Công nhân: An cư thì lạc nghiệp

VŨ THỦY 25/02/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Không chỉ là lương, thưởng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tính đến cả việc lo liệu chỗ ở cho người lao động để có thêm lợi thế tuyển người.

Chị Hà Thị Huyền (bên trái) - 34 tuổi, quê Nghệ An, công nhân Công ty INCOMFISH, trong căn phòng trọ khang trang. Ảnh: VŨ THỦY

 

Nhận việc ngay nhờ có chỗ ở

Sau Tết, chị Ngô Ánh Tuyết (30 tuổi, quê Long An) lên TP.HCM tìm việc làm. Chị tới Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, quận Bình Tân nộp hồ sơ vài công ty. Chỉ trong ngày đầu tiên, chị đã đồng ý nhận việc tại một công ty chế biến thủy sản và chuẩn bị để đi làm ngay hôm sau.

“Ở Long An tôi cũng làm nhà máy nhưng lương ít hơn nên muốn lên thành phố tìm việc. Trên này tôi không có người thân nên khi nghe công ty giới thiệu có chỗ ở ngay dãy trọ mà công ty đã hợp đồng sẵn thì tôi đồng ý nhận việc luôn. Thu nhập ở công ty cũng khá ổn”, chị chia sẻ.

Dãy trọ mà chị Tuyết dọn vào ở do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại thủy sản (INCOMFISH), KCN Vĩnh Lộc “bao” phòng cho công nhân của công ty. 

“Tiền thuê phòng ở đây khá rẻ, chỉ 900.000 đồng/tháng. Công ty hỗ trợ tiền ở 15.000 đồng/ngày trên số ngày công nhân đi làm trong tháng. Nếu đi làm đầy đủ thì được hỗ trợ tiền trọ khoảng 400.000 đồng/tháng”, chị Tuyết cho biết. 

Ở đây, chị cũng không cần đóng tiền trọ ngay, nhà trọ sẽ chờ tới ngày công ty trả lương để thu tiền. 

“Giá phòng trọ ở thành phố giờ cũng phải 1,4-1,5 triệu đồng/tháng nếu có gác, rất khó tìm phòng có giá như ở đây. Chỗ ở công ty chọn cũng gần công ty, có thể đạp xe đi làm” - chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Công ty INCOMFISH đang ở trọ tại đây, cho biết. 

Khi đi xin việc tại công ty, được giới thiệu chỗ ở ngay và hỗ trợ tiền trọ, thấy khu trọ cũng thuận tiện đi lại, chị đồng ý nhận việc ngay.

Dãy phòng trọ gần 160 phòng nằm gần cụm công nghiệp tại xã Trung An, huyện Củ Chi của anh Lê Tường trống phân nửa sau khi thành phố dỡ phong tỏa. Đến cuối năm 2021, tình hình thuê trọ vẫn không khá hơn bao nhiêu. 

Nhưng may mắn, ngay trước Tết, Công ty TNHH Vietnam Samho đã đến đặt cọc giữ sẵn khoảng 70 phòng trọ cho đợt công nhân dự kiến tuyển sau Tết. 

Nằm sát Công ty Samho nên đây cũng là nơi nhiều công nhân Samho đang ở trọ vì “chỉ cần đi bộ chừng chục phút là tới công ty”.

Đặt cọc giữ phòng, tăng tiền hỗ trợ

Là người trực tiếp đi khảo sát và tìm phòng trọ cho công nhân, ông Nguyễn Thanh An – chủ tịch công đoàn Công ty Samho - cho biết đây là năm đầu tiên công ty có chính sách đi tìm phòng trọ, đặt cọc giữ chỗ sẵn để công nhân đến xin việc là có chỗ vào ở luôn.

“Khu trọ này là thuận tiện nhất cho công nhân công ty vì nằm sát công ty, giá cả phải chăng và chủ trọ rất có tâm. Mùa dịch người chủ trọ này hỗ trợ tiền trọ cho công nhân”, ông An chia sẻ về lý do “giữ chỗ” tại khu trọ này cho công nhân. Samho hiện đăng tuyển gần 2.000 lao động sau Tết.

“Công nhân mới từ quê lên, tiền bạc còn eo hẹp, việc tìm nhà trọ sẽ vất vả vì không rành đường. Nếu lo chỗ ở ngay, thuận tiện và điều kiện ở tốt hơn so với mặt bằng chung thì công ty sẽ có lợi thế hơn với các công ty khác cũng đang tuyển dụng bên cạnh. 

Tiền nhà trọ cũng tăng dần từ 100.000 lên 500.000 đồng/tháng”, ông An cho biết. Công ty này cũng có chính sách tiền thưởng cho công nhân mới trong thời gian đầu. 

Nếu làm duy trì được 3 tháng, 5 tháng, 7 tháng thì mỗi mốc đều được thưởng với số tiền tổng cộng khoảng 3 triệu đồng.

Chị Lâm Thị Yến (38 tuổi, quê Cà Mau), công nhân Công ty Samho, cho biết dãy trọ mà công ty giữ chỗ cho công nhân ở có giá thuê 1 triệu đồng/tháng.

 “Năm nay công ty tăng tiền hỗ trợ nhà ở. Tôi và cả chồng tôi đều làm ở đây nên mỗi tháng lãnh được 1 triệu đồng, xem như có chỗ ở miễn phí”, chị cho biết. 

Theo chị Yến, khu trọ này không chỉ sạch, thoáng, gần công ty mà còn rất an ninh. “Cửa ra vào cổng có khóa vân tay, dãy trọ lắp rất nhiều camera nên nhiều người để xe máy ở bên ngoài phòng được”.

Công ty INCOMFISH cũng giữ sẵn phòng trọ tại một khu trọ cách công ty vài trăm mét để giới thiệu công nhân mới đến ở. Khu trọ này được công ty “bao phòng” từ nhiều năm nay cho công nhân công ty. Sau đợt dịch, không ít công nhân về quê, những phòng trống tiếp tục được công ty giữ chỗ. 

“Tôi trước đây cũng là công nhân. Nhớ lần đầu lên thành phố xin việc, không biết đường đi nước bước nên phải xin ở ké các chị công nhân cũ, 8 người nhét một phòng chứ đâu có tìm được phòng ở ngay. Công ty tìm phòng sẵn giới thiệu vào ở thì vừa nhanh lại vừa có chỗ ở thuận tiện đi lại, vừa bảo đảm an toàn”, chị Lê Thị Thu Vân – chủ tịch công đoàn công ty, cho biết.

Tại Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức), công nhân mới cũng được hỗ trợ chỗ ở miễn phí ngay khi xin vào làm việc.

 Bà Trần Thị Hồng Vân, chủ tịch công đoàn Công ty Nissei, cho biết hiện họ có nhà lưu trú cho công nhân gần công ty với sức chứa hơn 1.500 chỗ (3 block với khoảng 280 phòng). Khi vào ở khu lưu trú công nhân vẫn nhận được 300.000 đồng hỗ trợ tiền nhà ở/tháng. 

“Trong đợt dịch vừa qua, điều kiện về nơi ở tập trung chính là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, đáp ứng yêu cầu “1 cung đường, 2 điểm đến”. Do đó tổ chức nơi ở tập trung cho người lao động, lựa chọn nơi ở có điều kiện tốt cho công nhân sinh sống là một chính sách tốt”, bà Vân nói.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, các giải pháp xây nhà lưu trú, nhà ở giá rẻ cho người lao động vốn đang gặp nhiều bế tắc, thành phố nên chuyển hướng tập trung cải thiện điều kiện sống ở các khu trọ cho người lao động.

“Số lượng nhà trọ ở TP.HCM đủ đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người lao động. Từ trước đến nay người lao động không ai kêu thiếu chỗ ở, không có chỗ ở, họ chỉ nói về chất lượng chỗ ở. Do đó giải bài toán chỗ ở cho người lao động khả thi nhất thời điểm hiện tại chính là cải thiện các khu trọ đã có. 

TP có chủ trương cho chủ nhà trọ vay vốn, sửa chữa nâng cấp thì người được hưởng lợi chính là người lao động. Tôi kiến nghị nên hỗ trợ cho chủ nhà trọ vay vốn không lãi suất để sửa chữa nhà trọ”, ông Lâm nói.

Tuy nhiên theo ông Lâm, còn một vướng mắc khác là các quy định về diện tích, giấy tờ nhà đất khiến nhiều nhà trọ hiện nay không thể xin được giấp phép sửa chữa, đành chấp nhận sửa chắp vá. “Nhiều khu trọ đã được xây cách đây 10-20 năm, mua bán giấy tờ tay… 

Do đó cần có sự linh hoạt để tháo gỡ khó khăn giúp các chủ nhà trọ được vay vốn, cấp phép sửa chữa. Nếu không người chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn chính là người lao động thuê trọ”, ông Lâm kiến nghị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận