Công chức và chính khách

NGUYỄN VŨ 22/08/2016 19:08 GMT+7

TTCT- Thông tin “TP.HCM sẽ được tự công nhận tốt nghiệp THPT” tạo hưng phấn ở những người làm trong ngành giáo dục nhiều bao nhiêu thì cũng gây âu lo cho hàng trăm ngàn học sinh năm nay vào lớp 12 và phụ huynh của các em nhiều bấy nhiêu.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương


Những nỗi lo rất cụ thể: TP.HCM sẽ tổ chức thi như thế nào, ắt là sẽ khó hơn các tỉnh thành khác. Nếu thế, các trường đại học sẽ tuyển sinh ra sao, ai cho họ ưu tiên cho học sinh thành phố nếu đồng điểm.

Còn bằng không, có thể học sinh thi tốt nghiệp THPT ở nơi khác dễ dãi hơn sẽ chiếm hết chỗ đại học của học sinh TP.HCM chăng... Rồi các tỉnh, thành khác sẽ như thế nào, không lẽ chỉ cho TP.HCM làm thí điểm? Còn nếu cho thêm nhiều nơi làm thì hóa ra cái quy chế thi THPT quốc gia mới ban hành hồi đầu năm 2016 lại phải bỏ đi để làm lại cái mới?

Vấn đề nằm ở chỗ bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ trước, ông Phạm Vũ Luận, vừa mới cam kết như đinh đóng cột: quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 sau khi được hoàn chỉnh sẽ được giữ ổn định đến năm 2021 (Vietnamplus đưa tin dựa vào phát biểu của ông Luận).

Nói có sách mách có chứng, báo viết: “Lý giải về vấn đề này, ông Luận cho biết theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019.

Từ năm 2018, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu và tiến hành đồng thời ở cả ba cấp học. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là năm 2021. Vì thế, ít nhất đến năm 2021 mới có sự điều chỉnh tiếp theo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia”.

Lời nói của một ông bộ trưởng nay bị gió thổi bay, nhẹ tựa lông hồng!

Và đó là vấn đề của chính giới Việt Nam cần có lời hóa giải.

Ở các nước, bộ trưởng là một nghề của chính khách. Nói cách khác, bộ trưởng thường được người đứng đầu chính phủ mới chọn vào nội các vì các lý do chính trị, vì thế họ thường chịu nhiều ràng buộc về mặt đạo đức.

Chúng ta thường nghe bộ trưởng một bộ nào đó từ chức vì lái xe vi phạm luật giao thông hay vì một món quà vượt mức tình cảm nào đó. Đó là bởi họ là gương mặt đại diện cho cả chính phủ mới như một tập thể.

Thế ở các nước mà chính phủ thay như chong chóng, làm sao các bộ duy trì được công việc điều hành của mình? Ngoài ông bộ trưởng là chính khách được bổ nhiệm và phê chuẩn, các nhân vật còn lại trong bộ phải đóng vai trò người công chức, luôn tiếp nối các nguyên tắc của một nền hành chính chuyên nghiệp.

Họ sẽ tiếp tục tổ chức việc kiểm định chất lượng các trường đại học, phân bổ ngân sách cho các trường đại học công, tiếp nối việc triển khai chương trình giáo dục đã được thông qua... Có thay người đứng đầu, bộ máy bên dưới vẫn vận hành theo lộ trình đã định sẵn, không xáo động, không thay đổi.

Dĩ nhiên ông bộ trưởng vẫn có những sáng kiến, những chính sách ghi dấu ấn của ông, nhưng chúng sẽ được bàn bạc, thảo luận bởi bộ máy hành chính chuyên nghiệp kia để tích hợp vào chương trình chung, không gây xáo động.

Ở Việt Nam chúng ta chưa phân biệt được chính khách và công chức chuyên nghiệp, nên mọi việc có khả năng chạy như đèn cù.

Tập trung mọi cơ quan hành chính vào một tòa nhà, xong rồi nay lại muốn tách ra thành khu hành chính chứ không phải là trung tâm hành chính nữa. Mua ngân hàng không đồng để giải cứu các ngân hàng yếu kém, xong rồi lại tính chuyện bán chúng đi bằng cách đấu giá công khai. Ổn định kỳ thi “hai trong một” ít nhất năm năm, xong rồi lại tính chuyện cho địa phương tự tổ chức...

Ý định của người lãnh đạo mới có thể hoàn toàn tốt đẹp và phù hợp tình hình mới. Nhưng phải tính đến yếu tố bất ổn trong tâm lý học sinh, phụ huynh, ở lĩnh vực khác là nhà đầu tư tìm sự ổn định, là người dân không muốn tiền thuế của mình bị hoang phí một cách vô tội vạ.

Tính ổn định và kế thừa đó thật ra cũng là hình thái của những kế hoạch năm năm, mười năm chúng ta thường nghe đến.

Ví dụ khi đã có chủ trương ở cấp cao nhất là “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học” thì bộ máy chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT cứ theo đó mà vạch ra một lộ trình; ông bộ trưởng sẽ có những sáng kiến thúc đẩy lộ trình đó, sẽ gặp gỡ các trường để tháo gỡ khó khăn nếu có khi phải tự chủ...

Nếu làm được điều đó, ta mới không còn phải thót tim vì tin thay đổi cách tuyển sinh, tin di dời trung tâm hành chính của một thành phố hay tin kế hoạch công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020 giờ xem như không thực hiện được.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận