Cột mốc 100 triệu dân: 100 triển vọng, 1.000 nỗi lo

D. KIM THOA 07/04/2023 05:10 GMT+7

TTCT - Cột mốc 100 triệu dân bao hàm nhiều cơ hội và thách thức. Làm thế nào để xây dựng chiến lược khai thác tiềm lực dân số và hoạch định giải pháp ứng phó với những thách thức phát sinh sẽ là các vấn đề lớn cần giải quyết.

Giao thông đông đúc trước thềm Giáng sinh 2022 ở Quezon, Metro Manila, Philippines. ẢNH: REUTERS

Giao thông đông đúc trước thềm Giáng sinh 2022 ở Quezon, Metro Manila, Philippines. ẢNH: REUTERS

Kinh nghiệm của hai quốc gia đi trước Việt Nam trong việc chạm mốc 100 triệu dân là Philippines (2014) và Ai Cập (2020), nhất là Philippines với 10 năm "kinh nghiệm", sẽ hé mở phần nào cho chúng ta những gợi ý về chính sách.

Không chỉ là số lượng

Ngày 27-7-2014, Philippines - nước đông dân thứ 12 thế giới khi đó, cũng là một trong những nước có tốc độ tăng dân số nhanh nhất châu Á - chào đón công dân thứ 100 triệu. Đó là bé gái tên Chonalyn, ra đời tại Bệnh viện Jose Fabella, thủ đô Manila.

Trong khi các nước như Trung Quốc và Nhật Bản đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, Philippines lại đang trên đà đạt đỉnh của tỉ lệ dân số trẻ. Báo Rappler dẫn dự báo của Liên Hiệp Quốc ước tính tới năm 2055, số người trong nhóm tuổi 15 - 24 của nước này sẽ chạm đỉnh, đạt khoảng 25,09 triệu, trong khi tỉ lệ những người phụ thuộc (bao gồm trẻ em từ 0 - 14 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên) sẽ tiếp tục giảm cho tới khi chạm đáy vào khoảng năm 2050.

Điều này có nghĩa Philippines sẽ ngày càng có nhiều nhân lực lao động hơn, có lượng người tiêu dùng đông đảo và số người đóng thuế cũng tăng - đây chính là các yếu tố nền tảng tốt cho một nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Philippines cũng được dự báo là nền kinh tế trẻ nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2050, nếu căn cứ vào tỉ lệ người trẻ trong tổng dân số nước này.

Giới đầu tư quốc tế rõ ràng cũng đã nhìn thấy tiềm năng phát triển từ những đặc điểm nhân khẩu học đó. Chẳng hạn, ngân hàng đầu tư quốc tế HSBC đã dự báo Philippines có thể là câu chuyện kinh tế thành công nhất trong hơn 30 năm nữa, bỏ qua hơn 27 quốc gia khác để trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới vào năm 2050. Biến số chính làm căn cứ cho dự báo lạc quan này chính là nhóm dân số trẻ và có kỹ năng làm việc của Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn nữa trong vài thập niên tới.

Anh Clemente Sentino Jr, 45 tuổi, và chị Dailin Cabigayan, 27 tuổi đang ôm bé gái mới chào đời của anh chị, cũng là em bé được ghi nhận sinh vào thời điểm đánh dấu cột mốc 100 triệu dân của Philippines năm 2014. Ảnh: Ritchie B. Tongo/EPA/Landov

Anh Clemente Sentino Jr, 45 tuổi, và chị Dailin Cabigayan, 27 tuổi đang ôm bé gái mới chào đời của anh chị, cũng là em bé được ghi nhận sinh vào thời điểm đánh dấu cột mốc 100 triệu dân của Philippines năm 2014. Ảnh: Ritchie B. Tongo/EPA/Landov

Tiềm năng là vậy, nhưng quả đúng như những gì ông Klaus Beck - đại diện quốc gia của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Philippines - đã nhấn mạnh vào thời điểm Philippines đạt mốc 100 triệu dân, số lượng chưa phải là tất cả: "Vấn đề dân số là trọng yếu với nhân loại. Nhưng điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là dân số không chỉ là vấn đề số lượng, mà còn là quyền con người và các cơ hội".

Cũng theo ông Beck: "Số dân 100 triệu của Philippines mang lại cơ hội cho tất cả đối tác và các bên liên quan, làm sao để có những đầu tư đúng đắn vào con người lúc này để chúng ta có thể chuẩn bị nền tảng cho những thành phố thịnh vượng và bền vững, các lực lượng lao động năng suất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình đẳng, những người trẻ đóng góp cho sự hạnh phúc thịnh vượng của các nền kinh tế và các xã hội, cũng như một thế hệ những người cao tuổi khỏe mạnh và tích cực tham gia các vấn đề kinh tế, xã hội trong cộng đồng của họ".

"Chúng tôi đang đối mặt với thách thức phải cung ứng đủ cho tất cả 100 triệu người Philippines" - ông Juan Antonio Perez III, giám đốc điều hành Ủy ban Dân số Philippines, vào năm 2014 đã thừa nhận với Hãng tin AP. Lúc đó, khoảng 54% dân số Philippines ở độ tuổi dưới 25, áp lực phải tạo đủ cơ hội về giáo dục, việc làm và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ này là không hề nhỏ.

Thực tế, để đảm bảo cuộc sống, hàng triệu người dân Philippines đã phải xuất khẩu lao động trong nhiều ngành nghề. Họ trở thành các nhân viên chăm sóc y tế, công nhân xây dựng, người giúp việc… ở các nước và khu vực như Saudi Arabia (khoảng 650.000 người), Hong Kong, châu Âu và Bắc Mỹ… Hiện nay nguồn thu của họ gửi về nước đã đóng góp khoảng 9% cho GDP của Philippines.

Không lâu sau cột mốc 100 triệu dân, Philippines được WB ghi nhận có nhiều thành quả quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo: tỉ lệ nghèo từ mức 49,2% năm 1985 giảm còn 16,7% năm 2018. Tính tới năm 2018, tầng lớp trung lưu đã chiếm tới gần 12 triệu người và số người dân có kinh tế ổn định cũng đã tăng lên 44 triệu. Đây là kết quả của việc có chính sách hỗ trợ việc làm và người lao động, nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục, thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn và tăng cường chính sách giảm bất bình đẳng, tạo thêm cơ hội cho người dân cải thiện đời sống. Philippines đặt mục tiêu trở thành xã hội trung lưu không còn người nghèo vào năm 2040.

100 triệu nỗi lo…

Quốc gia vừa "cán mốc" 100 triệu dân cách đây ba năm là Ai Cập. Ngày 11-2-2020, tại ngôi làng Wasilah, tỉnh Minya ở bờ tây sông Nile, cách thủ đô Cairo khoảng 240km về phía nam, bé gái Yasmine Rabei đã trở thành công dân thứ 100 triệu ở xứ sở của các kim tự tháp.

Sự ra đời của Yasmine Rabei chắc chắn là niềm vui lớn của gia đình, nhưng với Chính phủ Ai Cập, cột mốc 100 triệu dân đến với rất nhiều âu lo. Tại một hội nghị năm 2017, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã so sánh việc tăng dân số quá nhanh (hơn 40 lần so với dân số của 200 năm trước, theo Cơ quan thống kê dân số Ai Cập) cũng nguy hiểm ngang với khủng bố, tức ông coi nó như một nguy cơ với an ninh quốc gia.

Năm 2019, Ai Cập đã từng hợp tác với Liên Hiệp Quốc phát động chiến dịch "chỉ hai là đủ" để nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con ít hơn, nhưng đà tăng vẫn tiếp tục. Trang Middle East Eye dẫn số liệu dự báo chính thức của Ai Cập cho biết dân số nước này sẽ đạt khoảng 145 triệu người vào năm 2030 và dự báo sẽ là 200 triệu vào một thời điểm nào đó trong những năm 2050. Trong khi đó, báo cáo công bố năm 2019 của Liên Hiệp Quốc cho biết trong vòng 30 năm tới, cùng với 7 quốc gia khác, Ai Cập sẽ đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng dân số dự báo toàn cầu.

Thủ đô Cairo của Ai Cập, nơi tập trung khoảng 20 triệu trong tổng số hơn 100 triệu dân nước này sinh sống.  Ảnh: Mohamed El-Shahed/Getty Images

Thủ đô Cairo của Ai Cập, nơi tập trung khoảng 20 triệu trong tổng số hơn 100 triệu dân nước này sinh sống. Ảnh: Mohamed El-Shahed/Getty Images

Không ngạc nhiên khi tờ The Times (Anh) bảo rằng với việc chạm mốc 100 triệu dân, Ai Cập có cả 100 triệu nỗi lo khi tỉ suất sinh cứ tăng cao nhưng các nguồn lực, nguồn tài nguyên lại đang thu hẹp. Như bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Ai Cập vào năm 2020, bà Hala el-Said, từng nói: "Vấn đề dân số là một trong những thách thức lớn nhất mà đất nước đang đối mặt". Tương tự, ông Khairat Barakat, người đứng đầu Cơ quan dân số và thống kê Ai Cập, lo lắng bình luận với tờ The Times: "Không dự án phát triển hay kinh tế nào có thể tồn tại với sự tăng nhanh chóng này".

Nỗi lo của Chính phủ Ai Cập là có thể hiểu khi nhìn vào một nền kinh tế đang yếu và căng thẳng về các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn nước. Có tới 97 triệu trong số 100 triệu cư dân nước này đang dồn tụ sinh sống ở các khu vực quanh sông Nile - nơi khởi nguồn nền văn minh của họ nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 8% tổng diện tích lục địa. Mật độ dân cư dày đặc đó kéo theo hệ lụy là những thung lũng và đồng bằng bị lấn chiếm, sông Nile bị chặn dòng, ô nhiễm, lạm dụng cho tưới tiêu, khu vực cửa sông bị nhiễm mặn….

Báo cáo năm 2018 của Liên Hiệp Quốc về tình hình sử dụng nước trên toàn thế giới đã xếp Ai Cập vào diện "nghèo tài nguyên" khi đang sử dụng nhiều hơn 7 tỉ mét khối nước so với khả năng mà sông Nile và hệ thống nước ngầm có thể tái tạo mỗi năm. Nguồn cung nước trung bình mỗi người ở đây đã giảm xuống dưới mức 1.000 mét khối/năm - mức "khan hiếm nước". 

Và nay, với dân số đã hơn 100 triệu người, mức trung bình này đã giảm xuống dưới 600 mét khối/năm và sẽ còn giảm tiếp xuống dưới 500, tức là mức "vô cùng khan hiếm nước". Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang khiến cho thời tiết ở đây nóng và khô hơn. Chưa kể một đập thủy điện lớn của Ethiopia xây dựng phía trên thượng nguồn sông Nile được cho là sẽ khiến tình trạng khan hiếm nước của Ai Cập thêm căng thẳng. Hai quốc gia đã xung đột vì vấn đề này.

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, với cơ cấu dân số khoảng 6/10 là người dưới 29 tuổi, khi dân số đang tăng với tốc độ khoảng 2,5 triệu người mỗi năm, việc tạo thêm không gian mới cho nhà cửa, trường học và bệnh viện sẽ là vấn đề cần ưu tiên của Chính phủ Ai Cập. 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất sẽ là việc làm khi mà theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lực lượng lao động của Ai Cập trong khoảng 7 năm tới sẽ là 80 triệu người. Để tạo đủ công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế hằng năm cần phải ở mức cao gấp ba tỉ lệ tăng trưởng dân số, theo bà Radwa El-Swaify, chuyên gia phụ trách nghiên cứu tại Công ty tài chính Pharos ở Cairo, nhận định với Reuters. Thế nhưng, "tỉ lệ mong muốn" này còn khá xa nữa mới đạt được ở Ai Cập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận