bảy tuần rồi 5-12 tại Valdosta, bang Georgia, ông đi gặp các fan cứng trong một cuộc mittinh mà báo chí gọi là “cuộc tập hợp quần chúng đầu tiên kể từ bầu cử hôm 3-11”. Số là ông đi vận động tranh cử cho hai thượng nghị sĩ cùng Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử ở bang này sắp tới, mà nếu thắng, đảng của ông sẽ tiếp tục giữ được ưu thế ở Thượng viện. Trong khung cảnh toàn “người nhà” đó, ông có “bông đùa” chút cũng chẳng sao.Vấn đề là ông không chỉ nói tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà còn nêu danh cả lãnh đạo Iran, cho thấy thiệt ra ông đang rất nghiêm chỉnh và chuyện trừng phạt Trung Quốc của ông không hề là do tùy hứng cá nhân.Tất nhiên, cùng với Tổng thống Trump, còn có Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Pompeo là ngoại trưởng cuối cùng của trào Trump và có thái độ gay gắt với Trung Quốc hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.Danh sách trừng phạt ngày càng tăngLiên tiếp những ngày qua, tin tức về các biện pháp trừng phạt Trung Quốc như “nấm sau mưa” trên mặt báo. Có thể tạm sắp xếp các lệnh trừng phạt này thành nhiều nhóm khác nhau.Đầu tiên là liên quan đến nhân quyền ở một số lãnh thổ thuộc Trung Quốc. World Watch hôm 7-12 loan tin Ngoại trưởng Pompeo cho biết Hoa Kỳ sẽ không cấp thị thực cho công dân Trung Quốc và đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài và các hình thức đe dọa khác.Biện pháp này sẽ đảm bảo “những người chịu trách nhiệm về các hành động trái với trật tự quốc tế dựa trên quy tắc pháp luật sẽ không được chào đón ở Hoa Kỳ”.Hãng tin này cũng giải thích nguyên do của các chế tài mới nhất. Các cá nhân bị trừng phạt được cho là liên quan đến Mặt trận Thống nhất Trung Quốc (tiếng Hoa: Thống nhất chiến tuyến, mạng lưới các tổ chức thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc trong và ngoài nước, chủ tịch hiện nay là Uông Dương, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã đe dọa những người sống ở ngoài Trung Quốc do họ lên tiếng về Tây Tạng, Tân Cương, và những nơi khác.Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ năm 3-12 đã giảm thời hạn thị thực du lịch và công tác cho các quan chức đảng cầm quyền và gia đình trực hệ của họ từ 10 năm xuống còn 1 tháng.Rồi hôm 7-12, Bloomberg loan tin: “Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt chống lại 14 thành viên của Đại hội Nhân dân Trung Quốc. 13 người đàn ông và một phụ nữ trong danh sách bị đóng băng tài sản và cấm đi lại đều là các phó chủ tịch Ủy ban thường vụ của Đại hội Nhân dân Trung Quốc”.Trước đó, ngày 10-11, Reuters cho biết Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với 4 quan chức Trung Quốc trong bộ máy quản lý và an ninh của Hong Kong vì họ liên quan đến việc dẹp tan bất đồng chính kiến ở thuộc địa cũ này của Anh.Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định 4 người này là Deng Zhonghua (Đặng Trung Hoa), phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao; Edwina Lau (Lưu Tứ Huệ), phó ủy viên Cảnh sát Hong Kong; Li Jiangzhou (Lý Giang Chu) và Li Kwai-wah (Lý Quế Hoa), 2 quan chức tại văn phòng an ninh quốc gia mới thành lập ở Hong Kong.Ngoại trưởng Pompeo nói họ sẽ bị cấm đến Hoa Kỳ và mọi tài sản của họ liên quan đến Hoa Kỳ sẽ bị phong tỏa. Ông giải thích quyết định này là để “nhấn mạnh quyết tâm của Hoa Kỳ nhằm buộc các nhân vật chủ chốt có trách nhiệm giải trình về việc bác bỏ các quyền tự do của người dân và làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong”.Nhóm trừng phạt thứ nhì liên quan đến Biển Đông. Hôm 30-11, Bloomberg đưa tin Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) nằm trong số 4 công ty được thêm vào danh sách các công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.Hoạt động của CNOOC ở Biển Đông đã gây tranh cãi vì Trung Quốc tuyên bố có toàn quyền ở một vùng biển xa biên giới của mình, và thậm chí trong vòng 200 hải lý của các nước như Việt Nam và Philippines.CNOOC đã trở thành trung tâm của các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông từ năm 2012, khi họ mời các hãng nước ngoài thăm dò các lô dầu thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Việt Nam.Đáng nói, quyết định trừng phạt CNOOC cũng chính là trừng phạt một số hãng Hoa Kỳ liên quan tới công ty này. Worldoil 30-11 cho biết: “Các nhà đầu tư Hoa Kỳ giữ 16,5% cổ phần của CNOOC.Ngược lại, CNOOC cũng sở hữu các mỏ dầu và khí đốt của Hoa Kỳ, hợp tác với các công ty như Exxon Mobil trong các dự án quốc tế và sử dụng công nghệ và thiết bị của Mỹ”.Nhóm trừng phạt thứ ba, ít được báo chí đăng tin hơn, liên quan đến việc Trung Quốc bị cáo buộc không tuân thủ lệnh trừng phạt các nước khác, như Triều Tiên hay Iran, vốn đã được thông qua ở Liên Hiệp Quốc. Ví dụ, Bloomberg 26-11 cho biết Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc vì giúp thúc đẩy chương trình tên lửa của Iran.Tại sao là lúc này?Nếu chỉ tập trung vào quan hệ Trung - Mỹ, sẽ dễ lầm tưởng rằng Mỹ, cụ thể là ông Trump, đang “sát phạt” hiệp chót với Trung Quốc, như ý “vui sướng nhất thế giới hiện giờ là các lãnh đạo Trung Quốc...”, mà cắt nửa câu còn lại, “Những người vui sướng thứ nhì là các lãnh đạo Iran”.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ hai 7-12, khi được hỏi về việc ông Pompeo hôm 4-12 loan báo hạn chế cấp visa cho các quan chức Trung Quốc và chấm dứt các trao đổi văn hóa Trung - Mỹ, đã đáp trả: “Cần phải làm rõ rằng một số lực lượng chống Trung Quốc ở Mỹ, với tư tưởng cố thủ trong Chiến tranh lạnh, đã ra sức kích động sự đối địch về ý thức hệ giữa hai nước với mục đích phá hoại quan hệ Trung - Mỹ. Nhưng họ đã cố gắng vô ích, vì những động thái của họ đi ngược lại với dư luận hai nước và xu thế thời đại”.Vậy phải trái thế nào? Phải chăng ông Pompeo ráng “chống Trung Quốc” cú chót trước khi “phục viên”? Để trả lời câu hỏi này, có thể đọc qua tài liệu của USCC (Ủy ban Kinh tế và an ninh) Hoa Kỳ tựa đề: “Công tác của Mặt trận Thống nhất tại nước ngoài: Thông tin nền và tác động tới Hoa Kỳ”, công bố từ hôm 24-8-2018.Tài liệu cho thấy vị trí của mạng lưới này tại nước ngoài trong khuôn khổ chính sách của Bắc Kinh: “Ngày nay, các tổ chức liên quan đến Mặt trận Thống nhất đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách hoạt động đối ngoại rộng lớn hơn của Trung Quốc”.Nói cách khác, Mặt trận Thống nhất hiện hướng ra nước ngoài là chủ yếu, và không còn đóng vai trò phụ họa nữa, mà được nâng tầm để thực hiện “công tác kiều vận”, “Hoa vận” kiểu mới.“Công việc của Mặt trận nhằm tìm kiếm ảnh hưởng thông qua các mối quan hệ khó chứng minh rõ ràng, nhằm đạt được ảnh hưởng đan xen với những vấn đề nhạy cảm như sắc tộc, chính trị, bản sắc dân tộc”, báo cáo viết.Nôm na mà nói, vẫn gặp gỡ kiều dân tại Mỹ một cách công khai, song thay vì chỉ lo Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu... như xưa nay, mà bắt đầu can thiệp vào quan điểm Hoa kiều về sắc tộc, chính trị, bản sắc dân tộc...Báo cáo của Mỹ viết các hoạt động đấy “khiến những ai tìm cách xác định tác động tiêu cực của các ảnh hưởng như vậy dễ bị buộc tội là có thành kiến [với người Hoa nói chung]”.Tài liệu này nói rõ: “Mặt trận Thống nhất sử dụng nhiều phương pháp để tác động đến các cộng đồng Hoa kiều, chính phủ nước ngoài và các chủ thể khác nhằm thực hiện các hành động hoặc áp dụng các lập trường ủng hộ chính sách ưu tiên của Bắc Kinh”.Các tổ chức chân rết của ban công tác Mặt trận Thống nhất, cũng theo tài liệu này, bao gồm các hiệp hội văn hóa và “hữu nghị”, các nhóm học thuật như Hiệp hội Học giả và sinh viên Trung Quốc (CSSA) và các Viện Khổng Tử...Từ tài liệu năm 2018 trên đối chiếu với những tin tức vừa qua, thì có thể thấy các bước đi của Hoa Kỳ là có thứ tự, lớp lang, bài bản rõ ràng, chứ không phải “một sáng ngủ dậy”, hay vì nỗi buồn thất cử mà ông Trump tự dưng thấy muốn... trừng phạt ai đó.Thậm chí có thể tin rằng trong một góc nhìn toàn cảnh, các lệnh trừng phạt Trung Quốc vào giờ cuối này không chỉ không vì ông Trump muốn làm khó dễ đối thủ Joe Biden, mà chỉ là làm việc đúng kế hoạch, hay thậm chí còn là mở đường cho ông Biden có thêm đòn bẩy trong chính sách của ông với Trung Quốc sắp tới! ■Ngoại trưởng Pompeo, trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal ngày 9-12, cảnh báo giới lãnh đạo kinh doanh Mỹ rằng chính quyền Mỹ sẽ sớm coi Hong Kong không khác gì Trung Quốc đại lục về mặt kinh tế.“Thế giới và cộng đồng kinh doanh nên coi là như thế [rằng Hong Kong giờ cũng như Trung Quốc đại lục], và nhà nước Mỹ đã rất gần với một quan điểm như vậy”. Ông Pompeo cũng tiết lộ giới lãnh đạo kinh doanh ở Mỹ từ lâu đã than phiền ở nơi riêng tư với ông rằng họ bị “bóc lột tàn tệ” ở Trung Quốc. Tags: Donald TrumpTaclobanCNOOCChống Trung QuốcTrừng phạt Trung Quốc
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Chậm hoàn thuế VAT vẫn 'nóng' tại phiên đối thoại thuế ở TP.HCM ÁNH HỒNG 13/12/2024 Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Giá vàng lại rơi tự do ÁNH HỒNG 13/12/2024 Giá vàng thế giới lúc 21h30 hôm nay, 13-12, bốc hơi thêm 23 USD/ounce, về mức 2.657 USD/ounce.
Hàn Quốc bắt 3 chỉ huy quân đội và cảnh sát liên quan thiết quân luật DUY LINH 13/12/2024 Bị bắt cùng ngày với Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji Ho còn có Giám đốc Cảnh sát Seoul Kim Bong Sik và Tư lệnh Bộ phòng thủ thủ đô Lee Jin Woo.